Dược liệu Quế Nhục
- Tên khoa học: Cortex Cinnamomi
- Tên gọi khác: quế đơn, quế bì, quế Trung Quốc, nhục quế, mạy què, kía.
- Tính vị, quy kinh: Cay, ngọt, đại nhiệt. Vào các kinh: thận, tỳ, tâm, can.
- Bộ phận dùng: Vỏ thân hoặc vỏ cành
- Đặc điểm sản phẩm: C. cassia: Mảnh vỏ thường được cuộn tròn thành ống. Mặt ngoài màu nâu đến nâu xám, có các lỗ vỏ và vết cuống lá. Mặt trong màu nâu đỏ đến nâu sẫm, nhẵn hoặc hơi gồ ghề. Chất cứng và giòn, dễ bẻ gãy.
Ở loài quế C. zeylanicum, vỏ thường mỏng hơn vỏ của loài C. cassia, lớp trong màu nâu vàng, mùi thơm nhẹ.
Ở loài quế C. loureirii, lớp bần màu nâu ngoài cùng có thể bị cạo bỏ nên chỉ còn một lớp màu nâu hơi đỏ hay nâu sẫm, mùi rất thơm, thể chất giòn, dễ bẻ, vết bẻ có xơ. - Phân bố vùng miền:
Thế giới: châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản
Việt Nam: từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh phía Nam của miền Trung như Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh - Thời gian thu hoạch: Vào tháng 4 – 5 và tháng 9 – 10
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật
Cây to, cao 10 – 20m. Vỏ thân nhẵn. Lá mọc so le, có cuống ngắn, cứng và giòn, đầu nhọn hoặc hơi tù, có 3 gân hình cung. Mặt trên lá xanh sẫm bóng. Hoa trắng mọc thành chùm xim ở kẽ lá hoặc đầu cành. Quả hạch, hình trứng, khi chín màu nâu tím, nhẵn bóng. Toàn cây có tinh dầu thơm, nhất là vỏ thân.
2. Phân bố
- Thế giới: châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản
- Việt Nam: từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh phía Nam của miền Trung như Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh
3. Bộ phận dùng
Vỏ thân hoặc vỏ cành đã chế biến và phơi khô của cây Quế Cinnamomum cassia Presl. hoặc một số loài quế khác (Cinnamomum zeylanicum Blume, Cinnamomum loureirii Nees.) họ Long não (Lauraceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
Thu hái:
Vào tháng 4 – 5 và tháng 9 – 10, chọn những cây quế sống 5 năm trở lên để bóc vỏ (cây sống càng lâu càng tốt). Trước khi bóc, lấy lạt buộc quanh thân và cành to, cách khoảng 40 – 50 cm buộc một vòng để cắt cho đều. Dùng dao nhọn cắt đứt phân nửa thân hoặc cành, rồi cắt dọc từng đoạn. Mỗi lần lấy vỏ, chỉ lấy một nửa bên, để lại nửa bên cho cây tái sinh. Sau đó lấy que nứa đã vót nhọn và mỏng lách vào khe, tách vỏ quế ra, để riêng từng loại. Chú ý khi bóc vỏ quế không được làm sót lại gỗ vì như vậy quế sẽ giảm giá trị.
Chế biến:
Vỏ quế to dày phải ủ, ngâm nước một ngày, rửa sạch, để ráo nước. Lấy lá chuối tươi, hơ mềm lót quanh sọt dày độ 5 cm, xếp vỏ quế vào đầy sọt, đậy bằng lá chuối (cũng dầy 5 cm). Buộc chặt để 3 ngày (mùa nóng) hoặc 7 ngày (mùa lạnh), hàng ngày đảo trên xuống dưới, dưới lên trên cho nóng đều. dỡ quế ở sọt ra, đem ngâm nước 1 giờ nữa. Vớt ra đặt lên phên nứa, lấy một phên nứa khác đè lên, ép cho phẳng, để chỗ khô mát đến khi quế se. Lấy từng thanh quế, buộc ép vào ống nứa tròn thẳng (để cho dáng thẳng và đẹp), trong thời gian buộc ép như vậy, hàng ngày mở ra hai lần, lau chùi mặt trong cho bóng, rồi lại buộc vào. Cứ làm như vậy hàng ngày cho đến khi khô là được. Thời gian ủ quế đến khi hoàn tất phải mất 15 – 16 ngày (mùa nóng) hoặc 1 tháng (mùa mưa) và có khi hơn.
Bảo quản:
- Để nơi khô, mát; trong bình kín.
- Để tránh làm mất hương vị của quế, lấy sáp ong miết vào hai đầu của thanh quế , bọc giấy polyetylen, cho vào thùng kín để nơi khô mát.
