Bách Bộ

Bách bộ dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục là rễ củ phơi hay sấy khô của cây Bách bộ, có tên thực vật là Stemona sessilifolia (Miq.) Franch et Sav. ; cây Mạn sinh Bách bộ S.japonica (Bl) Miq hoặc cây Đối diệp Bách bộ S.Tuberosa Lour đều thuộc họ Bách bộ (Stemonaceae).

Dược liệu Bách Bộ

  1. Tên khoa học: Stemona tuberosa.
  2. Tên gọi khác: Dây Ba Mươi, Đẹt Ác, Bẳn Sam, Síp (Thái), Chầu Chàng (H’mông), Sam Sip lạc (Tày).
  3. Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, đắng, tính hơi ấm. Quy vào kinh phế.
  4. Bộ phận dùng: Rễ củ.
  5. Đặc điểm dược liệu: Rễ củ cong queo, bổ đôi hay để nguyên. Mặt ngoài vàng nâu, có nhiều nếp nhăn. Vị đắng, hơi ngọt.
  6. Phân bố vùng miền: Trong nước: Việt Nam (Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang). Thế giới: Trung Quốc.
  7. Thời gian thu hoạch: Vào mùa đông.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật:

Đặc điểm thực vật: Cây leo, dài 6-8m. Thân nhỏ nhẵn. Lá thường mọc đố có cuống, hình trái tim.Trên mặt lá, ngoài gân chính có 6-8 gân phụ chạy dọc từ cuống lá đến đầu lá, có những gân ngang và rõ.

bach-bo
Dược liệu Bách Bộ

Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm 1-2 bông, lớn, màu vàng đỏ. Bao hoa gồm 4 phiến, hai phiến ngoài dài 4cm, rộng 5mm, 2 phiến trong rộng hơn.Nhị 4, có tua ngắn.

Quả nang có 4 hạt.Rễ củ gồm 10,20 đến 30 củ, có khi tới 100 củ dài 15-20cm, đường kính 1,5-2cm, màu trắng vàng, vị ngọt sau rất đắng.

2. Phân bố:

  •  Thế giới: Phân bố ở Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc…
  • Việt Nam: Phân bố chủ yếu ở hầu hết các tỉnh miền núi (trừ vùng cao trên 1000m), trung du và vùng ven biển, đồng bằng (Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Thanh Hóa).

3. Bộ phận dùng:

  • Rễ củ đã phơi hoặc sấy khô.
bách bộ
Dược liệu Bách Bộ

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

 Thu hái, chế biến:

  • Thu hái vào tháng 8-9.
  • Đào lấy rễ củ lúc trời khô ráo, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ ở hai đầu, đem đồ vừa chín hoặc nhúng nước sôi.
  • Loại nhỏ để nguyên, loại to bổ đôi rồi phơi nắng hoặc sấy ở 50 – 60oC.
  • Lấy Bách bộ khô, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi khô.

Bách bộ tẩm mật: Lấy lát Bách bộ khô, trộn đều với mật ong luyện và một ít nước sôi, ủ 30 phút cho ngấm đều, sao nhỏ lửa cho tới không dính tay, lấy ra để nguội. Cứ 100 kg Bách bộ thái lát dùng 12,5 kg mật ong.

Bảo quản: Để nơi khô, ráo, tránh ẩm, mốc.

5. Mô tả dược liệu Bách Bộ

  • Rễ củ hình trụ cong queo, dài 10 – 20 cm, đường kính 1 – 2 cm. Thường để nguyên cả rễ củ hoặc cắt đôi theo chiều ngang hay bổ đôi theo chiều dọc. Đầu trên đôi khi còn vết tích của cổ rễ, đầu dưới thuôn nhỏ. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang thấy mô mềm vỏ khá dày, màu vàng nâu; lõi giữa màu trắng ngà.
Dược liệu Bách Bộ
Dược liệu Bách Bộ

6. Thành phần hóa học:

  • Rễ bách bộ có chứa nhiều alcanoid: stemonin, tuberostemonin, neotuberostemonin, stemonitin, isostemotinin, stemotubenin, tuberostemoninol,…
  • Ngoài ra trong rễ bách bộ còn chứa 2,3% glucid, 2,25% protid, 0,84% lipid, nhiều acid hữu cơ (acid malic, acid oxalic, acid succinic, aicd acetic, acid formic) và 3 dẫn chất bibenzyl (3,5-hydroxy-4-methylbibenzyl, 3,5-dihydroxy-2’-methoxy-4-methylbibezyl và 3-hydroxy,2’,5-dimethoxy-2-methylbibenzyl).

