Hoắc Hương

Cây Hoắc Hương được trồng nhiều ở miền Bắc nước ta, lấy lá và cành làm thuốc. Tại các nước vùng châu Á và châu Phi. Hoắc hương được trồng rất qui mô để cất lấy tinh dầu. Những nước sản xuất Hoắc hương hiện nay là ấn độ, Malaysia, Philippin, Indonesia, Trung quốc cũng có Hoắc hương khắp nơi nhưng nhiều ở các tỉnh Triết giang, Giang tô…

Dược liệu: Hoắc Hương

  1. Tên khoa học: Herba Pogostemonis.
  2. Tên gọi khác: Thổ Hoắc hương, Quảng hoắc hương.
  3. Tính vị, quy kinh:
  4. Bộ phận dùng: Toàn cây, trừ rễ.
  5. Đặc điểm sản phẩm: lá mọc đối có cuống dài, phiến la hình trứng, hai mặt đều có lông, mép có khía răng cưa.
  6. Phân bố vùng miền: Ấn Độ, Malaysia, Philippin… Ở Việt Nam, cây được trồng nhiều ở Hưng Yên, Ninh Bình
  7. Thời gian thu hoạch: 5-6 tháng sau khi trồng có thể thu hoạch lứa đầu tiên.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật:

Cây nhỏ sống lâu năm, thân vuông màu nâu tím, mọc thẳng có phân nhánh, cao chừng 30-60, thân có lông. Lá mọc đối có cuống ngắn, vỏ có mùi thơm. Phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to, hai mặt đều mang lông, mặt dưới nhiều lông hơn, lá dài 5-10cm, rộng 2,5-7cm. Cụm hoa mọc thành xim co, ở kẽ lá hay ngọn cành, hoa màu tím nhạt. Quả bế có hạt cứng. Toàn cây  có lông và mùi thơm. Cây được trồng bằng hạt hoặc bằng cành dâm cành vào mùa xuân. Thu hái quanh năm trước khi ra hoa, rửa sạch, phơi khô.

Dược liệu Hoắc Hương
Dược liệu Hoắc Hương

2. Phân bố:

  • Thế giới: ấn Độ, Malaysia, Philippin…
  • Việt Nam: Cây được trồng nhiều ở Hưng Yên, Ninh Bình

3. Bộ phận dùng:

  • Bộ phận trên mặt đất, đã phơi khô của cây Hoắc hương.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Khi cây có cành lá xum xuê, cắt lấy phần cây trên mặt đất, ngày phơi, đêm đậy kín, làm nhiều lần như vậy cho đến khi dược liệu khô.
  • Chế biến: Loại bỏ rễ còn sót lại và các tạp chất, lấy lá sạch để riêng. Rửa sạch thân, ủ mềm, cắt đoạn, phơi khô, rồi trộn đều thân với lá.
  • Bảo quản: Để nơi mát, khô.

5. Mô tả Dược liệu Hoắc Hương

Thân hình trụ vuông, phân nhiều cành, cành hơi cong, dài 30 – 60cm, đường kính 2 – 7mm, có lông tơ. Chất giòn, dễ gãy, ở mặt gãy thấy tủy rõ. Thân già gần hình trụ, đường kính 10 – 12mm, màu nâu xám. Lá mọc đối, thường là một khối nhàu nát; lá nguyên hình trứng hoặc hình elip,  dài 4 – 9cm, rộng 3 – 7cm, cả hai mặt lá màu lục xám có lông mượt như nhung, chóp lá hơi nhọn hoặc tròn, gốc lá vát nhọn hoặc tròn, mép lá có răng cưa không đều, cuống lá thon nhỏ dài 2 – 5cm, có lông. Mùi thơm đặc trưng, vị hơi đắng.

6. Thành phần hóa học:

Tinh dầu (ít nhất 1,2%), thành phần chủ yếu trong tinh dầu là alcohol patchoulic (45%), patchoulen (50%) và một số thành phần khác như benzaldehyd, aldehyd cinnamic, eugenol, cadinen, sesquiterpen và epiguaipyridin.

