Bạch Truật

Dược liệu: Bạch Truật

  1. Tên khoa học: Atractylodes macrocephala Koidz.
  2. Tên gọi khác: truật, sinh bạch truật, sơn khương, sơn liênLargc-headed atractylodes( Anh).
  3. Tính vị, quy kinh: Vị ngọt đắng, tính ấm. Quy vào tỳ, vị.
  4. Bộ phận dùng: Thân rễ.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Thân rễ to, hình chuỳ có nhiều mấu phình ra, mặt ngoài màu nâu nhạt hoặc xám, có nhiều mấu, có nhiều nếp nhăn dọc. Mùi đặc trưng.
  6. Phân bố vùng miền:
    Thế giới: Trung Quốc.
    Trong nước: Lào Cai.
  7. Thời gian thu hoạch: Đồng bằng: Tháng 6-7.  Miền núi: Tháng 12.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT

Bạch Truật
Bạch Truật

1. Mô tả thực vật:

  • Bạch Truật là cây thảo, sống nhiều năm, cao 80cm.
  • Rễ củ mập, có vỏ ngoài màu vàng xám.
  • Thân hình trụ, mọc đứng phía trên phân nhánh, phần dưới hóa gỗ.
  • Lá mọc so le, dai , lá phía dưới thân có cuống dài, xẻ sâu thành 3 thùy (ít khi 5) như những lá chét riêng biệt, thùy giữa to hơn, hình bầu dục hoặc hình trứng, gốc lệch, đầu nhọn, mép có răng cưa đều và nhọn ; lá gần ngọn có cuống ngắn, không chia thùy, mép khía răng; gân lá nổi rất rõ ở mặt dưới.
  • Cụm hoa mọc thành đầu ở đầu cành , lớn; mỗi đầu gồm nhiều hoa hình ống, màu tím; tổng bao lá bắc hình chuông, phiến tổng bao gồm 7 lớp trông như ngói lợp, gồm những lá hẹp xẻ nhiều thùy rất sâu hình lông chim. Tràng hoa hình ống phía dưới màu trắng , phía trên màu tím đỏ , chia làm 5 thùy , sợi dài , nhị 5, hàn liền. ( Trong những hoa cái ở phía ngoài của cụm hoa có nhị thoái hóa ) . Bầu nhụy có phủ lông trắng , ở đỉnh mang một chum lông dài mượt ( dùng để phát tán quả nhờ gió ) .Quả bế hình cầu hoặc bầu dục, hơi dẹt có một chùm lông dài trắng.
  • Mùa hoa quả: tháng 8-11.

bach truat 333

2. Phân bố:

  •  Thế giới: Trung Quốc ( chủ yếu ở Triết Giang và Hồ Nam).
  •  Việt Nam: Đã di thực vào Việt Nam,được trồng rộng rãi đặc biệt cả ở vùng núi cao lạnh và vùng đồng bằng thấp nóng. Nơi cao lạnh chủ yếu nhân và giữ giống, đồng bằng thu lấy củ.

3. Bộ phận dùng:

  • Rễ củ.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

Thu hái:

  • Trồng bạch truật nơi núi cao lạnh phải 2-3 năm sau mới thu hoạch củ được .
  • Trồng ở đồng bằng , thời gian thu hoạch có thể rút xuống còn 10-12 tháng.
  • Thu hoạch vào tháng 10 âm lịch.

Chế biến:

Đào lấy thân rễ (khi nào thấy lá ở gốc cây bắt đầu úa vàng thì đào). Sau khi rửa sạch cắt bỏ rễ con rồi sấy khô thì được gọi là hồng truật hay bạch truật,  nếu để nguyên hoặc thái mỏng phơi khô thì gọi là sinh sái truật hay đông truật.

Khi dùng có thể sao hay sao với đất màu vàng gọi là sao hoàng thổ, hoặc sao không cho đến khi không còn màu vàng đen.

Có thể sao với cám: 6kg vào Bạch truật thì dùng 400g cám . Phun một ít rượu rồi sao cho hơi nóng , cho bạch truật đã thái mỏng vào , đảo cho đến khi có màu vàng thì rây bỏ cám , lấy bạch truật. Hoặc khi dùng đắp nước vào khăn , ủ rễ cho mềm rồi thái thành từng miếng.