7. Tác dụng – Công dụng:

  • Giảm tính hưng phấn của trung tâm hô hấp động vật, ức chế phản xạ ho, có tác dụng trị ho.
  • Chữa giun, diệt côn trùng: ruồi, muỗi, bọ chó, rận.

8. Cách dùng và liều dùng:

 Chữa ho:

  • Ngày dùng 4-12g, dưới dạng thuốc sắc, cao, viên hoặc bột.

 Chữa giun:

  • Ngày uống 7-10g, dưới dạng thuốc sắc, uống sáng sớm, lúc đói, trong 5 ngày liền sau đó tẩy.

Diệt côn trùng:

  • Nước sắc bách bộ, cho thêm ít đường, ruồi ăn phải chết tới 60%.
  • Dung dịch 1/20 giết chết bọ gậy 100%.
  • Rắc bách bộ vào hố phân, giòi chết 100%.
  • Đốt rễ bách bộ, hơ khói để diệt ruồi muỗi, bọ chó, rận.
  • Nước sắc rễ bách bộ dùng gội đầu, ngâm quần áo ó tác dụng diệt chấy rận.

9. Lưu ý, kiêng kị (nếu có):

  • Tỳ vị hư yếu không dùng.

Bài thuốc với dược liệu cây Bách Bộ

Bách Bộ Trị lao phổi:

  • dùng Bách bộ 20g, Hoàng cầm, Đơn bì, Đào nhân đều 10g, sắc đặc còn 60ml, ngày 1 thang, 1 liệu trình 3 tháng, biện chứng gia giảm. Đã trị 93 ca lao phổi có hang, kết quả tốt (Đặng trường Vinh, Tạp chí Phòng lao Trung quốc 1966,1:27).

Báo cáo của Đặng Trường Vinh: Viên Bách bộ trị 153 ca lao phổi, dùng gà con bỏ ruột và đầu chân, cứ theo tỷ lệ 1 cân gà 1 cân thuốc. Cho gà và nước vừa đủ nấu trong 4 gờ, đổ nước gà ra, cho thêm nước khác nấu trong 4 ,5 lần, mỗi lần 2 giờ, các lần sắc nước trộn đều cho thuốc vào khuấy đều ( cứ 1 cân thuốc cần 12 lạng nước gà hầm) làm thành viên nhỏ, mỗi lần uống 10g x 2 lần sáng tối, một liệu trình 20 – 30 ngày, nếu có kết quả tiếp tục uống thêm 2 – 3 tháng và sau đó uống 2 – 3 tháng nữa để cũng cố kết quả. Phần lớn bệnh nhân được tăng trọng, triệu chứng lâm sàng được cải thiện (Tạp chí Trung y 1959,3:39).

Bách Bộ Trị ho gà:

  • dùng Sirô Ho gà (1ml tương đương 1,5g thuốc sống), mỗi lần uống 15 ml, ngày 3 lần. Đã điều trị 95 ca, tỷ lệ kết quả 85,2%. Đối với số trẻ có tiếp xúc 103 cháu, mỗi tuần cho uống 2 ngày, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10ml, trong 2 tuần, tỷ lệ phòng bệnh 97% (Vương quang Tiền, báo Trung y dược Thượng hải 1959,4:39).

Trị các loại ho (bao gồm ho do viêm họng, viêm phế quản, ho lao, ho gà.)

 

  • Bách bộ 12g, Kinh giới 10g, Bạch tiền, Cát cánh đều 10g sắc nước uống, trị ho ngoại cảm.
  • Bách bộ 10 – 15g sắc uống trị ho gà.
  • Bách bộ, Sa sâm đều 2 cân, cho nước 10 cân sắc cô bỏ xác gia mật đường 2 cân, lửa nhỏ nấu thành cao, mỗi lần 1 thìa canh ngày 2 lần. Trị ho nhiệt và lao.
  • Bách bộ 20g, sắc 2 lần được 60ml, chia 3 lần uống trong ngày, có thể cho đường mật. Trị 110 ca có kết quả 87,2% (Trịnh Tường Quang báo Trung y Thiểm tây 1986,10:439).

