Bạch Giới Tử

Dược liệu Bạch Giới Tử

  1. Tên khoa học: Sinapis alba L.
  2. Tên gọi khác: Hạt cải trắng.
  3. Tính vị, quy kinh : Vị cay, tính ôn, vào kinh phế.
  4. Bộ phận dùng: Là hạt chín của cây cải bẹ trắng.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Hạt nhỏ hình cầu, mặt ngoài màu trắng xám hay vàng nhạt, có vân hình mạng rất nhỏ. Hạt khô chắc, lớp vỏ cứng mỏng, bóng. Khi cắt hạt ra thấy có lá mầm gấp, màu trắng, có chất dầu, không màu, vị hăng cay.
  6. Phân bố vùng miền: Trồng ở nhiều địa phương nước ta, lấy lá làm rau ăn, hạt làm thuốc.
  7. Thời gian thu hoạch: Thu hoạch vào cuối mùa hạ, đầu mùa thu.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT

1. Mô tả thực vật:

Bạch Giới Tử : Loại thảo sống hàng năm. Lá đơn mọc so le có cuống.

  • Cụm hoa hình trùm, hoa đều lưỡng tính, 4 lá dài, 4 cánh hoa xếp thành hình chữ thập. Có 6 nhị (4 chiếc dài, 2 chiếc ngắn). Bộ nhụy gồm 2 tâm bì bầu thường 2 ô do một vách giả ngăn đôi.
  • Quả loại cải có lông, mỏ dài, có 4-6 hạt nhỏ màu vàng nâu có vân hình mạng rất nhỏ.
Bạch Giới Tử
Bạch Giới Tử

2. Phân bố:

  •  Thế giới:
  • Việt Nam: Trồng ở nhiều địa phương nước ta, lấy lá làm rau ăn, hạt làm thuốc.

3. Bộ phận dùng:

  • Hạt của qủa chín đã phơi hay sấy khô của cây Cải trắng

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

Thu hái: Thu hoạch vào cuối mùa hạ, đầu mùa thu, hái qủa chín.

Chế biến: Phơi cho nứt vỏ ngoài, lấy hạt bên trong phơi hoặc sấy khô.

  1. Bạch giới tử sống: Loại tạp chất, khi dùng giã dập.
  2. Bạch giới tử sao: Lấy bạch giới tử sạch, sao nhỏ lửa tới khi bột có màu vàng sẫm, mùi thơm cay bốc lên thì lấy ra để nguội, khi dùng giã dập nát.

Bảo quản: Để nơi khô, thoáng, trong bao bì kín, tránh sâu, mọt.

5. Mô tả dược liệu Bạch Giới Tử

Hạt nhỏ hình cầu, đường kính 1,5 – 3 mm, mặt ngoài màu trắng xám hay vàng nhạt, có vân hình mạng rất nhỏ, rốn hạt hình chấm nhỏ rõ. Hạt khô chắc, khi ngâm nước nở to ra. Lớp vỏ cứng mỏng, bóng. Khi cắt hạt ra thấy có lá mầm gấp, màu trắng, có chất dầu, không màu, vị hăng cay.

6. Thành phần hóa học:

Bạch giới tử có chứa glycosid, alcaloid, dầu béo, men và chất nhầy.

7. Công dụng – Tác dụng:

  • Tác dụng: Hành khí, trừ đờm, ôn trung, khai vị, tiêu thũng, giảm đau.
  • Công dụng: Chữa ho suyễn, đau tức ngực do hàn đờm. Khớp xương tê đau do đàm thấp lưu trú, âm thư, thũng độc.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày dùng 3 – 9g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
  • Dùng ngoài lượng thích hợp để đắp khớp có nước, thũng độc.

10. Lưu ý, kiêng kị:

  • Phế hư, ho khan không dùng.

11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Bạch Giới Tử

 Trị ăn vào mửa ra hay ợ lên:

  • Bạch giới tử tán bột, uống 4 – 8g với rượu (Phổ Tế Phương).

Trị bực bội, nóng nảy trong người, vị nhiệt, đờm:

  • Bạch giới tử, Hắc giới tử, Đại kích, Cam toại, Mang tiêu, Chu sa, mỗi vị liều lượng đều nhau trộn hồ làm viên bằng hạt ngô, ngày uống 10 viên với nước gừng (Phổ Tế Phương).

Trị đầy tức do hàn đờm:

  • Bạch giới tử, Đại kích, Cam toại, Hồ tiêu, Quế tâm các vị bằng nhau tán bột viên hột bằng hạt ngô đồng, lần uống 10 viên với nước gừng (Phổ Tế Phương).

Trị hơi lạnh trong bụng đưa lên:

  • Bạch giới tử 1 chén, sao qua, tán bột, trộn với nước sôi làm hoàn to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 10 hạt vơi nước Gừng (Tục Truyền Tín Phương).

Phòng ngừa đậu mùa nhập vào mắt:

  • Bạch giới tử nghiền bột, trộn nước gián dưới lòng bàn chân để kéo độc xuống (Toàn Ấu Tâm Giám Phương).

