Dược liệu: Uy Linh Tiên
- Tên khoa học: Radix et Rhizoma Clematidis
- Tên gọi khác: dây mộc thông, dây ruột gà
- Tính vị, quy kinh: Tân, hàm, ôn. Vào kinh bàng quang
- Bộ phận dùng: Rễ
- Đặc điểm sản phẩm: Rễ hình trụ thon hơi cong, mặt ngoài màu nâu đen,có vân dọc nhỏ, đôi khi vỏ ngoài thoái hoá rơi rụng, để lộ ra gỗ màu vàng nhạt. Chất cứng và giòn, dễ gẫy. Mùi nhẹ, vị nhạt.
- Phân bố vùng miền:
Thế giới: Trung Quốc, Đảo Hải Nam, Đài Loan, Lào.
Việt Nam: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu. - Thời gian thu hoạch: mùa thu
Mô tả dược liệu Uy Linh Tiên
Mùa hoa: tháng 6-8; mùa quả: tháng 9-11
Uy linh tiên dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Tân tu bản thảo là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Uy linh tiên có tên khoa học là Clematis chinensis Osbeck hoặc cây C.hexapetale Pall hoặc cây C.manshurica Rupr.
Cây Clematis chinensis được dung nhiều, hai loại sau chỉ dùng ở một số địa phương. Cây Uy linh tiên sinh sản nhiều ở các tỉnh Giang tô, An huy, Triết giang Trung quốc. Ở nước ta chưa thấy phát hiện, chỉ nói đến Nam Uy linh tiên là cây Bạch hạc ( Kiến cò) không phải Uy linh tiên trong bài này).
Theo các sách thuốc cổ:
- Sách Bản thảo cương mục: Uy: nói tính mãnh liệt của thuốc, tiên: là nói tác dụng của thuốc như thần tiên.
- Sách Khai bảo bản thảo: vị đắng ôn, không độc.
- Sách Bản kinh phùng nguyên: đắng cay ôn, độc ít.
- Sách Bản thảo cầu chân: chuyên nhập bàng quang, nhập trường vị.
- Sách Bản thảo tái tân: nhập Phế Thận.
Thành phần chủ yếu của Uy Linh Tiên
- Anemonin, anemonol, sterol, saponin, phenol, oleanolic acid, đường.
Tác dụng dược lý Uy Linh Tiên
- Cho chó uống nước sắc rễ Uy linh tiên, tần số nhu động thực quản tăng, biên độ lớn hơn. Người sau khi hóc xương cá, vùng trên của thực quản và họng co thắt, uống Uy linh tiên vào được thư giãn (do tác dụng kháng histamin của thuốc), nhu động thay đổi, xương rơi (đó là căn cứ trị hóc xương mà y văn cổ đã nói).
- Uy linh tiên có tác dụng kháng histamin đối với cơ trơn ruột thỏ cô lập. Nước sắc chiết cồn đều có tác dụng lợi mật.
- Uy linh tiên (loại C . Manchurica Rupr.) có tác dụng bảo hộ chống thùy sau tuyến yên gây thiếu máu cơ tim, chống lại thiếu oxy.
- Dịch cồn lỏng chiết xuất rễ có tác dụng dục sản đối với chuột nhắt có thai thời kỳ giữa.
- Thành phần anemonin trong thuốc có tính kích thích gây mụn phỏng ngoài da, xung huyết niêm mạc.
- Nước sắc của thuốc có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn lî Shigella. Thành phần anemonin trong thuốc có tác dụng ức chế đối với một số khuẩn Gram dương và Gram âm, nấm.
Bài thuốc với Uy Linh Tiên
1.Trị đau khớp do phong thấp, lưng gối đau nhiều:
- Bột Uy linh tiên, mỗi lần uống 3 – 6g, ngày 2 lần, uống với rượu ấm.
- Uy linh tiên, Quế chi, Phụ tử, Khương hoạt đều mỗi thứ 6g sắc nước uống trị viêm khớp mạn tính , đau lưng gối.
