Dược liệu: Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo
- Tên khoa học: Odenlandia diffusa (Willd) Roxb.
- Tên gọi khác: Tên thường dùng: Cây có lá như lưỡi rắn nên có tên Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo,Giáp mãnh thảo, Xà thiệt thảo, Nhị Diệp Luật (Trung Dược Học).
Xà thiệt thảo, Ải cước bạch hoa xà lợi thảo (Quảng Tây Trung Dược Chí).
Mục mục sinh châu dược Tiết tiết kết nhụy thảo, Dương tu thảo (Quảng Đông Trung Dược).
Xà tổng quản, Hạc thiệt thảo Tế diệp liễu tử (Phúc Kiến Trung Thảo Dược).
Tán thảo, Bòi ngòi bò, Bòi ngòi bò (Việt Nam). - Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, tính mát. Quy kinh: Tâm, Can, Vị, Tiểu Trường, Đại Trường.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT: Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo
1. Mô tả thực vật:
- Loài cỏ nhỏ, mọc bò lan sống hàng năm.
- Thân màu nâu nhạt, tròn ở gốc, thân non có bốn cạnh, mang rất nhiều cành. Lá hình mác thuôn, dài khoảng 1,5 – 3,5 cm, rộng 1 – 2 mm, nhọn ở đầu, màu xám, dai, gần như không có cuống, lá kèm khía răng cưa ở đỉnh.
- Hoa mọc đơn độc, hoặc từng đôi ở nách lá. Hoa nhỏ có 4 lá đài hình giáo nhọn, ống đài hình cầu.
- Tràng gồm 4 cánh hoa, 4 nhị dính ở họng ống tràng.
- Quả bế, bầu hạ, còn đài, hình cầu hơi dẹt ở 2 dầu, bên trong có chứa nhiều hạt nhỏ, có góc cạnh.
2. Phân bố:
- Thế giới:
- Việt Nam: Cây có ở cả 3 miền nước ta, ở vườn hai bên lối đi đều hay gặp.
3. Bộ phận dùng: Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo
- Tất cả cây
4. Thu hái, chế biến và bảo quản: Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo
- Thu hái: Thu hái vào mùa hạ, lấy toàn cây.
- Chế biến: lấy toàn cây, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cắt đoạn, phơi hoặc sấy khô.
- Bảo quản: Nơi khô mát, tránh mốc mọt.
5. Mô tả dược liệu: Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo
Bạch xà thiệt thảo còn gọi là cỏ lưỡi rắn trắng, bòi ngòi bò, xà thiệt thảo, xà châm thảo, long thiệt thảo, nhị diệp lục. Cây có tên khoa học là Hedyotis diffusa Willd, thuộc họ cà phê.
Loại cây này có thân màu nâu nhạt, tròn ở gốc, thân non có bốn cạnh, mang rất nhiều cành. Lá hình mác thuôn, dài khoảng 1,5 – 3,5 cm, rộng 1 – 2 mm, nhọn ở đầu, màu xám, dai, gần như không có cuống.
Hoa bạch xà thiệt thảo mọc đơn độc hoặc từng đôi ở nách lá .Hoa nhỏ có bốn lá đài hình giáo nhọn, ống đài hình cầu.
Quả bạch xà thiệt thảo dạng bế, bầu hạ, còn đài hình cầu hơi dẹt, bên trong có chứa nhiều hạt nhỏ, có góc cạnh. Cây Bạch hoa xà thiệt thảo thu hái vào mùa hạ, lấy toàn cây rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.
6. Thành phần hóa học: Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo
- Trong Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo chủ yếu có: Hentriaconotane, Stigmastatrienol, Ursolic acid, Oleanolic acid, b-Sitosterol, p-Coumnic, b-Sitosterol-D-Glucoside (Trung Dược Học).
