Bạch Thược

Dược liệu Bạch Thược

  1. Tên khoa học Radix Paeoniae lactiflorae
  2. Tên gọi khác: Thược dược.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị hơi đắng, chát, chua nhiều. Vào bốn kinh tâm, tỳ, phế và can.
  4. Bộ phận dùng: Rễ đã cạo bỏ lớp bần và chế biến khô của cây Thược dược.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Rễ hình trụ tròn, hai đầu phẳng. Mặt ngoài hơi trắng hoặc hồng nhạt, nhẵn hoặc đôi khi có nếp nhăn dọc. Đôi khi còn vỏ ngoài màu nâu thẫm. Chất rắn chắc, nặng, khó bẻ gẫy. Mô mềm vỏ hẹp. Không có mùi, vị hơi đắng, hơi chua.
  6. Phân bố vùng miền: Trong nước: trồng ở Lào Cai. Thế giới: Trung Quốc.
  7. Thời gian thu hoạch: Đào rễ vào các tháng 8-10.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật:

Bạch Thược dược cũng gọi là Thược dược, được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh với tên Thược dược. Bạch thược là rễ phơi hay sấy khô của cây Thược dược ( Paeonilia lactiflora Pall.), (Paeonia albiflora Pall), thuộc họ Mao lương ( Ranunculaceae).

bach thuoc
Bạch thược
  • Cây thảo sống lâu năm, cao 50-80cm.
  • Lá mọc so le, chụm hai hay chụm ba, kép, với 9-12 phần phân chia, các đoạn không đều, hình trái xoan ngọn giáo, dài 8-12cm, rộng 2-4 cm mép nguyên, phía cuống hơi hồng.
  • Hoa rất to mọc đơn độc, có mùi hoa Hồng, trên mỗi thân mang hoa có 1-7 hoa, rộng 10-12cm. Đài có 6 phiến, cánh hoa xếp trên một dãy hoặc hai dãy, màu hồng trước khi nở, rồi chuyển dần sang màu trắng tinh; bao phấn màu da cam.
  • Quả gồm 3-5 lá noãn.
  • Có nhiều thứ trồng khác nhau, có hoa có độ lớn, số lượng cánh hoa, màu sắc… khác nhau.
  • Hoa nở vào tháng 5-6.

2. Phân bố:

  • Thế giới: Trung Quốc.
  •  Việt Nam: trồng ở Lào Cai.

3. Bộ phận dùng:

  • Rễ đã cạo bỏ lớp bần và chế biến khô của cây Thược dược.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  •  Thu hái: Đào lấy rễ, rửa sạch đất cát, cắt bỏ đầu đuôi và rễ con, cạo sạch vỏ ngoài sau đó luộc chín hoặc luộc chín rồi bỏ vỏ, phơi khô hoặc thái lát phơi khô.
  •  Chế biến: Lấy rễ chưa thái lát, làm ẩm, ủ mềm, thái lát phơi khô.
  • Bảo quản: Để nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.

5. Mô tả dược liệu:

  • Rễ hình trụ tròn, thẳng hoặc đôi khi hơi uốn cong, hai đầu phẳng; đều nhau hoặc một đầu to hơn, dài 10 – 20 cm, đường kính 1 – 2,0 cm.
  • Mặt ngoài hơi trắng hoặc hồng nhạt, nhẵn hoặc đôi khi có nếp nhăn dọc và vết tích của rễ nhỏ. Đôi khi còn vỏ ngoài màu nâu thẫm. Chất rắn chắc, nặng, khó bẻ gẫy. Mặt cắt phẳng màu trắng ngà hoặc hơi phớt hồng. Mô mềm vỏ hẹp.
  • Không có mùi, vị hơi đắng, hơi chua.

6. Thành phần hóa học:

  • Trong rễ có paeoniflorin, oxypaeoniflorin, albiflorin, benzoyl-paeoniflorin, oxypaeoniflorinone, paeonolide, paeonol…ngoài ra còn có tinh bột, tanin, calci oxalat, tinh dầu, chất béo, chất nhầy, acid benzoic.

