Dược liệu: Đại Hoàng
- Tên khoa học: Rhizoma Rhei.
- Tên gọi khác:
- Tính vị, quy kinh: Vị đắng, tính hàn. Vào các kinh tỳ, vị, đại tràng, can, tâm bào.
- Bộ phận dùng: Thân rễ đã cạo vỏ để nguyên hay thái thành lát phơi hay sấy khô của các loài Đại hoàng.
- Đặc điểm sản phẩm: Dược liệu là thân rễ hình trụ, hình nón, dạng cầu hay méo mó không đều. Thân rễ có mặt ngoài màu nâu vàng hay nâu đỏ, đôi khi có những đám đen nhạt. Vết bẻ màu đỏ cam, có hạt lổn nhổn. Dạng phiến có màu vàng nâu có thể có những sọ đen, mềm, sờ hơi dính tay. Mùi đặc trưng, vị đắng và chát.
- Phân bố vùng miền: nguồn gốc ở Trung Quốc, nước ta còn phải nhập của Trung quốc.
- Thời gian thu hoạch: vào cuối mùa thu, khi lá khô héo hoặc mùa xuân năm sau, trước khi cây nảy mầm.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT: ĐẠI HOÀNG
1. Mô tả thực vật
Cây thuộc thảo lớn, sống dai nhờ thân rễ to. Lá mọc thành cụm từ thân rễ, có kích thước lớn, có cuống dài, có bẹ chìa, phiến lá hình tim rộng 30 – 40cm, phân thành 5 đến 7 thùy chính, các thùy này cũng có thể phân lần thứ hai hoặc đôi khi lần thứ ba. Lá của Rheum palmatum thì có những thùy sâu hơn R.officinale. Gân lá nổi mặt dưới, thường màu đỏ nhạt. Từ năm thứ 3 -4 thì xuất hiện 1 thân mọc lên cao 1 -2m mang một số lá nhỏ. Phần ngọn thân là chùm hoa hình chùy mang nhiều hoa. Bao hoa gồm 6 bộ phận màu trắng, xanh nhạt, hoặc đỏ nhạt, 9 nhị. Quả đóng 3 góc.
2. Phân bố:
- Thế giới: Cây nguồn gốc ở Trung quốc được dùng từ lâu đời và dần dần thâm nhập vào châu Âu. Ở Trung quốc cây mọc hoang hoặc trồng ở Cam túc, Thanh hải, Tứ xuyên. Đại hoàng mọc ở tỉnh Tứ xuyên được chuộng và được gọi là xuyên đại hoàng. Hiện nay đại hoàng cũng đã được di nhập trồng ở nhiều nước: Hà lan, Pháp, Mỹ, Nhật, Liên xô cũ. Ta còn phải nhập của Trung quốc.
3. Bộ phận dùng:
Thân rễ đã cạo vỏ để nguyên hay thái thành phiến phơi hay sấy khô.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Thu hoạch vào cuối mùa thu, khi lá khô héo hoặc mùa xuân năm sau, trước khi cây nảy mầm. Đào lấy thân rễ, loại bỏ rễ tua nhỏ, cạo vỏ ngoài, thái lát hoặc cắt đoạn, xuyên dây thành chuỗi, phơi khô.
- Chế biến:
Đại hoàng: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày phơi âm can nơi thoáng mát.
Tửu Đại hoàng (Đại hoàng tẩm rượu): Lấy Đại hoàng phiến, dùng rượu phun ẩm đều, ủ qua, cho vào nồi đun nhỏ lửa, sao hơi se, lấy ra, phơi chỗ mát cho khô. Cứ 100kg Đại hoàng phiến, dùng 10 lít rượu.
Thục đại hoàng: Đại hoàng cắt thành miếng nhỏ, trộn đều rượu cho vào thùng đậy kín, đặt vào nồi nước nấu cách thủy cho chín lấy ra phơi khô. Cứ 100kg Đại hoàng cần 30 lít rượu.
Đại hoàng thán: Cho phiến Đại hoàng vào nồi, sao to lửa đến khi mặt ngoài màu đen xám, bên trong màu nâu sẫm, nhưng vẫn còn hương vị Đại hoàng.
- Bảo quản: Để nơi khô, thoáng, tránh ẩm, mốc, mọt, biến màu.
