Hương Nhu Tía

Dược liệu: Hương Nhu

  1. Tên khoa học: Herba Ocimi.
  2. Tên gọi khác: É tía.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị cay, tính ôn. Vào hai kinh phế, vị.
  4. Bộ phận dùng: Đoạn đầu cành có hoặc không có hoa được phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ cho đến khô của cây Hương nhu tía.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Đoạn đầu thân và cành có thiết diện vuông, mặt ngoài màu nâu tím, có nhiều lông. Lá mọc đối chéo chữ thập. Phiến lá hình trứng, màu xanh lục ở mặt trên, tím đậm hoặc phớt tím ở mặt dưới, có lông. Hoa là xim co ở đầu cành, xếp thành từng vòng 6 – 8 hoa tạo thành xim co. Quả bế, với bốn phân quả đựng trong đài tồn tại. Toàn cây có mùi thơm đặc trưng, vị hơi cay, tê.
  6. Phân bố vùng miền: Cây được trồng phổ biến khắp nơi để làm thuốc.
  7. Thời gian thu hoạch: Thu hái vào lúc cây đang ra hoa (tháng 5 cây ra hoa kéo dài đến tháng 10).

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật: Cây Hương Nhu Tía

Cây Hương Nhu – Thân hình vuông, chặt thành từng đoạn dài chừng 40cm, mặt ngoài màu nâu nhạt đến nâu tím có nhiều nếp nhăn dọc và lông mịn. Lá mọc đối, khô giòn, nhăn nheo, hình trứng nhọn, có cuống dài, mép khía răng, gân hình lông chim, mặt trên màu nâu, mặt dưới màu nâu nhạt, có các tuyến nhỏ lõm xuống, hai mặt đều có lông ngắn. Hoa màu nâu nhạt hình môi mọc thành xim co, đôi khi một số hoa, lá đã rụng chỉ còn cành. Đài hoa tồn tại đựng quả bế tư nhỏ (Danh Từ Dược Vị Đông Y).

Cây Hương Nhu
Cây Hương Nhu

2. Phân bố:

  • Thế giới: Trung Quốc.
  • Việt Nam: Cây thường mọc hoang ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng cũng được trồng làm thuốc quanh nhà.

3. Bộ phận dùng:

Đoạn đầu cành có hoặc không có hoa được phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ cho đến khô của cây Hương nhu tía.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản: Hương Nhu

  • Thu hái: Thu hái vào lúc cây đang ra hoa
  • Chế biến: Rửa sạch, cắt thành từng đoạn 3 – 4cm, phơi âm can đến khô.
  • Bảo quản: Để nơi khô mát, tránh làm mất tinh dầu.

5. Mô tả dược liệu: Hương Nhu Tía

Đoạn đầu thân và cành có thiết diện vuông, mặt ngoài màu nâu tím, có nhiều lông. Lá mọc đối chéo chữ thập, cuống dài 1 – 2cm. Phiến lá hình trứng, đầu thuôn nhọn, dài 2 – 4cm, rộng 1,5 – 3,5cm, mép có răng cưa, màu xanh lục ở mặt trên, tím đậm hoặc phớt tím ở mặt dưới, có lông. Hoa là xim co ở đầu cành, xếp thành từng vòng 6 – 8 hoa tạo thành xim co. Dược liệu khô thường có một số lá và hoa đã rụng, để lại cuống ở trên cành. Quả bế, với bốn phân quả đựng trong đài tồn tại. Quả khô, ngâm vào nước sẽ trương nở một lớp chất nhầy màu trắng bao bọc chung quanh. Toàn cây có mùi thơm đặc trưng, vị hơi cay, tê.

6. Thành phần hóa học:

Cavacrol 10,15%, Transbergamotene 10,90%, b-Caryophyllene 10,93%, Thymol 9,82%, Humulene 11,83%, b-Bisabolene 12,64%, Terpinene-4-Ol 7,19%,  g-Terpinene 4,35%, p-Cynmene 4,06%, Camphene 2,62%, a-Pinene 1,23%, b-Farnesene 0,25%, Limonene 0,15% (Trương Cấn Ôn, Trung Thảo Dược 1990, 21 (3): 138).

