Tắc kè còn gọi là Cáp giới, Đại bích hổ, Tiên thiềm; tên khoa học là Gekko Gecko L., thuộc họ Tắc kè ( Gekkonidae), bộ phận làm thuốc là toàn con mổ bỏ ruột phơi hay sấy khô, lần đầu tiên được ghi trong sách thuốc Lôi công bào chích luận.
Dược liệu Cáp Giới
- Tên khoa học: Gekko.
- Tên gọi khác: Tắc kè.
- Tính vị, quy kinh: Vị mặn, tính bình, hơi độc. Quy vào kinh phế, thận.
- Bộ phận dùng: Cả con đã chế biến của con Tắc kè.
- Đặc điểm sản phẩm: Tắc kè có 4 chân. Toàn thân dẹt, có vẩy nhỏ, mỏng, màu sắc tùy loại (màu tro xanh với điểm vàng, đỏ hay xám nâu). Mùi hơi tanh vị hơi mặn. Tắc kè nguyên con, đủ đuôi, không vụn nát, chắp vá, sâu mọt.
- Phân bố vùng miền: Trung Quốc, Ở Việt Nam tắc kè sống chủ yếu ở các vùng rừng núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái,..
- Thời gian thu hoạch: Có thể bắt tắc kè quanh năm.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT:
1. Mô tả thực vật:
- Tắc kè giống như con “mối rách” hay “thạch sùng”, nhưng to và dài hơn, các vây trên da to, nhiều màu sắc. Thân dài 15 – 17cm. Đầu hẹp hơi hình tam giác, mắt có con ngươi thẳng đứng, 4 chân, mỗi chân có 5 ngón rời nhau nối với thân thành hình chân vịt, mặt dưới ngón có những màng phiến mỏng màu trắng, sờ như có chất dính làm cho tắc kè có thể bám chặt vào tường hay cành cây khi trèo lên.
- Đầu lưng, đuôi đều có những vẩy nhỏ hình hạt tròn và hình nhiều cạnh, nhiều màu sắc từ xanh lá mạ đến xanh rêu đen, có khi xanh rêu nhạt hay đỏ nâu nhạt. Mầu sắc của tắc kè còn thay đổi nhiều làm cho phù hợp với môi trường xung quanh. Có lúc trên thân tắc kè có nhiều màu óng ánh, lúc này gọi là tắc kè hoa.
- Đuôi tắc kè có thể coi là bộ phận tốt nhất của nó. Nếu đuôi bị đứt hay gãy, nó có thể mọc lại được.
2. Phân bố:
- Thế giới: Trung Quốc.
- Việt Nam: Ở Việt Nam tắc kè sống chủ yếu ở các vùng rừng núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái,..
3. Bộ phận dùng:
- Cả con đã chế biến.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Có thể bắt tắc kè quanh năm.
- Chế biến: Đập chết, moi bỏ phủ tạng, lau khô bằng vải hay giấy bản, dùng nẹp tre để căng giữ cho thân Tắc kè thẳng và phẳng ngay ngắn. Dùng dải giấy bản cuốn buộc chặt đuôi sát với nẹp tre để phòng mất đuôi, sau đó phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp (40 – 50oC).
- Bảo quản: Để trong thùng kín có Xuyên tiêu. Nơi khô mát, tránh mốc mọt, không được xông sinh. Tránh làm gãy nát, không được gãy, mất đuôi.
5. Mô tả dược liệu Cáp Giới
- Tắc kè có 4 chân. Toàn thân dẹt, do đã chế biến nên có hình dáng đặc biệt. Đầu dài từ 3 đến 5cm, trên có 2 mắt, miệng có răng nhỏ và đều. Thân dài từ 8 đến 15cm, rộng 7 – 10cm.
- Đuôi dài 10 – 15cm, nguyên và liền. Toàn thân có vẩy nhỏ, mỏng, màu sắc tùy loại (màu tro xanh với điểm vàng, đỏ hay xám nâu). Hai chân trước và 2 chân sau được căng thẳng trên 2 que ngang. Từ đầu con Tắc kè đến cuối đuôi cũng được căng bởi một que dọc. Phần thân được căng vuông vắn và cân đối bởi 2 que chéo. Mùi hơi tanh vị hơi mặn.
- Tắc kè nguyên con, đủ đuôi, không vụn nát, chắp vá, sâu mọt.
6. Thành phần hóa học:
- Thân tắc kè chứa nhiều chất béo, chúng chiếm 13-15% trọng lượng, các acid amin, đa số là các acid amin không thay thế được, đó là: lycin, glycin, asparagic, arginin, alanin, cerin, leucin, isoleucin, phenylalanin, prolin, threolin, cystein, valin, histidin và acid glutamic. Đuôi chứa nhiều lipid, chứa tới 23-25%.
7. Công dụng – Tác dụng:
- Tác dụng: Bổ phế thận, định suyễn, trợ dương, ích tinh.
- Công dụng: chữa: Khó thở hay suyễn do thận không nạp khí, ho và ho máu, liệt dương, di tinh.
8. Cách dùng và liều dùng:
- Ngày dùng 3 – 6 g, dạng hoàn, tán, rượu thuốc hoặc có thể nấu cháo.
9. Lưu ý, kiêng kị
- Không dùng cho người ngoại tà thực nhiệt, ho do phong hàn.
Bài thuốc với Cáp Giới – Tắc Kè
Trị chứng hen phế quản, tâm phế mạn, phế khí thũng, lao phổi có triệu chứng phế âm hư và thận dương hư: như ho suyễn kéo dài, đờm có máu, có thể phối hợp với Bách bộ, Tử uyển, Ngũ vị tử hoặc Bối mẫu, Tang bạch bì, Hạnh nhân dùng các bài:
- Tắc kè lượng vừa đủ, tán bột mịn, mỗi lần uống 5 phân, gia ít đường, ngày 2 – 3 lần uống với nước cơm. Trị suyễn lâu ngày, di tinh.
- Sâm giới tán: Tắc kè 1 cặp, Nhân sâm 6g, tán bột, mỗi lần uống 2g, ngày uống 2 – 3 lần với nước sôi nguội hoặc nước cơm. Trị chứng thận hư, suyễn lâu ngày.
- Cáp giới thang: Tắc kè 8g, Tri mẫu, Bối mẫu, Lộc nhung (chưng), Tang bì, Hạnh nhân, Tỳ bà diệp, Đảng sâm, mỗi thứ 12g, Cam thảo 4g, sắc nước uống. Trị ho suyễn, đờm có máu.
Trị chứng suy nhược cơ thể, liệt dương, dục tính giảm, tiểu nhiều lần, ngũ canh tả do thận dương hư: thường phối hợp với Nhân sâm, Ngũ vị tử, Hạnh đào nhục, tán bột làm thành hoàn hoặc phối hợp với Ba kích, Phục linh, Bạch truật.
- cáp giới một đôi, nhân sâm 60g, rượu trắng 500ml, ngâm 30 ngày trở lên, mỗi lần uống 10-15ml, ngày 2 lần.
- cáp giới 1 đôi, nhân sâm, ngũ vị tử 60g, hồ đào nhục 80g hoặc ba kích 60g, phục linh 40g, bạch truật 60g làm bột uống ngày 2-3 lần, mỗi lần 15g
Liều thường dùng:
- Liều: 2 – 8g sắc uống, dùng bột mỗi lần 1 – 2g.
- Ngâm rượu 1 – 2 cặp: uống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006