Cát Cánh

Dược liệu Cát cánh

  1. Tên khoa học: Platycodon grandiflorum.
  2. Tên gọi khác: Bạch dược, kết cánh, cánh thảo.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng, cay, tính hơi ôn. Quy vào kinh phế.
  4. Bộ phận dùng: Rễ.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Rhình trụ thuôn dần về phía dưới, đôi khi phân nhánh. Mặt ngoài màu vàng nhạt hay màu nâu nhạt, có nhiều rãnh nhăn theo chiều dọc, ngang.
  6. Phân bố vùng miền: Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam: Lào Cai, Nam Định, Hà Nam.
  7. Thời gian thu hoạch: Hái vào mùa thu- đông, xuân, ở những cây sống 4-5 năm.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật:

  • Cây thảo, sống lâu năm, cao 50 – 80 cm .
  • Rễ củ đôi khi phân nhánh, vỏ ngoài màu vàng nhạt . Thân đứng, nhẵn, màu lục xám, chứa nhựa mủ.
  • Lá gần như không cuống ,hình trứng, dài 3-6 cm, rộng 1 – 2.5 cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép khía răng, lá phía dưới mọc đối hoặc mọc vòng 3-4 cái, lá phía trên nhỏ, có khi mọc so le.
  • Hoa hình chuông màu lam tím hoặc trắng, mọc riêng lẻ hoặc thành bông thưa ở kẽ lá gần ngọn, đài có 5 thùy màu lục, tràng hình chuông rộng dài 1 cm gồm 5 cánh hợp, nhị 5, bầu 5 ô .
  • Quả nang, hình trứng bao bọc bởi đài tồn tại, chứa nhiều hạt nhỏ, hình bầu dục, màu đen nâu.

cát cánh

2. Phân bố:

  •  Thế giới: Cây phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm Đông – Bắc Á, gồm Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Triệu Tiên . Cát cánh đã được trồng từ lâu đời ở Trung Quốc . Cây được nhập sang cả Ấn Độ.
  • Việt Nam: Du nhập vào Việt Nam khoảng gần 40 năm, trồng nhiều ở Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Tam Đảo, đồng bằng Thái Bình …

3. Bộ phận dùng:

  • Rễ.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hoạch: Rễ đào vào mùa đông hoặc đông xuân, lúc cây tàn lụi .
  • Chế biến: Ở những cây đã trồng được 2 năm (vùng cao) hoặc một năm (vùng đồng bằng) .Đào lấy rễ, cắt bỏ đầu rễ và rễ con, rửa sạch, để ráo nước hoặc ủ khoảng 12 giờ, thái lát mỏng phơi hay sấy khô. Hoặc loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi hay sấy khô. Dược liệu này là phiến mỏng, hình tròn hoặc không đều, thường có vỏ còn sót lại. Mặt cắt có phần ngoài màu trắng nhạt, tương đối hẹp, hình thành tầng vân vòng màu nâu nhạt. Phần gỗ rộng có nhiều khe nứt. Chất giòn, dễ bẻ gãy, mùi thơm nhẹ, vị ngọt, sau đắng. Khi dùng chích gừng.
  • Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc mọt.

5. Mô tả dược liệu Cát Cánh

  • Rễ hình trụ thuôn dần về phía dưới, đôi khi phân nhánh, phần trên còn sót lại gốc thân, có nhiều sẹo nhỏ là vết tích của rễ con, dài 5- 15 cm, đường kính 0.7- 2 cm. Mặt ngoài màu vàng nhạt hay màu nâu nhạt, có nhiều rãnh nhăn theo chiều dọc và những nếp nhăn ngang.
  • Thể chất giòn, mặt bẻ không có xơ. Mặt cắt ngang màu trắng ngà, vùng tầng phát sinh libe- gỗ thành vòng rõ, màu vàng nâu nhạt, có vân như hoa cúc
  • Không  mùi, vị ngọt, hơi đắng.

6. Thành phần hóa học chính:

  •  Thành phần chủ yếu của rễ cát cánh là  saponin : các platycodin A, C, D, D2 ,các polygalacin D, D2 . Các sapogenin là platycodigenin và acid polygalacic. Ngoài ra cát cánh còn chứa phytosterol và một lượng đáng kể các chất thuộc nhóm tannin.

7. Tác dụng – công dụng:

  •  Tác dụng: Ôn hóa hàn đàm, trừ mủ, lợi hầu họng.
  • Công dụng: Chữa ho có đờm hôi tanh, viêm đau họng, khan tiếng, hen suyễn, tức ngực, khó thở, ngọt ở phổi, kiết lỵ . Theo tài liệu cổ, cây còn chữa ngực tức đau và ho ra máu. Điều trị bệnh ngoài da. Phối hợp với thuốc khác điều trị viêm ruột thừa. Trị đầy bụng. Cát cánh là vị thuốc quan trọng dùng làm thuốc long đờm, thuốc bổ, thuốc làm săn, thuốc gây trung tiện, chữa đầy bụng .

