Dược liệu Thương Lục
- Tên khoa học: Radix Phytolaccae
- Tên gọi khác: Phytolacca acinosa Roxb.var esculenta Mak
- Tính vị, quy kinh: Đắng, lạnh, có độc. Quy vào kinh thận
- Bộ phận dùng: Rễ củ
- Đặc điểm sản phẩm: Dược liệu là những phiến mỏng hoặc những mảnh cắt ngang, dọc. Mặt ngoài màu vàng xám hoặc nâu xám. Mặt cắt ngang màu trắng ngà đến nâu vàng nhạt, gỗ lồi lên tạo thành nhiều vòng đồng tâm. Những lát cắt dọc thường bị cong lên hoặc cuộn lại, có thể thấy những vằn gỗ lồi lên, song song với nhau. Thể chất cứng. mùi thơm nhẹ; vị hơi ngọt sau tê.
- Phân bố vùng miền: Thế giới: Nam Mỹ, Trung Mỹ, Đông Nam Á – Việt Nam: Sa Pa , Lào Cai, Nghệ An, Lai Châu, Thanh Hóa.
- Thời gian thu hoạch: mùa thu đến đầu xuân
Mô tả Dược liệu Thương Lục
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, thương lục là cây thảo sống nhiều năm, cao tới 1,5m. Rễ củ mập. Thân hình trụ nhẵn, màu xanh lục, ít phân nhánh. Thương lục được trồng nhiều làm cảnh và làm thuốc. Trồng bằng mầm rễ và bằng hạt. Có thể thu hoạch rễ vào mùa thu hay mùa đông. Đào rễ về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, thái mỏng và phơi khô.
Thương lục còn có tên là trưởng bất lão, kim thất nương, tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb. (P. esculenta Van Houtte), là cây mới được di thực vào nước ta mấy thập kỷ gần đây. Trong nước vốn có sẵn loài thương lục Mỹ (Phytolacca americana L. hay Phytolacca decandra L.), dân gian còn gọi sâm voi vì cây mau lớn, sau 6 – 7 tháng cho củ to bằng cổ tay hình rất giống củ sâm (sự nhầm lẫn chết người từ đây mà ra).
Theo Đông y, thương lục có vị đắng, tính lạnh, có độc, vào hai kinh tỳ và bàng quang, có tác dụng thông đại tiểu tiện, trục thủy, tiêu thũng, tán kết; dùng để chữa phù thũng, xơ gan cổ trướng, đại tiểu tiện không thông; viêm loét cổ tử cung, bạch đới nhiều; đinh nhọt và bệnh mủ da. Hiện nay thường dùng để chữa những trường hợp phù nề, ngực bụng đầy trướng, cổ đau khó thở. Ngày dùng 3 – 10g dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. Dùng ngoài đắp tại chỗ.
Bài thuốc có Thương Lục
- Chữa viêm thận cấp và mạn: Thương lục 10g, thịt lợn 60g, cho nước vào nấu chín, chia làm 3 lần ăn trong ngày.
- Chữa cổ trướng: Thương lục 6g, vỏ quả bí đao, đậu đỏ mỗi thứ 30g, trạch tả 12g, phục linh bì 20g. Sắc nước uống.
- Chữa chứng đau cổ họng: Dùng rễ thương lục hơ nóng bọc vải chườm vào cổ.
- Bệnh mủ da, mụn nhọt, đầu đinh: Thương lục 15g, bồ công anh 60g, nấu nước rửa.
Chú ý thương lục là một vị thuốc công hạ (tẩy xổ ) mãnh liệt: có thể gây sảy thai, nên không dùng cho phụ nữ có thai và người già, người tỳ vị hư nhược. Ngay cả người trai trẻ khỏe mạnh mà dùng nhiều và dùng lâu dài thì cũng tổn thương gân cốt và hại thận.