Dược liệu Mộc Thông
- Tên khoa học: Caulis Clematidis
- Tên gọi khác: cây khố rách
- Tính vị, quy kinh: mặn, đắng , lạnh. Vào các kinh tâm, phế, tiểu trường, bàng quang.
- Bộ phận dùng: thân leo
- Đặc điểm sản phẩm: Dược liệu hình trụ tròn dài, hơi cong. Mặt ngoài màu nâu hơi vàng, có rãnh nứt dọc và góc nông. Mấu thường phình to. Chất cứng, không dễ bẻ gẫy. Phiến thái dày 2 – 4 mm, mép không đều, vỏ còn sót lại màu nâu hơi vàng, gỗ màu nâu hơi vàng hoặc màu vàng nhạt. Không mùi, vị nhạt.
- Phân bố vùng miền:
– Thế giới: vùng nhiệt đới châu Á và lục địa Nam Trung Quốc, Đông Dương.
– Việt Nam: các tỉnh vùng núi và trung du phía Bắc như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, - Thời gian thu hoạch: mùa xuân hoặc mùa thu
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật
Cây leo cao 7-10m. Lá mọc đối, có cuống, gân lá lông chim, mỗi mấu có một tua cuốn. Phiến lá dài 6-9cm, rộng 4-6cm. Hoa tự ở kẽ lá thành chùy thưa, hoa nhỏ đơn tính khác gốc. Hoa đực 4-8 lá đài, 4-5 cánh hoa, 4-5 nhị. Hoa cái 4-5 lá đài, 4-5 cánh hoa, bầu thượng, một ô, không có vòi; đầu nhụy hình đĩa, dày, rộng hơn bầu. Quả thịt, dài 17mm rộng 12mm, đựng một hạt.
2. Phân bố
- Thế giới: Trung Quốc
- Việt Nam: Tại Việt Nam cũng có khai thác vài cây với tên Mộc thông như cây Iodes ovalis Blume họ Mộc thông (Phytocrenaceae).
3. Bộ phận dùng
Thân leo đã phơi hay sấy khô của cây Tiểu Mộc Thông (Clematis armandii Franch.), hoặc cây Tú cầu đằng (Clematis montana Buch. – Ham. ex DC), họ Hoàng liên (Ranunculaceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: Thu hoạch vào mùa xuân, thu. Lấy dược liệu, cạo bỏ vỏ thô ngoài, phơi khô hoặc thái phiến mỏng lúc tươi, phơi khô.
- Chế biến: Thân mộc thông chưa thái lát, ngâm qua, ủ thật mềm, thái phiến mỏng, phơi khô.
- Bảo quản: Để nơi thoáng, khô, tránh ẩm.
5. Mô tả dược liệu Mộc thông
Dược liệu hình trụ tròn dài, hơi cong, dài 50 – 100 cm, đường kính 2 – 3,5 cm. Mặt ngoài màu nâu hơi vàng, có rãnh nứt dọc và góc nông. Mấu thường phình to, có vết sẹo của lá và cành, vỏ còn sót lại dễ bóc, rách. Chất cứng, không dễ bẻ gẫy. Phiến thái dày 2 – 4 mm, mép không đều, vỏ còn sót lại màu nâu hơi vàng, gỗ màu nâu hơi vàng hoặc màu vàng nhạt, có vân xuyên tâm màu trắng hơi vàng và có khe nứt, có nhiều lỗ mạch rải rác. Tuỷ tương đối nhỏ, màu hơi trắng hoặc nâu hơi vàng, đôi khi có khoang rỗng. Không mùi, vị nhạt.
6. Thành phần hóa học Mộc thông
- Betulin (Đằng Điền Lộ, Dược học tạp chí – Nhật Bản 1974, 94 (2) : 180).
- Oleanic acid, Hederagenin (Xuyên Khẩu Lợi, Dược học tạp chí – Nhật Bản 1940, 60 (11) : 596).
- Akeboside (Đằng Điền Lộ, Dược học tạp chí – Nhật Bản 1974, 94 (2) : 194).
- Stigmasterol, Beta Sitosterll, Daucosterol, Inositol (Hà Lý Tại, Dược học tạp chí – Nhật Bản 1928, 48 (11) : 1098).
