Địa liền cũng thường được trồng lấy củ làm gia vị và làm thuốc. Trồng bằng thân rễ vào mùa Đông xuân. Thu hái thân rễ vào mùa khô. Đào củ về, rửa sạch, thái phiến mỏng, phơi khô (không được sấy bằng than), sao cho dược liệu không bị đen và kém thơm. Do có tinh dầu nên Địa liền dễ bảo quản, ít bị mốc mọt.
Dược liệu Địa Liền
- Tên khoa học: Rhizoma Kaempferiae galangae
- Tên gọi khác: Thiền liền, Lương khương.
- Tính vị, quy kinh: Vị cay, tính ôn. Vào hai kinh tỳ, vị.
- Bộ phận dùng: Thân rễ đã thái miếng phơi hay sấy khô của cây Địa liền
- Đặc điểm sản phẩm: Phiến dày khoảng 2 – 5mm, đường kính 0,6cm trở lên, hơi cong lên. Mặt cắt màu trắng ngà có khi hơi ngà vàng. Xung quanh là vỏ ngoài màu vàng nâu hoặc màu tro nhạt, nhăn nheo, có khi còn sót lại rễ con hoặc vết tích rễ con. Thể chất giòn, dễ bẻ, có bột. Mùi thơm đặc trưng, vị cay.
- Phân bố vùng miền: Trung Quốc, ở Việt Nam: cây mọc hoang và được trồng khắp nơi.
- Thời gian thu hoạch: Từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT:
1. Mô tả thực vật:
Cây thân thảo sống lâu năm, thân rễ hình trứng, gồm nhiều củ nhỏ. Lá 2 – 3 cái một, mọc xòe ra trên mặt đất, có bẹ, phiến rộng hình bầu dục, thót hẹp lại thành cuống, mép nguyên hơi có lông ở mặt dưới. Hoa trắng pha tím, không cuống mọc ở nách lá. Toàn cây nhất là thân rễ có mùi thơm và vị nồng. Hoa tháng 5 – 7.
2. Phân bố:
- Thế giới: Trung Quốc.
- Việt Nam: Cây mọc hoang và được trồng khắp nơi.
3. Bộ phận dùng:
- Thân rễ đã thái miếng phơi hay sấy khô của cây Địa liền.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Thu hái thân rễ vào mùa khô, Đào củ về rửa sạch, thái phiến mỏng, xông lưu huỳnh rồi phơi khô, sao cho dược liệu không bị đen và kém thơm. Do có tinh dầu nên Địa liền để bảo quản, ít bị mốc mọt.
- Chế biến: Đào lấy thân rễ, rửa sạch, thái phiến mỏng, phơi khô. Khi dùng vi sao.
- Bảo quản: Địa liền rất dễ bảo quản, hầu như không bị mốc mọt mặc dầu điều kiện bảo quản không hơn so với các vị thuốc khác.
5. Mô tả dược liệu Địa Liền
Phiến dày khoảng 2 – 5mm, đường kính 0,6cm trở lên, hơi cong lên. Mặt cắt màu trắng ngà có khi hơi ngà vàng. Xung quanh là vỏ ngoài màu vàng nâu hoặc màu tro nhạt, nhăn nheo, có khi còn sót lại rễ con hoặc vết tích rễ con. Thể chất dòn dễ bẻ, có bột. Mùi thơm đặc trưng, vị cay
6. Thành phần hóa học
Thân rễ chứa tinh dầu (2,4 – 3,9%), trong có p-methoxytranscinnamat ethyl, acid p-methoxytranscinnamic, acid transcinnamic, p-methoxystyren, acid p-coumaric, n-pentadecan, ∆3-caren, borneol, camphen.
7. Công dụng – Tác dụng:
- Tác dụng: Ôn trung tiêu, tán hàn, trừ thấp, kiện tỳ vị.
- Công dụng: Chủ trị Tê thấp, đau nhức xương khớp, nhức đầu, răng đau, ngực bụng lạnh đau, tiêu hóa kém.
8. Cách dùng và liều dùng:
- Ngày dùng 4 – 8g, dạng thuốc sắc, bột hoặc viên. Ngâm rượu 40 – 50% trong 5 – 7 ngày để xoa bóp. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
9. Lưu ý, kiêng kị
- Âm hư, thiếu máu hoặc vị có hỏa uất không dùng.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Địa Liền
Trị ăn uống không tiêu, đau dạ dày, đau thần kinh: Địa liền 2g, Quế chi 1g. Hai vị tán nhỏ, chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi lần 0,5 hay 1g bột. (Diệp Quyết Tuyền).
Chữa đau bụng, tức ngực do lạnh: Địa liền 6g, Đinh hương 3g, Đương quy 3g, Cam thảo 3g. Tán bột, làm thành thuốc viên, uống với một ít rượu.
