Dược liệu: Ích Mẫu
- Tên khoa học: Herba Leonuri japonici
- Tên gọi khác: Cây chói đèn.
- Tính vị, quy kinh: Vị đắng, cay, tính hơi hàn. Vào các kinh can, tâm bào
- Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất đã được cắt thành từng đoạn phơi hay sấy khô của cây Ích mẫu
- Đặc điểm sản phẩm: Dược liệu là những đoạn thân, thiết vuông, bốn mặt lõm, thẳng, mặt ngoài có nhiều rãnh dọc, lông bao phủ ngắn. Thân có màu xanh hoặc màu ngà. Lá mọc đối, phiến lá xẻ sâu thành 3 thuỳ. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành vòng dày đặc, càng lên phía ngọn cụm hoa càng dày đặc. Tràng hoa màu hồng tím. Khi khô, chun sít lại. Quả nhỏ có 3 cạnh, nhẵn, màu xám nâu.
- Phân bố vùng miền: Cây mọc hoang hay được trồng khắp nơi trên đất nước ta.
- Thời gian thu hoạch: Vào mùa hè (khoảng tháng 5 – 6), khi có tới một nửa số hoa trên cây đã nở, có thể tiến hành thu hái.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật Ích Mẫu
Cây thảo, sống hàng năm hoặc hai năm, cao 0,5-1m, có khi hơn. Thân đứng, hình vuông, có rãnh dọc, có lông hoặc nhẵn, phân cành. Lá mọc đối, có cuống dài, lá gốc gần như tròn, có răng cưa nông, hai mặt có lông mềm như nhung, lá giữa dài, xẻ sâu thành thùy hẹp, không đều, các thùy có răng cưa nhọn, lá ngọn ngắn, ít xẻ hoặc nguyên, phiến của lá giữa hoặc lá ngọn men theo cuống đến tận gốc, có lông ở mặt dưới và trên những đường gân nổi rõ.
Cụm hoa thành những vòng dày đặc ở kẽ lá, đường kính từ 2-2,5cm; lá bắc hình dùi, ngắn hơn đài; đài hoa hình chuông, có 5 răng nhọn, có lông; tràng hoa mầu trắng hồng hoặc tím hồng, mặt ngoài có lông, môi trên hình trứng, hơi cong, môi dưới dài bằng môi trên nhưng hẹp hơn, chia 3 thùy, thùy dưới rộng; nhị 4, đính vào giữa ống tràng. Quả nhỏ, 3 cạnh, nhẵn, cụt một đầu, khi chín mầu nâu sẫm. Mùa hoa: tháng 3-5; Mùa quả: tháng 6-7.
2. Phân bố:
- Thế giới: Trung Quốc
- Việt Nam: Cây mọc hoang, được trồng ở nhiều địa phương nước ta
3. Bộ phận dùng:
- Phần trên mặt đất đã được cắt thành từng đoạn phơi hay sấy khô của cây Ích mẫu (Leonurus japonicus Houtt.), họ Bạc hà (Lamiaceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: Vào mùa hè (khoảng tháng 5 – 6), khi có tới một nửa số hoa trên cây đã nở, có thể tiến hành thu hái.
- Chế biến: Chặt lấy toàn bộ phần trên mặt đất, phơi khô hay sấy khô. Bó lại thành từng bó. Cũng có thể, sau khi phơi khô, chặt từng đoạn 5 – 7 cm, rồi đóng gói vào các bao tải, để nơi thoáng mát. Trước khi dùng cần sao vàng.\
- Bảo quản: Để nơi khô, mát.
5. Mô tả dược liệu Ích Mẫu
Dược liệu là những đoạn thân, có hoặc không có lá, dài từ 5 – 7 cm, thết diện vuông, bốn mặt lõm, thẳng, mặt ngoài có nhiều rãnh dọc, lông bao phủ ngắn. Thân có màu xanh hoặc màu ngà, chỗ rãnh, màu nhạt hơn. Trên các đoạn thân đó, phần lớn, có lá mọc đối, có cuống lá, ở phần phía trên, cuống ngắn hơn. Lá phía gốc và trên ngọn có hình dáng thay đổi. Lá mọc đối, phiến lá xẻ sâu thành 3 thuỳ, mỗi thuỳ lại chia 3 phần không đều, thuỳ mép nguyên hoặc hơi xẻ răng cưa. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành vòng dày đặc, càng lên phía ngọn cụm hoa càng dày đặc. Tràng hoa màu hồng tím. Khi khô, chun sít lại. Quả nhỏ có 3 cạnh, nhẵn, màu xám nâu.