7. Công dụng – Tác dụng:

  • Tác dụng: Giải thử, hóa thấp, chỉ nôn.
  • Công dụng: Chủ trị: Chữa cảm nắng, hoắc loạn, bụng đầy chướng, nôn mửa, ỉa chảy.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày dùng 3 – 9g, dạng thuốc sắc, hãm hay bột.

9. Lưu ý, kiêng kị :

  • Không dùng cho người âm hư, khí hư.

Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Hoắc Hương

Hoắc hương còn gọi Thổ Hoắc hương, Quảng Hoắc hương, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục là toàn cây bộ phận trên mặt đất trừ rễ của cây Hoắc hương phơi hay sấy khô, có tên thực vật là Agastache rugosa (Fisch et Mey) O.Ktze hoặc là Pogostemon cablin (Blanco) Benth, thuộc họ Hoa Môi (Lamiaceae hay Labiatae).

Cảm cúm, nhức đầu, mệt mỏi:

Ho:

Chữa ăn uống không tiêu, sôi bụng:

  • Hoắc hương 12g, Thạch xương bồ 12g, hoa cây Đại 12g, vỏ Bưởi đào sao cháy 6g. Tất cả tán thành bột, trộn đều uống trước bữa ăn nửa giờ, mỗi lần 2g với nước chè nóng, ngày uống 3 lần.

Chữa cảm mạo, sốt ăn không tiêu, đau bụng (Bài Hoắc hương chính khí):

  • Hoắc hương 12g, Tô diệp 10g, Thương truật 8g, Cam thảo 3g, Trần bì 5g, Đại táo 4 quả, Hậu phác 3g, Phục linh 8g. Tất cả tán bột đều chia thành từng gói 8 – 10g. Người lớn uống mỗi lần 1 gói, ngày 2 – 5 lần. Trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng, từ 2 – 3 tuổi mỗi lần uống 1/4 gói, từ 4 – 7 tuổi mỗi lần uống 1/3 gói. Từ 8 – 10 tuổi mỗi lần 1/2 gói.

Trị chứng ngoại cảm hàn thấp: đau đầu, tức ngực, bụng đầy, tiêu chảy phân lỏng, hoặc nôn, buồn nôn (viêm đường ruột cấp biểu hàn nội thấp).

  • Bài Hoắc hương chính khí tán (Hòa tể cục phương): Hoắc hương, Đại phúc bì, Phục linh, Khương Bán hạ đều 10g, Bạch chỉ, Tô tử, Hậu phác, Cát cánh, Sinh khương đều 6g, Trần bì 5g, Cam thảo 3g, Đại táo 10g, sắc uống.
  • Hoắc hương, Bội lan đều 10g sắc uống. Trị thương thử mùa hè, nặng đầu, ngực tức, buồn nôn, không thích ăn.

Trị chứng nôn do thấp hàn bên trong:

  • Hoắc hương Bán hạ thang: Lá Hoắc hương, Chế Bán hạ, Trần bì đều 10g, Đinh hương 2g, sắc uống.
  • Hoắc hương, Chế Bán hạ đều 10g, Thương truật, Trần bì đều 6g, sắc uống. Trị viêm đường ruột cấp thể hàn thấp.
  • Hoắc hương ẩm: Lá Hoắc hương, Đảng sâm, Xích Phục linh, Thương truật, Hậu phác đều 10g, Trần bì 5g, Bán hạ 5g, Cam thảo 3g, Gừng tươi 3 lát, sắc uống nóng.

Trị đau bụng do tỳ vị khí trệ:

  • Hoắc hương, Hậu phác, Mộc hương, Chỉ thực đều 10g, Sa nhân 5g, Trần bì 3g, sắc uống.

Trị viêm mũi, viêm xoang mũi mạn:

  • Hoắc hương 120g tán bột, gia Mật heo vừa đủ làm hoàn (Hắc đởm hoàn) mỗi lần uống 3g, ngày 2 lần với nước sôi ấm, dùng liền trong 2 – 4 tuần.

Trị chàm lở (chàm tay chân):

  • Hoắc hương độc vị hoặc phối hợp với Đại hoàng, Hoàng tinh, Tao phàn đều tán bột trộn đều, ngâm giấm 1 tuần bỏ xác. Ngâm tay chân đau vào trong nước thuốc, ngày 1 lần 30 phút.