7. Công dụng – Tác dụng:

  • Tác dụng: Bổ huyết, dưỡng âm, thư cân, bình can, chỉ thống.
  •  Công dụng: Chủ trị: Huyết hư, da xanh xao, đau sườn ngực, mồ hôi trộm, kinh nguyệt không đều, âm hư phát sôt,chóng mặt đau đầu, chân tay co rút, đau bụng do can khắc tỳ.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày dùng 8 -12 g, dạng thuốc sắc, hoặc thuốc hoàn.
  • Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

9. Lưu ý, kiêng kị :

  • Đầy bụng không nên dùng.
  • Không dùng cùng Lê lô.

Một số bài thuốc từ cây Bạch Thược

Trị cơ co giật:

  • Bạch Thược + Cam Thảo mỗi thứ 16g, sắc uống. (Thược Dược Cam Thảo Thang – Thương Hàn Luận).

 Trị  can khí bất hòa sinh ra đau xóc bụng sườn, tay chân co rút và các chứng tiêu chảy, bụng đau:

  • Bạch thược (tẩm rượu) 12g, Chích thảo 4g, sắc uống.(Thược Dược Cam Thảo Thang – Thương Hàn Luận).

 Trị lỵ tiêu ra máu mủ:

  • Thược Dược 40g, Đương Quy 20g, Hoàng Liên 20g, Binh Lang, Mộc Hương đều 8g, Chích Thảo 8g, Đại Hoàng 12g, Hoàng Cầm 40g, Quan Quế 6g. Tán bột. Mỗi lần dùng 20g, sắc với 2 chén nước, còn 1 chén, uống ấm. (Thược Dược Thang – Tố Vấn Bệnh Cơ Khí Nghi Bảo Mệnh Tập).

 Trị phụ nữ hông sườn đau:

  • Bạch Thược Dược + Diên Hồ sách + Nhục quế + Hương Phụ. Tán bột, mỗi lần uống 8g với nước sôi. (Thược Dược Thang – Chu Thị Tập Nghiệm Y hương).

 Trị Can âm bất túc gây ra đầu váng, hoa mắt, tai ù, cơ run giật, chân tay tê:

  • Bạch thược 20g, Đương Qui, Thục Địa mỗi thứ 16g,  Toan táo nhân 20g, Mạch Môn 12g, Xuyên khung, Mộc qua mỗi thứ 8g, Cam thảo 4g, Sắc nước uống. (Bổ Can Thang – Y Tông Kim Giám).

Trị bụng đau, tiêu chảy:

 Trị đầu đau, chóng mặt do can dương vượng thượng lên:

  • Bạch thược 12g, Câu đằng 12g, Phục thần 12g, Bối mẫu 12g, Cúc hoa 12g, Sinh địa 16g, Cam thảo 4g, Linh dương giác 4g, Tang diệp 12g, Trúc nhự 12g, sắc uống. (Linh Dương Câu Đằng Thang – Thông Tục Thương Hàn Luận).

 Trị bụng đau, kiết lỵ:

  • Bạch thược, Hoàng cầm mỗi thứ 12g, Cam thảo 6g, sắc uống (Thược Dược Hoàng Cầm Thang – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Trị có thai đau bụng lâm râm:

  • Đương qui, Xuyên khung mỗi thứ 6g, Bạch Thược 20g, Phục linh, Bạch truật mỗi thứ 8g, Trạch tả 10g, tán bột uống lần 8g ngày 3 lần với rượu hoặc sắc uống (Đương Qui Thược Dược Tán – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

 Trị băng lậu hạ huyết, Rong kinh, ốm yếu gầy mòn:

