Sài Hồ – Lức

Dược liệu Sài Hồ

  1. Tên khoa học: Radix Bupleuri
  2. Tên gọi khác: cây lức, sài hồ bắc, sài hồ nam.
  3. Tính vị, quy kinh: Cay, đắng, mát. Quy vào các kinh: can, đởm, tâm bào, tam tiêu.
  4. Bộ phận dùng: Rễ
  5. Đặc điểm sản phẩm: Bắc Sài hồ: Rễ hình trụ hoặc hình nón thon dài,  đầu rễ phình to, ở đỉnh còn lưu lại gốc thân, dạng sợi ngắn. Phần dưới phân nhánh. Mặt ngoài màu nâu đen hoặc nâu nhạt, có vết nhăn dọc, vết sẹo của rễ con và lỗ vỏ. Chất cứng và dai, khó bẻ gẫy. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng.
    Hoa nam Sài hồ: Rễ tương đối nhỏ, hình nón, đầu rễ có gốc thân còn sót lại. Đầu rễ to hơn, đoạn cuối rễ dài, thon hơn. Phần dưới thường ít hoặc không phân nhánh. Mặt ngoài màu nâu đỏ hoặc nâu đen, đôi khi có nếp nhăn sâu. Nơi sát đầu rễ thường có vân lưới tròn, ngang, nhô lên, nằm sít nhau. Chất hơi mềm, dễ bẻ gẫy. Mùi ôi khét.
  6. Phân bố vùng miền: Thế giới: phân bố chủ yếu ở vùng ven biển nhiệt đới châu Á, phía Nam Trung Quốc, đảo Hải Nam
  7. Thời gian thu hoạch: mùa xuân hay mùa thu

I. THÔNG TIN CHI TIẾT

1. Mô tả thực vật

Cây sài hồ / cây lức là cây thảo, sống lâu năm, cao 45-70cm, rễ nhỏ, hình trụ, phân nhánh hoặc không phân nhánh. Thân mọc thẳng, phân cành thành hình chữ “chi”. Lá mọc so le, hình mác, mép nguyên dài 3-6cm, rộng 6-13cm, đầu lá nhọn, thân lá hẹp dài, có 7-9 đường gân song song. Lá phía dưới có cuống ngắn, phía trên không có cuống. Hoa tự hình tán kép, mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành. Trục hoa tự chung, nhỏ và dài, có 4-10 hoa tự phụ không dài bằng nhau. Hoa nhỏ màu vàng. Quả hình bầu dục, dài độ 5mm, nhưng góc quả rất rõ, 3 ống tinh dầu nằm ở mặt tiếp giáp.

Dược liệu Sài Hồ
Dược liệu Sài Hồ

2. Phân bố

  • Thế giới: phân bố chủ yếu ở vùng ven biển nhiệt đới châu Á, phía Nam Trung Quốc, đảo Hải Nam

3. Bộ phận dùng

Rễ đã phơi hay sấy khô của cây Bắc sài hồ (Bupleurum chinensis DC.) hoặc cây Hoa nam Sài hồ (Bupleurum scorzonerifolium Willd.), họ Hoa tán (Apiaceae).

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

  • Thu hái: Thu hoạch vào mùa xuân hay mùa thu đào lấy rễ, cắt bỏ thân, lá trên mặt đất, rũ sạch đất cát, phơi hoặc sấy khô.
  • Chế biến: Sài hồ phiến: Loại bỏ tạp chất và phần sót lại của thân, lá, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi hoặc sấy khô.

Thố Sài hồ (Sài hồ sao dấm): Lấy Sài hồ thái lát, cho dấm vào trộn đều ủ cho đến khi dấm thấm hết vào lõi, cho vào chảo, sao nhỏ lửa, đảo đều đến khô. Dùng 12 lít dấm cho 100 kg Sài hồ.

  • Bảo quản: Nơi thoáng mát, tránh mốc mọt.

5. Mô tả dược liệu Sài Hồ

Bắc Sài hồ: Rễ hình trụ hoặc hình nón thon dài, dài 6-15 cm, đường kính 0,3-0,8 cm, đầu rễ phình to, ở đỉnh còn lưu lại gốc thân, dạng sợi ngắn. Phần dưới phân nhánh. Mặt ngoài màu nâu đen hoặc nâu nhạt, có vết nhăn dọc, vết sẹo của rễ con và lỗ vỏ. Chất cứng và dai, khó bẻ gẫy, mặt gẫy có những lớp sợi, vỏ màu nâu nhạt, phần gỗ màu trắng vàng. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng.

Dược liệu Sài Hồ
Dược liệu Sài Hồ

Hoa nam Sài hồ: Rễ tương đối nhỏ, hình nón, đầu rễ có gốc thân còn sót lại. Đầu rễ to hơn, đường kính có thể tới 1,5 cm, đoạn cuối rễ dài, thon hơn. Phần dưới thường ít hoặc không phân nhánh. Mặt ngoài màu nâu đỏ hoặc nâu đen, đôi khi có nếp nhăn sâu. Nơi sát đầu rễ thường có vân lưới tròn, ngang, nhô lên, nằm sít nhau. Chất hơi mềm, dễ bẻ gẫy. Mặt gẫy không có sợi, hơi phẳng. Mùi ôi khét.