Tùy theo cách sử dụng mà có những cách chế biến khác nhau như sau :

  • Dùng sống : sao hoặc tán thành bột uống.
  • Sao cháy : sao cho đến khi dược liệu cháy đen lấy ra phun nước cho tắt hết lửa than.
  • Tẩm mật ong loãng : sao cho đến vàng và có mùi thơm.
  • Tẩm hoàng thổ sao : lấy hoàng thổ , tán bột , sao nóng cho dược liệu vào rồi đảo đều cho hoàng thổ dính vào dược liệu rồi sàng bỏ hoàng thổ thừa.
  • Tẩm hay phun rượu rồi sao với cám ( dùng chữa bệnh phổi ).
  • Tẩm sữa rồi sao ( chữa bệnh thận ).
  • Tẩm nước cất rồi sao ( chữa bệnh tỳ vị ).

 Bảo quản:

  • Nơi khô mát , tránh mốc mọt.

4. Mô tả dược liệu:

  • Dược liệu bạch truật có thể chất cứng rắn, thân rễ to (quen gọi là củ) có hình dạng thay đổi, hình chuỳ có nhiều mấu phình ra, phía trên thót nhỏ lại, hoặc từng khúc mập, nạc, dài 5-10 cm, đường kính 2-5 cm.
  • Mặt ngoài màu nâu nhạt hoặc xám, có nhiều mấu, có vân hình hoa cúc, có nhiều nếp nhăn dọc.
  • Chất cứng khó bẻ gẫy, mặt cắt không phẳng, có màu vàng đến nâu nhạt, rải rác có khoang chứa tinh dầu màu nâu vàng, mùi đặc trưng ( mùi thơm nhẹ là loại rất tốt ).
Bạch Truật
Bạch Truật

5. Thành phần hóa học chính:

  • Trong bạch truật có tinh dầu ( 1,4%) , nhưng thành phần hoạt chất chưa rõ ràng . Có tác giả nói rằng trong bạch truật có atractylola C15H16O và atractylon C14H18O , vitamin A, acetoxy atractylon, hydroxyatractylon, atractylat kali.
  • Các sesquiterpen α- eudesmol , β- eudesmol . các dẫn chất lacton như atractynolid I , II , II.

6. Cách Phân biệt thật giả:

  • Còn có loài thương truật hay mao truật Atractylodes lancea ( Thunb) DC khác bạch truật ở chỗ thân ít phân nhánh . Cụm hoa nhỏ và gầy hơn . Hoa màu trắng tím hay tím nhạt.

7. Tác dụng – công dụng:

Tác dụng: Bạch Truật

  • Bổ tỳ kiện vị , hóa thấp, lợi thủy, cố biểu liễm hãn, an thai, chữa sốt bổ máu.

 Công dụng: Bạch Truật

  • Trị tiêu hoá kém, bụng trướng tiêu chảy, phù thũng, tự hãn, động thai, âm hư lại táo kết không dùng được , viêm ruột mãn tính.
  • Chữa tỳ hư trướng mãn , hung cách phiền muộn , tiết tả , thủy thũng , đàm ẩm , trị hãn ( mồ hôi trộm ) , thai khí không yên.
  • Trong y học Trung Quốc, Bạch truật được dùng uống để chống phù, do tác dụng lợi tiểu và làm tăng tiết mồ hôi; chữa ho dưới dạng nước sắc, và phối hợp với một số cây khác để chữa đái tháo đường.
  • Dược liệu còn được chỉ định trong các trường hợp viêm các cơ quan đường tiêu hoá (viêm dạ dày, viêm ruột) để làm ăn ngon miệng, chữa bệnh thấp khớp và chứng đau nhức đầu, dưới dạng thuốc ngậm.
  • Trong y học cổ truyền Nhật Bản, Bạch truật được dùng làm thuốc lợi tiểu trong các trường hơp đái ít, đái buốt, di tinh, hoa mắt.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày dùng 6 – 12 g, dạng thuốc sắc hoặc bột.
  • Bạch truật sao cám, tẩm mật ong tăng tác dụng kiện tỳ, sao cháy có tác dụng chỉ huyết.

