Dược liệu: Thiên Niên Kiện
- Tên khoa học: Rhizoma Homalomenae occultae
- Tên gọi khác: sơn thục, bao kim, ráy hương, sơn phục, vắt vẻo, vạt hương.
- Tính vị, quy kinh: đắng , cay, ngọt, ôn. Quy vào các kinh can, thận.
- Bộ phận dùng: Thân rễ
- Đặc điểm sản phẩm: Thân rễ thẳng hay cong queo, có nhiều xơ, chắc, cứng, dài 10 – 30 cm, đường kính 1 – 1,5 cm, hai đầu đều nhau. Mặt ngoài màu nâu nhạt hay nâu sẫm, có nhiều nếp nhăn dọc hay vết tích của rễ con. Bẻ ngang dược liệu hơi dai, vết bẻ có màu nâu nhạt hay nâu sẫm, có một số sợi màu vàng ngà lởm chởm như bàn chải và có một ít lỗ nhỏ. Mùi thơm hắc, vị cay.
- Phân bố vùng miền:
– Thế giới: vùng nhiệt đới châu Á và châu Mỹ
– Việt Nam: ở các tỉnh miền Nam như Quảng Nam, Hà Tĩnh - Thời gian thu hoạch: xuân , thu
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật
cây sống lâu năm nhờ thân rễ mập, bò dài, thơm, khi bẻ ngang có xơ như kim. Lá mọc từ thân rễ, phiến lá sáng bóng, dài tới 30cm, có 3 cặp gân gốc, 7-9 cặp gân phụ. Cụm hoa là những bông mo, có mo màu xanh, dài 4-6cm, không rụng; buồng 3-4cm, ngắn hơn mo; bầu chứa nhiều noãn. Quả mọng thuôn, chứa nhiều hạt có rạch. Mùa hoa tháng 4-6, mùa quả tháng 8-10.
2. Phân bố
- Thế giới: vùng nhiệt đới châu Á và châu Mỹ
- Việt Nam: ở các tỉnh miền Nam như Quảng Nam, Hà Tĩnh
3. Bộ phận dùng
Thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Thiên niên kiện (Homalomena occulta (Lour.) Schott), họ Ráy (Araceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: Thu hái vào mùa xuân hay mùa thu, thu lấy những thân rễ già, rửa sạch, bóc loại bỏ vỏ ngoài và các rễ con, cắt thành đoạn ngắn 10 – 27 cm, sấy nhanh ở nhiệt độ 50 oC cho khô đều mặt ngoài, bóc bỏ vỏ ngoài và rễ con. Tiếp tục phơi hoặc sấy ở 50 – 60 oC cho đến khô.
- Chế biến: Loại bỏ tạp chất, ủ mềm, thái lát, phơi râm hay sấy nhẹ đến khô.
- Bảo quản: Nơi khô mát, tránh mốc mọt.
5. Mô tả dược liệu Thiên Niên Kiện
Thân rễ thẳng hay cong queo, có nhiều xơ, chắc, cứng, dài 10 – 30 cm, đường kính 1 – 1,5 cm, hai đầu đều nhau. Mặt ngoài màu nâu nhạt hay nâu sẫm, có nhiều nếp nhăn dọc hay vết tích của rễ con. Bẻ ngang dược liệu hơi dai, vết bẻ có màu nâu nhạt hay nâu sẫm, có một số sợi màu vàng ngà lởm chởm như bàn chải và có một ít lỗ nhỏ. Mùi thơm hắc, vị cay.
6. Thành phần hóa học
Trong thân rễ có khoảng 0,8-1% tinh dầu tính theo rễ khô kiệt. Tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm dễ chịu. Trong tinh dầu có chừng 40% l-linalol, một ít terpineol và chừng 2% este tính theo linalyl acetat. Ngoài ra còn có sabinen, limonen, a-terpinen, acetaldehyt, aldehyd propionic.
7. Phân biệt thật giả
…
8. Công dụng – Tác dụng
- Tác dụng: Trừ phong thấp, cường cân cốt.
- Công dụng: Chủ trị: phong hàn thấp gây nên: thắt lưng và đầu gối lạnh đau, chân co rút tê bại.
9. Cách dùng và liều dùng
Ngày 4,5 – 9 g, phối hợp trong các bài thuốc hoặc ngâm rượu.
Dùng ngoài: Thân rễ tươi giã nát, sao nóng, bóp vào chỗ đau nhức, hoặc ngâm thiên niên kiện khô với rượu xoa bóp chỗ đau nhức, tê bại và phong thấp.
10. Lưu ý, kiêng kị
Không dùng cho người âm hư hoả vượng, mồm khô, họng đắng.
11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Thiên Niên Kiện
Theo Đông y, thiên niên kiện có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng khử phong thấp, bổ gân cốt, chỉ thống tiêu thũng. Trong nhân dân, thiên niên kiện thường được dùng chữa thấp khớp, đau nhức khớp, đau dạ dày, làm thuốc kích thích tiêu hóa. Ngày dùng 6 – 12g dạng thuốc sắc hay ngâm rượu uống. Thường phối hợp thiên niên kiện với cỏ xước, thổ phục linh, độc lực để trị tê thấp, nhức mỏi. Cũng có thể dùng tươi giã ngâm rượu xoa bóp chỗ đau nhức, tê bại và phong thấp.
- Bài 1: Thiên niên kiện 10g, Hy thiêm 20g, Mộc qua 15g, Ngưu tất 5g. Sắc uống ngày một thang.
- Bài 2: Thiên niên kiện, Dây chiều, Kê huyết đằng, Đan sâm, Thục địa, Xích thược, Thổ phục linh, Độc hoạt, Khương hoạt, Tang ký sinh, Đỗ trọng mỗi vị 12g; Đảng sâm 20g, Hoài sơn 16g, Ngưu tất 10g, Nhục quế 8g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
- Bài 3: Thiên niên kiện, Kê huyết đằng, Hà thủ ô trắng, Ngũ gia bì mỗi thứ 50g ngâm rượu cùng rắn hổ mang, rắn ráo, rắn cạp nong, sau ba tháng thì uống theo bữa cơm mỗi lần một chén nhỏ.
- Bài 4: Thiên niên kiện 12g, rễ cỏ xước 40g, Hy thiêm 28g, Thổ phục linh 18g, Cỏ mực 16g, Ngải cứu 12g, Thương nhĩ tử (sao vàng) 12g. Sắc uống ngày một thang.
- Bài 5: Thiên niên kiện 12g, Rễ bưởi bung 10g, Quả dành dành 8g. Sắc hoặc ngâm rượu uống.
- Bài 6: Thiên niên kiện, Kim ngân, Cỏ xước, Thổ phục linh, Hy thiêm, Ké đầu ngựa, Cây xấu hổ, Dây đau xương, Cà gai leo. Các lượng bằng nhau, rửa sạch, đun kỹ, cứ 1 kg dược liệu khô sắc lấy 1 lít nước thuốc, chế thành rượu thuốc hoặc si rô để uống.
- Bài 7: Thiên niên kiện 12g, Cốt toái bổ 10g, Bạch chỉ 8g. Sắc uống
Chữa đau bụng kinh
- Thiên niên kiện, rễ bưởi bung, Rễ bướm bạc, Gỗ vang, Rễ sim rừng, các vị bằng nhau. Sắc uống.
Chữa dị ứng, mẫn ngứa, lở sơn.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
1. Vi phẫu
Lớp bần màu vàng nâu. Mô mềm gồm các tế bào tròn, có thành mỏng. Từ ngoài vào trong quan sát thấy: Các đám sợi lớn, thành dày; các bó libe-gỗ. Sự sắp xếp giữa gỗ và libe cũng có nhiều dạng khác nhau: những bó libe-gỗ lớn thường libe nằm ở giữa, mạch gỗ xếp xung quanh thành một vòng; những bó libe-gỗ nhỏ, mạch gỗ thường không khép kín, nằm ở hai phía đối diện của libe, một phía chỉ có một đến hai mạch gỗ, phía đối diện nhiều mạch tập trung thành hình vòng cung. Những bó libe-gỗ này thường sắp xếp gần với các bó sợi. Trong mô mềm có thể thấy các tế bào chứa tinh dầu, tế bào chứa tinh thể calci oxalat hình kim và hình cầu gai, các khoảng trống tự nhiên.
2. Bột
Màu vàng nâu. Soi kính hiển vi thấy: nhiều bó sợi gồm các tế bào dài, thành hơi dày, khoang rộng, có ống trao đổi rõ. Tế bào mô cứng có thành hơi dày, khoang hơi rộng, có ống trao đổi rõ. Mảnh tế bào mô mềm gồm những tế bào hình chữ nhật, hình bầu dục hoặc hình tròn, bên trong có chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai hoặc các bó tinh thể hình kim, các tế bào chứa tinh dầu màu vàng đậm, thành mỏng, hình trái xoan. Nhiều mảnh mạch vạch, mạch mạng, mạch xoắn. Hạt tinh bột hình trái xoan. Các tinh thể calci oxalat hình cầu gai và hình kim nằm rải rác bên ngoài.
3. Định tính
Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 5 ml ether, lắc trong 30 phút, lọc. Lấy 1 ml dịch lọc, bốc hơi dung môi trên cách thuỷ đến cắn. Thêm vào cắn 1 đến 2 giọt dung dịch vanilin 1% trong acid sulfuric (TT). Xuất hiện màu đỏ tía.
4. Các chỉ tiêu đánh giá khác
Độ ẩm
Không quá 14% (Phụ lục 12.13).
Tro toàn phần
Không quá 4% (Phụ lục 9.8).
Định lượng
Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7). Dùng bình cầu 1 lít, 50 g dược liệu đã được tán thành bột thô, 300 ml nước, cất trong 4 giờ. Hàm lượng tinh dầu trong dược liệu không ít hơn 0,5% tính theo dược liệu khô kiệt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006