5. Mô tả dược liệu: Đại Hoàng
Dược liệu Đại Hoàng là phần thân rễ hình trụ, hình nón, dạng cầu hay méo mó không đều, dài 3-17cm, đường kính 3 – 10cm hay những phiến mỏng, bề rộng có thể tới 10cm hay hơn. Thân rễ có mặt ngoài màu nâu vàng hay nâu đỏ, đôi khi có những đám đen nhạt. Vết bẻ màu đỏ cam, có hạt lổn nhổn. Dạng phiến có màu vàng nâu có thể có thể có những sọc đen, mềm, sờ hơi dính tay. Mùi đặc trưng, vị đắng và chát.
6. Thành phần hóa học:
Thành phần hoạt chất trong đại hoàng chủ yếu là những dẫn chất anthranoid, hàm lượng trong đại hoàng Trung quốc: 3 – 5%, tồn tại dưới các dạng khác nhau:
- Anthraquinon tự do. Tỉ lệ khoảng 0,10 – 0,20% theo dược liệu khô và gồm có: chrysophanol, emodin, physcion, aloe emodin và rhein (công thức, xem phần đại cương).
- Các glucosid của anthraquinon. Chiếm khoảng 60 – 70% của toàn phần hoạt chất và gồm các glucosid của các aglycon nói ở trên.
- Các glucosid của các anthranol và anthron tương ứng với những aglycon nói trên. Những dẫn chất này dễ bị oxy hóa thành các dẫn chất anthraquinon và chỉ tồn tại trong dược liệu tươi về mùa đông (về mùa hè chủ yếu là các dẫn chất ở dạng oxy hóa) do đó thu hoạch tốt nhất về mùa thu.
- Các dẫn chất dimer dianthron tồn tại trong cây dưới dạng mono và diglucosid. Người ta gặp lại sennidin A, B, C như trong phan tả diệp.
- Các heterodianthron carboxylic như rheidin A, B, C, các heterodianthron không có nhóm carboxyl như palmidin A (= heterodianthron của emodin và aloe emodin), palmidin B (= heterodianthron của aloe emodin và chrysophanol) và palmidin C (= heterodianthron của rheum emodin và chrysophanol).
- Trong đại hoàng còn có deshydrodianthron như dirhein.
Thành phần thứ hai đáng chú ý là tanin (khoảng 5% – 12%) chủ yếu thuộc nhóm pyrocatechic và một phần thuộc nhóm pyrogallic. Các chất này dễ tan trong cồn. Ngoài ra trong đại hoàng còn có nhiều chất vô cơ (nhiều calci oxalat). Tinh bột, pectin; một chất nhựa ít được nghiên cứu cũng có tác dụng tẩy xổ.
7. Công dụng – Tác dụng: Đại Hoàng
- Thanh trường thông tiện, tả hỏa giải độc, trục ứ thông kinh: Táo bón do thực nhiệt, đau bụng, hoàng đản, bế kinh, chấn thương tụ máu, chảy máu cam, nhọt độc sưng đau.
- Tửu đại hoàng: Thanh thượng tiêu. Chủ trị: Thượng tiêu nhiệt độc mắt đỏ, họng sưng, lợi răng sưng đau.
- Thục đại hoàng: Tả hỏa giải độc. Chủ trị: Mụn nhọt, hỏa độc.
- Đại hoàng thán: Lương huyết, chỉ huyết. Chủ trị: Huyết nhiệt, chứng xuất huyết có ứ (do tụ máu).
8. Cách dùng và liều dùng: Đại Hoàng
- Nhuận tràng, tẩy xổ: Ngày dùng 3 – 12g.
- Dùng tả hạ không nên sắc lâu.
- Dùng ngoài: Lượng thích hợp, tán bột trộn giấm để bôi, đắp nơi đau.
9. Lưu ý, kiêng kị:
- Không có uất nhiệt tích đọng thì không nên dùng.
- Phụ nữ có thai không được dùng.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Đại Hoàng
Trị thận suy mạn tính:
Bệnh viện Thủ đô Bắc kinh báo cáo: dùng Đại hoàng 30 – 60g (nếu cho sao dùng 20g), Mẫu lệ nung 30g, Bồ công anh 20g, sắc còn 600 – 800ml, thụt lưu đại tràng, mỗi ngày 1 lần, bệnh nặng 2 lần, giữ bệnh nhân mỗi ngày tiêu 3 – 4 lần là được.