7. Phân biệt thật giả:

8. Công dụng – Tác dụng: Cây Hương Nhu

  • Tác dụng: Phát hãn, thanh thử, tán thấp hành thủy.
  • Công dụng: Chủ trị: Cảm nắng, cảm hàn, sốt nóng sợ rét, nhức đầu, đau bụng đi ngoài, thổ tả chuột rút, dương thủy (phù thũng cấp do ngoại tà và thủy thấp gây nên).

Tinh dầu Hương nhu trắng: Tinh dầu lỏng, màu vàng nhạt, mùi thơm, vị cay, tê, để ngoài không khí biến màu nâu đen. có tác dụng giảm đau tại chỗ, sát trùng, dùng làm thuốc phòng chữa thối rữa, thuốc chữa đau răng.

9. Cách dùng và liều dùng: Cây Hương Nhu

Ngày dùng 6 – 12g, dạng thuốc sắc, thuốc hãm.

10. Lưu ý, kiêng kị:

Ho lao mạn tính không nên dùng.

11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Cây Hương Nhu Tía

  • Chữa cảm lạnh (đi mưa bị nhiễm lạnh):

500g hương nhu tía, 200g bạch biển đậu (đậu ván trắng) sao qua, 200g hậu phác tẩm gừng nướng, tất cả đem tán nhỏ trộn đều. Pha với nước sôi uống dần, mỗi lần dùng từ 8 – 10g. Ngày uống 2 lần sau mỗi bữa ăn. Một liệu trình từ 2 – 3 ngày. Hoặc có thể dùng mình hương nhu tía, 100g đem tán nhỏ. Pha với nước sôi uống mỗi lần 8g. Ngày uống 2 lần sau bữa ăn, nếu thấy ra mồ hôi thì sẽ khỏi bệnh.

  • Chữa cảm nắng, tiêu chảy, nôn mửa hay ăn quá nhiều thức ăn sống lạnh vào mùa hè:

12g hương nhu, 9g mộc qua, 9g tía tô (cành và lá) dùng sắc nước uống trong ngày. Một cách khác là dùng 500g hương nhu, 200g hậu phác tẩm gừng (nướng hoặc sao qua), 200g bạch biển đậu (sao qua). Tán nhỏ 3 cả vị thuốc này, trộn đều với nhau và cho 10g vào mỗi túi. Mỗi lần dùng lấy ra 1 túi hãm với 150-200ml nước sôi, khi nước thuốc nguội mới uống. Mỗi ngày dùng từ 1 đến 2 lần.

  • Đối với cảm nắng mùa hè có các triệu chứng đau đầu, nôn, ớn rét, tim hồi hộp, phát sốt, tiêu chảy, tiểu tiện vàng đỏ và miệng khát:

Dùng 12g hương nhu, 12g cát căn, 12g dấp cá (ngư tinh thảo), 12g điền cơ hoàng (nọc sởi), 8g thạch xương bồ, 4g mộc hương sắc uống.

  • Trị cảm sốt nhức đầu:

Một năm lá hương nhu tươi mang giã nhỏ, cho nước sôi vào vắt lấy nước uống, phần bã đắp lên đầu, trán và thái dương. Trường hợp bị sốt có mồ hôi dùng thêm 200g sắn dây tươi giã nhỏ vắt nước uống.

  • Trị hôi miệng:

Lấy 10g hương nhu cùng 200ml nước sắc nước súc miệng (ngậm) 2 lần 1 ngày vào sáng sớm và trước khi đi ngủ. Dùng liên tiếp trong 15 ngày.

  • Chữa phù thũng, không mồ hôi, tiểu tiện đỏ:

9g hương nhu, 12g ích mẫu thảo, 30g bạch mao căn (rễ cỏ tranh) mang sắc nước uống như trà trong ngày. Dùng liên tiếp từ 10 ngày trở lên. Cũng có thể chữa phù thũng ở mặt, da khô không có mồ hôi, ớn rét, chán ăn, có rêu lưỡi bằng 12g hương nhu và 12g bạch truật sắc uống.

  • Chữa chậm mọc tóc ở trẻ:

40g hương nhu cùng 200ml nước sắc cô đặc lại, rồi trộn với mỡ lợn vừa rán (nguội) dùng bôi lên đầu mỗi ngày sẽ mau mọc tóc.

