Dược liệu Xạ Can
- Tên khoa học: Rhizoma Belamcandae
- Tên gọi khác: rẻ quạt, lưỡi dòng
- Tính vị, quy kinh: vị đắng, tính cay có độc, qui kinh phế và can
- Bộ phận dùng: thân rễ
- Đặc điểm sản phẩm: Đoạn thân rễ màu vàng nâu nhạt đến nâu, có những gân ngang vết tích của nơi đính lá, còn sót lại những rễ ngắn, nhiều nốt sần nhỏ là vết tích của rễ con, hay những phiến có dạng hình trái xoan hay tròn, dài 1 – 5 cm, rộng 1 – 2 cm, dày 0,3 – 1 cm, mép lồi lõm không đều, màu vàng nâu nhạt đến vàng nâu. Mùi thơm nhẹ, vị đắng, hơi cay.
- Phân bố vùng miền:
– Thế giới: Ấn Độ, Triều Tiên, phía nam của Nhật Bản, Đông Nam Trung Quốc, Indonesia, Philippin, Thái Lan, Campuchia, Lào
– Việt Nam: mọc hoang ở Thanh Hóa, Lạng Sơn, Quảng Ninh - Thời gian thu hoạch: mùa xuân hoặc cuối thu
Mô Tả Xạ Can
Xạ can còn gọi là cây Rẽ quạt, Biển trúc là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Rẽ quạt (Belamcanda sinensis (L) DC. ) thuộc họ Lay ơn (Iridaceae), có mọc khắp nơi ở nước ta.
Đặc điểm bột dược liệu Xạ Can
Bột thân rễ màu vàng, không mùi, vị đắng, hơi cay. Thành phần gồm: mảnh bần, tế bào hình chữ nhật, vách dày, màu nâu; mảnh mô mềm, tế bào tròn chứa hạt tinh bột; hạt tinh bột nhỏ, hình tròn hay hình xoan, đường kính 5-17 µm, không rõ vân, riêng lẻ hay thành đám gồm 4-7 hạt đơn; tinh thể calci oxalat hình kim rất lớn nguyên hay bị đứt gãy, dài 130-160 μm, rộng 12-25 μm; mảnh mạch vạch; khối chất nhựa màu đỏ nâu.
Phân bố, sinh học và sinh thái Xạ Can
Cây ưa sáng và có khả năng chịu hạn tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh trong mùa mưa ẩm (ở miền Nam) và mùa xuân hè (ở các tỉnh phía Bắc). Cây trồng trên 1 năm tuổi mới có khả năng ra hoa quả. Xạ can có sức sống dai, tái sinh dinh dưỡng khỏe từ các phần của thân rễ và từ hạt.
Đặc điểm khác Xạ Can
Cỏ đa niên có căn hành. Lá song đính, dẹp như gươm, dài 30 cm, rộng 1,5-2 cm. Phát hoa thưa, trong một mặt phẳng, hoa vàng có đốm đỏ; cánh hoa hơi to hơn lá đài; tiểu nhụy 3, nang dài 2,5 cm, có sọc ngang, nở làm 3 mảnh; hột lam đen, láng.
Bộ phận dùng Xạ Can
Thân rễ (Rhizoma Belamcandae) – Thân rễ màu vàng nâu nhạt đến nâu, có những gân ngang là vết tích của lá, còn sót lại những rễ ngắn, nhiều nốt sần nhỏ là vết tích của rễ con, dài 3-10 cm, đường kính 1-2 cm, hay những phiến có dạng hình trái xoan hay tròn, dài 1-5 cm, rộng 1-2 cm, dày 0,3-1 cm, mép lồi lõm không đều, màu vàng nâu nhạt đến vàng nâu. Mặt cắt ngang nhẵn, màu trắng ngà hay vàng nhạt, nhìn rõ hai phần: phần ngoài màu sẫm, phía trong nhạt hơn, có nhiều điểm nhỏ của các bó libe gỗ. Phiến cắt dọc có vỏ ngoài màu nâu sẫm, mặt cắt có sợi dọc. Mùi thơm nhẹ, vị đắng, hơi cay.
Thu hái và chế biến Xạ Can
Thu hoạch vào đầu mùa xuân, khi cây mới nảy mầm hoặc cuối thu, khi lá khô héo, đào lấy thân rễ, loại bỏ rễ con và tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát phơi khô. để nguyên hay được cắt thành phiến mỏng đã phơi hay sấy khô.
