Hoàng Bá

Dược liệu: Hoàng Bá

  1. Tên khoa học:  Phellodendron chinense
  2. Tên gọi khác: Hoàng nghiệt, quan hoàng bá.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng, tính hàn. Quy vào các kinh thận, bàng quang.
  4. Bộ phận dùng: Vỏ thân, vỏ cành.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Vỏ thân màu vàng nâu, có vết lõm sần sùi và rãnh dọc, mặt trong màu nâu nhạt, có vết nhăn dọc nhỏ, dài, chất rắn, nhẹ, màu vàng rơm.
  6. Phân bố vùng miền: Nga,Trung Quốc, Nhật, Việt Nam: Sa Pa, Lai Châu, Vĩnh Phúc.
  7. Thời gian thu hoạch: Lấy vỏ thân vào mùa hạ.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật Hoàng Bá

Cây gỗ to, sống lâu năm, cao 10-17m hoặc hơn, rụng lá hàng năm. Vỏ thân dày, mặt ngoài sần sùi. Màu xám đến nâu xám, mặt trong màu vàng. Cành non màu nâu tím. Lá kép mọc đối, gồm 5-13 lá chét dày, hình trứng thuôn hoặc hình bầu dục, gốc tròn đầu thuôn nhọn, mép nguyên, mặt trên màu lục sẫm, có lông ở gân giữa, mặt dưới nhạt, nhiều lông hơn và phân bố đều, cuống lá kép và cuống lá chét đều có lông mềm. Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc đầu cành thành chùy 5-8cm, đơn tính khác gốc, mẫu 5, màu vàng lục hoặc vàng nhạt.

Quả thịt hình cầu, khi chín màu tím đen, có 2-5 hạt cứng.

hoàng-bá
Cây Hoàng Bá

2. Phân bố:

  • Thế giới: phân bố chủ yếu ở khu vực Đông và Đông- Bắc Á gồm nước Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
  • Việt Nam: Sapa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Bá Thước (Thanh Hóa).

3. Bộ phận dùng:

  • Vỏ thân.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Hái vỏ thân cây đã trồng trên 10 năm, hái vào mùa hạ.
  • Chế biến: Cạo sạch lớp bần, cắt thành từng miếng phơi khô hoặc sấy khô. Khi dùng, rửa sạch, ủ mềm, rồi chế biến sao tẩm như sau:
  1. Hoàng bá phiến: Đem dược liệu ủ mềm thái phiến chéo rộng 3-5mm, dài 5cm.
  2. Hoàng bá sao: Cho hoàng bá phiến vào nồi, sao nhỏ lửa đến khi có màu vàng đậm. Hoặc đun nồi nóng gìa (120 độ), đổ dược liệu vào, đảo đều, sao cho có màu vàng đậm.
  3. Hoàng bá thán: Cho hoàng bá vào nồi, sao đến khi toàn bộ bên ngoài đen đều. Để nguội, phun ít nước để trừ hỏa độc.
  4. Hoàng bá tẩm rượu: Hoàng bá 10kg, rượu 2kg trộn đều rượu với hoàng bá, ủ 30 phút cho ngâm hết, dùng lửa nhỏ sao tới khô. Hoặc sao hoàng bá phiến lớn nóng già, rồi vẩy rượu vào trộn đều, sao nhỏ lửa cho khô.
  5. Hoàng bá tẩm muối: Hoàng bá 10kg, muối ăn 100g, dùng nước pha muối để có 1 lượng thích hợp vừa đủ trộn đều vào hoàng bá. Sau khi để 30 phút cho nước muối ngấm đều, dùng lửa to sao tới khô. Cũng có thể sao hoàng bá phiến đến nóng già rồi vẩy nước muối vào trộn đều, sao khô.
  • Bảo quản: Để nơi thoáng gió, khô mát, tránh mốc mọt.

5. Mô tả dược liệu Hoàng Bá

Vỏ thân màu vàng nâu, dày 0,3 – 0,5cm, dài 20 – 40cm, rộng 3 – 6cm. Mặt ngoài còn sót lại lớp bần màu nâu đất, có những vết lõm sần sùi và rãnh dọc, mặt trong màu nâu nhạt, có nhiều các vết nhăn dọc nhỏ, dài, vết bẻ lởm chởm, chất rắn, nhẹ, màu vàng rơm.Vỏ cành cây dày 0,15 – 0,20cm, mảnh dài cuộn lại thành hình ống. Mặt ngoài có lớp thụ bì màu nâu xám, khi bong ra để lộ lớp bần màu nâu sẫm, trên có lấm tấm nhiều vết lỗ vỏ, mặt trong màu nâu nhạt hơn, có những vết nhăn nhỏ, dọc. Chất giòn, dễ bẻ, mặt bẻ lởm chởm, để lộ mô mềm màu vàng rơm.