Chữa ho gà: Địa liền 300g, lá Chanh 300g, vỏ rễ Dâu (tẩm mật ong) 1000g. Rau sam tươi 1000g, Rau má tươi 1000g, lá Tía tô 500g, đường kính vừa đủ, nấu với 12 lít nước, có còn 4 lít. Trẻ em mỗi ngày uống 15-30 ml.
Cảm sốt nhức đầu: Thân rễ Địa liền 5g, Bạch chỉ 5g, Cát căn 10g, tán bột làm viên uống. Viện Dược liệu đã nghiên cứu sản xuất viên Bạch địa căn (gồm Địa liền 0,03g, Bạch chỉ 0,10g, Cát căn 0,12g) dùng làm thuốc hạ sốt, giảm đau trong bệnh sốt xuất huyết và sốt cao ở một số bệnh truyền nhiễm; còn có tác dụng kháng khuẩn chống bội nhiễm.
Chữa cảm sốt, nhức đầu, táo bón kinh niên, ăn không tiêu (Kinh nghiệm của Hợp tác xã thuốc dân tộc Hợp Châu): Địa liền 1.000g, Rau má 1.000g, Thổ phục linh 1.000g, Cam thảo 500g. Tất cả phơi khô tán bột, ngày uống 2-4g.
Rượu xoa bóp: Rượu Địa liền (ngâm củ Địa liền xắt nhỏ trong rượu 40-500, trong 5-7 ngày) có thể dùng xoa bóp hoặc uống làm bớt nhức mỏi gân cốt, đau lưng và làm cho máu huyết lưu thông. Kinh nghiệm người viết bài này thường chế rượu xoa bóp theo công thức: Địa liền 100g, Bạch chỉ 30g, Huyết giác 20g, Thiên niên kiện 20g, Đại hồi 20g, Quế chi 20g, Long não 10g. Ngâm với 1 lít rượu sau 7 ngày, dùng xoa bóp chữa đau nhức, tê phù, có thể ngậm chữa đau nhức răng (nhổ bỏ, không được uống). Đặc biệt rượu này dùng xoa bóp kết hợp hỏa long cứu vùng bụng cho phụ nữ sau sinh vừa giúp tiêu hóa tốt, vừa làm thon bụng, đẹp da, thơm người.
Lưu ý: Người âm hư, thiếu máu, hoặc dạ dày nóng rát không nên dùng Địa liền.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:
1. Vi phẫu:
Lớp bần gồm 8 – 15 hàng tế bào hình chữ nhật. Mô mềm vỏ gồm những tế bào hình nón hay nhiều cạnh, thành mỏng, chứa hạt tinh bột, rải rác có các bó libe – gỗ nhỏ. Vòng nội bì khung caspari liền với vòng trụ bì. Mô mềm ruột gồm tế bào thành hơi dày chứa nhiều hạt tinh bột và rải rác có các bó libe – gỗ . Tế bào chứa tinh dầu có cả ở mô mềm vỏ và mô mềm ruột
2. Bột:
Bột màu trắng ngà, nhiều hạt tinh bột hình gần như ba cạnh, hình trứng hay hình tròn, đường kính 5 – 30µm, có rốn và vân mờ. Mảnh mô mềm với tế bào chứa tinh bột, hoặc kèm theo tế bào chứa tinh dầu màu vàng. Mảnh bần màu nâu nhạt, mảnh mạch vạch.
3. Định tính:
- A. Ngâm 1 g bột dược liệu với 5ml ether ethylic (TT) trong 15 phút, thỉnh thoảng lắc, lọc. Dịch lọc bay hơi đến cắn. Thêm 1 – 2 giọt dung dịch vanilin 1% trong acid sulfuric (TT), xuất hiện màu nâu đỏ đến tím.
- B. Lấy 2g bột dược liệu, thêm 10ml ethanol 90% (TT). Đun cách thủy 20 phút, để nguội và lọc
Lấy 1ml dịch lọc cho vào một ống nghiệm, thêm từ từ 1ml acid sulfuric (TT) xuống đáy ống. Vòng tiếp xúc giữa 2 lớp chất lỏng có màu nâu đỏ, sau chuyển sang nâu tím.
Lấy 1ml dịch lọc, thêm từ từ 1ml dung dịch natri carbonat 5% (TT). Đun cách thủy 3 phút, để nguội thêm 1 – 2 giọt thuốc thử Diazo (TT) sẽ có màu đỏ cam.
4. Các chỉ tiêu đánh giá khác:
- Độ ẩm: Không quá 12,0% (Phụ lục 12.13). Dùng 10 g dược liệu đã tán nhỏ.
- Tro toàn phần: Không quá 7,0% (Phụ lục 9.8)
- Tỷ lệ vụn nát: Qua rây có kích thước mắt rây 4mm không quá 5% (Phụ lục12.12)
- Tạp chất: Không quá 0,5% ( Phụ lục12.11)
- Định lượng: Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu ( Phụ lục12.7 )
Hàm lượng tinh dầu trong dược liệu không ít hơn 1,5% tính theo dược liệu khô kiệt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.