6. Thành phần hóa học:
- Toàn cây chứa leonurin, stachydrin, leonuridin. Ích mẫu Việt nam có chứa 3 alkaloid, 3 flavonosid (trong đó có rutin), 1 glucosid có khung steroid. Hạt chứa leonurin.
7. Phân biệt thật giả:
…
8. Công dụng – Tác dụng Ích Mẫu
– Tác dụng: Hoạt huyết khứ ứ, lợi thuỷ tiêu phù.
– Công dụng: Chủ trị: Kinh đau, kinh bế, huyết hôi ra không hết, phù thũng đái không lợi.
9. Cách dùng và liều dùng Ích Mẫu
- Ngày dùng 6 – 12 g, dạng thuốc sắc.
10. Lưu ý, kiêng kị :
- Không dùng cho người huyết hư không có huyết ứ.
11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Ích Mẫu
- Kinh nguyệt không đều, thấy kinh trước kỳ (ngắn vòng), kinh ít, đau bụng trước khi thấy kinh: Dùng 20g thân lá sắc uống 10 ngày kể từ ngày thứ 14 sau kỳ kinh. Hoặc dùng cao Ích mẫu 6-8g mỗi ngày.
- Viêm thận cấp và phù thũng: Ích mẫu tươi 180-240g, nấu với 700ml nước và cô lại còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày.
- Chữa sau khi đẻ phù thũng, hoặc có thai đi đứng nhiều, xuống máu chân: Dùng Ích mẫu 20g, Ngưu tất, Rau dừa nước mỗi vị 15g sắc uống
- Suy nhược toàn thân và cằn cỗi ở phụ nữ: Ích mẫu 30-60g, nấu với trứng gà hay thịt gà mà ăn
- Thuốc bổ huyết điều kinh: Ích mẫu 80g, Nghệ đen (Nga truật) 60g, Ngải cứu 40g, Hương phụ 40g, Hương nhu 30g. Tất cả sao vàng tán bột mịn, luyện với mật, làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 viên.
- Chữa can nhiệt, mắt đỏ sưng đau: Quả Ích mẫu, Cúc hoa, hạt Muỗng, hạt Mào gà trắng, Sinh địa, mỗi vị 10g, sắc nước uống.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:
1. Vi phẫu:
- Vi phẫu thân: Mặt cắt ngang hình vuông, có 4 góc lồi. Biểu bì, gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp đều đặn, mang lông che chở đa bào và lông tiết, lông che chở, nhiều ở 4 góc lồi. Mô dày, xếp thành đám ở 4 góc lồi, gồm tế bào có thành dày, có 6 – 7 hàng tế bào ở chỗ dày nhất. Mô mềm vỏ, có từ 3 – 4 hàng tế bào nhỏ, có thành mỏng. Nội bì gồm một hàng tế bào hình chữ nhật, xếp đều đặn, thành tế bào dày lên ở 2 bên, xếp thành vòng. Các đám sợi mô cứng uốn lượn, lồi ra, dày lên ở 4 góc lồi. Libe xếp liên tục thành vòng. Ở 4 góc lồi, libe gồm những tế bào nhỏ xếp sít nhau ở 4 cạnh lõm thì tế bào có thành mỏng, xếp đều đặn hơn. Tầng phát sinh nằm giữa libe và gỗ, gồm những tế bào hình chữ nhật, hoặc vuông, có thành mỏng, xếp thành vòng.Vòng gỗ xếp liên tục, dày lên ở 4 góc, mạch gỗ khá rộng. Mô mềm ruột, gồm những tế bào lớn, thành mỏng, càng vào giữa tế bào càng lớn hơn
- Vi phẫu lá: Phần gân giữa: Biểu bì trên hoặc dưới, gồm một hàng tế bào hình chữ nhật, xếp đều đặn, mang lông che chở đa bào và lông tiết. Mô dày xếp sát biểu bì trên và biểu bì dưới, gồm những tế bào, có thành dày. Mô dày trên, gồm 2 – 3 hàng tế bào. Mô dày dưới, tạo thành hình vòng cung. Chỗ dày nhất gồm 2 – 3 hàng tế bào. Mô mềm gồm tế bào trên, thành mỏng. Ba bó libe xếp giữa gân lá thành hình vòng cung. Mỗi bó gồm một cung mô cứng, bao bọc bên ngoài, giữa là libe. Trong cùng là gỗ. Mạch gỗ xếp thành dãy.Phần phiến lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm 1 hàng tế bào hình chữ nhật. Tế bào biểu bì trên, có kích thước tương đối lớn, tế bào biểu bì dưới, nhỏ và dẹt hơn. Cả 2 mặt phiến lá đều mang lông che chở, lông tiết, biểu bì dưới có lỗ khí. Nhu mô giậu, gồm hàng tế bào xếp lộn xộn để hở khuyết.
