Dược liệu Cây Bách Bệnh
- Tên khoa học: Eurycoma longifolia
- Tên gọi khác: Lồng bẹt, bá bịnh, bá bệnh, mật nhơn, mật nhân, tho nan (Tày).
- Tính vị, quy kinh: vị đắng, tính mát.
- Bộ phận dùng: Vỏ thân, rễ, lá phơi hoặc sấy khô.
- Đặc điểm sản phẩm:
- Phân bố vùng miền:
Thế giới: Myanmar, Thái Lan, Malaysia, đảo Sumatra, Borneo (Indonesia), Philippin, Nam Trung Quốc, Ấn Độ
Việt Nam: Tây Nguyên và miền Trung - Thời gian thu hoạch: thu hái rễ quanh năm
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật cây Bách Bệnh
Cây nhỡ, cao 2 – 8 m, ít phân cành. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 21 – 25 lá chét không cuống, mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên xanh sẫm bóng, mặt dưới có có lông màu trắng xám; cuống lá kép màu nâu đỏ.
Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm kép hoặc chùy rộng, cuống có lông màu gỉ sắt; hoa màu đỏ nâu; đài hoa chia thành 5 thùy hình tam giác có tuvến ở lưng; tràng hoa 5 cánh hình thoi cũng có tuyến; nhị 5 có lông dày và hai vảy ở gốc; bầu có 5 noãn, hơi dính nhau ở gốc, đầu nhuỵ rời.
Quả hạch, hình trứng, nhẵn, có rãnh dọc, khi chín màu vàng đỏ, chứa một hạt.
2. Phân bố
- Thế giới: Myanmar, Thái Lan, Malaysia, đảo Sumatra, Borneo (Indonesia), Philippin, Nam Trung Quốc, Ấn Độ
- Việt Nam: Tây Nguyên và miền Trung
3. Bộ phận dùng
Vỏ thân, rễ, lá phơi hoặc sấy khô.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: thu hái rễ quanh năm
- Chế biến: Vỏ phơi khô tán nhỏ, ngâm rượu hay làm thành viên uống
- Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát
5. Mô tả cây dược liệu Bách Bệnh
Mật nhân, còn gọi là bá bệnh, bách bệnh, mật nhơn, bá bịnh là loại cây có hoa thuộc họ Simaroubaceae, loài bản địa ở Malaysia, Indonesia, phân bố ít hơn ở Thái Lan, Việt Nam, Lào và Ấn Độ.
6. Thành phần hóa học trong Bách bệnh
Trong vỏ và gỗ bách bệnh người ta đã chiết được các chất sau;
- Các hợp chất quassinoid: eurycomalacton, 6-α-hydroxyeurycomalacton, longilacton, 5, 6-dehydro-eurycomalacton, 14, 15-β-dihydroxyklaineanon, 11-dehydroklaineanon, các quassinoid có tác dụng diệt vi trùng sốt rét Plasmodium falcifarum đã kháng thuốc.
- Các hợp chất triterpen loại lirucalan: niloticin, dihydroniloticin, piscidinol A, bourjotinolon A, episapelin A, melianon và hyspidron.
- Từ rễ đã phân lập được 3 quassinoid: eurycoinanol, eurycomanol 2-O-β-D-glucopyranosid và 13β, 18-dihydroeurycomanol.
- Các alkaloid loại canthin-6-on được phân lập từ vỏ và gỗ: 9, 10-dimethoxycanthin-6-on, 10-hydroxy-9-methoxy-canthin-6-on, 11 hydroxy-10-methoxy- canthin-6-on, 5, 9-dimethoxycanthin-6-on và 9-methoxy-3 methyl-canthin-5, 6 – dion.
- Ngoài ra còn có các alkaloid carbolin.
- Từ vỏ cây bách bệnh ở miền Đông Nam Bộ Việt Nam đã xác định được thành phần hai chất đắng euricomalacton và 2. 6 dimethoxybenzoquinon.
- Ngoài ra, còn campestrol, và β-sitosterol.
7. Phân biệt thật giả
…
8. Công dụng – Tác dụng Bách Bệnh
Tác dụng: Bách Bệnh
- Cao chiết từ bách bệnh có tác dụng kháng ký sinh trùng sốt rét trong thử nghiệm nuôi cấy in vitro.
- Bách bệnh có tác dụng tăng dục, có mối tương quan giữa hoạt tính kích thích sinh dục nam và lượng nội tiết tố sinh dục nam trong huyết thanh, thân và rễ bách bệnh làm tăng lượng testosteron trong huyết thanh động vật, rễ làm tăng testosteron nhiều hơn thân cây.
Công dụng: Bách Bệnh
- Vỏ thân bách bệnh được dùng chữa các trường hợp ăn uống không tiêu, nôn mửa, đầy bụng tiêu chảy, gần như vị hậu phác, còn dùng chữa sốt rét, giải độc do uống nhiều rượu và chữa lưng đau mỏi do thấp, vỏ phơi khô tán bột, ngâm rượu hay làm thành viên, hoặc sắc uống.
- Quả chữa lỵ. Rễ chữa ngộ độc và tẩy giun. Lá nấu nước tăm chữa lở ghẻ.
9. Cách dùng và liều dùng Bách Bệnh
Ngày dùng 6 – 12g.
10. Lưu ý, kiêng kị
Phụ nữ có thai không nên dùng.
11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Bách Bệnh
- Ôn kinh trợ dương điều khí thang, chữa bại liệt nửa người bên phải, do dưỡng khí suy, phong tê, mình lạnh tê dại:
Bách bệnh 4g, rễ đinh lăng 10g, xấu hổ sao 8g, dây đau xương 8g, đậu chiều sao 8g, dây trâu cổ 8g, cây thần sa 6g, bạch hồ tiêu (quả chín phơi khô, sát bỏ vỏ ngoài) 5g, quế chi 5g, gừng sống 3g. sắc nước uống.
- Tư bô âm huyết thang, chữa âm huyết suy kém, tê bại nửa người bên phải, nóng đau:
Bách bệnh 6g, đậu đen 12g, hà thủ ô đỏ 10g, dây gùi 8g, huyết rồng 8g, rau muống biển 8g, rễ nhàu 8g, rễ ô môi 8g, rễ cỏ xước 8g, tang chi 8g, dây ký ninh 2g. Sắc nước uống.
- Bách ứng tiêu hạ tán, chữa đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi chướng bụng:
Bách bệnh 50g, vỏ quýt 100g, hoắc hương 100g, bồ bồ 100g, dây mơ 100g, dây rơm 100g, cam thảo nam 100g, hậu phác 100g, củ sả 50g, củ gấu 50g, tiêu lốt 50g.
Các vị tán nhỏ, ngày uống 12g (người lớn), trẻ em tùy theo tuổi mà quy định liều dùng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006