  • Bạch thược, Thục địa, Can khương, Quế lâm, Long cốt, Mẫu lệ, Hoàng kỳ, Lộc giác giao, mỗi thứ 8g, tán bột, uống mỗi lần 8g ngày 3 lần với rượu nóng trước khi ăn, hoặc uống với nước sôi. (Bạch Thược Dược Tán – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Trị bụng đau lúc hành kinh:

  • Bạch thược, Đương qui, Hương phụ, mỗi thứ 8g, Thanh bì, Sài hồ, Xuyên khung, Sinh địa mỗi thứ 3,2g, Cam thảo 2g. Sắc uống. (Dưỡng Huyết Bình Can Tán – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Trị táo bón kinh niên :

  • Bạch Thược (sống) 24-40g + Cam Thảo (sống) 10-15g, sắc nước uống. Thường dùng 2-4 thang thì khỏi. Trường hợp táo bón kinh những,, mỗi tuần dùng 1 thang. ( Vương Văn Sĩ, Nghiệm Chứng Dùng ‘Thược Dược Cam Thảo Thang’ Trị táo bón – Trung Y Tạp Chí 1983, 8: 79).

 Trị loét dạ dày- tá tràng:

  • Bạch Thược 15-20g + Chích Cam Thảo 12-15g. Đã trị 120 cas khỏi 83 ca, tiến bộ 33 ca, không kết quả 4 ca. Tỉ lệ kết quả 96,67%. Kết quả tốt đối với thể khí trệ, huyết. (Dư-Thụy-Tân, Trị 120 Trường Hợp Loét Dạ Dầy Bằng ‘Thược Dược Cam Thảo Thang Gia Giảm’ – Sơn Đông Trung Y Tạp Chí 1984, 2: 22).

 Trị cơ co giật:

  • Thược Dược 30g + Quế Chi + Cam Thảo mỗi thứ 15g, Mộc qua 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Đã trị 85 ca, sau khi uống 3-5 thang: hết co rút. Một số ít tái phát nhẹ hơn: uống bài này vẫn có kết quả (Triệu-Ngọc-Hải – ‘Thược Dược Cam Thảo Thang Gia Vị’ Trị  85 Trường Hợp Cơ Sinh Đôi Cẳng Chân Co Rút – Trung Y Tạp Chí 1985, 6: 50).

Trị xương tăng sinh:

  • Bạch Thược 30-60g + Mộc Qua 12g + Kê Huyết Đằng 15g + Uy Linh Tiên 15g + Cam Thảo 12g (tùy chứng gia giảm thêm). Ngày uống 1 thang. Trị 160 ca, khỏi 109 ca, kết quả tốt 42 ca, tiến bộ 1 ca, tỉ lệ khỏi: 96,7%. (Vương-Chi-Truật, Nhận Xét Về Chứng Xương Tăng Sinh Trị Bằng ‘Thược Dược Mộc Qua Thang’ – Tân Trung Y Tạp Chí 1980, 1: 18).

Trị ho gà:

  • Bạch Thược 15g + Cam Thảo 3g (Tùy chứng gia vị thêm: ho nhiều thêm Bách Bộ, Bách Hợp; Khí suyễn, đờm khò khè: thêm Địa Long, Đình Lich, Ngô Công…). Sắc uống ngày 1 thang. Trị 33 cas đều khỏi.(Trương Tường Phúc, ‘Điều Trị 33 Trường Hợp Ho Gà Bằng Thược Dược Cam Thảo Thang Gia Vị’ – Hồ Nam Trung Y Tạp Chí 1988, 1: 48).

Trị hen suyễn:

  • Bạch Thược 30g + Cam Thảo 15g. Tán bột. Mỗi lần dùng 30g, thêm nước sôi 100-150ml, nấu sôi 3-5 phút, để lắng cặn, uống nóng. Trị 35 ca, kết quả tốt 8 ca, có kết quả 23 ca, không kết qủa 4 ca, có kết quả trong 3-5 phút: 26 ca, trong 1-2 giờ: 4 ca. Có kết quả nhanh nhất là sau 30 phút. (Lý Phúc Sinh và cộng sự – ‘Thược Dược Cam Thảo Tán Trị Hen Suyễn’ – Trung Y Tạp Chí 1987, 9: 66).