  • Trị viêm đường hô hấp ở trẻ:

Dùng mỗi thứ 10g gồm hương nhu, bán hạ, hoắc hương, hoàng cầm, kinh giới, phục linh, cam thảo 5g, đẳng sâm sắc với nước uống 4 đến 6 lần trong ngày.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu:

: Biểu bì trên và biểu bì dưới có mang lông che chở đa bào gồm 2 – 10 tế bào xếp thành dãy dài. Tế bào của lông có thành khá dày, chỗ chân lông dính vào biểu bì các tế bào nhô cao tạo thành u lồi. Lông tiết có chân gồm 1 – 2 tế bào ngắn, đầu thường có 2 – 4 tế bào chứa tinh dầu màu vàng. Ở vùng gân chính có mô dày nằm sát biểu bì trên và biểu bì dưới. Cung libe-gỗ thường chia làm hai, phần trên có hai bó libe-gỗ nhỏ quay xuống đối diện với hai cung libe-gỗ to. Cung mô dày dính kèm theo phía dưới của cung libe. Phần phiến lá có một lớp mô giậu ở sát biểu bì trên, kế đến là mô khuyết.

Bột: Bột màu xanh nâu, mùi thơm, vị hơi cay.

Lông che chở đa bào có nhiều đoạn thắt, bề mặt lấm tấm. Lông tiết chân 1 – 2 tế bào ngắn, đầu có 2 – 4 tế bào chứa tinh dầu màu vàng. Mảnh biểu bì lá có lỗ khí (kiểu trực bào). Mảnh mạch vạch, mạch xoắn, mạch mạng, mạch chấm. Hạt phấn hoa hình cầu đường kính 35 – 39µm, có 6 rãnh, bề mặt có dạng mạng lưới. Mảnh biểu bì cánh hoa có màng ngoằn ngoèo, mang nhiều lông tiết. Sợi đứng riêng lẻ hay chụm thành từng đám. Tế bào mô cứng thành dày và có ống trao đổi rõ.

2.Định tính:

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4):

Bản mỏng: Silicagel G

Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethylacetat (9 : 1).

Dung dịch thử: tinh dầu cất lôi cuốn theo hơi nước ở phần định lượng, pha loãng trong xylen (TT) theo tỷ lệ khoảng 1 : 1.

Dung dịch đối chiếu: Tinh dầu hương nhu pha loãng trong xylen (TT) theo tỷ lệ 1: 1 hoặc eugenol (5 giọt) trong 1ml xylen (TT).

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng khoảng 20μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 10 – 12cm, lấy bản mỏng ra, phun lên bản mỏng dung dịch vanillin 1% trong acid sulfuric (TT), sấy bản mỏng ở 110oC trong 5 phút.

Dung dịch thử phải xuất hiện ít nhất 3 vết có giá trị Rf khoảng 0,7 (màu xanh tím); 0,35 (vết eugenol, có màu vàng cam); 0,2 (màu tím). Trong đó, vết có Rf khoảng 0,3 – 0,4 là vết eugenol to nhất và đậm nhất, dung dịch thử phải có vết này và phải có cùng màu sắc, giá trị Rf với dung dịch đối chiếu.

Có thể phun dung dịch sắt (III) clorid 1% trong ethanol (TT) lên bản mỏng khác sau khi khai triển ở hệ dung môi trên để phát hiện riêng vết eugenol có màu vàng nâu.

3. Định lượng:

Định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7).

Cho 40g dược liệu khô đã cắt nhỏ vào bình cầu dung tích 500ml của bộ dụng cụ định lượng tinh dầu trong dược liệu, thêm 300ml nước, 0,5ml xylen (TT) vào ống hứng tinh dầu có khắc vạch, tiến hành cất trong 4 giờ với tốc độ 2,5ml đến 3,5ml/phút.

Dược liệu phải chứa ít nhất 0,5% tinh dầu (tính theo dược liệu khô tuyệt đối).

4. Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 13% (Phụ lục 12.13). Dùng 10 g dược liệu đã cắt nhỏ.
  • Tro toàn phần: Không quá 16% (Phụ lục 9.8).
  • Tro không tan trong acid: Không quá 3% (Phụ lục 9.7).
  • Tạp chất: Không quá 1% (Phụ lục 12.11).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img