Dược liệu Ngải Cứu
- Tên khoa học: Herba Artemisiae vulgaris
- Tên gọi khác: thuốc cứu, ngải diệp, nhả ngải, co linh ly, ngỏi
- Tính vị, quy kinh: đắng, cay, ấm. Vào các kinh can, tỳ, thận.
- Bộ phận dùng: thân mang ngọn và lá
- Đặc điểm sản phẩm: Thân mang ngọn, màu vàng nâu hay nâu xám, có lông tơ. Lá mọc so le, có cuống hoặc không, thường nhăn nheo, cuộn vào nhau. Mặt trên lá màu xám đến xanh đen, nhẵn hay có rất ít lông tơ, mặt dưới lá màu tro trắng, có rất nhiều lông tơ trắng như mạng nhện nằm dẹp, cụm hoa đầu, gồm nhiều hoa hình ống.
- Phân bố vùng miền: Thế giới: vùng ôn đới ấm châu Âu hoặc châu Á, vùng nhiệt đới Nam Á, Đông Nam Á, Ấn Độ, Pakistan, Srilanca, Lào, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc. Việt Nam: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Lạng Sơn, Hòa Bình, Hà Giang…
- Thời gian thu hoạch: tháng 5 – 6
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật
Ngải cứu dại – Loại cỏ sống lâu năm, cao 50-60cm, thân to, có rãnh dọc. Lá mọc so le, rộng, không có cuống, xẻ thuỳ lông chim, mầu lá ở 2 mặt khác nhau> mặt trên nhẵn, mầu lục sẫm, mặt dưới mầu trắng tro vì có rất nhiều lông nhỏ, trắng. Hoa mọc thành chuỳ kép, gồm rất nhiều cụm hoa hình đầu.
2. Phân bố
- Thế giới: vùng ôn đới ấm châu Âu hoặc châu Á, vùng nhiệt đới Nam Á, Đông Nam Á, Ấn Độ, Pakistan, Srilanca, Lào, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc.
- Việt Nam: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Lạng Sơn, Hòa Bình, Hà Giang…
3. Bộ phận dùng
Thân mang ngọn và lá đã phơi hay sấy khô của cây Ngải cứu (Artemisia vulgaris L.), họ Cúc (Asteraceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: Thường thu hái vào tháng 5 – 6 (lúc chưa ra hoa), chặt lấy đoạn cành dài không quá 40 cm, mang nhiều lá, loại bỏ tạp chất, phơi âm can hay sấy nhẹ tới khô.
- Chế biến: Ngải cứu khô: Loại bỏ tạp chất và cành, rây bỏ chất vụn, thu được Ngải diệp, rửa qua nước cho mềm, thái ngắn, phơi khô.
Ngải thán (hoặc Thố Ngải thán): Chọn Ngải diệp sạch cho vào nồi sao to lửa đến khi đa phần (khoảng 7 phần 10) chuyển thành màu đen, trộn đều với giấm, sao khô hoặc lấy ra phơi ở chỗ mát 2 – 3 ngày cho khô. Cứ 100 kg lá Ngải cứu dùng 15 lít giấm.
Ngải nhung dùng để (châm) cứu: Lá Ngải cứu sạch phơi khô, sao qua, để cho mềm, cho vào cối giã kỹ, khi nào mịn như nhung là được, bỏ xơ và bột vụn.
- Bảo quản: Để nơi khô, thoáng mát.
5. Mô tả dược liệu Ngải Cứu
Thân mang ngọn dài không quá 30 cm, có khía dọc, màu vàng nâu hay nâu xám, có lông tơ. Lá mọc so le, có cuống hoặc không, thường nhăn nheo, cuộn vào nhau. Lá có nhiều dạng: Lá trên ngọn nguyên, hình mác; lá phía dưới xẻ lông chim một hoặc hai lần. Mặt trên lá màu xám đến xanh đen, nhẵn hay có rất ít lông tơ, mặt dưới lá màu tro trắng, có rất nhiều lông tơ trắng như mạng nhện nằm dẹp, cụm hoa đầu, gồm nhiều hoa hình ống.
6. Thành phần hóa học
- Folium Artenesiae Vulgaris: Thujone, Sitosterol, a-Amyrin, Ferneol, Dehydromatricaria ester, Cineol, l-Quebrachitol, l-Inositol, Atemose (Trung Dược Học).
