Tỳ bà diệp còn gọi lá cây tỳ bà, lá nhót tây, là lá phơi khô của cây tỳ bà (nhót tây)
Dược liệu Tỳ Bà Diệp
- Tên khoa học: Folium Eriobotryae japonicae
- Tên gọi khác:
- Tính vị, quy kinh: Đắng, mát. Quy vào kinh phế, vị.
- Bộ phận dùng: lá
- Đặc điểm sản phẩm: Lá hình thuôn hay hình trứng dài, chóp lá nhọn, gốc lá hình nêm, mép lá có răng cưa thưa. Mặt trên lá màu lục xám, màu vàng nâu hoặc màu đỏ nâu, tương đối nhẵn. Mặt dưới lá màu nhạt hơn, có nhiều lông nhung màu vàng, mọc dày. Gân lá hình lông chim. Cuống lá rất ngắn, phủ lông mao màu vàng nâu. Lá dày, chất cứng, giòn, dễ bẻ gãy; không mùi, vị hơi đắng.
- Phân bố vùng miền:
- Thời gian thu hoạch: quanh năm
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật
2. Phân bố
- Thế giới:
- Việt Nam:
3. Bộ phận dùng
- Lá phơi hoặc sấy khô của cây Tỳ bà (Eriobotrya japonica (Thunb.) Lindl.), họ Hoa hồng (Rosaceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: Thu hái lá quanh năm, phơi gần khô, bó thành những bó nhỏ và phơi khô.
- Chế biến: Tỳ bà diệp: Loại bỏ lông nhung, phun nước cho mềm, thái sợi và phơi khô.
Mật Tỳ bà diệp (chế mật): Mật ong hoà loãng bằng nước sôi, trộn đều Mật ong với Tỳ bà diệp thái sợi, ủ cho mật thấm đều, cho vào chảo sao nhỏ lửa đến khi sờ không dính tay, lấy ra và để nguội. Dùng 2 kg Mật ong cho 10 kg Tỳ bà diệp.
- Bảo quản: Nơi khô, mát.
5. Mô tả dược liệu Tỳ Bà Diệp
Lá hình thuôn hay hình trứng dài, dài 12 – 30 cm, rộng 4 – 9 cm, chóp lá nhọn, gốc lá hình nêm, mép lá có răng cưa thưa hoặc nguyên về phía gốc lá. Mặt trên lá màu lục xám, màu vàng nâu hoặc màu đỏ nâu, tương đối nhẵn. Mặt dưới lá màu nhạt hơn, có nhiều lông nhung màu vàng, mọc dày. Gân lá hình lông chim, gân giữa lồi lên ở mặt dưới, gân bên có 15 – 20 đôi. Cuống lá rất ngắn, phủ lông mao màu vàng nâu. Lá dày, chất cứng, giòn, dễ bẻ gãy; không mùi, vị hơi đắng.
6. Thành phần hóa học dược liệu Tỳ Bà Diệp
Lá hàm chứa tinh dầu bay hơi, thành phần chủ yếu là nerolidol và farnesol, còn có α và β pinene, camphene, laurene, p-Cymene, linalool, α-Ylangene , α và β farnesene, camphor, nerol, geranyl alcohol, α-Cubebin , elemol, cis-β, γ-hexenol và linalool oxide. Còn chứa amygdalin, ursolic acid, oleanolic acid, tartaric acid, citric acid, malic acid. Tannin, vitamin B và C v.v… và còn chứa sorbitol (Trung dược đại từ điển).Tác dụng dược lý: Chất chiết từ lá khống có tác dụng kháng khuẩn, còn có thể kích thích sinh trưởng khuẩn cầu chùm sắc kim vàng (Trung dược đại từ điển).
7. Phân biệt thật giả
…
8. Công dụng – Tác dụng dược liệu Tỳ Bà Diệp
- Tác dụng: Thanh phế nhiệt và vị nhiệt, chỉ khái, chỉ ẩu.
- Công dụng: Chủ trị: Ho và suyễn do phế nhiệt, sốt và khát do vị nhiệt.
9. Cách dùng và liều dùng
- Ngày 6 – 9 g, phối hợp trong các bài thuốc.