 

Bách Bộ Trị chứng mũi đỏ:

  • Ngâm Bách bộ trong cồn 95% trong 5 – 7 ngày, chế thành 50% tinctura Bách bộ, bôi ngày 2 – 3 lần, 1 tháng là 1 liệu trình. Trị 13 ca, có kết quả 92% (Đinh Thụy Xuyên, Trung y tạp chí 1981,4:273).

Bách Bộ Trị giun kim:

 

  • Bách bộ, Binh lang, Sử quân tử lượng bằng nhau tán bột mịn, trộn vaselin bôi vào quanh hậu môn. Nếu chế thành viên đạn đặt hậu môn tốt hơn.
  • Bách bộ 30g, sắc cô còn 10 – 20ml, mỗi tối thụt lưu đại tràng trong 2 – 3 tối hoặc dùng Bách bộ 20g, Tử thảo 20g, Vaselin 100g, chế thành cao bôi quanh hậu môn mỗi tối.

 

Bách Bộ Trị chấy rận, ngứa do viêm da dị ứng, mề đay:

 

  • Bách bộ 100g, cồn 500ml, ngâm trong 24giờ, bôi vào chỗ ngứa có chấy rận (đầu, người, âm hộ).
  • Bách bộ cắt lát mỏng xát vào vùng ngứa mỗi ngày nhiều lần trị ngứa dị ứng, viêm da, mề đay, chàm lở, muỗi cắn.
  • Bách bộ 15g, Bằng sa, Hùng hoàng đều 6g, Khổ sâm 10g, sắc nước rửa trị mề đay.

 

Những công dụng khác:

 

  • Diệt ruồi: nước sắc Bách bộ cho thêm ít đường, ruồi ăn chết tới 60%.
  • Cho bột Bách bộ rắc vào hố phân, giòi chết 100%.
  • Dung dịch 1/20, giết chết 100% bọ gậy.
  • Diệt ruồi muỗi, bọ chó, rận, đốt Bách bộ xông khói.

 

Liều lượng thường dung và chú ý:

 

  • Liều: 5 – 10g, dùng ngoài lượng vừa đủ. Mật chích Bách bộ tác dụng tốt để nhuận phế chỉ khái, dùng trị ho lâu ngày, ho do phế táo, ho lao, trẻ em ho gà.
  • Bách bộ chưng tính hòa hoãn ít nê trệ có thể dùng cho tất cả các chứng ho.
  • Thuốc có tác dụng hoạt trường vị nên tỳ vị hư yếu, tiêu chảy không nên dùng.

Bài thuốc Bách Bộ chữa ho ở trẻ nhỏ do nhiễm phong hàn:

  • bách bộ và ma hoàng mỗi thứ 30g, hạt hạnh nhân sao vàng. Đem tất cả các vị thuốc nghiền thành bột rồi viên lại thành từng viên nhỏ mỗi lần uống 2-3 viên cùng nước ấm

Chữa ho gà:

  • Bách bộ, bạch tiền mỗi thứ 12g sắc cùng 4g cam thảo, bỏ thêm chút đường uống 3 lần/ngày. Lưu ý: uống liên tục trong vòng 3-4 ngày.

Ngâm rượu từ rễ cây bách bộ trị ho lâu ngày:

  • cứ 100g rễ bách bộ thì tương ứng với 1 lít rượu trắng. Rễ bách bộ thái mỏng, sao vàng sau đó bỏ vào bình đổ rượu trắng ngâm 1 tuần là dùng được

 

 II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Ðặc điểm bột dược liệu:

  • Mảnh bần màu vàng gồm tế bào hình nhiều cạnh, thành dày. Mảnh mô mềm tế bào hình tròn, hình chữ nhật, thành mỏng, rải rác có tế bào chứa hạt tinh bột hình trái xoan.
  • Hạt tinh bột có rốn và vân khá rõ, rốn lệch tâm, vân đồng tâm. Sợi dài có thành dày, khoang rộng. Mảnh mạch điểm. Rải rác có tinh thể calci oxalat hình cầu gai, hình khối.