- Thần ứng hoàn ( chứng trị chuẩn thằng): có Uy linh tiên, Quế tăm, Đương qui trị đau lưng do phong thấp hoặc ngã đau.
2.Trị đau bao tử cơ năng:
- Uy linh tiên 10g, sắc bỏ xác, cho vào 1 quả trứng gà trộn uống.
3.Trị hóc xương cá:
- Uy linh tiên 10g, Sa nhân 3g, sắc nước ngậm uống.
- Uy linh tiên 30g sắc đặc uống hoặc uống với giấm. Khoa Ngũ quan Bêïnh viện 157 thuộc Quân đội giải phóng nhân dân Trung quốc dùng trị cho 104 ca, có kết quả 87,6% ( theo báo Tân y học 1973,3:144).
4.Trị viêm cột sống phì đại 65 ca và chấn thương cơ vùng lưng 32 ca:
- Dùng dịch Uy linh tiên chích bắp đều có kết quả ( Qui Thành và cộng sự, báo Thông tin Trung thảo dược 1979,7:13).
5.Trị nấc cụt:
- Uy linh tiên và mật ong mỗi thứ 30g, sắc uống. Lý trụ Hoa dùng trị 60 ca có kết quả trên 90% ( Báo nghiên cứu Trung thành dược 1982,2:46).
6.Trị sỏi mật:
- Mỗi ngày dùng Uy linh tiên 30 – 60g sắc uống. . Lục Hoan Thanh đã dùng trị 120 ca sỏi mật, kết quả 87%. Tác giả nghiên cứu chích thuốc cho thỏ phát hiện lượng mật tiết tăng nhiều, cơ vòng Oddi giãn rõ (Báo Trung y Hà nam 1987,6:22).
7.Phản ứng độc tính:
- Tác giả giới thiệu dùng lá nhỏ Uy linh tiên đắp ngoài ( 3 ca đắp lá tươi phản ứng mạnh, 1 ca đắp lá khô phản ứng nhẹ) da nổi mụn phỏng lớn, sưng đỏ đau, bóc da và để lại sẹo tím lâu hết (Lưu ngọc Thư, Học báo Trung y dược 1978,2:43).
Liều lượng và chú ý lúc dùng:
- Liều trung bình: 5 – 10g, có thể dùng tới 30g (trường hợp hóc xương cá hoặc lúc cần).
- Thuốc uống nhiều hại khí, đối với bệnh nhân suy nhược khí huyết hư dùng thận trọng.
Uy linh tiên có tác dụng khu phong, hành khí, thông kinh lạc, chữa các chứng đau nhức tê bại, viêm khớp dạng thấp, đau dây thần kinh thường được dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
- Chữa tê thấp: Uy linh tiên 12g, quế chi, phụ tử chế, độc hoạt, mỗi vị 8g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
- Chữa đau dây thần kinh cổ, cánh tay: Uy linh tiên, hoàng kỳ, đương qui, bạch thược, sinh khương, mỗi vị 12g, cát căn, độc hoạt, mộc qua, mỗi vị 16g, đại táo 10g, quế chi 8g, cam thảo 6g. Sắc uống làm hai lần trong ngày.
- Chữa đau dây thần kinh hông: Uy linh tiên, độc hoạt, đan sâm, tang ký sinh, ngưu tất, xuyên khung, mỗi vị 12g, phòng phong, quế chi, tế tân, chỉ xác, trần bì, mỗi vị 8g. Sắc uống.
- Chữa đau các khớp ở tay chân: Uy linh tiên 12g, ngũ gia bì hương, độc hoạt, tang chi, kê huyết đắng, mỗi vị 10g. Sắc uống.
- Chữa thấp khớp mạn tính, sưng đau, sốt nhẹ, rêu lưỡi vàng, táo bón: Uy linh tiên, cốt toái bổ, kê huyết đằng, thạch cao, đan sâm, sinh địa, rau má, độc hoạt, hy thiêm, khương hoạt, thiên hoa phấn, thổ phục linh, mỗi vị 12g, bạch chỉ 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.