10. Lưu ý, kiêng kị
- Nôn do hư hàn, ho do phong hàn không nên dùng.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Tỳ Bà Diệp
Trị Tỳ Vị hư nhược sinh ói mữa:
- Bán hạ 4g, Mao căn 80g, Nhân sâm 4g, Phục linh 20g, Sinh khương 7 lát, Tỳ bà diệp 8g. Sắc uống. (Tỳ Bà Diệp ẩm – Loại Chứng Phổ Tế Bản Sự Phương).
Trị trúng thử (cảm nắng) đầu váng, hoa mắt:
- Tỳ bà diệp 20g, Chích thảo 40g, Đinh hương 20g, Hậu phác 20g, Hương nhu 30g, Mạch môn 40g, Mao căn 40g, Mộc qua 40g, Trần bì 20g, Tỳ bà diệp 20g, thêm Gừng 3 lát. Tán nhỏ mỗi lần dùng 12-14g, hoặc sắc uống. (Tỳ Bà Diệp Tán).
Trị chứng quy hung (ngục nhô ra như con rùa):
- Tỳ bà diệp, Bạc hà, Bách hợp, Bối mẫu, Sa sâm, Tang diệp, Thiên hoa phấn, Tiền hồ, Tô tử, Xạ Can, Sinh khương. Liều tuỳ chứng sắc uống. (Tỳ Bà Diệp Thang).
Trị Phế ho do phong nhiệt:
- Tỳ bà diệp 12g Cam thảo 4g, Hoàng bá 4g, Hoàng liên 4g, Nhân sâm 4g, Tang bạch bì 8g,. Sắc uống. (Tỳ Bà Thanh Phế Ẩm gia vị – Ngoại Khoa Đại Thành).
Trị ho hen (do phế nhiệt):
- Tỳ bà diệp chích mật 12g, Tang bạch bì 14g, Bạch tiền 12g, Cát cánh 8g. Sắc uống ngày một thang. (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Trị buồn nôn và nôn (do Vị nhiệt):
- Tỳ bà diệp 12g, Trúc nhự 12g, Lô căn 12g, Cam thảo chích 6g. Sắc uống. (Kinh Nghiệm Dân Gian).
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
1. Vi phẫu
Tế bào biểu bì trên hình chữ nhật, bên ngoài là lớp cutin dày. Tế bào biểu bì dưới mang nhiều lông che chở đơn bào, thường bị cong, phần nhiều có hình chữ V gần gân giữa lá, lỗ khí nhìn thấy rõ. Mô giậu có 3 – 4 hàng tế bào, mô khuyết thưa, chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ, đôi khi cụm lại thành từng đám. Bó mạch của gân giữa gần như một vòng tròn. Sợi xếp thành vòng tròn không liên tục, vách hóa gỗ, bao quanh là các tế bào mô mềm có chứa các tinh thể calci oxalat hình lăng trụ hợp thành sợi tinh thể. Các tế bào chứa
chất nhày và các tinh thể calci oxalat hình lăng trụ rải rác trong mô mềm.
2. Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel G 60F254
Dung môi khai triển: Cloroform – ethyl acetat (5 : 5)
Dung dịch thử: Lấy khoảng 2g bột dược liệu, tẩm ướt dược liệu bằng dung dịch ammoniac 10% (TT), khuấy đều, để yên 30 phút. Thêm 20 ml ethyl acetat (TT), đun hồi lưu trên cách thủy trong 10 phút, để nguội, lọc, để bay hơi dịch lọc còn khoảng 2 ml làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy khoảng 2 g bột Tỳ bà (mẫu chuẩn), chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng. Đem phun dung dịch vanillin 1% trong acid sulfuric (TT). Sấy bản mỏng ở 110 oC cho đến khi xuất hiện vết. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
3. Các chỉ tiêu đánh giá khác
Độ ẩm
- Không quá 13% (Phụ lục 9.6, 1 g, 80 oC, 3 giờ).
Tạp chất
- Không quá 1% ( Phụ lục 12.11).
Tro toàn phần
- Không quá 7%.(Phụ lục 9.8).
Tỷ lệ vụn nát
- Qua rây có kích thước mắt rây 3,150 mm: Không quá 5%. (Phụ lục 12.12).
Chất chiết được trong dược liệu
- Không dưới 10,0%, tính theo dược liệu khô kiệt (Phụ lục 12.10).
- Tiến hành theo phương pháp chiết nóng. Dùng nước làm dung môi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006