- Phellandrene, Cadiene, Thujyl alcol (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
7. Phân biệt thật giả
..chưa có..
8. Công dụng – Tác dụng
- Tác dụng: Chỉ huyết, trừ hàn thấp, điều kinh, an thai.
- Công dụng: Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, băng huyết, rong huyết, thổ huyết, khí hư bạch đới, động thai, viêm ruột, lỵ.
9. Cách dùng và liều dùng
- Ngày dùng 6 – 12 g, dạng thuốc sắc.
- Dùng ngoài trị đau do sang chấn: Lấy Ngải cứu tươi, rửa sạch, giã, đắp nơi đau với liều thích hợp.
10. Lưu ý, kiêng kị
Âm hư huyết nhiệt, không nên dùng.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Ngải Cứu
- Trị kinh nguyệt ra nhiều, tử cung xuất huyết do suy nhược:
Ngải diệp 12g, Sinh địa 10g, Đương quy 10g, Bạch thược 5g, Xuyên khung 3g. sắc với 800ml nước còn 300ml, lọc bỏ bã, thêm 12g A giao vào quấy đều, chia 3 lần uống trong ngày (Giao Ngải Thang – Kim Quỹ Yếu Lược).
- Trị có thai 2 tháng mà thai bị động không yên:
Đại táo 12 quả, Ngải diệp 24g, Sinh khương 24g. Sắc uống (Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương).
- Trị thương hàn thời khí ôn dịch gây nên đau đầu, nóng như lửa, mạch Hồng, Thực:
Ngải cứu dại phơi khô 90g, sắc kỹ chỉ còn phân nửa, uống hết lúc còn hơi nóng để cho ra mồ hôi thì khỏi bệnh (Trửu Hậu Phương).
- Trị tử cung lạnh làm cho vô sinh:
Bạch thược, Đương quy, Hương phụ (tứ chế), Ngải diệp, Thục địa, Xuyên khung. Tán bột, làm viên. Ngày uống 12 – 16g (Ngải Phụ Noãn Cung Hoàn – Nhân Trai Trực Chỉ Phụ Di).
- Trị có thai bị thương hàn nóng đến nỗi phát ban, rồi lại biến ra nốt đen, tiểu ra máu:
Ngải diệp, viên lại to bằng quả trứng gà, sắc với 200ml rượu, còn một nửa. Chia làm hai lần uống (Thương Hàn Loại Yếu Phương).
- Trị trúng phong méo miệng:
Dùng ống cây Lau, khoảng 30cm, một đầu cắm vào trong lỗ tai, một đầu dùng bột nhão như bánh để trét kín không để hở một tí nào cho gió lọt vào được. Còn đầu ngoài dùng mồi Ngải cứu mà đốt 7 mồi. Méo bên phải, cứu bên trái và ngược lại. Thấy miệng hết méo thì ngưng ngay (Thắng Kim Phương).
- Trị phụ nữ bị các chứng hư, kinh nguyệt không đều, đau nhói do khí huyết, bụng sườn đầy trướng, chóng mặt, muốn nôn, băng lậu, đới hạ:
Đương quy, Ngải diệp đều 80g, Hương phụ 240g. Chưng với dấm nửa ngày, phơi khô, tán bột. Dùng giấm nấu với nếp làm hồ, trộn với thuốc bột làm hoàn. Ngày uống 16 – 20g (Ngải Tiễn Hoàn – Đông Viên Thập Thư).
- Trị doạ xẩy thai:
Ngải diệp, Sa nhân đều 6g, A giao (hoà vào uống), Bạch truật đều 15g, Tô ngạnh, Hoàng cầm đều 12g, Tang ký sinh, Đỗ trọng đều 24g. tuỳ chứng gia giảm, sắc uống. Trị 45 ca doạ xẩy thai chảy máu. Kết quả tốt 26 ca, có kết quả 16ca, không kết quả 3 (Vương Trung Dân – Hà Bắc Trung Y Tạp Chí 1985, 5 : 31).