- Asperuloside, Asperulosidic acid, Geniposidic acid, Deacetylasperulosidic acid, Scandoside, Scandoside methylester, 5-O-p-Hydroxycinnamoyl scandoside methylester, 5-O-feruoyl scandoside methylester, 2-Methyl-3- Hydroxyanthraquinose, 2-Methyl-3- Methoxyanthraquinose, 2-Methyl-3- Hydroxy-4- Methoxyanthraquinose (Nishihama Y và cộng sự, Planta Med, 1981, 43 (1): 28).
- Ursolic acid, b-Sitosterol Yakagi S và cộng sự, Shoyakugaku Zasshi 1982, 36 (4): 366).
7. Công dụng – Tác dụng: Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo
- Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, lợi niệu thông lâm, tiêu ung tán kết.
- Công dụng: Chữa ho, hen xuyễn do phế thực nhiệt, lâm lậu do bàng quang thấp nhiệt, viêm amidan, viêm họng cấp, sang chấn, rắn độc cắn, mụn nhọt ung bướu, trường ung (viêm ruột thừa), dương hoàng (viêm gan cấp tính).
8. Cách dùng và liều dùng: Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo
- Ngày 15 – 60 g dạng khô, 60 – 320 g dạng tươi, phối ngũ trong các bài thuốc.
- Dùng ngoài dạng tươi lượng thích hợp giã nát đắp tại chỗ.
9. Lưu ý, kiêng kị:
- Không dùng cho phụ nữ có thai.
10. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu: Bạch Hoa Xà Thiệt Thảo
- Trị ung nhọt, u bướu: Bạch hoa xà thiệt thảo 120g, Bán biên liên (tươi) 60g sắc uống, ngoài đâm nát đắp lên nơi đau (Quảng Tây Trung Thảo Dược).
- Trị ung thư phổi: Bạch hoa xà thiệt thảo, Bạch mao căn mỗi thứ 160g (dùng tươi), sắc uống với nước đường (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Trị ruột dư viêm cấp tính: Bạch hoa xà thiệt thảo 80g, sắc uống, nhẹ ngày 1 thang, nặng ngày 2 thang (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Trị ho do viêm phổi: Bạch hoa xà thiệt thảo (tươi) 40g. Trần bì 8g, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Trị amidal viêm cấp: Bạch hoa xà thiệt thảo 12g, Xa tiền thảo 12g, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Trị đường tiểu viêm, tiểu buốt, tiểu gắt: Bạch hoa xà thiệt thảo, Dã cúc hoa, Kim ngân hoa, mỗi thứ 40g, Thạch vi 20g, sắc uống thay nước trà (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Trị chấn thương thời kỳ đầu: Bạch hoa xà thiệt thảo (tươi) 120g, nước, rượu mỗi thứ 1 nửa sắc uống (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
- Bảo vệ gan, lợi mật: Bạch hoa xà thiệt thảo – Hạ khô thảo – Cam thảo [theo tỉ lệ 2 – 2 – 1] (Tam Thảo Thang – Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
- Trị ruột dư viêm cấp đơn thuần và phúc mạc viêm nhẹ: Bạch hoa xà thiệt thảo 60g, sắc, chia 3 lần uống. Đã trị hơn 1000 ca kết qủa tốt (Dược Lý Và Ứng Dụng Trung Dược, NXB Vệ Sinh Nhân Dân, 1983).
- Trị rắn độc cắn: Bạch hoa xà thiệt thảo 20g, sắc với 200ml rượu uống trong ngày. Dùng 2/3 thuốc, chia làm 2-3 lần uống, còn 1/3 đắp vào vết cắn. Trị 19 cas đều khỏi (Quảng Đông Y Học Tạp Chí 1965, 4:14).
- Trị dịch hoàn ứ nước (biến chứng sau khi thắt ống dẫn tinh): Bạch hoa xà thiệt thảo 30g, sắc, chia làm 3 lần uống. Trị 38 cas, có kết qủa 34 cas (Vạn Hiếu Tài – Nông Thôn Y Học Tạp Chí 1987, 2:11).