Trị ngực sườn bị đờm ẩm:

  • Bạch giới tử 20g, Bạch truật 80g, tán bột. Nghiền nát Táo nhục, trộn với thuốc bột làm thành viên, to  bằng hạt ngô đồng.  Uống 50 viên với nước (Trích Huyền Phương).

Trị hàn đờm ủng tắc ở phế, ho suyễn, đờm nhiều chất dãi trong, sườn ngực đầy tức:

  • Bạch giới tử 4g, Tử tô, Lai phúc tử, mỗi thứ 12g sắc uống (Tam Tử Dưỡng Thân Thang).

Trị đờm ẩm lưu ở ngực, hoành cách mô, ho, suyễn, ngực sườn đầy tức:

  • Đại kích (bỏ vỏ), Cam toại (bỏ ruột), Bạch giới tử, lượng bằng nhau. Tán bột. Trộn với nước cốt Gừng làm viên. Ngày uống 1 lần, mỗi lần 2-4g với nước Gừng tươi sắc (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị đau nhức các  khớp do đờm trệ:

  • Mộc miết tử 4g, Bạch giới tử, Một dược, Quế tâm, Mộc hương mỗi thứ 12g, tán bột. Mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần, với rượu nóng (Bạch Giơi Tử Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị hạch lao ở cổ:

  • Bạch giới tử, Thông bạch lượng bằng nhau. Đem Bạch giới tử tán bột trộn với hành trắng đã gĩa nát. Đắp lên vùng hạch, ngày một lần, cho đến khi khỏi (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị nhọt sưng độc mới phát:

  • Bạch giới tử, tán bột, trộn giấm đắp vào (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị trẻ nhỏ phế quản viêm cấp hoặc mạn:

  • Bạch giới tử 100g, tán bột. Mỗi lần dùng 1/3, thêm bột mì trắng 90g, thêm nước vào làm thành bánh. Trước lúc đi ngủ, đắp vào lưng trẻ. Sáng thức dậy, bỏ đi. Đắp 2 – 3 lần. Đã trị 50 ca, kết quả tốt (Kỳ Tú Hoa và cộng sự, Hắc Long Giang Trung Y Dược Học Báo 1988, 1: 29).

Trị trẻ nhỏ bị phổi viêm:

  • Bạch giới tử tán bột, trộn với bột mì và nước làm thành bánh, đắp ở ngực. Trị 100 ca phổi viêm nơi trẻ nhỏ, thuốc có tác dụng tăng nhanh tác dụng tiêu viêm (Trần Nãi cần, Trung Tây Y Kết Hợp tạp Chí 1986, 2: 24).

Trị liệt thần kinh mặt ngoại biên:

  • Bạch giới tử hoặc Hoàng giới tử, tán bột 5-10g, trộn với nước, gói vào miếng gạc đắp vào vùng liệt ở má, giữa 3 huyệt Địa thương, Hạ quan và Giáp xa. Dùng băng keo dính cố định lại. 3 – 12 giờ thì lấy ra. Cách 10 – 14 ngày đắp 1 lần. Thêm dùng phép Chích Lể. Đã trị 1052 ca, trong đó 137 ca trị 1 lần bỏ dở, còn 915 ca tiếp tục theo dõi. Tỉ lệ kết quả 97,7% (Trương Chính Quảng, Sơn Đông Trung Y Tạp Chí 1986, 5: 25).

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu:

  • Vỏ hạt có tế bào chứa chất nhày, hạ bì có 2 lớp tế bào mô dày. Có một hàng tế bào đá xếp đều đặn, thành bên trong dày, thành bên ngoài mỏng. Tế bào mô mềm của lá mầm chứa giọt dầu và hạt aleuron.

2. Bột:

  • Bột màu vàng. Có các mảnh mô mềm, tế bào vỏ hạt hình đa giác không đều, thàng mỏng. Mảnh nội nhũ và lá mầm. Các giọt dầu.

3. Định tính:

Lấy 1 g dược liệu tán nhỏ, thêm 10 ml nước, đun sôi, lọc.

  • A. Lấy 2 ml dịch lọc, thêm 5 giọt thuốc thử Millon, để vài phút sẽ có màu đỏ

Điều chế thuốc thử Millon bằng một trong hai cách sau đây:

– Cách 1: Hoà tan thuỷ ngân (I) nitrat trong 8,5 ml acid nitric 32% (TT) và pha thêm gấp hai lần thể tích nước, rồi gạn lấy phần nước trong.

– Cách 2: Hoà tan 10 g thuỷ ngân trong 15 ml acid nitric đậm đặc (TT), thêm 30 ml nước và gạn lấy phần nước trong.

  • B. Lấy 2 ml dịch lọc, thêm 5 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), sẽ có màu vàng nâu.

4. Tiêu chuẩn đánh giá khác:

  •  Độ ẩm:

Không quá 10% ( Phụ lục 9.6, 1g, 105 oC, 4 giờ.)

  •  Tạp chất:

Tỷ lệ hạt non, lép: Không quá 5% ( Phụ lục12.11 ).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_imgspot_img