- Trị viêm phế quản mạn:
Tinh dầu Ngải diệp, bọc trong viên nhựa, cho uống. 10 ngày là một liệu trình. Dùng liên tục 2 liệu trình. Trị 544 ca. kết quả tốt, hết triệu chứng lâm sàng 41,4 – 56,4%. Tỉ lệ có kết quả là 86,4 – 86,7%. Kéo dài thêm liệu trình kết quả tốt hơn. Dùng phun sương dầu Ngải diệp trị 319 ca, tỉ lệ kết quả tốt là 33,5% và có kết quả là 82% (Công Nghiệp Y Dược Tạp Chí 1977, 4 : 55).
- Trị dị ứng, hen phế quản, viêm phế quản mạn thể hen, viêm da dị ứng (có kết hợp dầu bôi bên ngoài), mề đay, viêm mũi dị ứng, dị ứng do thuốc:
Dùng tinh dầu Ngải diệp cho uống mỗi lần 0,15ml, ngày 3 lần. Kết quả đạt 77,3% (Trung Thảo Dược Học Báo 1975, 1 : 43).
- Trị bệnh gan:
Dùng nước cốt chưng Ngải diệp chế thành dịch tiêm. Chích bắp mỗi lần 4ml, ngày 1 lần. Liệu trình từ 1-2 tháng. Trong thời gian dùng thuốc có kết hợp dùng thuốc bảo vệ gan và thuốc điều trị triệu chứng. Đã trị 100 ca (gồm viêm gan kéo dài, viêm gan mạn và xơ gan), kết quả 100% đối với viêm gan kéo dài và viêm gan mạn, 46,5% đối với xơ gan. Tỉ lệ kết qaủc hung là 92% (Khoa Nội bệnh viện nhân dân Cát Lâm – Tân Y Học Tạp Chí 1974, 2 : 83).
- Trị vết thương bỏng:
Lý Bản dùng xông khói Ngải diệp để khử trùng kkhông khí phòng bệnh của trẻ nhỏ bị bệnh, thấy có tác dụng làm cho mặt bỏng bớt mủ, khống chế được nhiễm khuẩn, hết mùi thối, vết bỏng mau khỏi (Trung Hoa Ngoại Khoa Tạp Chí 1960, 13 (9) : 787).
- Trị kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt kéo dài, đau bụng lúc hành kinh:
Hương phụ, Ngải cứu đều 500g, tá dược vừa đủ 1 lít. Ngày uống 2 lần, mỗi lâng 30ml, uống 1 giờ trước bữa ăn sáng và tối (Cao Hương Ngải – Dược Liệu Việt Nam).
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
1. Vi phẫu
Lá: Phần gân lá: Gân chính lồi lõm ở cả 2 phía trên và dưới. Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một hàng tế bào hình trứng và đều mang 2 loại lông che chở đa bào: lông đa bào một dãy và lông đa bào hình chữ T (đầu lông có 1 tế bào hình thoi nằm ngang, chân lông đa bào đính vào giữa tế bào hình thoi). Sát lớp biểu bì là đám mô dày gồm 2-3 hàng tế bào có thành dày ở góc. Mô mềm gồm các tế bào hình gần tròn hoặc hình nhiều cạnh, thành mỏng, tương đối đều. Có 3 đến 5 bó libe-gỗ rời nhau xếp thành hình cung cân đối: bó ở giữa to nhất, các bó hai bên nhỏ dần (cấu tạo libe-gỗ chồng kép). Libe gồm những tế bào nhỏ hình đa giác xếp bao lấy gỗ, các mạch gỗ xếp thành hàng tương đối đều đặn.
Phần phiến lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm 1 hàng tế bào có kích thước lớn hơn tế bào ở phần gân lá, mang lông che chở đa bào. Biểu bì dưới mang lỗ khí nhô hẳn ra ngoài biểu bì. Dưới lớp biểu bì trên có 1 lớp mô giậu gồm 1 hàng tế bào hình chữ nhật, xếp vuông góc với biểu bì, kế đến là mô khuyết.