Kết quả trong 20 ca, tổ A 10 ca (creatinin 10mg%), triệu chứng cải thiện, urê giảm kết quả rõ. Tổ B (creatinin 10 – 15mg%) 6 ca kết quả kém. Tổ C (creatinin 15mg%) 4 ca, kết quả kém hơn ( Tất tăng Kỳ, Tạp chí Trung y 1981,9:21).
Trị xuất huyết tiêu hóa trên:
Dùng bột (viên hoặc sirô) Đại hoàng trị 890 ca xuất huyết tiêu hóa trên ( không bao gồm xuất huyết do xơ gan), mỗi lần uống 3g, ngày 3 lần, kiểm tra phân âm tính hoặc dương tính nhẹ mới thôi uống. Trong thời gian điều trị không dùng các loại thuốc cầm máu khác. Chảy máu nhiều truyền máu hoặc glucoz.
Kết quả trong 890 ca có 868 ca máu cầm tỷ lệ 97%. Bình quân thời gian cầm máu là 2 ngày, bình quân lượng Đại hoàng dùng cho mỗi bệnh nhân 18g (Tiêu Đông Hải, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1982,2:85).
Trị viêm tụy cấp:
Tác giả dùng Sinh Đại hoàng sắc, mỗi lần 30 – 60g, 1 – 2 giờ uống 1 lần cho đến khi bụng giảm đau, amylase nước tiểu bình thường, bạch cầu giảm thì giảm liều. Đã trị 100 ca, trừ các chứng nặng đều không dùng hạ áp lực dạ dày ruột, không nhịn ăn, một số ít bệnh nhân truyền dịch hoặc dùng thêm trụ sinh. Sau khi bệnh ổn định tiếp tục dùng viên Đại hoàng, mỗi lần 3 g, ngày 2 lần để cũng cố.
Kết quả: toàn bộ bệnh nhân đều có kết quả, bình quân sau 2 ngày, amylase nước tiểu bình thường, sau 3 ngày bụng hết đau và triệu chứng bệnh lý ở bụng hết, sau 5 ngày, thử nghiệm SGPT hồi phục bình thường. Bình quân mỗi bệnh nhân dùng 450g Đại hoàng ( Tạp chí Trung tây y kết hợp 1982,2:85).
Trị viêm ruột hoại tử xuất huyết:
Tác giả dùng thuốc sắc Đại hoàng sống kết hợp truyền dịch cân bằng nước điện giả trị 14 ca. Người lớn mỗi lần uống Đại hoàng sống sắc 24 – 30g, mỗi ngày 2 – 3 lần. Trừ 2 ca không khỏi, còn lại đều tốt. Thường sau 2 – 6 lần uống thuốc, bụng đau giảm rõ, triệu chứng nhiễm độc được cải thiện, phân máu mũi chuyển thành phân lỏng ( Chu Kiến Nghi, Tạp chí Trung y dược Phúc kiến 1985,1:36).
Trị tai biến mạch máu não:
Bệnh viện Trung y Thành phố Tôn nghĩa trị 72 ca tai biến mạch máu não (não xuất huyết 11 ca, nhũn não 61 ca có các triệu chứng bình quân 4 ngày không đại tiện, rêu lưỡi vàng nhớt hoặc khô. Dùng Đại hoàng 12g, Mang tiêu 10g (hòa uống), Chỉ thực ( hoặc Hậu phác 9g, Cam thảo 6g, sắc còn 200ml chia 2 lần uống, mỗi 2 giờ 1 lần, hôn mê gia An cung Ngưu hoàng hoàn 1 – 2 hạt. Thông thường uống 1 – 2 lần tỉnh, triệu chứng giảm, bệnh nhẹ hơn.
Trong đó 18 ca hôn mê, sau uống thuốc tỉnh 10 ca, không thay đổi 8 ca ( Thang tống Minh, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1983,1:19).
Trị chứng lipid huyết cao:
Dùng cồn chiết xuất Đại hoàng làm viên 0,25g dùng trị 47 ca, mỗi ngày sáng sớm uống 3 viên liên tục 3 tuần, kết quả tốt; số bệnh nhân tri glyceride và beta-lipoprotein cao đạt kết quả 76% (Tiêu đông Hải, Trung y dược tạp chí Thượng hải 1988,8:2).
