Tế Tân

Dược liệu: Tế Tân

  1. Tên khoa học: Radix et Rhizoma Asari
  2. Tên gọi khác: hoa tế tân
  3. Tính vị, quy kinh: Cay, ấm. Vào các kinh tâm, phế, thận, can.
  4. Bộ phận dùng: toàn cây
  5. Đặc điểm sản phẩm: Thân rễ mọc ngang hình trụ, không đều, phân nhánh ngắn, mặt ngoài màu nâu xám, xù xì. Có 2 – 3 lá mọc ở gốc thân, cuống dài, lá nguyên hình tim hay hình thận, mặt trên màu lục nhạt. Một số dược liệu có hoa, phần nhiều nhăn dúm lại, hình chuông, màu tía thẫm. Quả nang, hình cầu. Mùi thơm, vị cay.
  6. Phân bố vùng miền: Thế giới: Trung Quốc
  7. Thời gian thu hoạch: hạ và đầu thu

I. THÔNG TIN CHI TIẾT

1. Mô tả thực vật Tế Tân

Tế tân là một loại cỏ nhỏ, cao chừng 12-24cm. Thân rễ dưới đất bò ngang, đầu thân rễ có phân nhánh. Rễ nhiều, nhỏ và dài vê ở tay có mùi thơm. Lá mọc từ rễ, gồm 2-3 lá, có cuống dài 5-18cm, thường là nhẵn hay hơi có lông, trên có rãnh chạy dọc, phiến lá hình tim dài 4-9cm, rộng 6-12cm, đầu nhọn, phía đáy lá hình tim, mép nguyên, mặt dưới lá có nhiều lông mịn, dài. Hoa mọc đơn độc từ rễ lên, cuống dài 3-5cm. Bao hoa chỉ gồm 1 vòng màu nâu đỏ nhạt, phía trên chia thành 3 cánh hình trứng rộng dài 10mm, đầu nhọn. Quả gần hình cầu.

tế tân
Dược liệu tế tân

2. Phân bố

  • Thế giới: Các vùng Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Triết Giang, An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc, Tứ xuyên, Thiểm tây, Cam Túc v.v…(Trung Quốc).

3. Bộ phận dùng

Toàn cây đã phơi khô của cây Bắc tế tân (Asarum heterotropoides Fr. var. mandshuricum (Maxim.) Kitag.), cây Hán thành tế tân (Asarum sieboldii Miq. var. seoulense Nakai), hoặc Hoa tế tân (Asarum sieboldii Miq.) cùng họ Mộc hương (Aristolochiaceae). Hai loài trên còn gọi là Liêu tế tân.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

  • Thu hái: Thu hoạch vào mùa hạ và đầu mùa thu, khi quả chín, đào lấy cả cây Tế tân, rửa sạch, phơi âm can.
  •  Chế biến: Dược liệu khô, loại bỏ tạp chất, vẩy nước vào cho mềm, cắt thành từng đoạn, phơi khô.Bảo quản: Để nơi khô mát.

5. Mô tả dược liệu Tế Tân

Bắc tế tân: Thường cuộn lại thành một khối lỏng lẻo. Thân rễ mọc ngang hình trụ, không đều, phân nhánh ngắn, dài 1 – 10 cm, đường kính 2 – 4 mm, mặt ngoài màu nâu xám, xù xì, với những mấu vòng, đốt dài 2 – 3 mm, có vết hình đĩa của các sẹo thân ở đầu nhánh. Rễ mảnh dẻ, mọc gần nhau ở các mấu, dài 10 – 20 cm, đường kính 1 mm; mặt ngoài màu vàng xám, nhẵn, có vết nhăn dọc, với những rễ con nhỏ hoặc vết sẹo. Có 2 – 3 lá mọc ở gốc thân khí sinh, cuống dài, mặt nhẵn, phiến lá phần nhiều bị gẫy, lá nguyên hình tim hay hình thận, mép nguyên, đầu lá nhọn, gốc lá hình tim, dài 4 – 10 cm, mặt trên màu lục nhạt. Một số dược liệu có hoa, phần nhiều nhăn dúm lại, hình chuông, màu tía thẫm, thuỳ của bao hoa cong về phía gốc, phần nhiều bị nén ép, xát vào ống bao hoa. Quả nang, hình cầu. Mùi thơm, vị cay, nếm có cảm giác tê lưỡi.

