Thiên Môn Đông

Dược liệu: Thiên Môn Đông

  1. Tên khoa học: Radix Asparagi cochinchinensis
  2. Tên gọi khác: thiên môn, tóc tiên leo, dây tóc tiên, mè nằm, măn săm, co sin sương, sùa sú tùng.
  3. Tính vị, quy kinh: Ngọt, đắng, lạnh. Vào các kinh phế, thận.
  4. Bộ phận dùng: rễ
  5. Đặc điểm sản phẩm: Dược liệu hình thoi, hơi cong. Mặt ngoài màu vàng nhạt đến vàng nâu, trong, mờ, sáng bóng hoặc có vân dọc sâu hoặc nông không đều, có khi còn sót lại vỏ ngoài màu nâu xám. Chất cứng, dai, có chất nhày dính. Mùi nhẹ, vị hơi đắng.
  6. Phân bố vùng miền:
    – Thế giới: vùng Đông Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Lào
    – Việt Nam: Phú Quốc, Côn Đảo, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng
  7. Thời gian thu hoạch: thu đông từ tháng 10 – 12

I. THÔNG TIN CHI TIẾT

1. Mô tả thực vật

Thiên môn đông – Tóc tiên là Cây bụi leo, sống lâu năm, dài 1 – 1,5m, có khi hơn. Rễ củ mềm, hình thoi, có cuống dài, mọc thành chùm. Cành rất nhiều, hình trụ, mọc xoắn suýt vào nhau thành bụi dày, nhẵn và có gai cong, những cành nhỏ biến đổi thành lá gọi là diệp chi hình lưỡi liềm, có mặt cắt 3 góc, dài 2-3cm, đầu nhọn. Lá tiêu giảm thành những vảy nhỏ. Cụm hoa mọc ở kẽ các diệp chi gồm 1 – 2 hoa màu trắng, hoa đực có bao hoa gồm 6 mảnh, 6 nhị và nhụy lép; hoa cái có bao hoa như hoa đực, nhị ngắn hơn, bao phấn tiêu giảm, bầu thuôn có vài ngăn. Quả mọng, hình cầu, đường kính 5 – 6 mm, màu lục nhạt sau chuyển vàng ngà rồi màu trắng, hạt màu đen. Mùa hoa tháng 3 – 5, mùa quả tháng 6 – 9.

thiên môn đông
Thiên Môn Đông – Cây Tóc Tiên

2. Phân bố

 Thế giới: vùng Đông Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Lào
Việt Nam: Phú Quốc, Côn Đảo, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng

3. Bộ phận dùng

Rễ đã đồ chín, rút lõi, phơi hay sấy khô của cây Thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.), họ Thiên môn đông (Asparagaceae).

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

Thu hái: Thu hoạch rễ (củ) ở cây đã mọc trên 2 năm vào mùa thu, đông ( thường là tháng 10 – 12), đào lấy rễ củ, rửa sạch, bỏ gốc thân và rễ con , luộc hoặc đồ đến khi mềm, trong lúc nóng loại bỏ vỏ ngoài, rút lõi, phơi hay sấy khô.

Chế biến: Loại bỏ tạp chất, nhanh chóng rửa sạch, phơi khô.

Bảo quản: Để nơi khô, tránh mốc, mọt

5. Mô tả dược liệu Thiên Môn Đông

Dược liệu hình thoi, hơi cong, dài 5 – 18 cm, đường kính 0,5 – 2 cm. Mặt ngoài màu vàng nhạt đến vàng nâu (màu hổ phách), trong, mờ, sáng bóng hoặc có vân dọc sâu hoặc nông không đều, có khi còn sót lại vỏ ngoài màu nâu xám. Chất cứng, dai, có chất nhày dính, mặt cắt dạng chất sừng, trụ giữa màu trắng ngà. Mùi nhẹ, vị hơi đắng.

6. Thành phần hóa học

Yamogenin, Diosgenin, Sarsasapogenin, Smilagenin, Xylose, Glucose, Rhamnose (Hắc Liễu Chính Điển, Nhật Bản Dược Học Hợp Quyển 107, Trung Y Trung Dược Thủ Sách 1988, 10 (1): 56).

Sucrose, Ologosaccharide (Tomoda Masashi và cộng sự, Chem Pharm Bull 1974, 22 (10): 2306).

