Bạch phục linh còn gọi bạch linh, phục linh, là loại nấm lỗ Poria cocos Wolf., thường phát triển bao quanh rễ cây thông già. Khối nấm màu trắng xám gọi là bạch linh, phần nấm có màu đỏ gọi là xích linh, còn phần lõi gọi là phục thần, phần vỏ ngoài gọi là phục linh bì.
Dược liệu Bạch Phục Linh
- Tên khoa học: Poria
- Tên gọi khác: Bạch Linh, Phục Linh
- Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, nhạt, tính bình. Quy vào kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị.
- Bộ phận dùng: Là nấm của cây thông
- Đặc điểm sản phẩm: Hình cầu, hình thoi, hình cầu dẹt hoặc hình khối không đều, lớn, nhỏ không đồng nhất, mặt ngoài màu nâu đến nâu đen, có nhiều vết nhăn rõ và lồi lõm. Thể nặng, rắn chắc. Nấm không mùi, vị nhạt.
- Phân bố vùng miền:Mọc hoang ở một số rừng thông của nước ta, chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
- Thời gian thu hoạch: Từ tháng 7 đến tháng 9
THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật:
Phục linh (tên khoa học: Wolfiporia extensa (Peck) Ginns, đồng nghĩa: Poria cocos F.A.Wolf) là một loài nấm trong họ Polyporaceae. Các vị thuốc Đông y lấy từ loài này là phục linh bì, xích phục linh, bạch phục linh, và phục thần.
2. Phân bố:
- Thế giới: Trung Quốc
- Việt Nam: Mọc hoang ở một số rừng thông của nước ta.
3. Bộ phận dùng:
- Là nấm của cây thông, ở đầu hay bên rễ cây thông mọc ra một cái nấm.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9
- Chế biến: Ngâm Phục Linh vào nước, rửa sạch, đồ thêm cho mềm, gọt vỏ, thái miếng hoặc thái lát lúc đang mềm và phơi hoặc sấy khô.
- Bảo quản: Để nơi mát, khô ráo, đậy kín, không nên để quá khô, quá nóng vì dễ bị nứt vụn và mất tính chất dính.
5. Mô tả dược liệu Bạch Phục Linh
Bạch phục linh (hay còn gọi là Bạch linh, Phục linh) tên khoa học là Poria cocos, thuộc họ Nấm lỗ – Polyporaceae.
Đây là loại nấm ký sinh hoặc hoại sinh trên rễ cây thông, có kích thước và hình dáng đa dạng, đường kính từ 10 – 30 cm, to có thể nặng đến 5kg, hoặc chỉ nhỏ bằng nắm tay, thường nằm sâu dưới mặt đất 20 – 30 cm. Mặt ngoài có vỏ nâu đen, sần sùi, có khi nổi bướu, mặt cắt lổn nhổn có màu trắng, thường chứa chất bột.
- Thể quả nấm Phục Linh khô: hình cầu, hình thoi, hình cầu dẹt hoặc hình khối không đều, lớn, nhỏ không đồng nhất, mặt ngoài màu nâu đến nâu đen, có nhiều vết nhăn rõ và lồi lõm. Thể nặng, rắn chắc. Mặt bẻ sần sùi và có vết nứt, lớp viền ngoài màu nâu nhạt, phần trong màu trắng, số ít có màu hồng nhạt. Có loại bên trong còn mấy đoạn rễ thông (Phục thần). Nấm Phục Linh không mùi, vị nhạt, cắn dính răng.
- Bạch Phục Linh là phần bên trong màu trắng, thường được sơ chế thành phiến hình khối vuông dẹt.
6. Thành phần hóa học
Thành phần trong Phục Linh gồm 3 loại:
- Các axit có thành phần hợp chất tritecpen: axit pachimic, axit tumolosic, axit eburicoic, axit pinicolic,..
- Đường đặc biệt của Phục Linh: Pachyman có trong phục linh tới 75%.
- Ngoài ra còn ergosterol, cholin, histidin, và rất ít men proteaza.
7. Công dụng – Tác dụng:
- Tác dụng: Thuốc lợi thủy và cường tráng, nhuận táo, bổ tỳ, ích khí, sinh tân, chỉ khát.
- Công dụng: Chữa vùng ngực khí tức, ho hen, thủy thũng, lâm lậu. Vỏ (Phục Linh Bì) trị phù thũng.
8. Cách dùng và liều dùng:
- Ngày dùng 12 – 40g.
9. Lưu ý, kiêng kị
- Âm hư mà không thấp nhiệt thì không nên dùng.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Bạch Phục Linh
Theo Đông y, phục linh vị ngọt nhạt, tính bình, vào kinh tâm, phế, tỳ và thận. Có tác dụng lợi thủy trừ thấp, kiện tỳ hòa vị, bổ tâm an thần, tăng cường khả năng miễn dịch, chống u bướu, bảo vệ gan, chống loét đường tiêu hoá và trấn tĩnh an thần. Dùng cho trường hợp tiểu ít, tiểu rắt tiểu buốt, phù nề, nôn thổ tiêu chảy, hồi hộp, nhịp tim nhanh, mất ngủ. Phục linh bì (vỏ phục linh – Percarpium Poria) có tác dụng lợi thủy, tiêu thũng; trị thủy thũng, phụ nữ có thai bị phù nề. Xích phục linh (Poria rubra) tác dụng lợi thấp nhiệt, trị tiểu tiện ít, nước tiểu vàng đỏ, tiểu rắt, tiểu khó. Phục thần tác dụng dịu tim, an thần. Liều dùng: 10 – 32g, nấu hầm, chưng, sắc hãm.
Chữa bệnh thủy thũng:
- Phục Linh 10g, Mộc Thông 5g, Tang Bạch Bì 10g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày.
Đơn thuốc chữa phù thũng, sợ hãi:
- Phục Linh 8g, Cam Thảo 3g, Quế Chi 4g, Sinh Khương 3g, nước 400ml, sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chữa vết đen trên mặt: Tán bột Phục Linh mà bôi.
- Trong Đông Y bạch linh là một vị thuốc bổ khí có tác dụng nâng đỡ chân khí trong cơ thể, chống suy nhược mệt mỏi.
- Bạch linh được coi là một vị thuốc bổ bồi dưỡng và được dùng điều trị các chứng an thần, chữa mất ngủ, đầy hơi chướng bụng… bệnh đau dạ dày, bụng trướng đầy, nôn mửa, ăn chậm tiêu, thấp nhiệt ,tiêu chảy, phân sống, viêm ruột mãn tính
- Ngoài ra bạch linh còn có tác dụng giải độc nên khi bạch linh được nghiền ra thành bột dùng để đắp mặt nạ cho đối tượng sử dụng sẽ trẻ hơn và có nhu cầu về làm đẹp, dưỡng da như làm trắng, sáng da, giúp da dẻ luôn mịn màng.
- Những người da dẻ không được tươi đẹp, da bị nám, tàn nhang, đồi mồi.
- Đặc biệt là phụ nữ ở tuổi trung niên dùng bột bạch linh kết hợp với mật ong và sữa tươi đắp mặt nạ sẽ giúp cho da được sáng hơn và mờ dần vết thâm nám.
- Đặc biệt dùng bột bạch linh một thời gian sẽ giúp trẻ hóa làn da giúp cho da căng mịn, khỏe đẹp mà không có tác dụng phụ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006
Kiêng kỵ: Người bị thoát vị, sa dạ dày trực tràng (tỳ hư hạ hãm), hư hàn di hoạt tinh, đi tiểu quá nhiều không nên dùng nhiều. Trong thời gian dùng phục linh không ăn giấm.