5. Mô tả dược liệu nhục quế
Mảnh vỏ thường được cuộn tròn thành ống, dài 5 – 50 cm, ngang 1,5 – 10 cm, dầy 1 – 8 mm. Mặt ngoài màu nâu đến nâu xám, có các lỗ vỏ và vết cuống lá. Mặt trong màu nâu đỏ đến nâu sẫm, nhẵn hoặc hơi gồ ghề. Chất cứng và giòn, dễ bẻ gãy; mặt bẻ không nhẵn, có xơ. Mặt cắt ngang có hai lớp: lớp ngoài màu vàng nâu, hơi thô ráp, lớp trong màu nâu đỏ, có xơ ngắn; Có một vòng màu nâu hơi vàng giữa hai lớp. Mùi thơm, vị cay ngọt, sau tê nhẹ.
Ở loài quế C. zeylanicum, vỏ thường mỏng hơn vỏ của loài C. cassia, lớp trong màu nâu vàng, mùi thơm nhẹ.
Ở loài quế C. loureirii, lớp bần màu nâu ngoài cùng có thể bị cạo bỏ nên chỉ còn một lớp màu nâu hơi đỏ hay nâu sẫm, mùi rất thơm, thể chất giòn, dễ bẻ, vết bẻ có xơ.
6. Thành phần hóa học
Tinh dầu quế (hàm lượng >1%), thành phần chính của tinh dầu là aldehyd cinnamic, các thành phần cinnamylacetat, cinnamylalcol làm giảm giá trị tinh dầu.
Trong vỏ quế có các hợp chất diterpenoid, phenyl glycosid, chất nhầy, các hợp chất flavonoid, tanin, coumarin
7. Phân biệt thật giả
- Cần phân biệt với Quế Chi
8. Công dụng – Tác dụng
- Tác dụng: Bổ hoả trợ dương tán hàn, chỉ thống, hoạt huyết thông kinh.
- Công dụng: Dùng khi lưng gối đau lạnh, bụng đau lạnh, nôn mửa, tiêu chảy, bế kinh, đau bụng kinh, phù thũng, tiểu tiện rối loạn (đái không thông lợi, đái nhiều lần).
9. Cách dùng và liều dùng
- Ngày 1 – 4 g, dạng thuốc hãm, hoặc thuốc hoàn tán.
10. Lưu ý, kiêng kị
- Âm hư hoả vượng, phụ nữ có thai không dùng.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Quế Nhục
Trị đau bụng tiêu chảy kéo dài do thận dương hư, tỳ vị hư hàn hoặc tỳ thận dương hư:
- Tam khí đơn: Nhục quế 3g, Lưu hoàng 3g, Hắc phụ tử 10g, Can khương 3g, Chu sa 2g, chế thành viên, mỗi lần uống 3g ngày 2 lần với nước sôi ấm. Trị chứng nôn ỉa nhiều, quyết nghịch hư thóat.
- Quế linh hoàn: Nhục quế 3g, Mộc hương 3g, Can khương 5g, Nhục đậu khấu, Chế phụ tử đều 9g, Đinh hương 3g, Phục linh 9g, chế thành hoàn mỗi lần uống 8g, ngày 2 – 3 lần với nước ấm. Trị đau bụng tiêu chảy do tỳ thận dương hư.
Trị viêm thận mạn, phù thũng do dương khí hư chân tay lạnh, tiểu ít chân phù:
- Tế sinh Thận khí hoàn (Tế sinh phương): Can địa hoàng 15g, Sơn dược 12g, Sơn thù 6g, Phục linh, Đơn bì, Trạch tả đều 12g, Nhục quế 4g, Phụ tử 10g, Xuyên Ngưu tất 12g, Xa tiền tử 15g, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 15g, ngày uống 2 – 3 lần.
Trị chứng bụng đau, phụ nữ có kinh đau bụng do hư hàn:
- Nhục quế tán bột mịn, mỗi lần uống 3 – 4g với nước ấm hoặc rượu càng tốt.
- Lý âm tiễn: Thục địa 16g, Đương qui 12g, Nhục quế 5g, Can khương 5g, Cam thảo 4g, sắc uống. Trị phụ nữ đau bụng kinh.
Trị đau thắt lưng:
Châu Quảng Minh dùng bột Nhục quế trị đau lưng do thận dương hư 102 ca, gồm có viêm cột sống do phong thấp, viêm cột sống dạng thấp, đau do chấn thương và đau lưng chưa rõ nguyên nhân. Mỗi lần uống 5g ngày 2 lần, liệu trình 3 tuần. Tỷ lệ có kết quả 98%. Những ca có xương tăng sinh chụp lại X quang đều không thay đổi nhưng đau giảm hoặc hết. Uống thuốc có tác dụng phụ là khô mồm, táo bón (Tạp chí Trung tây y kết hợp 1984,2:115).
Trị vảy nến, mề đay:
Truyền thế Trân dùng chất chiết xuất của Nhục quế trị 19 ca vẩy nến và 23 ca mề đay, mỗi lần uống 25 – 50mg (1 – 2 viên) ngày uống 3 lần, đối với vẩy nến uống liên tục 4 – 8 tuần, mề đay sau khi hết uống tiếp 5 -14 ngày. Kết quả:
- Vẩy nến 19 ca khỏi 7 ca, kết quả tốt 2 ca, tiến bộ 7 ca, không kết quả 3 ca, tỷ lệ kết quả 84,1%.