5-Methoxymethyl fùrural, beta-Sitosterol 5

Citrulline, Asparagine, Serine, Threonine, Proline, Glycine, Alanine, Valine, Methionine, Leucine, Isoleucine, Phenylalanine, Tyrosine, Aspartic acid, Glutamic acid, Histidine, Lysine 6,7

Asparagi Cochinchinensisne, b-Sitosterol, Smilagenin, 5-Methoxymethylfùrural, Rhamnose (Trung Dược Học).

Trong Thiên môn có acid Amin, chủ yếu là Asparagin, thủy phân trong nước sôi cho Aspactic acid và Amoniac. Ngoài ra, còn có chất nhầy, tinh bột, Sacarosa (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

7. Phân biệt thật giả

8. Công dụng – Tác dụng

Tác dụng: Dưỡng âm, nhuận táo, thanh phế, sinh tân.

Công dụng: Chủ trị: Phế ráo ho khan, đờm dính, họng khô, miệng khát, ruột ráo táo bón.

9. Cách dùng và liều dùng

Ngày dùng 6 – 12 g, dạng thuốc sắc, thuốc cao hay thuốc bột. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

10. Lưu ý, kiêng kị 

Tỳ vị hư hàn, ỉa chảy không nên dùng.

11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Thiên Môn Đông

Tư âm, dưỡng huyết, ôn bổ hạ nguyên: Thiên môn bỏ lõi, Sinh địa đều 80g. cho vào bình bằng gỗ cây Liễu, cho rượu vào rửa. Chưng chín rồi phơi 9 lần, đến lúc thật khô. Thêm Nhân sâm 40g, tán bột. Lấy 9 quả Táo tầu, bỏ hột, gĩa nát, trộn thuốc bột làm viên, to bằng hạt Ngô đồng. Mỗi lần uống 30 viên, với rượu nóng, trước bữa ăn, ngày 3 lần (Tam Tài Hoàn – Hoạt Pháp Cơ Yếu).

Trị cơ thể đau nhức do hư lao: Thiên môn, tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa với rượu (Thiên Kim phương).

Làm cho nhan sắc xinh tươi: Thiên môn, Thục địa, Hồ ma nhân, tán nhuyễn, trộn với mật ong, làm thành viên, to bằng hạt Long nhãn. Mỗi lần uống 20 viên với nước nóng (Trửu Hậu phương).

Trị phế nuy, ho, khạc nhiều đờm, trong tim nóng, miệng khô, khát nhiều: Thiên môn để sống, gĩa vắt lấy nước cốt chừng 7 chén, rượu 7 chén, Mạch nha 1 chén, Tử uyển 160g. cho vào bình bằng đồng hoặc nồi bằng sành, nấu đặc thành cao hoặc làm thành viên. Mỗi lần uống to bằng qủa Táo, ngày 3 lần (Trửu Hậu phườn).

Trị tiêu khát: Thiên môn, Mạch môn, Ngũ vị tử, nấu đặc thành cao, thêm ít Mật ong để dùng dần (Giản Tiện phương).

Trị âm hư hỏa vượng, có đờm mà không dùng được thuốc táo: Thiên môn 1 cân, rử nước, bỏ lõi, lấy nguyên nhục khoảng 480g. cho vào cối đá gĩa  nát. Lấy Ngũ vị tử, rửa sơ qua, bỏ hột, chỉ lấy thịt 160g. phơi khô (đừng cho vào lửa). Cả hai thức cùng nghiền nát, trộn với hồ làm thành viên, to bằng hạt Ngô đồng. Mỗi lần uống 20 viên với nước trà nóng, ngày 3 lần (Giản Tiện phương).

Trị phế nuy, hư lao, phong nhiệt, trị chứng nóng, khát: Thiên môn, bỏ vỏ, bỏ lõi, nấu chín, ăn. hoặc phơi khô, tán bột, luyện với mật làm thành viên, to bằng hạt. Mỗi lần uống 20 viên với nước trà. Cũng có thể nấu lấy nước để rửa mặt (Thực Liệu Bản Thảo).

Trị phong, điên, mỗi khi lên cơn thì nôn mửa, tai ù như ve kêu, đau lan xuống cạnh sườn: Thiên môn, bỏ lõi, phơi khô, gĩa nát. Mỗi lần dùng 1 thìa với rượu, ngày 3 lần (Ngoại Đài Bí Yếu).