2. Bột:
- Bột có màu xám nâu. Soi dưới kính hiển vi thấy: Lông che chở đa bào, mảnh mạch, hạt phấn hoa hình cầu, đường kính 20 – 22 µm, 3 rãnh, bề mặt có chấm mờ, lông tiết, đám sợi có thành dày. Mảnh biểu bì, có lông che chở, lông tiết, lỗ khí. Mảnh lá có mạch gỗ xoắn.
3. Định tính:
- A. Lấy khoảng 5 g bột dược liệu, loại tạp bằng ether dầu hoả (TT), trong dụng cụ Shoxhlet. Lấy bã dược liệu cho bay hết ether dầu hoả, thấm ẩm bằng 5 – 7 ml amoniac đậm đặc (TT). Thêm 50 ml ether (TT), ngâm trong 2 giờ. Lọc, lấy 10 ml dịch lọc để làm dung dịch thử trong mục định tính bằng phương pháp sắc lý lớp mỏng; phần còn lại tiến hành cất thu hồi dung môi ether được cắn, thêm vào cắn 5 – 7 ml dung dịch acid sulfuric 10% (TT), lắc kỹ. Lấy phần dịch acid chia vào 3 ống nghiệm để làm các phản ứng sau:
- Ống 1: Nhỏ 1 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa trắng.
- Ống 2: Nhỏ 2 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa vàng cam.
- Ống 3: Nhỏ 1 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu.
- D. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
- Bản mỏng: Silica gel 60 GF254
- Dung môi khai triển: Cloroform- ether ethylic ( 9: 1).
- Dung dịch thử: Lấy 10 ml dịch chiết ether ethylic trên, bay hơi bớt ether trên cách thuỷ đến còn khoảng 0,5 – 1 ml.
- Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 g bột Ích mẫu (mẫu chuẩn), chiết như dung dịch thử.
- Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí ở nhiệt độ phòng, phun thuốc thử Dragendorff (TT). Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết dung dịch đối chiếu.
4. Định lượng:
- Tiến hành định lượng alcaloid toàn phần, đối với dược liệu là bộ phận trên mặt đất. Cân chính xác 50 g bột thô dược liệu. Ngấm kiệt bằng ethanol (TT) đã acid hoá bằng dung dịch acid sulfuric 10% (TT), ngâm trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng. Rút dịch chiết với tốc độ 15 giọt/phút, đến khi hết alcaloid (kiểm tra bằng các phản ứng với thuốc thử Dragendorff (TT)). Gộp các dịch chiết và thu hồi dung môi dưới áp suất giảm, còn khoảng 5 ml. Thêm ether dầu hoả (TT), loại tạp (3 lần x 5 ml). Kiềm hoá dịch chiết đến pH 10 bằng dung dịch amoniac đặc (TT). Chiết alcaloid toàn phần bằng cloroform (TT) (3 lần x 10 ml). Gộp dịch cloroform . Bay hơi trên cách thuỷ tới cắn, sấy cắn ở 50 oC đến khối lượng không đổi. Hàm lượng alcaloid toàn phần không ít hơn 0,13%, tính theo dược liệu khô.
5. Các chỉ tiêu đánh giá khác:
- Độ ẩm: Khụng quá 13% (Phụ lục 9.6, 1 g, 100 oC, 4 giờ).
- Tỷ lệ vụn nát: Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không quá 10% (Phụ lục 9.5).
- Tạp chất (Phụ lục 12.11): Đoạn ngọn cành dài quá 40 cm. Không quá 5%.Tạp chất khác Không qúa 1%.Tỷ lệ lá trên toàn bộ dược liệu: Không ít hơn 55%.
- Tro toàn phần: Không quá 7% (Phụ lục 9.8).
- Tro không tan trong acid: Không quá 2,4% (Phụ lục 9.7).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006