6. Thành phần hóa học

  • Pentanoic acid 0,15%, Hexanoic acid, 2-Heptenoic acid, Octanoic acid, Nonanoic acid, 2 -Nonenoic acid, Phenol, Omethoxyphenol, g-Heptalactone, g-Decalactone, g-Octalactone, Eugenol, g-Undelactone, Cresol, Ethylphenol, Messoia Lactone, Vanillin acetate (Bốc Kim Long, Y Học Học Báo 1983, 41 (6) : 559).
  • Carvacrone, Myrtenol, Limonenne, Myrcene, Geraniol,  Pulgenone, n-Tridecane, (E)-Geranyl acetone, a-Cubebene, d-Cadinene, Humulene, Caryophylene, Longifolene, Nootkatone, Hexadecanoic acid, Hexahydrofarnesyl acetone (Quách Tễ Hiền, Thượng Hải Y Khoa Đại Học Học Báo 1990, 17 (4) : 278).
  • Saikosaponin, 3-0-a-L-Arabinopyranosyl (1-3) -b-D-Glucuronopyranosyl Oleanolic acid-28-(-D-Glucopyranosyl ester (Gỉa Kỳ, Dược Học Học Báo, 1989, 24 (12) : 961).
  • Bupeurumol, Adonitol, Spinasterol, Oleic acid, Linoleic acid, Palmatic acid, Stearic acid, Lignoceric acid, Saikosaponin, Daikogenin, Longgispinogenin (Trung Dược Học).

7. Phân biệt thật giả

8. Công dụng – Tác dụng

  • Tác dụng: Hoà giải biểu lý, sơ can, thăng dương.
  • Công dụng: Chủ trị: Hàn nhiệt vãng lai, ngực sườn đau trướng, miệng đắng, không muốn ăn, buồn nôn (như sốt rét); đau đầu, chóng mặt, dễ cáu gắt, rối loạn kinh nguyệt, sa dạ con, sa trực tràng.

9. Cách dùng và liều dùng

  • Ngày 3 – 9 g, phối hợp trong các bài thuốc.

10. Lưu ý, kiêng kị

  • Không dùng cho người can dương thượng thăng, âm hư hoả vượng.

Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Sài Hồ / Cây Lức

Trị mới bị thương hàn, sốt, đầu đau, chân đau:

  • Sài hồ (bỏ rễ) 20g, Hoàng cầm (bỏ lõi đen), Kinh giới huệ đều 0,4g. Thái nhỏ. Mỗi lần dùng 20g, 1,5 chén nước, Gừng 3 lát, Táo 1 trái. Sắc còn 8 phân, bỏ bã. Thêm nước cốt Sinh địa 1 hộc, Mật ong ½ thìa, đun sôi 3-5 lượt, uống nóng (Giải Độc Thang – Thánh Tế Tổng Lục).

Trị cốt chưng, cơ thể nóng như lửa, ngày càng gầy ốm, phát ra chứng mồ hôi trộm, ho, phiền khát:

  • Sài hồ 120g, Thần sa 90g, tán bột, hòa với mật heo. Cho vào nồi cơm, chưng cho chín. Dùng hồ trộn thuốc bột làm viên, to bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 3 viên với nước sắc Đào nhân, Ô mai (Thánh Tế Tổng Lục).

Trị cảm phong hàn, sốt, sợ lạnh, cơ thể đau nhức, sốt rét:

  • Sài hồ 12g, Phòng phong 4g, Trần bì 2g, Thược dược 8g, Cam thảo 4g, Sinh khương 3-5 lát. Sắc với 1,5 chén, còn 7 phân, uống nóng (Chính Sài Hồ Ẩm – Cảnh Nhạc Toàn Thư).

Trị mắt đỏ nhiều:

  • Sài hồ, Sinh địa, Hoàng bá, Hoàng liên, Cam thảo, Cam cúc hoa, Huyền sâm, Liên kiều, Khương hoạt, Kinh giới huệ, liều lượng phân phối quân thần tá sứ, cân chừng 90-120g, nấu nước 3 lần, lấy chừng 2 chén rưỡi, chia làm 3 lần uống nóng, rất hay (Bản Sự phương).

Trị thương hàn rồi tà nhập vào kinh lạc làm cho da thịt nóng, gầy ốm:

  • Sài hồ, Cam thảo, sắc lấy nước uống (Bản Sự phương).

Trị hư lao nóng nhiều:

  • Sài hồ, Nhân sâm 2 thứ bằng nhau, tán bột. Dùng Sinh khương, Đại táo, sắc lấy nước uống thuốc (Đạm Liêu phương).

Trị hoàng đản thể thấp nhiệt:

  • Sài hồ 30g, Cam thảo 6g, Bạch mao căn 15g. Sắc uống (Tôn Thượng Dược Bí Bảo phương).