Trị hội chứng rung đùi:

  • Bạch Thược + Cam Thảo mỗi thứ 15g, thêm 600ml (3 chén) nước sắc còn 200ml. Chia 2 lần: sáng uống 1 lần, 2 giờ sau uống 1 lần nữa. Trị 54 ca, khỏi 48 ca, có kết quả rõ nhưng tái diễn 6 ca. Tỉ lệ kết quả 100%. (Đỗ Hạt Nhiên, ‘Thược Dược Cam Thảo Thang Trị 54 Trường Hợp Hội Chứng Rung Đùi’ – Hà Bắc Trung Y Tạp Chí 1984, 3: 29).

Trị tiểu đường:

  • Dùng Cam Thảo Giáng Đường Phiến, mỗi lần 4-8 viên (mỗi viên có  Bạch Thược và Cam Thảo, chế thành cao khô 0,165g, tương đương thuốc sống 4g. Lượng dùng mỗi ngày tương đương Cam Thảo sống 8g, Bạch Thược sống 40g). Ngày uống 3 lần. Trị 108 ca, kết quả tốt 54 ca, có kết quả 67 ca, tiến bộ 12 ca, không kết quả 47 ca. Tỉ lệ kết quả 79,4%. (Vương Tông Căn, ‘Kết Quả Điều Trị Tiểu Đường Bằng ‘Giáng Đường Phiến’- Trung Tây Y Kết Hợp Tạp Chí 1986, 10:593).

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Bột:

  • Bột màu trắng.
  • Soi kính hiển vi thấy: Các khối tinh bột bị hồ hóa. Tinh thể calci oxalat đường kính 11 – 35 µm xếp thành hàng hay rải rác trong tế bào mô mềm; mạch mạng có đường kính 20 – 65 µm. Sợi gỗ dài, đường kính 15 – 40 µm, thành dày hơi hoá gỗ.

2. Định tính:

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

  • – Bản mỏng:

Silica gel G.

  • – Dung môi khai triển:

Cloroform – ethyl acetat – methanol – acid formic (40 : 5 : 10 : 0,2).

– Dung dịch thử:

Lấy 0,5 g bột dược liệu, thêm 10 ml ethanol (TT), lắc kỹ trong 5 phút, lọc. Bốc hơi dịch lọc đến khô, hòa tan cắn trong 2 ml ethanol 96% (TT) được dung dịch thử.

  • – Dung dịch đối chiếu:

Hòa tan chất đối chiếu paeoniflorin trong ethanol (TT) được dung dịch có chứa 1 mg paeoniflorin trong 1 ml. Nếu không có paeoniflorin thì dùng 0,5 g bột Bạch thược (mẫu chuẩn), tiến hành chiết trong cùng điều kiện như dung dịch thử.

  • – Cách tiến hành:

Chấm riêng rẽ 10 ml  mỗi dung dịch trên lên bản mỏng. Triển khai sắc ký xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng. Phun dung dịch vanilin 5% trong acid sulfuric (TT), sấy bản mỏng đến khi xuất hiện rõ vết. Trên sắc ký đồ, dung dịch thử phải có vết cùng giá trị Rf  và màu sắc với vết của paeoniflorin trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu. Hoặc nếu dùng dược liệu chuẩn để chuẩn bị dung dịch đối chiếu thì trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf  và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

3. Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  •  Độ ẩm:

Không quá 12% (Phụ lục 9.6).

  • Tạp chất:

Không quá 0,5% (Phụ lục 12.11).

  •  Kim loại nặng:

Không quá 5 ppm chì; 0,3 ppm cadmi; 2 ppm arsen; 0,2 ppm thuỷ ngân và 20 ppm đồng.

Dùng phương pháp quang phổ nguyên tử phát xạ và hấp thụ (Phụ lục 4.4).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img