Thân rễ của cây trồng, có nhiều nhánh, dài 5 – 15 cm, đường kính 2 – 6 mm. Rễ dài 15 – 40 cm, đường kính 1 – 2 mm, có nhiều lá hơn.

Hán thành tế tân: Đường kính thân rễ 1 – 5 mm, đốt dài 0,1 – 1 cm. Phần nhiều có 2 lá gốc, cuống có lông, phiến lá dày hơn. Thuỳ bao hoa căng ra. Quả nang, hình bán cầu.

Hoa tế tân: Thân rễ dài 5 – 20 cm, đường kính 1 –  mm, đốt dài 0,2 – 1 cm. Có 1 – 2 lá gốc, phiến lá mỏng hơn, hình tim, đầu lá nhọn. Thuỳ bao hoa căng ra. Quả nang, gần hình cầu. Mùi và vị đặc trưng.

6. Thành phần hóa học Tế Tân

Có tinh dầu 2,750%, thành phần chủ yếu là Pinen, metyl – eugenola, hợp chất phenola, một hợp chất xeton, một lượng nhỏ acid hữu cơ, nhựa.

7. Phân biệt thật giả

…chưa có..

8. Công dụng – Tác dụng Dược Liệu Tế Tân

  • Tác dụng: Khu phong, tán hàn, thông khiếu, giảm đau, ôn phế, hoá đàm ẩm.
  • Công dụng: Chủ trị: Cảm mạo phong hàn, nhức đầu, đau răng, ngạt mũi, chảy nước mũi, phong thấp đau tê, đàm ẩm, ho suyễn.

9. Cách dùng và liều dùng

  • Ngày dùng 4 – 8 g, dạng thuốc sắc, bột, hay viên. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
  • Dùng ngoài:  Lượng thích hợp.

10. Lưu ý, kiêng kị 

  • Không dùng phối hợp với Lê lô.
  • Dùng thận trọng với người âm hư hoả vượng.

11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Tế Tân

  • Trị chứng ngoại cảm phong hàn: Đau đầu, nghẹt mũi, thường phối hợp với Phòng phong, Kinh giới hoặc Quế chi, Sinh khương .hoặc dùng bài: MA HOÀNG PHỤ TỬ TẾ TÂN THANG gồm: Ma hoàng 4g, Phụ tử 8g, Tế tân 4g, sắc uống trị người bệnh vốn dương hư mắc chứng ngoại cảm phong hàn.
  • Trị các chứng đau đầu ( đầu phong thống), Đau răng ( do thần kinh), đau khớp ( do phong thấp). Trị chứng Đau răng gặp lạnh đau nhiều dùng bài ĐỊNH THỐNG TÁN gồm: Tế tân 4g, Xuyên ô 2g, Nhũ hương 4g, Bạch chỉ 4g, tán bột mịn mỗi lần 1 -2g rắc vào chỗ đau ngày 3 – 4 lần. Trường hợp Đau răng kèm sưng đỏ, dùng bài: Tế tân 4g, Thạch cao sống 40g sắc uống.
  • Trị đau nhức các khớp do phong thấp dùng bài: Tế tân 4g, Xuyên khung 12g, Tần giao 12g, Cam thảo 4g, sắc nước uống.
  • Trị ho nhiều đờm loãng: trong các bệnh viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản dùng bài LINH CAM NGŨ VỊ KHƯƠNG TÂN THANG gồm: Phục linh 12g, Cam thảo 4g, Tế tân 4g, Can khương 6g, Ngũ vị tử 4g sắc uống.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU

1.Độ ẩm

Không quá 13% (Phụ lục 12.13)

2. Tạp chất

Không quá 1% (Phụ lục 12.11).

3. Tro toàn phần

Không quá 12% (Phụ lục 9.8).

4. Định lượng

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7). Hàm lượng tinh dầu trong dược liệu không được dưới 2,0% tính theo dược liệu khô kiệt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img