Trị ăn uống không tiêu, sôi bụng:

  • Hoắc hương, Thạch xương bồ, Hoa cây Đại đều 12g, vỏ Bưởi đào đốt cháy 6g. Tất cả tán nhỏ, mỗi lần 2g uống trước bữa ăn 20 phút với nước nóng, ngày uống 3 lần.

Hoắc hương là vị thuốc trị nôn có hiệu nghiệm nhưng phải tùy chứng mà gia vị như thấp nhiệt gia Hoàng liên, Trúc nhự; Tỳ vị hư gia Đảng sâm, Cam thảo; nôn do thai nghén gia Bán hạ, Sa nhân.

Liều lượng thường dùng và chú ý:

  • Liều uống ( cho vào thuốc thang, cao, hoàn tán): 5 – 10g.
  • Dùng tươi lượng gấp đôi, có thể hãm nước sôi uống.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu:

Lá: Biểu bì lá có nhiều lông che chở đa bào, gồm 2 – 5 tế bào dài, đầu thuôn nhọn. Lông tiết tròn hay tròn dẹt. Biểu bì dưới có nhiều lỗ khí. Lông che chở và lông tiết nhiều hơn biểu bì trên. Đám mô dày góc xếp sát biểu bì trên và biểu bì dưới của gân lá. Mô mềm phiến lá có các tế bào thành mỏng. Bó libe-gỗ ở giữa gân lá có libe phía dưới, gỗ phía trên. Phiến là có mô giậu ở trên, mô khuyết ở dưới.

2. Bột:

Bột lá có màu nâu xám, có mùi thơm đặc trưng, có vị tê nhẹ. Soi kính hiển vi thấy: Những mảnh biểu bì mang lỗ khí. Nhiều lông tiết lớn (đa bào), đường kính 30 – 70µm và các lông tiết nhỏ với đầu 1 – 3 tế bào chân rất ngắn. rải rác có các mảnh mạch xoắn, mạch điểm, mảnh cánh hoa. Hạt phấn hoa có đường kính 20 – 30µm.

3. Định tính:

A. Dưới ánh sáng tử ngoại, bột Hoắc hương có màu nâu gụ.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silicagel G đã hoạt hóa ở 110oC trong khoảng 1 giờ.

Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa (30 -60oC) – ethyl acetat – acid acetic băng (95 : 5 : 0,2)

Dung dịch thử: Pha loãng 0,5ml tinh dầu thu được ở phần định lượng tinh dầu trong dược liệu với 5ml ethyl acetat (TT) được dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,5ml tinh dầu cất được từ Hoắc hương (mẫu chuẩn) pha trong 5ml ethylacetat (TT) được dung dịch đối chiếu.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 1 – 2mcl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch sắt (III) clorid 5% trong ethanol (TT), sấy bản mỏng ở 105oC cho tới khi xuất hiện vết. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

4. Định lượng:

Tiến hành theo phương pháp “Định lượng tinh dầu trong dược liệu” (Phụ lục 12.7).

Cân chính xác  khoảng 25g dược liệu đã tán thành bột thô vào bình cầu có dung tích 500ml của bộ dụng cụ định lượng tinh dầu trong dược liệu. thêm 200ml nước, tiến hành cất trong 3 giờ.

Hàm lượng tinh dầu trong dược liệu không được ít hơn 3%, tính theo dược liệu khô kiệt.

5. Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 12,0 % (Phụ lục 12.13). Dùng 10g dược liệu đã cắt nhỏ.
  • Tỷ lệ vụn nát: Qua rây có kích thước mắt rây 3,150mm: Không quá 10% (Phụ lục 9.5).
  • Tạp chất (Phụ lục 12.11):Không quá 2%. Lá: Không dưới 20 %
  • Tro toàn phần:

Không quá 11%  (Phụ lục 9.8 )

Tro không tan trong acid

Không quá  4,0%(Phụ lục 9.7)

  • Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 2,5% tính theo dược liệu khô kiệt (Phụ lục 12.10).

Tiến hành theo phương pháp chiết lạnh. Dùng ethanol  96% (TT) làm dung môi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  •  Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img