Tam Thất là cây dược liệu quý có công dụng như sâm. Cây Tam Thất Bắc có nhiều đặc điểm & công dụng nổi bật hơn so với tam thất nam, tam thất gừng,…
Dược liệu Cây Tam Thất Bắc
- Tên khoa học: Panax notoginseng.
- Tên gọi khác: Kim bất hoán, nhân sâm tam thất, sâm tam thất, tam thất bắc.
- Tính vị, quy kinh: Vị đắng, hơi ngọt; tính ấm. Quy vào 2 kinh can, thận.
- Bộ phận dùng: Rễ củ.
- Đặc điểm dược liệu: Rễ củ hình trụ, mặt ngoài màu vàng xám nhạt. Thể chất cứng rắn, khó bẻ, cắt. Mùi thơm nhẹ đặc biệt, vị đắng hơi ngọt.
- Phân bố vùng miền: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Trung Quốc.
- Thời gian thu hoạch: Tháng 8 – 10.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT – CÂY TAM THẤT
1. Mô tả thực vật
Cây thảo, sống nhiều năm. Rễ củ hình con quay. Thân mọc thẳng. cao 30-50cm, màu tím tía. Lá kép chân vịt. 3-4 cái mọc vòng gồm 5-7 lá chét hình mác, gốc thuôn, đầu có mũi nhọn, mép khía răng, hai mặt có lông cứng ở gân, mạt trên sẫm, mạt dưới nhạt.
Cụm hoa mọc thanh tán đơn ở ngọn thân, hoa màu lục vàng nhạt, dài 5 răng ngắn, tràng 5 cánh rộng ở phía dưới, nhị 5, bầu 2 ô. Quả mọng hình câu dẹt, khi chín màu đỏ, hạt màu trắng.
2. Phân bố:
- Thế giới: Trồng lâu đời ở Trung Quốc: Vân Nam,Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tây, trong đó Vân Nam trồng nhiều nhất và tam thất Vân Nam được coi là tốt nhất.
- Việt Nam: Trồng ở 1 số vùng núi cao 1200 – 1500m ở các vùng như Hà Giang (Đồng Văn), Lào Cai (Bát Xát), Cao Bằng
3. Bộ phận dùng
- Rễ (củ)
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Sau 3-7 năm mới cho thu hoạch. Thu hoạch vào mùa thu trước khi hoa nở, đào lấy rễ, rửa sạch chia ra rễ chủ, rễ nhánh, gốc thân, phơi khô
- Chế biến-bào chế: Rửa sạch Tam thất, phơi hoặc sấy khô 50 – 70oC, tán thành bột mịn. Ngoài ra có thể sử dụng theo 1 số cách :Có thể dùng tươi, rửa sạch, giã đắp lên vết thương. Hoặc rửa kỹ bằng bàn chải, để ráo, ủ rượu cho mềm, bào phiến mỏng, sấy nhẹ cho khô đựng trong lọ kín, khi dùng hãm riêng rồi hòa vào chén thuốc đã sắc tới cho uống. Hoặc có người rửa kỹ để ráo, ủ rượu 3 giờ cho mềm, thái mỏng sao qua (vi sao) tán bột để dùng.
- Bảo quản: Để nơi khô ráo, tránh mốc, mọt.
5. Mô tả cây dược liệu Tam Thất Bắc
Rễ củ có hình dạng thay đổi, hình trụ hay chùy ngược, dài 1,5 – 4,0cm, đường kính 1,2 – 2,0cm. Mặt ngoài màu vàng xám, có khi được đánh bóng, trên mặt có những vết nhăn dọc rất nhỏ. Trên một đầu có những bướu nhỏ là vết tích của những rễ con, phần dưới có khi phân nhánh. Trên đỉnh còn vết tích của thân cây. Chất cứng rắn, khó bẻ, khó cắt, khi đập vỡ, phần gỗ và phần vỏ dễ tách rời nhau. Mặt cắt ngang có lớp vỏ màu xám nhạt, có những chấm nhỏ màu nâu (ống tiết), phần gỗ ở trong màu xám nhạt, mạch gỗ xếp hình tia tỏa tròn. Mùi thơm nhẹ đặc biệt, vị đắng hơi ngọt.
