Bách Hợp

Dược liệu Bách Hợp

  1. Tên khoa học: Lilium brownii F.E. Brow. et Mill. – Liliaceae.
  2. Tên gọi khác: Tỏi trời, tỏi rừng, khẻo ma, sluôn phạ (Tày), kíp pá (Thái), cà ngái dòi (Dao).
  3. Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, tính mát. Quy  hai kinh tâm, phế.
  4. Bộ phận dùng: Vẩy đã chế biến khô của cây Bách hợp.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Vẩy hình bầu dục dài, mặt ngoài màu trắng ngà, màu vàng nâu hoặc hơi tía, có các gân dọc màu trắng , đỉnh nhọn, không có răng, hơi cong vào phía trong. Chất cứng và dai, mặt gãy phẳng, trơn bóng như sừng. Không mùi, vị hơi đắng.
  6. Phân bố vùng miền: Mọc hoang ở một số vùng núi cao nước ta. Vị thuốc chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
  7. Thời gian thu hoạch: Thu hoạch củ vào cuối mùa hè, đầu thu, khi cây bắt đầu khô héo.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật Bách Hợp

Cây thảo, cao 0,5 – 1 m. Thân hành (thường gọi nhầm là củ) màu trắng đục, có khi màu hồng rất nhạt gồm nhiều vảy nhẵn, dễ gãy. Thân trên mặt đất mọc thẳng đứng, không phân nhánh, cứng và nhẵn, màu xanh lục, có khi điểm những đốm đỏ.

Bách hợp là dược liệu quý trong điều trị ho lao, ho ra máu

  • Lá mọc so le, có bẹ, hình mũi mác, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, gân lá hình cung, hai mặt trơn nhẵn.
  • Cụm hoa mọc ở ngọn thân gồm 2-5 hoa to màu trắng; lá bắc nom như lá; bao hoa hình phễu hay loa kèn, khi nở cong ra ngoài; 6 nhị ngắn hơn các bộ phận của bao hoa, chỉ nhị hình dùi, bao phấn hình trái xoan hay thuôn.
  • Quả nang, dài 5 – 6cm, có 3 ngăn chứa nhiều hạt nhỏ.
  • Mùa hoa: tháng 5-7.
  • Mùa quả: tháng 8-10.

2. Phân bố:

  • Thế giới:  Trung Quốc.
  • Việt Nam: Bách hợp chỉ thấy ở một vài nơi thuộc vùng có khí hậu á nhiệt đới núi cao, từ 1300 đến 2000m, như: Sa Pa; Bát xát (Lào Cai); Mù Cang Chải (Yên Bái); Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu); Quản Bạ, Đồng Văn (Hà Giang); núi Phia Bi Óoc và vùng đèo Gió (Cao Bằng).

3. Bộ phận dùng:

  • Vẩy đã chế biến, phơi khô lấy ở thân hành cây Bách hợp.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

  •  Thu hái: Sau một năm thu hoạch thường người ta ngắt hết hoa để cho củ to. Thu hoạch củ vào cuối mùa hè, đầu thu, khi cây bắt đầu khô héo. Ðào về rửa sạch, tách riêng từng vẩy, nhúng nước sôi 5-10 phút cho vừa chín tái, rồi đem phơi hay sấy khô.
  • Chế biến: Bào chế Bách hợp tẩm mật: Lấy Bách hợp sạch, thêm mật ong và một ít nước sôi, quấy đều cho ngấm, cho vào chảo sạch, sao nhỏ lửa tới khi không dính tay thì lấy ra, để nguội. Cứ 100 kg Bách hợp thì dùng 5 kg mật ong đã canh.
  • Bảo quản: Để nơi thoáng, khô.

5. Mô tả dược liệu Bách Hợp

Bách hợp và tác dụng đối với sức khỏe con người

  • Vẩy hình bầu dục dài, dài 2 – 5 cm, rộng 1 – 2 cm, phần giữa dày 3 – 4 mm, mặt ngoài màu trắng ngà, màu vàng nâu hoặc hơi tía, có các gân dọc màu trắng (các bó mạch), đỉnh nhọn, gốc tương đối phẳng, mép mỏng, không có răng, hơi cong vào phía trong. Chất cứng và dai, mặt gãy phẳng, trơn bóng như sừng.
  • Không mùi, vị hơi đắng.

6. Thành phần hóa học:

  • Trong bách hợp có tinh bột 30%, protid 4%, chất béo 0,1%, colchicein C21H23O6N1/2H2O và ít vitamin C.
  • Ở Trung Quốc, vị thuốc bách hợp bao gồm nhiều loài Lilium như L. lancifolium Thunb. (L. tigrinurn Ker. Gawl) L. brownii F.E Brown var. viridulum Baker (L. brownii var. colchesteri wils) L. pumilum DC. (L. tenuifolium Fish; L. potaninii Vrishes).
  • Trong các loài trên người ta xác định các thành phần hóa học sau: 1-O-feruloyl-3-O-p. cumaroyl-glycerol, adenosin, methyl-α-D-manopyranosid, regalosid A, D, tenuifoliosid A. B, acid 2, 3-dihydroxy-3-O-p. cumaryl-1-2 propanedicarboxylic, lilinosid A, B, regalosid D, E, F.

7. Công dụng – Tác dụng:

  •  Tác dụng: Dưỡng âm, nhuận phế, thanh tâm, an thần.
  •  Công dụng: Chữa âm hư, ho lâu ngày, trong đờm lẫn máu, hư phiền, kinh hãi, tim đập mạnh, mất ngủ, hay ngủ mê, tinh thần hoảng sợ.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày dùng 6 – 12 g. Dạng thuốc sắc hoặc dạng bột.

9. Lưu ý, kiêng kị:

  • Trúng hàn (cảm lạnh), hàn thấp ứ trệ, tỳ, thận dương suy không nên dùng.

Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Bách Hợp

  • Chữa ho lâu, phổi yếu, tâm thần suy nhược, lo âu, hồi hộp, buồn bực, ít ngủ: Dùng Bách hợp. Mạch môn, Sinh địa, đều 20g. Tâm sen sao 5g sắc uống.
  •  Chữa triệu chứng đau ngực, thổ huyết: Bách hợp giã tươi, lấy nước uống.
  • Chữa đại tiện ra máu: Hạt Bách hợp tẩm rượu sao, tán nhỏ, uống 6-12g.
  • Chữa đau dạ dày mạn tính, thỉnh thoảng đau bụng: Bách hợp 30g, Ô dược 10g sắc uống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img