- Mề đay 23 ca, khỏi 11 ca, tốt 9 ca, tiến bộ 1 ca, không kết quả 2 ca, tỷ lệ kết quả 91,2% (Học báo Y học viện Hà nam 1981,2:385).
Trị nhiễm độc phụ tử:
Theo kinh nghiệm dân gian, tác giả đã dùng Nhục quế trị nhiễm độc Phụ tử cấp. Dùng Nhục quế 5 – 10g ngâm nước uống, sau khi uống 5 – 15 phút, bệnh nhân nôn, sau 15 – 30 phút các triệu chứng giảm. Nếu không giảm tiếp tục uống 3 – 5g cách uống như trên. Theo báo cáo của bệnh nhân, sau khi uống thuốc 15 – 30 phút, có cảm giác tim đập mạnh hơn, chân tay ấm lại, cảm giác tê ở môi lưỡi và chân tay giảm dần (Báo Tân Trung y 1987,5:53).
Món ăn tăng thêm sức khỏe từ quế
Rượu quế: Nhục quế 6 g, rượu vừa đủ. Nhục quế giã nát, ngâm rượu trong 3 ngày, uống ấm. Thích hợp dùng khi bị đau nhức mình mẩy do cảm lạnh.
Gan gà tần nhục quế: Nhục quế 5 g, gan gà mái 1 bộ. Vật liệu nêm vừa đủ. Gan gà rửa sạch xắt ra 4 lát, nhục quế rửa sạch giã nát. Cho vào chén, thêm hành, gừng, muối, rượu, nước vừa đủ. Sau khi chưng cách thủy cho chín, thêm bột nêm. Công năng: Ôn thận tán hàn. Dùng chữa các chứng thận suy lạnh đau, tiểu đêm nhiều, trẻ em đái dầm…
Canh thịt dê gừng quế: Nhục quế, gừng tươi, tiểu hồi với mỗi thứ vừa đủ, thịt dê 250 g. Thịt dê xắt lát, cùng các vị thuốc nấu canh để ăn. Công năng: ôn bổ tỳ thận. Thích hợp dùng trong các chứng tỳ vị hư hàn (rối loạn chức năng tiêu hóa do lạnh), tức ngực, nôn ói, vùng bụng lạnh đau…
Cháo quế: Nhục quế 2g, gạo 100g, đường đen vừa đủ. Nhục quế sắc lấy nước đặc, bỏ bã; dùng gạo và thêm nước nấu cháo loãng, rồi nêm đường. Mỗi sáng và chiều ăn ấm, 5 – 7 ngày là 1 liệu trình. Thích hợp dùng cho các chứng thận dương hư, tay chân phát lạnh, tiểu tiện nhiều lần, ngực bụng lạnh đau, ăn ít, đại tiện lỏng, rối loạn tiêu hóa và đau nhức khớp do phong hàn thấp.
Canh bàng quang heo nấu nhục quế: Nhục quế nhuyễn 3 g, ích trí nhân 30 g, bàng quang heo 1 cái. Nhục quế và ích trí nhân giã nát, cùng chưng cách thủy với bàng quang heo cho chín. Dùng canh, ăn bàng quang heo. Công năng: Bổ dương tán hàn, hãm tiểu. Thích hợp dùng cho người tiểu nhiều, nước tiểu trong… do thận dương suy hay vùng dưới cơ thể chịu lạnh.
Cảm lạnh, đau dạ dày, tiêu chảy, đau khớp, đau lưng, thống kinh, bế kinh: Nhục quế 3 g cho vào ly hãm với nước sôi. Đậy kín trong giây lát rồi uống. Hoặc tán bột, mỗi lần dùng 2 g, uống với nước ấm.
Liều dùng và chú ý:
- Liều thường dùng cho thuốc thang: 2 – 5g, cho sau, không nên sắc lâu, hoặc hòa bột uống mỗi lần 1 – 2g. Có thể dùng bột Nhục quế với các dạng: Bột quế 0,05 – 5g/ngày, rượu quế 5 – 15g/ngày, Xirô quế 30 – 60g/ngày là liều dùng đối với Quan quế (Quế Xirilanca) do tác dụng nhẹ hơn, yếu hơn.
- Không nên sắc chung Quế với Xích thạch chỉ, vì sắc chung: Xích thạch chỉ làm cho thành phần hữu hiệu của Nhục quế trong nước sắc giảm (các tác giả Trung quốc đã chứng minh). Cho nên không nên sắc chung, mà hoặc sắc trước Xích thạch chỉ bỏ xác xong cho Quế vào hoặc sắc riêng Quế rồi trộn uống hoặc bột Quế hòa thuốc uống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006