- Trị gan viêm, vàng da: Bạch hoa xà thiệt thảo 31,25g, Hạ khô thảo 31,25g, Cam thảo 15,625g, chế thành xi rô. Trị 72 cas, có kết quả 100%. Ngày nằm viện bình quân 25,3 ngày (Tam Thảo Thang – Báo Cáo Của Khoa Nhiễm Bệnh Viện Trực Thuộc số 2 Học Viện Y Học Hồ Nam đăng trong Thông Tin Trung Dược Thảo 1987, 2:1).
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:
1. Vi phẫu:
- Thân: Mặt cắt ngang gần như vuông, các góc hơi tù. Biểu bì gồm một hàng tế bào hình chữ nhật xếp đều đặn, có những tế bào u to thành gai ngắn, mập tẩm silic. Mô mềm vỏ gồm 4 – 5 hàng tế bào thành mỏng xếp lộn xộn; to nhỏ không đều có chứa tinh thể oxalat calci hình kim tụ lại hay rải rác. Vòng libe-gỗ cấp II uốn lượn theo hình dạng của mặt cắt, có các mạch gỗ to. Mô mềm ruột cấu tạo bởi các tế bào hình tròn thành mỏng gồm khoảng 3 – 4 hàng tế bào sau đó là khuyết.
- Lá: Biểu bì trên gồm một lớp tế bào hình chữ nhật to, biểu bì dưới gồm một lớp tế bào nhỏ hơn, cả hai đều có các u lồi tẩm silic. Mô mềm giậu gồm nhiều lớp tế bào xếp sát biểu bì trên. Tế bào mô mềm thành mỏng, có tế bào chứa tinh thể calci oxalat hình kim. Bó libe-gỗ ở gân lá xếp thành hình vòng cung ở giữa lá.
2. Bột:
- Bột có màu nâu. Tế bào biểu bì không màu thành mỏng, oxalat calci hình kim nằm riêng lẻ hay tụ thành từng bó. Mảnh biểu bì có các u lồi tẩm silic. Sợi có thành dày. Mảnh mạch xoắn, mạch điểm.
3. Định tính:
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
– Bản mỏng: Silica gel G.
– Dung môi khai triển: Cloroform – ethyl acetat (7 : 1).
– Dung dịch thử: Lấy 5 g bột dược liệu đun sôi trong 10 phút với 50 ml nước. Lọc qua bông, thêm vào dịch lọc 5 ml dung dịch acid hydrocloric 10% ( TT), đun trong cách thủy sôi 30 phút. Để nguội, chiết với 20 ml ether ethylic (TT). Gạn dịch chiết ether để bay hơi ở nhiệt độ thường đến cắn. Hòa cắn trong 1 ml methanol (TT).
– Dung dịch đối chiếu: Hoà tan acid oleanolic trong methanol (TT) để được dung dịch acid oleanolic 1%. Nếu không có acid oleanolic có thể dùng 5 g bột Bạch hoa xà thiệt thảo (mẫu chuẩn) chiết trong cùng điều kiện.
– Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch thử và và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển, lấy bản mỏng ra khỏi bình sắc ký, để bay hơi hết dung môi ở nhiệt độ phòng. Phun lên bản mỏng dung dịch vanilin 2% trong cồn 96% (TT) trộn với dung dịch acid sulfuric 10% trong cồn 96% (TT) tỷ lệ (1:1). Sấy bản mỏng ở 105 oC cho đến khi xuất hiện vết. Quan sát bản mỏng dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết có cùng vị trí và màu sắc với các vết có trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
4. Tiêu chuẩn đánh giá khác:
- Độ ẩm
Không quá 13% (1 g, 105 oC, 5 giờ).
- Tạp chất
Không quá 2%.
- Tro toàn phần
Không quá 13% .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006