Sài Đất

Dược liệu Sài Đất

  • Tên khoa học: Herba Wedeliae
  • Tên gọi khác: cúc nháp, ngổ núi, húng trám, ngổ đất, tân sa, lổ địa cúc
  • Tính vị, quy kinh: Mặn, hơi đắng, mát. Vào ba kinh: Tâm, phế, vị.
  • Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất
  • Đặc điểm sản phẩm: Những đoạn thân ngắn không đều, mang lông cứng. Lá mọc đối gần như không có cuống. Phiến lá hình bầu dục thon, hai đầu hơi nhọn. Hai mặt có lông nhám, mặt trên màu lục xám, có đốm trắng, mặt dưới màu nhạt hơn. Cụm hoa hình đầu, màu vàng, mọc ở ngọn cành. Dược liệu có mùi hơi thơm. Vị hơi mặn.
  • Phân bố vùng miền: Thế giới: cây phân bố ở vùng nhiệt đới, vùng ôn đới ẩm – Việt Nam: cây mọc hoang ở vùng núi thấp, hoặc trung du như Hoa Lư ( Ninh Bình).
  • Thời gian thu hoạch: quanh năm

I. THÔNG TIN CHI TIẾT

1. Mô tả thực vật

Sài đất là cây cỏ, sống nhiều năm, mọc bò lan trên mặt đất, ở các đốt trên thân có rễ mọc ra. Lá mọc đối, hình bầu dục, mép lá có răng cưa thưa, lá và thân đều có lông nhỏ. Hoa tự đầu, mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành, cuống dài, màu vàng.

Dược liệu Sài Đất
Dược liệu Sài Đất

2. Phân bố

  • Thế giới: cây phân bố ở vùng nhiệt đới, vùng ôn đới ẩm
  • Việt Nam: cây mọc hoang ở vùng núi thấp, hoặc trung du như Hoa Lư ( Ninh Bình).

3. Bộ phận dùng

  • Phần trên mặt đất còn tươi hoặc phơi hay sấy khô của cây Sài đất (Wedelia chinensis (Osbeck) Merr.), họ Cúc (Asteraceae).

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

  • Thu hái: Thu hái quanh năm.
  • Chế biến: Cắt những đoạn thân trên mặt đất, loại bỏ rác bẩn, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô.
  • Bảo quản: Để nơi khô, thoáng mát.

5. Mô tả dược liệu

Những đoạn thân ngắn không đều, mang lông cứng. Lá mọc đối gần như không có cuống. Phiến lá hình bầu dục thon, hai đầu hơi nhọn, dài 1,5 – 5 cm, rộng 0,8 – 2 cm. Hai mặt có lông nhám, mặt trên màu lục xám, có đốm trắng, mặt dưới màu nhạt hơn. Gân chính và cặp gân phụ đầu tiên nổi rõ. Mép lá có 3 – 5 đôi răng cưa rất thưa và nông. Cụm hoa hình đầu, màu vàng, mọc ở ngọn cành, cuống cụm hoa dài 5 – 10 cm. Hoa ở vòng ngoài hình lưỡi nhỏ, đơn tính (hoa cái), hoa ở giữa hình ống, lưỡng tính. Dược liệu có mùi hơi thơm. Vị  hơi mặn.

Dược liệu Sài Đất
Dược liệu Sài Đất

6. Thành phần hóa học

Toàn cây có chứa wedelolacton, isoflavonoid, caroten, saponin, tanin, một ít tinh dầu và rất nhiều các muối vô cơ.

7. Phân biệt thật giả

Hiện nay có 2 cây thường dùng nhầm với cây Sài đất:

  1. Cây Lỗ địa cúc còn có tên Bành kỳ cúc tên khoa học là Wedelia prostrata ( Hook et Arn.) Hemls, họ Cúc Asteraceae. Cây này thường có lá ngắn hơn, hoa màu vàng nhạt, quả bế không có lông và không thu hẹp ở đầu, không có vòng lồi lên, đầu cụt.
  2. Cây Sài đất giả: có tên khoa học Lippia modifolia (L) L.C. Rich thuộc họ Cỏ roi ngựa Verbenaceae. Có những đặc điểm sau: cành gần như vuông, nhaün hay hơi có lông. Lá hình thìa, đầu hơi tròn, mép phía trên có răng cưa, mép phía dưới hoàn toàn nguyên. Hoa nhỏ màu xanh nhạt, có khi vàng hồng hay trắng, mọc thành bông ở nách lá, lúc đầu hình đầu sau khi kết quả thì dài ra hình như bắp ngô nhỏ dài 1 – 1,5cm trên có những hàng quả khô màu nâu đen. Ở vùng Nha trang người ta uống thay chè, dùng chữa bệnh viêm phổi và một vài bệnh đường hô hấp. Ở Aán độ, cây này dùng làm thuốc giúp sự tiêu hóa, thông tiểu.

8. Công dụng – Tác dụng

  • Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm.
  • Công dụng: Chủ trị: Mụn nhọt, ngứa lở, dị ứng.

9. Cách dùng và liều dùng

  • Ngày dùng 20 – 40 g, dạng thuốc sắc hoặc cao lỏng.

10. Lưu ý, kiêng kị

Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Sài Đất

Chữa rôm sảy trẻ em:

  • Sài đất vò nát, pha nước tắm cho trẻ.

Chữa sốt cao:

  • Sài đất 20 – 50g, giã nát, pha với nước uống, bã đắp vào lòng bàn chân.