6. Thành phần hóa học:
Thành phần chủ yếu là saponin (4,42-12,00%), thuộc kiểu protopanaxadiol và protopanaxatriol. Nhiều ginsenoid và glucoginsenoid. Ngoài ra còn có các notoginsenoid. Có tinh dầu gồm: α-guaien, β-guaien và octadecan. Ngoài ra còn có flavonoid, phytosterol (β-sitosterol, stigmasterol, daucosterol), polysaccarid (ẩbinogalactan: sanchinan A), muối vô cơ (vết).
7. Phân biệt thật giả :
Phân biệt tam thất với 1 số loài gần giống tam thất như:
- “Tam thất gừng” – tên khoa học là Stahlianthus thorellii Gagnep, có hình tròn thuôn một đầu hoặc hình trứng (giống quả trứng chim), dài 1,2-1,5cm, nhẵn. Mặt ngoài màu trắng vàng, có nhiều vòng song song ngang củ. Thịt màu trắng ngà. Vị cay, nóng, mùi thơm như gừng.
- “Thổ tam thất” còn gọi là Bạch truật nam – tên khoa học là Gynura pinnatifida DC, hình tròn hoặc gần tròn, dài 4-5cm, đường kính 3,5-4cm, sần sùi không đều. Mặt ngoài màu nâu vàng. Thịt màu vàng ngà. Vị nhạt, chát, hơi ngứa, không mùi.
- “Hồi đầu thảo” – tên khoa học là Tacca plantaginea (Hanee) Drenth, củ dạng tròn nhưng méo mó không đều, dài 1,5-2cm. Đầu củ sần sùi , mặt ngoài màu trắng bẩn. Thịt màu trắng đục. Vị đắng, không mùi.
Để làm tam thất giả trông giống như thật, có kẻ còn dùng bột chì (còn gọi là phấn chì) rắc vào khiến những củ này trở nên đen bóng như tam thất thật. Vì vậy, người mua nên kiểm tra kỹ, nếu thấy có chất bóng, mịn dính vào tay thì tuyệt đối không dùng, vì đó là bột chì cực độc đối với sức khỏe. Tốt nhất bạn chỉ nên mua loại tam thất mộc có màu nâu xám hoặc xám vàng.
- Tham khảo bài viết: Phân Biệt Tam Thất Bắc với Tam Thất Nam
8. Tác dụng – Công dụng:
- Dùng để chữa thổ huyết, ho ra máu, chảy máu cam, băng huyết, rong huyết, sau khi đẻ, huyết hôi không ra, ứ trệ đau bụng, kiết lỵ ra máu, đi tiểu ra máu, có tác dụng hoạt huyệt, làm tan ứ huyết, chữa sưng tấy, thiếu máu, người mệt mỏi, hoa mặt, chóng mặt, nhức đầu, ít ngủ, vết thương chảy máu.
- Làm thuốc bổ và làm tăng sức đề kháng của cơ thể.
9. Cách dùng và liều dùng:
Ngày uống 4-6g, dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc. Dùng ngoài giã đắp hoặc rắc bột thuốc để cầm máu. Thân cây và lá tam thất dùng làm chè hãm hoặc nấu cao uống.
10. Lưu ý, kiêng kị (nếu có):
- Phụ nữ có thai.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Tam Thất
- Chữa máu ra nhiều sau khi đẻ: Tam thất tán nhỏ uống với nước cơm, mỗi lần 8g.
- Chữa thiếu máu hoặc huyết hư các chứng sau khi đẻ: Tam thất tán nhỏ, uống 6g, hoặc tần với gà non ăn.
- Chữa các loại chảy máu hoặc sưng u ở nội tạng, các loại thiếu máu do mất máu nhiều hay do giảm hồng cầu: Tam thất tán bột, mỗi ngày uống 6-12g. Chảy máu cấp thì uống gấp bội, bệnh mạn tính thì uống kéo dài nhiều ngày.
- Chữa chả máu khi bị thương: Lá tam thất giã nhỏ, trong uống, ngoài đắp.