Trị phụ nữ bị cốt chưng, trong xương nóng, buồn phiền, bứt rứt, mồ hôi trộm, miệng khô, khát mà không uống được nhiều, suyễn; Thiên môn, Thanh hao, Miết giáp, Mạch môn, Sài hồ, Ngưu tất, Bạch thược, Địa cốt bì, Ngũ vị tử. Lượng bằng nhau, sắc uống (Hoạt Pháp Cơ Yếu).

Trị miệng lở lâu ngày không khỏi: Thiên môn (bỏ lõi), Mạch môn (bỏ lõi), Huyền sâm. Lượng bằng nhau, tán bột, trộn mật làm thành viên, to bằng hạt Long nhãn. Mỗi lần ngậm 1 viên [Bài này do nhà sư Liêu Sở truyền cho] (Ngoại Khoa Tinh Nghĩa).

Trị thiên trụy [sán khí]: Thiên môn 12g, Ô mai 20g, nấu cho kỹ, uống (Hoạt Nhân Tâm Kính phương).

Trị da mặt nám đen: Thiên môn, phơi khô, gĩa nát, trộn với mật ong làm thành viên. Hằng ngày, dùng thuốc viên pha với nước để rửa mặt. Dùng thuốc xát vào da cũng sẽ làm cho da dần dần tươi sáng, xinh tươi (Thánh Tế Tổng Lục).

Trị lao phổi, viêm phế quản ở người cao tuổi, khó khạc đờm, ho lâu ngày, phế hư nhiệt: thường phối hợp với Sinh địa, Xuyên bối mẫu, dùng bài:

Thiên môn đông hoàn ( Chứng trị chuẩn thằng): Thiên môn đông 60g, Bách hợp, Tiền hồ, Xuyên bối, Bán hạ, Cát cánh, Tang bạch bì, Phòng kỷ, Tử uyển, Xích linh, Sinh địa, Hạnh nhân mỗi thứ 30g, tán bột luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 8 – 10g, ngày uống 2 – 3 lần với nước gừng.

 

Trị chứng suy nhược cơ thể sau khi mắc bệnh nhiễm, sốt lâu ngày, dùng: Cao Tam tài: Nhân sâm 4 – 8g, Thiên môn đông 10 – 20g, Thục địa 10 – 20g, sắc uống.

Trị táo bón do âm huyết hư sinh táo bón, thường gặp ở người cao tuổi, cơ thể suy nhược hoặc sau khi mắc bệnh nhiễm sốt lâu ngày tân dịch bị tổn thương, dùng bài: Thiên đông, Sinh địa, mỗi thứ 16g, Đương qui, Huyền sâm, Ma nhân mỗi thứ 12g, sắc uống.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU

1. Vi phẫu

Đôi khi còn vết của lớp ngoài cùng của rễ. Vỏ dày, các tế bào đá ở phía ngoài màu nâu vàng nhạt, hình chữ nhật thuôn, hình bầu dục dài, đường kính 32 – 110 μm, thành dày, có những lỗ nhỏ sít nhau và ống trao đổi rõ, một số sắp xếp theo hình vòng không liên tục, rải rác có tế bào chứa chất nhày trong có chứa tinh thể calci oxalat hình kim, nội bì rõ rệt. Sợi libe và sợi gỗ có khoảng 31 – 135 sợi, sắp xếp xen kẽ với một số mạch rộng dần về phía tuỷ. Tế bào tuỷ cũng chứa tinh thể calci oxalat hình kim.

2. Bột

Màu trắng vàng, tinh thể calci oxalat hình kim xếp thành bó hay rải rác, dài 40 – 99 μm. Tế bào đá hình chữ nhật dài, bầu dục dài hoặc tròn, có loại dài 460 μm, đường kính 32 – 110 μm, thành hơi dày hay dày nhiều, với các lỗ nhỏ sát nhau và các ống lỗ. Tế bào mô mềm gỗ hình chữ nhật, một số có phần cuối vát nhọn, thành tế bào hơi dày. Mạch gỗ có lỗ viền, đường kính 18 – 110 μm.

3. Các chỉ tiêu đánh giá khác

Độ ẩm

Không quá 16% (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 C, 5 giờ)

Tạp chất

Rễ non teo: Không quá 2% (Phụ lục 12.11).

Tro toàn phần

Không quá 5% (Phụ lục 9.8)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img