9. Lưu ý và kiêng kỵ:

  •  Âm hư nội nhiệt, tân dịch hư hao gây đại tiện táo, không dùng.
  •  Chú ý: bạch truật dùng không qua chế biến để trị bệnh thấp nhiệt; khi sao tẩm như tẩm mật , có tác dụng bổ tỳ, trị nôn mửa, đau bụng, an thai, sao cháy có tác dụng chỉ huyết.

Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Bạch Truật

 Thuốc bổ và chữa đi lỏng :

  • Bạch truật 6 kg , cho ngập nước vào nồi đất hay đồ sành , đồ sắt tráng men , nấu cạn còn một nửa , gạn lấy nước . Thêm nước mới , làm như vậy 3 lần . trộn 3 nước lại cô đặc thành cao.
  • Ngày uống 2-3 thìa cao này.

Chữa sỏi mật, khó tiêu, mất trương lực và sa dạ dày:

Chữa viêm gan nhiễm trùng:

Chữa viêm dây thần kinh vùng thắt lưng , đái dầm ở người lớn tuổi:

  • Bạch truật 4g, phục linh 8g, gừng 8g, cam thảo 4g, nước 600ml, sắc trong 1 giờ sau đó lọc, hâm nóng chia làm 3 lần uống trong ngày.

 Chữa đái tháo đường:

  • Bạch truật 12,5g , hoàng kỳ 65g , sơn dược 15.5g , phục linh 12,5g , đảng sâm 25g , nước 500 ml . Sắc còn 200 ml .
  • Chia làm 3 lần uống trong ngày .
  • Một đợt điều trị 2 tháng.

Chữa viêm dạ dày cấp và mạn tính, bệnh về máu:

  • Bạch truật 6g , trần bì 4.5g , toan táo nhân 3g , hậu phác 4.5g , gừng 3g , cam thảo 1.5g , nước 600 ml .
  • Sắc sau đó lọc , chia làm 3 lần uống trong ngày.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Đặc điểm bột dược liệu

  • Bột có màu vàng nâu, mùi thơm đặc trưng, vị đắng.
  • Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần gồm những tế bào hình nhiều cạnh, vách dày.Tế bào mô cứng hình nhiều cạnh, vách dày, có lỗ trao đổi.
  • Mảnh mô mềm chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai và có các khoang chứa tinh dầu có màu nâu đến nâu vàng. Tinh thể calci oxalat hình kim có đầu nhọn nằm riêng rẽ hay thánh đám. Mảnh mạch vạch, mạch mạng. Khối nhựa màu vàng, nâu, đỏ…

2. Định tính

  • A. Lắc 2 g bột dược liệu với 20 ml ether (TT) trong 10 phút và lọc. Bốc hơi 10 ml dịch lọc tới khô, thêm dung dịch vanilin 1% trong acid sulfuric 5% (TT) (dung dịch pha khi dùng), xuất hiện màu hồng tím.
  • B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4):

Bản mỏng: Silica gel G.

Dung dịch thử:

  • Lấy 0,5 g bột dược liệu, thêm 5 ml n-hexan (TT) cho vào bình nút kín, lắc   khoảng 30 phút, lọc lấy dịch lọc để làm dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu:

  • Lấy 0,5 g bột Bạch truật, tiến hành chiết như dung dịch thử.
  • Hệ dung môi khai triển: Ether dầu hoả (30-60°C) – ethyl acetat (50 : 1).

Cách tiến hành:

Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 μl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai, sấy nhẹ bản mỏng hoặc để khô ngoài không khí, rồi phun dung dịch vanilin 1% trong acid sulfuric 5%. Sấy nhẹ ở 60°C trong khoảng 15 phút đến khi thấy xuất hiện màu rõ rệt, trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và cùng màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu, vết chính ở trên cùng có màu đỏ.

3. Các tiêu chuẩn khác:

  •  Độ ẩm: Không quá 14%.
  •  Tro toàn phần: Không quá 5%.
  •  Tạp chất: Không quá 1,0%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  •  Dược điển Việt Nam IV.
  • Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam tập 1 , 2.
  • Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam –Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi.

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img