Trị mắt nhìn không rõ, nhất là về chiều càng nặng hơn [quáng gà]:

  • Sài hồ, Thảo quyết minh, giã nát, hòa với sữa người, đắp trên mi mắt, dần dần sẽ sáng ra (Thiên Kim phương).

Trị tích nhiệt hạ lỵ:

  • Sài hồ, Hoàng cầm, 2 thứ bằng nhau. Thêm nửa rươu, nửa nước, sắc kỹ, để nguội, uống lúc đói (Tế Cấp phương).

Trị sốt rét:

  • Sài hồ 12g, Bán hạ 8g, Hoàng cầm 8g, Đảng sâm 8g, Chích thảo 4g, Thảo quả 12g, Thường sơn 12g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị cảm mạo:

Trị mỡ cao:

  • Dùng thuốc giảm mỡ (tương đương Sài hồ 3g, thêm La hán quả gia vị). Ngày uống 3 lần. Một liệu trình là 3 tuần. trị 86 ca, tác dụng tốt đối với Triglycerit (Lý Tông Kỳ, Trung Y tạp Chí 1988, 2 : 62).

Trị gan viêm:

  • Dùng Cam Sài Hợp Tễ (Cam thảo, Sài hồ), mỗi lần 10ml, ngày 3 lần [tương đương với Cam thảo, Sài hồ mỗi thứ 15g/ngày] (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Trị giác mạc viêm do virus:

  • Dùng Sài hồ chế thành thuốc nhỏ mắt (10%), mỗi giờ 1 lần và chích dưới kết mạc mỗi lần 0,3-0,5ml. Chích cách nhật, chích bắp mỗi lần 2ml, ngày 2 lần. Ngô Đức Cửu dùng 3 phương pháp trên trị 18 ca, thời gian điều trị bình quân mỗi ca 16 ngày đều khỏi (Trung Dược học thông Báo 1978, 12 : 29).

Trị lpus ban đỏ:

  • Thuốc chích Sài hồ, chích bắp mỗi lần 2ml (twưong đương 4g thuốc sống), ngày 2 lần. Liệu trình 10 ngày. Trị 13 cac đều khỏi (Lưu Bằng Phi, Thông Tin Phòng Bệnh Ngoài Da 1979, 2 : 10).

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU

1. Vi phẫu

Lớp bần gồm nhiều lớp tế bào xếp đồng tâm và xuyên tâm, có nhiều chỗ rách. Mô mềm vỏ gồm những tế bào hình nhiều cạnh dẹp, rải rác bên trong là những ống tiết (đôi khi còn sót lại chất tiết màu vàng nâu). Libe họp thành từng tia do bị ngăn cách bởi các tia gỗ to. Gỗ cấu tạo bởi nhiều vòng tròn đồng tâm gồm gỗ cấp II phát triển và gỗ cấp I còn tồn tại. Vòng gỗ trong cùng bao quanh phần tuỷ. Phần tuỷ là mô mềm cấu tạo bởi những tế bào hình nhiều cạnh, rải rác bên trong là các ống tiết xếp khá đều đặn trên một vòng tròn.

2. Bột

Bột có màu vàng nâu, mùi thơm đặc trưng, vị nhạt hơi đắng. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần gồm những tế bào hình nhiều cạnh, có thành dày. Mảnh mô mềm có chứa chất tiết. Tế bào mô cứng có thành dày, có lỗ trao đổi rõ. Nhiều hạt tinh bột thường xếp thành đám. Khối chất màu đỏ.

3. Định tính

A. Lắc mạnh 0,5 g bột dược liệu với 10 ml nước, cho bọt bền.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel G

Dung môi khai triển: Ethyl acetat – ethanol – nước (8 : 2 : 1)

Dung dịch thử: Lấy khoảng 0,5 g bột dược liệu thô, thêm 20 ml methanol (TT), đun hồi lưu ở 80 oC trong khoảng 1 giờ, để nguội, lọc. Bốc hơi dịch lọc còn khoảng 5 ml, được dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Lấy khoảng 0,5 g bột Sài hồ (mẫu chuẩn), chiết như mẫu thử

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 μl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm. Sau đó phun dung dịch p-dimethyl amino benzaldehyd 5% trong acid sulfuric 40% (TT). Sấy bản mỏng ở 60°C cho tới khi xuất hiện vết. Quan sát bản mỏng dưới ánh sáng tự nhiên. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

4. Các chỉ tiêu đánh giá khác

Độ ẩm

  • Không quá 12% (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 °C, 5 giờ)

Tạp chất (Phụ lục 12.11)

  • Thân, lá còn sót lại: Không quá 10%

Tạp chất khác: Không quá 1%

Tro toàn phần (Phụ lục 9.8)

  • Không quá 8%

Chất chiết được trong dược liệu

  • Không dưới 11,0%, tính theo dược liệu khô kiệt (Phụ lục 12.10).
  • Tiến hành theo phương pháp chiết nóng. Dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img