2. Ðịnh tính:

  • A. Cân khoảng 2 g bột dược liệu, thấm ẩm bằng amoniac đậm đặc (TT), để yên 20 phút. Sau đó thêm 15 ml cloroform (TT), đun trong cách thủy 5 phút. Lọc, bốc hơi dịch lọc trên cách thủy đến khô. Hòa tan cắn trong 6 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 N (TT). Lọc, dùng dịch lọc làm các phản ứng sau:

Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 1 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa trắng.

Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 1 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa đỏ nâu.

Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 1 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa đỏ gạch.

Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 1 giọt dung dịch bão hoà acid picric (TT) sẽ xuất hiện tủa vàng.

  • B. Cân 1 g bột dược liệu, thêm 5 ml nước, đun sôi, lọc. Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 1 ml thuốc thử Fehling (TT), đun sôi sẽ xuất hiện tủa đỏ gạch.
  • C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4):

Bản mỏng: Silica gel G.

Dung môi khai triển:

Cloroform – methanol – amoniac (50 : 9 : 1).

Dung dịch thử:

Cân 2 g bột dược liệu đã sấy khô, thấm ẩm bằng amoniac đậm đặc (TT), để yên 20 phút, rồi chiết lần 1 với 15 ml methanol (TT)  trên cách thủy trong 10 phút. Sau đó chiết lần 2 với 10 ml methanol (TT). Gộp dịch chiết, để nguội, lọc. Bốc hơi dịch lọc tới khô. Hòa tan cắn bằng 2 ml methanol được dịch thử.

Dung dịch đối chiếu:

Hoà tan 1 g tuberostemonin LG trong 1 ml methanol (TT). Nếu không có tuberostemonin LG có thể dùng 2 g bột Bách bộ và tiến hành chiết như dung dịch thử.

Cách tiến hành:

Chấm riêng biệt lên bản mỏng khoảng 30 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai, lấy bản mỏng ra, để bay hết hơi dung môi ở nhiệt độ phòng. Phun thuốc thử Dragendorff (TT). Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có ít nhất 6 vết, trong đó phải có vết màu hồng có giá trị Rf khoảng 0,80 tương đương với vết tuberostemonin LG trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu. Nếu dùng bột Bách bộ để chuẩn bị dung dịch đối chiếu thì trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

3. Ðịnh lượng:

Cân chính xác khoảng 2 g bột dược liệu cho vào bình Soxhlet rồi chiết bằng methanol (TT) hoặc ethanol 96% (TT) cho đến khi hết alcaloid (Phụ lục 12.3, dùng 1 giọt thuốc thử Mayer).

Cất thu hồi dung môi.

Hoà tan cắn bằng 10 ml dung dịch acid hydrocloric 1% (TT).

Lọc lấy dịch acid.

Tráng cắn và giấy lọc với 2 ml dung dịch acid hydrocloric 1% (TT) và gộp chung với dịch lọc trên.

Kiềm hoá dịch lọc bằng amoniac đậm đặc (TT) tới pH 10, chiết với ether (TT) 5 lần, 2 lần đầu mỗi lần 15 ml và 3 lần sau mỗi lần 10 ml.

Sau đó chiết tiếp bằng cloroform (TT) 4 lần, mỗi lần 10 ml.

Gộp dịch chiết ether và cloroform lại.

Làm bay hơi trên cách thủy tới khô.

Hoà tan cắn với 10,0 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 N (TT), thêm 5 ml nước và 2 giọt dung dịch đỏ methyl (CT), chuẩn độ acid thừa bằng dung dịch natri hydroxyd 0,1 N (CĐ).

Hàm lượng alcaloid toàn phần (X) trong theo công thức:

n: Dung dịch natri hydroxyd 0,1N (CĐ) đã dùng tính bằng ml.

a: Khối lượng bột dược liệu đem định lượng đã trừ độ ẩm, tính bằng gam.

Dược liệu phải chứa ít nhất 0,50% alcaloid toàn phần tính theo tuberostemonin LG (C22H33NO4).

4. Tiêu chuẩn đánh giá khác:

  •  Độ ẩm:

Không quá 14%.

  •  Tro toàn phần:

Không quá 5%.

  • Tạp chất:

Không quá 1%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1), Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img