Chữa sốt xuất huyết:

  • Sài đất tươi 30g, kim ngân hoa 20g, lá trắc bá (sao đen) 20g, củ sắn dây 20g (có thể dùng lá sắn dây), hoa hòe (sao cháy) 16g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang. Nếu sốt cao, khát nhiều, thêm củ tóc tiên (mạch môn) 20g.

Chữa viêm cơ (bắp chuối):

Chữa viêm tuyến vú:

  • Sài đất 50g, bồ công anh 20g, kim ngân hoa 20g, thông thảo 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.

Chữa viêm bàng quang:

  • Sài đất tươi 30g, bồ công anh 20g, mã đề 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.

Chữa nhọt:

  • Sài đất 30g, kim ngân hoa, lá 15g, khúc khắc (thổ phục linh) 10g, bồ công anh 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.

Chữa mụn, lở, chàm:

  • Sài đất 30g, kim ngân hoa, lá 15g, khúc khắc 10g, ké đầu ngựa 12g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang. Sài đất giã nát, để đắp lên mụn lở lại càng tốt.

Hỗ trợ chữa ung thư môn vị:

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU

1. Vi phẫu

Lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới có lông che chở gồm 3 – 6 tế bào chứa nang thạch, gốc hơi phình to, đầu nhọn. Mặt ngoài lông che chở xù xì, trừ tế bào đầu lông nhọn và nhẵn. Rất hiếm loại lông nhẵn. Biểu bì ở lá non có thể mang lông tiết chân đơn bào, đầu đa bào.

Phần gân giữa: Tương ứng với hai phần lồi của gân chính có hai đám mô dày ở ngay sát lớp biểu bì. ở giữa có một bó libe – gỗ chính, có thể kèm theo một hoặc 2 bó libe – gỗ phụ, có cấu tạo giống libe – gỗ chính nhưng nhỏ hơn. Bó libe – gỗ có kèm 2 đám mô dày ở phía trên và dưới, libe xếp sát mô dày bên dưới, gỗ gồm một số mạch gỗ xếp sát đám mô dày phía trên.

Phần phiến lá: Mô giậu nằm sát biểu bì trên, có một hoặc hai lớp tế bào hình chữ nhật, xếp dọc, sát nhau. Dưới mô giậu là mô khuyết.

2. Bột

Có nhiều lông che chở, nguyên vẹn hoặc gãy thành từng đoạn. Mỗi lông có 3 – 6 tế bào chứa nang thạch, đầu nhọn, gốc hơi phình to, chứa chất màu vàng nhạt. Mặt ngoài lông xù xì. Riêng tế bào ở đầu lông nhọn. Lông tiết chân đơn bào, đầu đa bào (rất ít). Mảnh biểu bì gồm những tế bào thành hơi nhăn, thường có kèm lỗ khí và lông che chở. Lỗ khí có 3 – 4 hoặc 5 – 6 tế bào kèm (kiểu hỗn bào). Nơi chân lông che chở dính với biểu bì có khoảng 11-15 tế bào biểu bì xếp toả như hình hoa thị. Mảnh mạch mạng, mạch chấm, mạch xoắn. Sợi thành dày, khoang rộng. Tế bào mô dày hình nhiều cạnh, có ống trao đổi. Mảnh cánh hoa gồm tế bào thành mỏng hơi nhăn. Hạt phấn hoa hình cầu, màu vàng, mặt ngoài xù xì,  có thể nhìn thấy rõ 3 lỗ nảy mầm ở một số hạt phấn.

3. Định tính

Cho khoảng 5 – 6 g dược liệu đã cắt nhỏ vào bình nón 250 ml, thêm khoảng 50 ml ethanol 90% (TT). Lắc đều. Đun hồi lưu trong 30 phút. Lấy dịch lọc cô cách thuỷ còn khoảng 5 – 6 ml để làm các phản ứng sau:

A. Lấy 1 – 2 ml dịch lọc, thêm 5 giọt dung dịch acid hydrocloric (TT) và một ít bột magnesi (TT) hoặc bột kẽm (TT): dung dịch từ màu xanh chuyển sang đỏ cam, để lâu màu nhạt dần.

B. Lấy 1 – 2 ml dịch lọc, thêm 5 giọt dung dịch natri carbonat 10% (TT), 3 – 4 ml nước, đun sôi, để nguội, thêm 3 giọt thuốc thử diazo (TT) sẽ xuất hiện màu đỏ thẫm.

C. Nhỏ lên giấy lọc 1 – 2 giọt dịch lọc đã cô. Thêm 1 giọt dung dịch kali hydroxyd 0,5 N trong ethanol (TT). Để khô. Quan sát dưới ánh đèn tử ngoại sẽ thấy huỳnh quang màu vàng nhạt (so sánh với vết dịch lọc trên giấy không nhỏ dung dịch kali hydroxyd 0,5 N trong ethanol).

4. Các chỉ tiêu đánh giá khác

Độ ẩm

Không quá 15% (Phụ lục 9.6).

Tro toàn phần

Không quá 20% (Phụ lục 9.8).

Tỷ lệ vụn nát

Qua rây có kích thước lỗ mắt rây 4 mm: Không quá 5% (Phụ lục 12.12).

Tạp chất (Phụ lục 12.11).

Tỷ lệ lá biến màu (cháy đen): Không quá 1%

Tỷ lệ gốc rễ còn sót lại: Không quá 1%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img