Thân: Mặt cắt ngang có hình gần như đa giác do có nhiều chỗ lồi, từ ngoài vào trong có: Biểu bì gồm 1 hàng tế bào nhỏ hình trứng, mang lông che chở đa bào 1 dãy và lông đa bào hình chữ T. Đám mô dày tập trung ở các chỗ lồi. Mô mềm vỏ gồm các tế bào thành mỏng xen kẽ giữa các đám mô dày. Từng đám mô cứng hình thoi (hai đầu nhỏ, ở giữa phình to) nằm úp lên phần libe của các bó libe- gỗ. Tầng phát sinh libe – gỗ và libe tạo thành vòng. Gỗ và đám mô cứng phía ngoài libe tạo thành bó tròn, tập trung nhiều ở các chỗ lồi. Mô mềm ruột cấu tạo bởi những tế bào thành mỏng, các tế bào phía ngoài hình tròn hay đa giác; ở giữa bị kéo dài ra, phần trung tâm các tế bào tròn và to hơn.
2. Bột
Lông che chở (bị gẫy hoặc còn nguyên) đa bào hoặc đa bào hình chữ T (đầu đơn bào hình thoi, chân lông đa bào một dãy). Lông tiết: Đầu có một tế bào, chân có 3 tế bào. Mảnh biểu bì thân gồm tế bào hình chữ nhật. Mảnh biểu bì lá gồm tế bào có thànhmỏng, nhăn nheo. Lỗ khí thường tách rời khỏi biểu bì và đứng riêng lẻ. Sợi dài, thành hơi dày, đứng riêng lẻ hoặc tụ họp thành từng đám. Tế bào mô cứng hình trái xoan thànhdày, khoang rộng, có ống trao đổi rõ. Mảnh mạch điểm, mạch vạch, mạch xoắn.
3. Định tính
A. Lấy 5 g dược liệu đã cắt nhỏ cho vào bình có nón nút mài dung tích 50 ml, thêm khoảng 30 ml nước, đun sôi 3 – 5 phút. Gạn lấy dịch chiết nước vào chén sứ, cô còn khoảng 1 ml. Thêm 5 ml ethanol 96% (TT), lọc qua giấy lọc được dung dịch A để làm các phản ứng sau:
Phản ứng 1: Nhỏ vào 3 lỗ của khay sứ trắng, mỗi lỗ 3 giọt dung dịch A, lần lượt làm như sau:
Lỗ 1: Thêm 1 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT), dung dịch chuyển màu xanh đen.
Lỗ 2: Thêm 1 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), xuất hiện tủa màu vàng, tủa tan trong lượng thừa thuốc thử.
Lỗ 3: Thêm 1 giọt thuốc thử Diazo (TT) và 2 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), xuất hiện màu đỏ tươi.
Phản ứng 2: Nhỏ 2 – 3 giọt dung dịch A lên một tờ giấy lọc, để khô. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm, thấy huỳnh quang vàng lục. Tiếp xúc với hơi amoniac, xuất hiện màu vàng tươi.
B.Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G
Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat – aceton – acid formic (15 : 2 : 2 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 2 g dược liệu đã cắt nhỏ, thêm 30 ml ethyl acetat (TT), lắc đều, ngâm trong 1 giờ. Gạn lấy dịch chiết ethyl acetat, cô trên cách thuỷ đến cạn. Hoà cắn trong 1 ml ethanol 96% (TT).
Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g Ngải cứu (mẫu chuẩn) đã cắt nhỏ, tiến hành chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 25 µl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 10 – 12 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun hỗn hợp dung dịch acid boric 10% – acid oxalic 10% (2 : 1), sấy ở 100 oC trong 5 phút rồi soi bản mỏng dưới đèn tử ngoại ở bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết phát quang có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
4. Các chỉ tiêu đánh giá khác
Độ ẩm
Không quá 13% (Phụ lục 12.13).
Tro toàn phần
Không quá 15% (Phụ lục 9.8).
Tro không tan trong acid
Không quá 1,5% (Phụ lục 9.7)
Tạp chất (Phụ lục 12.11)
Tỷ lệ thân và cành: Không quá 35%.
Tạp chất khác: Không quá 0,5%
Tỷ lệ vụn nát
Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không quá 5% (Phụ lục 12.12).
Định lượng
Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7). Dùng 40 g dược liệu đã cắt nhỏ, thêm 200 ml nước, cất trong 3 giờ. Hàm lượng tinh dầu không ít hơn 0,25%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006
Tham khảo thêm bài thuốc chữa bệnh từ rau ngải cứu