Dược liệu: Sa sâm
- Tên khoa học: Radix Glehniae
- Tên gọi khác: sa sâm bắc
- Tính vị, quy kinh: Cam, vi khổ, vi hàn. Vào các kinh phế, vị.
- Bộ phận dùng: rễ
- Đặc điểm sản phẩm: Rễ hình trụ, đôi khi phân nhánh. Đầu trên hơi nhỏ, phần giữa hơi to, phần dưới nhỏ dần. Mặt ngoài màu trắng vàng nhạt, hơi thô. Đầu rễ nhọn dần, cổ rễ thường mang gốc thân màu vàng nâu, chất giòn, dễ bẻ gẫy. Mùi đặc biệt. Vị hơi ngọt.
- Phân bố vùng miền: Thế giới: Vùng Đông Á đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản. Việt Nam: Cây được trồng nhiều ở Sa Pa.
- Thời gian thu hoạch: mùa hè hoặc mùa thu
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật Sa Sâm
2. Phân bố
- Thế giới: Vùng Đông Á đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.
- Việt Nam: Cây được trồng nhiều ở Sa Pa.
3. Bộ phận dùng
Rễ đã phơi hay sấy khô của cây Sa sâm(Glehnia littoralis Fr. Schmidt ex Miq.), họ Hoa tán (Apiaceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: Thu hoạch vào mùa hè hoặc mùa thu, đào lấy rễ, cắt bỏ thân cây và rễ con, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô hoặc phơi đến se, nhúng vào nước sôi, bỏ lớp ngoài, phơi hoặc sấy khô.
- Chế biến: Loại bỏ tạp chất và phần thân còn sót lại, ủ hơi mềm, cắt thành đoạn, phơi khô.
- Bảo quản: Để nơi khô, tránh sâu mọt.
5. Mô tả dược liệu Sa Sâm
Rễ hình trụ, đôi khi phân nhánh, dài 15 – 45 cm, đường kính 0,4 -1,2 cm. Đầu trên hơi nhỏ, phần giữa hơi to, phần dưới nhỏ dần. Mặt ngoài màu trắng vàng nhạt, hơi thô, đôi khi còn sót lại lớp ngoài. Nếu không bỏ lớp ngoài, bên ngoài có màu nâu vàng, toàn thể có vân hay nếp nhăn dọc nhỏ hoặc rãnh dọc, còn vết rễ con lốm đốm màu vàng nâu. Đầu rễ nhọn dần, cổ rễ thường mang gốc thân màu vàng nâu, chất giòn, dễ bẻ gẫy. Mặt bẻ gẫy: phần ngoài màu trắng vàng nhạt, phần gỗ ở trong màu vàng. Mùi đặc biệt. Vị hơi ngọt.
6. Thành phần hóa học
Bắc sa sâm chủ yếu có Chứa tanin, ít chất béo. Ðã tách được các chất imperatorin, psoralen, oosthenol-7-b- gentiobioside vv.
7. Phân biệt thật giả
..
8. Công dụng – Tác dụng
- Tác dụng: Nhuận phế, thanh táo nhiệt, ích vị sinh tân.
- Công dụng: Chủ trị: Phế có táo nhiệt: ho khan, ho kéo dài, đờm đặc ít, sốt, họng khô, khát do âm hư tân dịch giảm sút. Miệng, môi khô, lở loét, chảy máu chân răng do vị nhiệt.
9. Cách dùng và liều dùng
Ngày dùng 4,5 – 9 g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
10. Lưu ý, kiêng kị
Không dùng kết hợp với Lê lô. Không dùng cho người ho do phế hàn.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Sa Sâm
Trị táo khí làm hại Phế và Vị âm, sinh ra cảm nhiệt, ho:
- Biển đậu 6g, Cam thảo 4g, Mạch môn 12g, Ngọn trúc 8g, Sa sâm 12g, Tang diệp 6g, Thiên hoa phấn 6g. Sắc uống.
- Tác dụng: Thanh dưỡng Phế, sinh tân, nhuận táo. (Sa Sâm Mạch Đông Thang – Ôn Bệnh Điều Biện).
Chữa gan yếu, thiếu máu vàng da:
- Sa sâm12g, Khương hoàng 12g, Tiểu hồi hương 4g, nhục quế 4g. Sắc uống (Sổ tay 540 Bài thuốc Đông y).
Chữa ngực bụng đầy đau, ợ chua, sán khí:
- Bắc sa sâm 12g, Đương qui 12g, Câu kỷ tử 24g, Mạch đông 12g, Sinh địa 20g, Xuyên luyện tử 6g. Sắc uống.
- Tác dụng: Dưỡng âm sơ Can, lý khí. (Nhất Quán Tiễn-Liễu Châu Y Thoại).
Trị Phế âm suy kèm nhiệt, biểu hiện như ho khan, ho có ít đờm, giọng khàn do ho kéo dài, khô cổ và khát:
- Dùng Sa sâm với Mạch đông và Xuyên bối mẫu sắc uống. (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Trị sốt lâu ngày, mất tân dịch, miệng khô khát kém ăn:
- Sa sâm, Mạch môn đông, Sinh địa hoàng, Ngọc trúc. Sắc uống. (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Trị ôn bệnh nhập vào phần huyết sinh ra sốt cao, co giật, mê sảng:
- Mạch môn 12g, Cam thảo 4g, Ngọc trúc 12g, Sa sâm 8g. Sắc uống. (Ngọc Trúc Mạch Đông Thang – Ôn Bệnh Điều Biện).
Trị bệnh viêm nhiễm thời kỳ hồi phục, có triệu chứng âm hư như: họng khô khát, táo bón:
- Mạch môn, Sinh địa. Tùy chứng gia liều vừa đủ. (Bài Ích Vị Thang -Ôn Bệnh Điều Biện).
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
1. Vi phẫu
Mô mềm gồm vài hàng tế bào, có ống tiết rải rác (nếu không bỏ lớp ngoài sẽ thấy tầng bần), phần libe rộng, tia ruột rõ ràng, nhóm ống rây đổ ra phía ngoài sắp xếp như hình dải hẹp; ống tiết rải rác, đường kính 20 – 65 m, bên trong chứa chất tiết màu vàng nâu, có 5 – 8 tế bào tiết bao quanh. Tầng phát sinh libe-gỗ có hình vòng tròn. Những tia gỗ gồm 2 – 5 hàng tế bào, mạch gỗ phần lớn sắp xếp theo hình chữ V, tế bào mô mềm chứa hạt tinh bột đã hồ hoá.
2. Bột
Màu trắng ngà. Mảnh libe hoặc tế bào libe tách riêng. Mảnh mạch vạch. Mảnh mô mềm gỗ tế bào hẹp, dài, có khi dính cả mạch gỗ.
3. Các chỉ tiêu đánh giá khác
- Độ ẩm
Không quá 13 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 0C, 5 giờ).
- Tạp chất
Mẩu gốc thân còn sót lại và tạp chất khác: Không quá 2 % (Phụ lục 12.11).
- Tro toàn phần
Không quá 6% (Phụ lục 9.8).
- Tro không tan trong acid
Không quá 1,5 % (Phụ lục 9.7).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006
Tham khảo một số loại Sâm khác: