Tang chi là cành non cây Dâu tằm (Morus Alba L.) , dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Đồ kinh bản thảo. Cây Dâu tằm mọc và trồng khắp nơi ở nước ta để nuôi tằm. Cành dâu hái vào mùa xuân và cuối hạ, bỏ lá cắt thành phiến phơi hay sấy khô, dùng tươi, khô hoặc sao hơi vàng. Cây Dâu thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).
Dược liệu Tang Chi
- Tên khoa học: Ramulus Mori albae
- Tên gọi khác: tầm tang, mạy môn ( Thổ ), dâu cang ( Mèo
- Tính vị, quy kinh: vị đắng, ngọt, tính hàn, quy kinh can phế
- Bộ phận dùng: cành dâu
- Đặc điểm sản phẩm: Cành hình trụ dài, đôi khi có nhánh. Mặt ngoài màu vàng xám hoặc vàng nâu , có nhiều lỗ vỏ màu nâu vàng và các nếp vân dọc nhỏ, có những vết sẹo cuống lá gần hình bán nguyệt màu trắng xám và những chồi nách nhỏ màu nâu vàng . Chất cứng, dai, chắc. Hơi có mùi, vị nhạt.
- Phân bố vùng miền: Việt Nam – Thế giới: Trung Quốc
- Thời gian thu hoạch: cuối xuân, đầu hạ
Thành phần hóa học chủ yếu:
Mulberrin, mulberrochromene, cyclomulberrin, cyclomulberrochromene, morin, cudranin, tetrahydroxystilbene, dihydro morin, dihydro keempterol, fructose, glucose, arabinose, xylose, stachyose, sucrose, chất tanin, flavon, tang bì tố.
Theo Y học cổ truyền:
- Khu phong thông lạc. Chủ trị chứng phong thấp tý, đau nhức, chân tay co quắp.
- Sách Đồ kinh bản thảo: ” Tang chi không lạnh không nóng, có thể uống thường xuyên. Trị chứng toàn thân khô ngứa, cước khí, phong khí, chân tay co quắp, khí xông lên, hoa mắt, chóng mặt, phế khí ho, tiêu thực, lợi tiểu tiện kiêm trị mồm khô”.
- Sách Bản thảo tối yếu: ” Tang chi, chuyên khu phong thấp, câu loạn (trị phong thấp chân tay co quắp) hợp với Quế chi trị vai cánh tay đau, hợp với Hoa hòe, cành liễu, cành đào tắm trị ngứa toàn thân”.
- Sách Bản thảo cầu chân: ” trừ nhiệt, dưỡng âm chỉ tả”.
Theo Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tang chi có tác dụng hạ áp. Dịch ngâm kiệt Tang chi có tác dụng dưỡng lông đối với thỏ và cừu.
- Thuốc có tác dụng làm tăng chuyển dạng lym phô bào, dùng tốt đối với các bệnh mạn tính mà tỷ lệ chuyển dạng lymphô bào thấp như xơ gan, viêm thận mạn, viêm gan mạn, người mang virus B, viêm phế quản mạn (Tạp chí Tân y dược học 1978,10:36).
- Gạch nướng củi Tang chi, nhỏ giọt dấm lên xông chân có thể làm giảm cứng khớp do chấn thương (Trung y tạp chí Hồ bắc 1988,4:37).
Cây Dâu cho ta nhiều vị thuốc như:
- Lá Dâu (Tang diệp) Folium Mori.
- Vỏ rễ Dâu (Tang bạch bì) Cortex Mori Radicis.
- Quả Dâu ( Tang thầm) Fructus Mori.
- Cây mọc ký sinh trên cây Dâu (Tang ký sinh) Ramulus Loranthi.
- Tổ bọ ngựa trên cây Dâu (Tang phiêu tiêu) Otheca mantidis.
- Sâu Dâu (con sâu nằm trong thân cây Dâu: ấu trùng một loại xén tóc).
Bài Thuốc Với Tang Chi
Trị huyết áp cao:
- dùng Tang diệp, Tang chi, Sung úy tử đều 16g, gia nước 1000ml sắc còn 600ml, ngâm rửa chân 30 – 40 phút mỗi ngày trước lúc ngủ.
Trị phong thấp chân tay đau nhức:
- dùng Tang chi 20 – 40g sắc nước uống mỗi ngày, có thể kết hợp với Phòng kỷ, Uy linh tiên, Độc hoạt. Trường hợp đau chi trên gia Quế chi; đau chi dưới gia Ngưu tất, Mộc qua.
Liều dùng và chú ý:
- Liều thường dùng: 10 – 30g cho vào thuốc thang.
- Dùng ngoài tùy theo yêu cầu.
Các bộ phận của cây Dâu tằm cho nhiều vị thuốc khác nhau:
- Tang Diệp – Lá dâu: thanh nhiệt giải cảm, thanh can, minh mục, hóa đàm chỉ khái.
- Cành dâu là Dược liệu Tang Chi : khu phong hoạt lạc, trị chứng phong thấp.
- Vỏ trắng cây dâu ( Tang bạch bì) tả phế chỉ khái bình suyễn.
- Quả dâu chín ( Tang thầm) có tác dụng tư âm bổ huyết lúc dùng cần chú ý phân biệt.