- Chữa suy nhược cơ thể ở người cao tuổi, phụ nữ sau khi đẻ: Tam thất 12g, sâm Bố chính, ích mẫu, mỗi vị 40g, kê huyết đằng 20g, hương phụ 12g. tán nhỏ, uống mỗi ngày 20g. Hoặc có thể sắc uống với liều thích hợp.
- Chữa viêm gan thể cấp tính nặng: Tam thất 12g, nhân trần 40g, hoàng bá 20g, huyền sâm, thiên môn, bồ công anh, thạch hộc, mỗi vị 12g, xương bồ 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa đái ra máu do viêm nhiễm cấp tính đường tiết niệu: Tam thất 4g, lá tre, cỏ nhọ nồi, kim ngân, mỗi vị 16g, sinh địa, cam thảo đất, mộc hương, mỗi vị 12g. sắc uống ngày một thang.
- Chữa rong huyết do huyết ứ: Tam thất 4g, ngải diệp, ô tặc cốt, long cốt, mẫu lệ, mỗi vị 12g, đương quy, xuyên khung, đan bì, đan sâm, mỗi vị 8g, một dược, ngũ linh chi, mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
HOA TAM THẤT – Một vị thuốc quý có tác dụng thanh nhiệt, điều hòa chức năng của nội tạng, hạ huyết áp và trấn an tinh thần. Tham khảo: Công dụng hoa tam thất
Thông tin thêm
Công Dụng của Tam Thất Bắc:
Loại Tam Thất được đề cập đến ở đây là loại Tam Thất Bắc vì dược tính trị bệnh của nó cao hơn loại Tam Thất Nam.
Từ xưa đến nay, Tam Thất Bắc luôn được xem là vị thuốc quý, ngang hàng với nhân sâm, Phân tích thành phần trong Tam Thất Bắc, các nhà khoa học phát hiện trong Tam Thất Bắc có nhiều dưỡng chất, dược chất quý hiếm, phải kể như các acid amin, sterol, đường, các nguyên tố Fe, Ca và đặc biệt là 2 chất Saponin: Arasaponin A, Arasaponin B thường có trong Nhân Sâm.
Củ Tam Thất Bắc có tác dụng bồi bổ cơ thể, ngoài ra loại dược liệu quý hiếm này còn chữa được rất nhiều chứng bệnh:
Theo các tài liệu cổ, củ Tam Thất Bắc có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào hai kinh can và vị, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Tam Thất Bắc có tác dụng cầm máu, tiêu máu, tiêu sưng; giảm đau, chống viêm. Dịch chiết từ rễ Tam Thất có tác dụng làm cho thần kinh hưng phấn. Tam Thất Bắc còn có tác dụng kích thích hoạt động tình dục mạnh mẽ.
Ngoài ra Tam Thất còn rất tốt trong phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh:
Tác dụng bảo vệ tim chống lại những tác nhân gây loạn nhịp tim:
Tam Thất Bắc có tác dụng bảo vệ tim và chống lại những tác nhân gây loạn nhịp. Chất ginsenosid trong Tam Thất có tác dụng giãn mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi thiếu oxy, ức chế khả năng thẩm thấu của mao mạch, hạn chế các tổn thương ở vỏ não do thiếu máu gây ra. Hỗ trợ điều trị đau thắt ngực do bệnh mạch vành.
- Tác dụng cầm máu, tiêu máu, tiêu sưng.
- Tam Thất Bắc giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
- Tác dụng hỗ trợ điều trị Ung thư.
- Tác dụng kích thích hoạt động tình dục mạnh mẽ.
- Tác dụng tốt cho người bệnh thấp tim.
- Chữa thống kinh (đau bụng trước kỳ kinh).
- Hỗ trợ điều trị bệnh băng huyết.
- Hỗ trợ điều trị bệnh Đau thắt ngực do bệnh mạch vành.
- Tác dụng giảm đau, chống viêm.
- Tác dụng bổ máu, trị chứng thiếu máu, xanh xao:
Tam Thất Bắc có tác dụng bổ máu, trị chứng thiếu máu, xanh xao; hỗ trợ điều trị bệnh bạch cầu cấp và mạn tính. Chữa thống kinh cho phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt và trị băng huyết cho phụ nữ khi sinh.
- Tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe.
- Bồi dưỡng và trị ung thư Gan:
Tổng Saponin của Tam Thất Bắc có tác dụng thúc đẩy quá trình tổng hợp protein huyết thanh của gan, tăng cường chức năng giải độc gan, hạ men gan; điều chỉnh rối loạn chuyển hóa mỡ nên tốt cho người gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, còn đóng vai trò quan trọng khi hỗ trợ điều trị ung thư gan. Rễ Tam Thất Bắc có tác dụng ức chế tế bào ung thư phát triển, thúc đẩy sự chuyển hóa tế bào ung thư, kháng viêm, kháng ung thư, bảo vệ gan và tăng cường tính miễn dịch cho gan.
- Bệnh về huyết áp: Tam thất có khả năng điều hòa huyết áp, tốt cho cả chứng huyết áp cao và huyết áp thấp.
- Ngoài ra, Tam Thất Bắc còn có tác dụng trong làm đẹp như làm đẹp da, giảm cân, ngăn ngừa mụn, nám…
Đối tượng nên sử dụng Tam Thất Bắc:
Với công dụng bồi bổ cơ thể và hỗ trợ điều trị các nhóm bệnh như vậy, cũng có thể dễ dàng xác định được đối tượng nên sử dụng Tam Thất Bắc:
- Người bình thường dùng để tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật.
- Người mới ốm dậy dùng Tam Thất Bắc để bồi bổ sức khỏe.
- Người hoạt động trí óc nhiều sử dụng Tam Thất Bắc có tác dụng kích thích thần kinh; người suy giảm chức năng sinh lý.
- Người bị chấn thương, tụ máu, bầm tím;
- Người bị suy giảm chức năng tim, mắc bệnh tim mạch, bệnh mạch vành, hở van tim, thấp tim.
- Phụ nữ sau sinh sử dụng Tam Thất Bắc có tác dụng bổ máu, lại sức.
- Bệnh nhân ung thư.
Các đối tượng không nên sử dụng Tam Thất Bắc:
Thai phụ không nên sử dụng Tam Thất.
Khi mang thai, cơ thể người mẹ có những biến đổi về máu và nội tiết khá lớn. Tam Thất vừa bổ máu, sinh huyết nhưng cũng có tác dụng tiêu huyết và tiêu u. Nếu dùng Tam Thất khi đang mang thai có thể dẫn đến xảy thai, hoặc thai nhi bị các dị tật khác.
- Thận trọng khi cho trẻ em sử dụng Tam Thất Bắc vì cơ thể trẻ em chưa hoàn thiện các chức năng.
- Người bị tiêu chảy không nên sử dụng Tam Thất Bắc.
Khi tiêu chảy, cơ thể mất nhiều nước, ruột bị và các mao mạch tổn thương nhiều nên không được dùng Tam Thất trong trường hợp này.
Mặc dù rất tốt cho sức khỏe nhưng vẫn có người cơ địa quá nóng hoặc quá lạnh không hề hợp với tam thất. Biểu hiện là khi uống tam thất vào bạn sẽ thấy nổi mẩn ngứa, mề đay thậm chí là nóng ran người, sốt nhẹ. Nếu thấy bất cứ thành viên nào trong gia đình có dấu hiệu này bạn không nên cho người đó dùng tam thất.
Trường hợp khác, nếu trong gia đình đang có phụ nữ mang thai hoặc người bị tiêu chảy kéo dài cũng không nên uống tam thất. Hãy nhớ, thuốc bổ nhưng phải dùng đúng cách mới thấy “bổ”, chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe.
Cách dùng và liều lượng dùng Tam Thất Bắc:
- Cách chế biến Tam Thất Bắc phổ biến nhất là nghiền củ của nó thành dạng bột.
- Ngày uống 5g bột Tam Thất Bắc, uống 1 lần, chiêu với cháo loãng hoặc nước ấm
Xem thêm: Công dụng tuyệt vời của Hoa Tam Thất