Thành phần hóa học Xạ Can
Thân rễ chứa tectorigenin (có tác dụng ức chế dị ứng), irigenin, tectoridin, iridin, 5, 3-dihydroxy-4’,5’-dimethoxy-6,7-methylendioxyisoflavon, dimethyltectorigenin, irisfloretin, muningin, các iristectorigenin A và B,…
Tác dụng dược lý – Công dụng Xạ Can
Trong thí nghiệm in vitro, cao cồn thân rễ có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn: liên cầu tan máu, trực khuẩn ho gà. Bacillus subtilis và có tác dụng yếu đối với tụ cầu vàng, Shigella dysenteriae. Thanh nhiệt giải độc, hoá đàm bình suyễn. Trị họng sưng đau, ho đờm, suyễn tức. Ngày dùng 3-6 g, dạng thuốc sắc hoặc bột; làm viên ngậm, uống. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Tác dụng dược lý Xạ Can
A.Theo Y học cổ truyền:
Xạ can có tác dụng: thanh nhiệt giải độc, khu đờm lợi yết, trị các chứng hầu họng sưng đau, đàm thịnh ho suyễn.
Các sách cổ ghi:
- Sách Bổn kinh: ” Chủ khái huyết thượng khí, hầu tý yết thống khó thở. Tán kết khí, phúc trung tà nghịch, ẩm thực đại nhiệt”.
- Sách Danh y biệt lục: ” trị huyết cũ ( huyết ứ) tại tâm tỳ, ho, mồm hôi, tán nhiệt khí trong ngực”.
- Sách Dược tính bản thảo: ” trị hầu tý thủy tương bất nhập thông nữ nhân nguyệt bế, trị chủ khí ( mệt mỏi), tiêu ứ huyết”.
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: “tiêu đàm, phá trưng kết, hung cách mãn, phúc trướng, khí suyễn khai vị hạ thực, tiêu thủng độc, trấn can minh mục”.
- Sách Bản thảo cương mục: ” giáng thực hỏa, lợi đại trường, trị ngược mẫu”.
B.Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
Thuốc có tác dụng chống nấm ngoài da và chống virut đường hô hấp.
Ứng dụng lâm sàng:
1- Trị viêm đường hô hấp trên cổ sưng đau: có thể dùng độc vị hoặc phối hợp thêm các vị thuốc nhuận phế hóa đàm lợi yết như: Hoàng cầm, Cát cánh, Cam thảo, Khoản đông hoa.
- Xạ can 6 – 16g, sắc uống, ngoài dùng Xạ can tươi giã nát đắp ở cổ trị viêm họng cấp.
- Xạ can, Hoàng cầm, Cát cánh mỗi thứ 12g, Cam thảo 8g, sắc nước uống.
2- Trị viêm phế quản thể hen hoặc hen phế quản: thuốc có tác dụng hóa đàm bình suyễn.
- Xạ can Ma hoàng thang (Kim quỷ yếu lược): Xạ can, Ma hoàng mỗi thứ 8g, Khoản đông hoa 12g, Tử uyển 12g, Khương bán hạn 8g, Tế tân 4g, Ngũ vị tử 6g, Gừng tươi 3 lát, Đại táo 3 quả sắc nước uống. Trị hen thể hàn tốt.
3- Trị Chyluria (chứng đái đục): Mỗi ngày dùng Xạ can 15g, sắc nước uống gia đường vừa đủ chia 3 lần uống hoặc làm thành viên uống 10 ngày là 1 liệu trình. Trường hợp bệnh đã lâu gia Xuyên khung 9g, Xích thược 12g, nước tiểu có máu gia Sinh địa, Tiên hạc thảo mỗi thứ 15g. Tác giả đã trị 104 ca, tỷ lệ khỏi 90,4% (Tạp chí Trung y 1981,5:364). Một tác giả khác, Tống kiến Hoa dùng Xạ can mỗi ngày 12, 15, 20, 25g, sắc nước chia 3 lần uống. Trị 87 ca, kết quả khỏi 85,1% (Tạp chí Trung y 1986,11:66).
- Liều thường dùng: 6 – 10g.
Ghi chú: Theo tài liệu của Giáo sư Đỗ tất Lợi: ” Xạ can được coi là vị thuốc chữa sốt, đại tiểu tiện không thông, sưng vú, tắt tia sữa, chữa kinh nguyệt đau, thuốc lọc máu. Có nơi dùng chữa rắn cắn: nhai nuốt lấy nước, bã đắp lên nơi rắn cắn”.