6. Thành phần hóa học:

Thành phần hóa học chủ yếu trong vỏ hoàng bá là các alcaloid như berberin, palmatin, jatrorrhizin, phellodendrin, magnoflorin, candicin. Ngoài ra, còn có obacunon, obaculacton, limonin. Các hợp chất phenolic gồm glucosid của 5-5’ dimethoxylariciresinol 2-(p-hydroxy phenyl) ethanol và N.methylhigenamin, lionresinol syringin,…

Trong lá hoàng bá, có phelamurin (1% trong lá tươi) và amurensin (0,04% trong lá tươi), các chất flavon như phelodendrosil và aglycol phelamuretin, hyperin, phenosid…

Quả hoàng bá chứa các limonoid, 2 chất mới được xác định cấu trúc là kihadalacton A và B cùng với 7 turucalan triterpenoid là niloticin dihydroniloticin,…

Tinh dầu quả chứa myrcen và geraniol.

Hạt chứa các limonoid như n, obacunon,…

Trong rễ cây hoàng bá, ngoài berberin, palmatin magnoflorin, jatrorrhizin, người ta còn chiết được một alcanoid nhân indol là canthin 6-on (0,04%).

7. Cách phân biệt thật giả (nếu có):

Phân biệt với xuyên hoàng bá:

Xuyên hoàng bá: Dược liệu là những mảnh dày 1-3mm, mặt ngoài màu nâu nhạt có rãnh dọc, có những nốt sần màu tím nâu, hình thoi giữa các vết rách dọc. Phần bần còn sót lại không có tính đàn hồi, mặt trong màu vàng bẩn hơi óng ánh.

Nhân dân và những người làm thuốc vẫn dùng vỏ cây núc nác (Oroxylum indicum (L.) Vent.) thay cho vỏ hoàng bá với tên hoàng bá nam.

8. Tác dụng – Công dụng Hoàng Bá

  • Tác dụng:

Kháng khuẩn, kháng nấm, kháng trùng roi, hạ huyết áp. Ngoài ra: Tinh dầu chiết từ quả hoàng bá và thành phần myrcen có trong tinh dầu có tác dụng long đờm, Phelodendrin có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, liệt có kiểu curare, ức chế co bóp do acetyllcholin gây nên…

  • Công dụng:

Theo y học cổ truyền, hoàng bá dùng để chữa lỵ, tiêu chảy, hoàng đản, đái đục, di mộng tinh, đái ra máu, trĩ, xích bạch đới, cốt chưng lao nhiệt ( triệu chứng chủ yếu của bệnh lao) mắt sưng đỏ, loét miệng lưỡi, viêm âm đạo, sưng tinh hoàn, đái đường.

Theo y học hiện đại, các chế phẩm từ hoàng bá được dùng để điều trị thực nghiệm cho các bệnh: viêm màng não, lỵ trực trùng, viêm phổi, lao phổi, viêm âm đạo do trùng roi, viêm tai giữa mủ, viêm xoang hàm mạn tính.

9. Cách dùng và liều dùng:

Ngày 6 – 12g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

10. Lưu ý, kiêng kị (nếu có):

Tỳ hư, đại tiện lỏng, ăn uống không tiêu không nên dùng.

11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Hoàng Bá

  • Chữa di tinh đái đục: Hoàng bá sao 640g, vỏ hến nung 640g. tán nhỏ thành bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê (Hải Thượng Lãn Ông).
  • Chữa di mộng tinh: Hoàng bá 60g, thục địa 40g, thiên môn 40g, đảng sâm 40g, sa nhân 30g, cam thảo 10g. Tất cả phơi khô tán bột, trộn với mật ong, làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 30 viên với nước nóng trước bữa ăn khoảng 1 giờ (Bệnh viện Việt Trung-Hà Nội).
  • Chữa tiêu chảy cho trẻ em: Dùng viên tiêu chảy “B”- Hoàng bá 125g, ngũ vị tử 42,5g, ngũ bội tử 37,5g, bạch phàn 25g. Tán bột mịn luyện với hồ làm thành viên bằng hạt ngô. Trẻ em duwois 1 tuổi, ngày uống 4-6 viên, chia làm 3-4 lần, hòa với nước đun sôi để nguội, 2-3 tuổi ngày uống 6-8 viên, 4 tuổi trở lên uống 9-12 viên.
  • Chữa viêm gan cấp tính, sốt, bụng trướng, đau vùng gan, tiểu tiện đỏ: Hoàng bá 16g, mộc thông, chi tử, chỉ xác, đại hoàng hay chút chít, nọc sởi, mỗi vị 10g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
  • Chữa tiêu hóa kém, hoàng đản do viêm đường mật: Hoàng bá 14g, chi tử 14g, cam thảo 6g. Sắc với 600ml nước còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
  • Chữa lở miệng loét lưỡi: Hoàng bá cắt thành từng mẫu nhỏ, ngậm. Có thể nuốt nước.
  • Chưa sốt xuất huyết: Hoàng bá, ngưu tất, tri mẫu, sinh địa, huyền sâm, mạch môn, hạt muồn (sao), đan sâm, đơn bì, xích thược, cỏ nhọ nồi, trác bá (sao), huyết dụ, mỗi vị 10-16g. Sắc uống ngày 1 thang.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Đặc điểm bột dược liệu:

Màu vàng tươi, không mùi, vị rất đắng. Soi kính hiển vi thấy: Rất nhiều đám sợi mang tinh thể calci oxalat hình lăng trụ, có đám sợi màu vàng nâu, hoặc vàng tươi, có đám sợi đứng riêng lẻ, thành dày. Mảnh mô mềm vỏ với các tế bào hình gần tròn. Mảnh bần (còn sót lại) gồm các tế bào hình chữ nhật, thành hơi uốn lượn, màu vàng nâu.Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại mặt cắt ngang dược liệu và bột vỏ thân có phát quang màu vàng tươi sáng.

2.Định tính

A. Lấy 0,2g bột dược liệu, thêm 3ml dung dịch acid sulfuric 1% (TT), đun nhẹ, lọc lấy 2ml dịch lọc, thêm dần dung dịch bão hòa clor (TT). Để yên 10 phút, chỗ tiếp xúc giữa 2 lớp chất lỏng có 1 vòng màu đỏ sẫm.

B. Lấy 0,2g bột dược liệu, thêm 1ml ethanol 90% (TT), đun nhẹ, lọc.

Lấy 1 – 2 giọt dịch lọc nhỏ trên lam kính, hơ nhẹ trên đèn cồn đến gần khô, thêm 1 giọt dung dịch acid nitric 25% (TT) hoặc 1 giọt acid hydrocloric (TT), đậy lá kính mỏng lên. Sau 20 phút soi kính hiển vi thấy những tinh thể hình kim màu vàng tươi.

C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4):

Bản mỏng: Silicagel G

Dung môi khai triển: Cyclohexan  –  ethylacetat – aceton (7: 3: 1,5).

Dung dịch thử: Lấy  0,1g bột dược liệu, thêm 5ml methanol (TT), đun nhẹ trong nồi cách thủy, lọc, lấy dịch lọc làm dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Hòa tan 1mg berberin clorid  trong 1ml methanol (TT).

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết phát quang màu vàng sáng cùng giá trị Rf và màu sắc với vết của berberin clorid chuẩn đạt được trên sắc ký đồ của dung dịch chuẩn. Nếu phun thuốc thử vanilin 1% trong acid sulfuric (TT), trên sắc ký đồ của dung dịch thử xuất hiện nhiều vết, trong đó có vết có màu đỏ và giá trị Rgiống vết của berberin clorid chuẩn đạt được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

3. Định lượng

Dung dịch thử: Cân chính xác khoảng 0,5g bột dược liệu đã nghiền nhỏ qua rây có kích thước mắt rây 1mm, cho vào bình nón nút mài dung tích 100ml (song song tiến hành xác định độ ẩm), thêm 0,5ml dung dịch natri hydroxyd 25% (TT), dùng đũa thủy tinh trộn đều, đậy nút, để ở nhiệt độ phòng 2 giờ, thêm vào bình 50ml ether ethylic (TT), lắc 15 phút, rồi để yên 17 giờ, lắc 15 phút, lọc qua giấy lọc vào bình định mức 50ml, tráng bình và giấy lọc bằng ether ethylic (TT) cho đến vạch, lắc đều. Hút chính xác 10ml dịch ether cho vào bình lắng gạn có dung tích 50ml và tiến hành chiết hết berberin bằng cách lắc 3 lần (20, 10, 10ml) với dung dịch acid sulfuric 2% (TT) [kiểm tra bằng thuốc thử là  dung dịch acid silicowolframic 5% (TT)]. Gộp dịch chiết acid vào bình định mức 50ml, thêm dung dịch acid sulfuric 2% (TT) đến vạch, lắc đều và đo độ hấp thụ của dung dịch ở bước sóng 420nm (Phụ lục 4.1).

Dung dịch chuẩn: Dung dịch berberin clorid 0,2% trong dung dịch acid sulfuric 2% (TT) (dung dịch A). Hút chính xác 1 ml dung dịch A (tương đương với 2mg berberin chuẩn) cho vào bình định mức 50ml, thêm dung dịch acid sulfuric 2% (TT) đến vạch, lắc đều, đo độ hấp thụ của dung dịch ở bước sóng 420nm. Mẫu trắng là dung dịch acid sulfuric 2% (TT). Hàm lượng berberin được tính theo công thức:

Dt: Mật độ quang của dung dịch mẫu thử.

Dc: Mật độ quang của dung dịch mẫu chuẩn.

a: Lượng cân dược liệu (g)

b: Độ ẩm dược liệu.

Hàm lượng berberin chứa trong dược liệu khô không được ít hơn 2,5%.

4. Tiêu chuẩn đánh giá:

  • Độ ẩm: Không quá 13%.
  • Tạp chất: Không quá 1%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1), Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img