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày dùng 3 – 12 g thuốc sắc hoặc theo tài liệu Trung Quốc ngày dùng 10 – 20 g dạng thuốc sắc

9. Lưu ý, kiêng kị:

  • Phụ nữ có thai cần cẩn trọng khi dùng

Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Cát Cánh

 Chữa ho, tiêu đờm:

  • Cát cánh 4g, cam thảo 8g, nước sắc 600 ml . Sắc còn 200 ml, chia 3 lần uống trong ngày
  • Cát cánh, bạc hà, mộc thông, cây bươm bướm, chiêu lieu, mỗi vị 6g . Sắc uống (bách gia trân tang)
  • Cát cánh, trần bì, bán hạ chế, mạch môn cao, ngưu tất, ngũ vị tử, tiền hồ, ma hoàng, mỗi vị 6g . Sắc uống (dùng trong ho suyễn, đờm nhiều kéo lên nghẹt cổ)
  • Cát cánh, kinh giới, bách bộ, mỗi vị 200g, cam thảo 60g, trần bì 100g . Các vị tán nhỏ, trộn đều, ngày uống 3 -9 g bột này, chia làm 3 lần, uống vào sau 2 bữa ăn và trước khi đi ngủ, mỗi lần 1 – 3 g . Có thể chế thành cao lỏng

Chữa cam răng, miệng hôi:

  • Cát cánh, hồi hương, thành phần bằng nhau, tán nhỏ trộn đều, chấm vào nơi cam răng đã rửa sạch.

Chữa cảm ngoại trong lạnh ngoài nóng, sợ rét, không khát, chân tay lạnh, ỉa chảy ra phân sống:

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Đặc điểm bột dược liệu:

  • Mảnh bần gồm những tế bào dày, màu nâu nhạt. Mảnh mô mềm có các tinh thể calci oxalat hình kim. Tinh thể inulin hình tròn hay hình quạt trong mô mềm hay bên ngoài. Mảnh mạch vạch, mạch ngang.

2. Định tính:

  • A. Soi lát cắt dược liệu dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm, phần vỏ phát quang sáng trắng hơi vàng, phần lõi không được phát quang.
  • B. Lấy 1g bột dược liệu, thêm 10ml ethanol 70%(TT), đun cách thủy trong 5 phút, cô dịch lọc còn khoảng 5ml( dung dịch A). Nhỏ vài giọt dịch lọc A lên giấy lọc, nhỏ tiếp một giọt dung dịch natri hydroxyd 5%( TT), sấy nhẹ cho khô, che nửa vết dịch A bằng miếng kim loại mỏng và soi dưới ánh sáng tử ngoại có bước sóng 365 nm trong vài phút, lấy miếng kim loại ra, phần không bị che phát quang sáng hơn. Tiếp tục chiếu tia tử ngoại, phần bị che sẽ sáng dần lên như phần kia. Lấy 2 ml dịch A pha loãng với 10ml nước, lắc mạnh trong 15 giây, có bọt bền trong 30 phút.
  • C. Lấy 1g bột dược liệu, thêm 10ml nước, đun cách thủy trong 15 phút, lọc. Lấy 5 ml dịch lọc, thêm 2 ml acid hydroclorid và vài tinh thể resorcin(TT), đun chác thủy vài phút, xuất hiện màu đỏ sẫm.

3. Định lượng:

  •  Cân chính xác 4g dược liệu, cho vào dụng cụ Soxhlet, thêm 25 ml methanol (TT), ngâm qua đêm. Thêm 25 ml methanol( TT) nữa rồi chiết trong 6 giờ. Để yên trong 1 giờ.
  • Lọc, bốc hơi dịch lọc trên cách thủy còn 15- 20 ml. Để nguội, rồi cho dịch chiết vào 50 ml ether( TT), để nguội và lọc, gộp các dịch methanol, cô cách thủy còn 15- 20  ml, để nguội. Thêm 50 ml ether, xử lý và hòa tan cắn với methanol(TT) tương tự như trên, lọc, gộp tất cả các dịch methanol đã thu hồi được và cốc đã cân bì. Bốc hơi dịch này thu cắn, sấy khô ở 105*C tới khối lượng không đổi, cân.
  • Tính hàm lượng saponin trong dược liệu.
  • Hàm lượng saponin toàn phần không được ít hơn 5 %.

4. Tiêu chuẩn đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 9%.
  •  Tro toàn phần: Không quá 4%.
  • Tro không tan trong acid hydrocloric: Không quá 1%.
  • Tạp chất: Không quá 1%.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  •  Dược điển Việt Nam IV.
  •  Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam tập 1, 2.
  • Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam –Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_imgspot_img