Trị viêm gan vàng da cấp tính:
Tác giả dùng làm cao Đại hoàng trị 80 ca, người lớn dùng 50g, trẻ em 25 – 30g, sắc uống, ngày 1 lần, trung bình dùng 16g mỗi ngày.
Kết quả hồi phục chức năng gan, cải thiện triệu chứng tốt, tỷ lệ có kết quả 95%, tốt 81,25% ( Ngô Tài Hiền, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1984,2:88).
Trị viêm amidale có mủ cấp:
Mỗi ngày dùng Sinh Đại hoàng 15g, trẻ em 8-10g, dùng nước sôi 250ml (hãm uống nuốt dần), 2 giờ uống 1 lần, có thể uống 4 lần. Theo dõi 22 ca kết quả tốt, bình quân 2 – 4 ngày khỏi (Lâm văn Mỗ, Tạp chí Trung y dược Phúc kiến 1987,2:43).
Báo cáo của Tôn thị Diệc, mỗi ngày dùng Đại hoàng sống 6 – 9g hãm nước uống, 2 giờ sau lại hãm nước sôi thuốc đó uống lần nữa. Đã trị 40 ca viêm amidale có mủ ở trẻ em, kết quả tỷ lệ khỏi 85% ( Tôn Thiệu Danh, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1987,11:695).
Trị chứng trường vị thực nhiệt táo bón:
- Đại thừa khí thang ( Thương hàn luận): Đại hoàng 10 – 15g, Hậu phác 8g, Chỉ thực 8g, Mang tiêu 10g ( hòa uống).
- Tiểu thừa khí thang ( Thương hàn luận): Đại hoàng 10 – 15g, Chỉ thực, Hậu phác đều 6 – 8g, sắc uống.
- Điều vị thừa khí thang ( Thương hàn luận): Đại hoàng 10 – 15g, Mang tiêu 10g ( hòa uống), Cam thảo 3g, sắc uống.
Trong các bài thuốc trên, Đại hoàng cho vào sau, Mang tiêu tán bột hòa nước uống. Về tác dụng tẩy xổ thì bài Đại thừa khí thang mạnh nhất, bài Điều vị thừa khí thang có Cam thảo điều hoà nên tác dụng nhẹ hơn, lúc dùng tùy tình hình bệnh nhân mà chọn bài thuốc.
Trị các chứng thực hỏa nhiệt độc gây nôn ra máu, chảy máu cam, răng lợi sưng đau, mắt đỏ xung huyết:
- Tỳ tâm thang: Hoàng liên 6g, Hoàng cầm 10g, Đại hoàng 12g, sắc uống. Trị chứng thổ huyết, chảy máu cam, viêm màng tiếp hợp, răng lợi sưng đau.
- Đại hoàng Mẫu đơn thang: Đại hoàng 10g, Mẫu đơn bì 12g, Đào nhân, Đông qua tử, Mang tiêu (hòa uống) đều 10g, sắc nước uống. Trị đại tiện táo bón, trường ung ( viêm ruột thừa).
- Đại hoàng tán bột mịn trôïn dầu mè bôi vào chỗ bỏng, nhọt độc.
Trị chứng kinh bế huyết ứ đau bụng dưới, chấn thương do té ngã:
- Hạ ứ huyết thang: Đại hoàng, Đào nhân đều 10g, Miết trùng 3g, sắc uống.
- Đại hoàng, Đương qui lượng bằng nhau tán bột mịn, 10g x 2 lần/ngày, uống với rượu. Trị bong gân, ứ huyết đau do té ngã, trong uống ngoài xoa.
Liều lượng thường dùng và chú ý:
- Liều: 5 -20g uống cho vào thuốc thang, thuốc tán giảm liều, dùng ngoài lượng vừa đủ.
- Trường hợp khí huyết hư, không có tích trệ, ứ huyết không dùng.
- Phụ nữ đang hành kinh, có thai và sau sanh không có ứ trệ, thận trọng lúc dùng hoặc kî dùng. Phụ nữ đang cho con bú hạn chế dùng vì có thể gây tiêu chảy cho đứa trẻ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006