- Cyanidin-3-xyl glucoside, Cyanidin-3-p-coumaroyglucoside, Cyanidin-3-p-coumaroyl – xyl –glucoside (Ishikura N và cộng sự, Phytochemistry 1975 , 15 (3) : 442).
- Trong Mộc thông mã đâu linh người ta chiết xuất ra được 0,091% chất có tinh thể mầu vàng, độ chảy 281 – 283oC, công thức thô C12H11)4 (Hoá học học báo 1956, 22 : 1144).
7. Phân biệt thật giả
…
8. Công dụng – Tác dụng Mộc thông
- Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi tiểu, thông kinh, tăng sữa.
- Công dụng: Chủ trị: Phù thũng, đái dắt, đái buốt, khớp tê đau, kinh nguyệt bế tắc, tắc tia sữa, ít sữa.
9. Cách dùng và liều dùng Mộc thông
- Ngày uống 3 – 8 g, dạng thuốc sắc.
10. Lưu ý, kiêng kị
…
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Mộc thông
Chữa đái khó, đái buốt, đái dắt:
- Mộc thông 20g, Phục linh 8g, Trạch tả 12g, Đăng tâm 8g, hạt Mã đề 8g, Trư linh 8g. Sắc uống trong ngày.
Chữa viêm gan vàng da, viêm thận cấp, đái đỏ đục, đái ra máu:
- Mộc thông 16g, Sinh địa, Huyền sâm, Ngưu tất, mỗi vị 12g; Dành dành, Hoàng đằng (hoặc Núc nác) mỗi vị 8g. Sắc uống trong ngày.
Chữa phụ nữ đẻ ít sữa:
- Mộc thông 20g, Gạo nếp 100g, Xuyên sơn giáp 30g (sao với cát cho phồng), móng chân lợn 50g (sao với cát), hoa chuối 100g. Sắc với 600ml nước còn 300 ml, chia làm 2 lần uống trong ngày vào lúc đói.
Chữa đau vùng tâm vị, ăn nuốt khó xuôi, hay bị nghẹn và đau tức vùng gan, đại tiện không thông, ợ hơi hoặc nôn ọe, miệng thở hôi, lưỡi cáu vàng:
- Mộc thông, Bách bộ, hạt Muồng sao, mỗi vị 16g; Chỉ xác, Nga truật, Mạch môn, Ngưu tất, mỗi vị 10g. Sắc uống.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
1. Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G đã hoạt hóa ở 110 oC trong khoảng 1 giờ.
Dung môi khai triển: Cyclohexan – aceton (4 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 25 g bột thô dược liệu, thêm 250 ml nước, sắc thuốc trong 30 phút, lọc, cô dịch lọc còn khoảng 50 ml, để nguội, chiết với n-butanol bão hoà nước (TT), lần 1 với 50 ml, lần 2 với 25 ml. Lấy dịch n-butanol rửa 5 lần, mỗi lần với 30 ml dung dịch natri hydroxyd 2% (TT), sau đó rửa với nước tới khi nước rửa trung tính. Bay hơi n-butanol tới cắn khô, hoà tan cắn trong 25 ml ethanol (TT), thêm 2 ml acid hydrocloric (TT), đun hồi lưu 1 giờ, bay hơi tới cắn khô, thêm 10 ml nước vào cắn, khuấy kỹ, chiết với 20 ml ethylacetat bão hoà nước (TT), gộp các dịch chiết ethylacetat và bay hơi đến khô, hoà tan cắn trong 2 ml methanol (TT) dùng làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Hoà tan acid oleanolic chuẩn trong methanol (TT) để được dung dịch có nồng độ 1 mg/ml làm dung dịch đối chiếu.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên cùng bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển, bản mỏng được để khô ngoài không khí rồi phun dung dịch acid sulfuric 10% trong ethanol(TT), sấy bản mỏng ở 105 oC tới khi các vết hiện rõ. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết cùng màu sắc và Rf với vết của dung dịch đối chiếu. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm, trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết có huỳnh quang cùng màu và giá trị Rf với vết của dung dịch đối chiếu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
– Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
– Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
– Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006