Đỗ Trọng có tác dụng ôn thận, tráng dương, làm khỏe gân cốt, an thai, hạ huyết áp, giảm cholesterol trong máu, trấn tĩnh giảm đau, khôi phục công năng co bóp bình thường của tử cung, tăng cường miễn dịch, lợi niệu chống viêm….cơ bản tác dụng tốt cho cả hai giới !
Dược liệu Đỗ Trọng
- Tên khoa học: Eucommia ulmoides.
- Tên gọi khác: Mộc miên, tư tiên, tư trọng, quỷ tiên mộc.
- Tính vị, quy kinh: Vị đắng, tính ấm. Quy vào 2 kinh can và thận.
- Bộ phận dùng: Vỏ thân.
- Đặc điểm dược liệu: Vỏ phẳng, to nhỏ không đều, màu xám tro. Mặt ngoài sần sùi, nhiều nếp nhăn dọc, mặt trong trơn. Chất giòn, dễ bẻ gãy, mặt bẻ có nhiều sợi màu trắng bạc. Vị hơi đắng.
- Phân bố vùng miền: Trung Quốc
- Thời gian thu hoạch: Tháng 4 – 5
I. THÔNG TIN CHI TIẾT:
1. Mô tả thực vật:
Cây to hoặc nhỏ, cao 10m, 20m, luôn xanh tươi. Lá so le, hình trứng rộng, mép khía rang. Khi dứt lá thành 2-3 mảnh thấy những sợi nhựa trắng như tơ giữa các mảnh lá đó liền nhau. Hoa đơn tính, đực và cái khác gốc, ko có bao hoa. Quả hình thoi dài 3cm, rộng 1cm dẹt, đầu quả xẻ đôi hình chữ V.
Ảnh nguồn: Bởi Sten, CC BY-SA 3.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=2045890
Đỗ trọng (danh pháp hai phần: Eucommia ulmoides) là một loài cây gỗ nhỏ, có nguồn gốc ở Trung Quốc. Nó đã tuyệt chủng trong tự nhiên hoang dã, nhưng được trồng khá rộng rãi với tên gọi dân gian là cây ngô đồng tại Trung Quốc để lấy vỏ có giá trị cao trong y học cổ truyền. >>>theo Wikipedia
2. Phân bố:
- Thế giới: Được trồng ở Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quý Châu…) và Liên Xô cũ.
- Ở Việt Nam: Hiện đã trồng nhiều hơn nhưng số lượng chưa đủ nên vẫn phải nhập từ Trung Quốc
3. Bộ phận dùng:
Vỏ thân đã phơi hay sấy khô của cây Đỗ trọng.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hoạch: Từ tháng 4 đến tháng 6.
- Chế biến: Bóc lấy vỏ, cạo bỏ vỏ thô, xếp đống cho đến khi mặt trong của vỏ có màu đen nâu tía thì phơi khô. Diêm đỗ trọng (Chế muối): Đỗ trọng thái miếng còn tơ, tẩm nước muối trong 2 giờ (1kg Đỗ trọng dùng 30g muối trong 200ml nước), sao vàng, đứt tơ là được; hoặc sao đến khi mặt ngoài màu đen sém khi bẻ gãy, tính đàn hồi tơ kém so với khi chưa sao; vị hơi mặn.
- Bảo quản: Để nơi khô, thoáng.
5. Mô tả dược liệu Đỗ Trọng
Dược liệu là những miếng vỏ phẳng hoặc hai bên mép hơi cong vào, to nhỏ không đều, dày 0,2-0,5cm, màu xám tro. Mặt ngoài sần sùi, có nhiều nếp nhăn dọc và vết tích của cành con. Mặt trong vỏ màu sẫm, trơn, chất giòn, dễ bẻ gãy, mặt bẻ có nhiều sợi màu trắng ánh bạc, có tính đàn hồi như cao su. Vị hơi đắng.
6. Thành phần hóa học:
Có 2 nhóm thành phần chính là iridoid glycosid và lignan glycosid:
Các iridioid glycosid có trong vỏ thân, bao gồm aucubin, harpagid, ajugosid, reptosid và cucomiol. Aucubin là thành phần có hàm lượng 0,1-4% ở vỏ thân và 1.6-1,7% ở lá. Ngoài ra còn có ulmosid, eucomiosid, acid geniposid, geniposid, 4-deoxyeucomiol (chất này có cả ở thân và lá).
Các lignan glycosid từ vỏ thân medioresinol di-O-β-D-glucopyranoid, olivil di-O-β-D-glucopyranoid, hydroxypinoresinol di-O- β-D-glucopyranoid, liriodendrin, olivil…
Pinoresinol diglucosid có hủ yếu ở libe của vỏ 0,55% (các phần khác của vỏ không có diglucosid).
Nhiều chất lignan và lignan glycosid cũng được phát hiện có trong đỗ trọng như guaiacylglycerol-β-D-medioresinol ether di-O- β-D –glucopyranoid, alcol erythro dihydroxy dehydroconiferylic, olivil 4’-O- β-D –glucopyranoid, olivil 4”-O- β-D –glucopyranoid, citrusin B.
Ngoài ra, còn có các chất thuộc nhóm hóa học khác như erythro và threo-guaiacyl-glycerol, ulmoprenol, nonacosan, n-triacontanol, β-sitosterol, belutin, aid betulic, acid vanilic.
Lá chứa acid chlorogenic, acid tartric, acid cafeic, acid dihydrocafeic, catechol, acid trán-4-hydrocyclohexan carboxylic.
7. Cách phân biệt thật giả (nếu có):
Cây dễ nhầm lẫn:
Việt Nam không có cây đỗ trọng.Từ lâu đã thay thế vị thuốc này, nhiều cây rất khác nhau mang tên đỗ trọng nam đã được sử dụng dựa trên cơ sở khi bẻ vỏ cây, cuống lá và lá đều thấy nhựa mủ khô lại thành sợi như tơ mành giữ cho các mảnh bị bẻ không rơi xuống giống như đặc điểm của vỏ cây đỗ trọng, mặc dầu vỏ của những cây này mỏng, tơ, ít và ngắn hơn.
Cây Parameria- Parameria laevigata (Juss.) Mold var. pierei Pit – Họ Trúc đào (Apocynaceae): Dây leo dài hàng mét. Thân nhẵn. lá hình bầu dục hoặc trái xoan, mọc đối, có khi mọc vòng 3. Cụm hoa mọc ở ngọn cành và kẽ lá: hoa trắng, thơm, cuống, cụm hoa và lá đài có lông. Quả là 2 đại, dài 15-45cm, hạt có mào lông. Cây mọc dại ở bờ bụi rừng thưa.
Cây chân danh- Euonymus javanicus var. talungensis Pierre – Họ Săng máu (Celastraceae): Cây to, cao 10-12cm, có đường kính thân 25-30 cm. Cành tròn, nhẵn. Lá mỏng, mọc so le. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, có 1-3 hoa màu hồng. Quả có 5 đường sống, màu vàng, hạt có áo. Cây mọc tự nhiên ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế.
Cây san hô hay bạch phụ tử, họ Thầu dầu (Euphobiaceae): Cây nhỡ, cao 3-4m. Lá xẻ thùy sâu chân vịt, mỗi thùy lại xẻ nữa làm cho lá như bị rách, cuống lá dài. Cụm hoa mọc ở ngọn thân, cành, hoa màu đỏ, hoa đực và hoa cái riêng. Quả nang, hình trứng, nhẵn, màu vàng, hạt to bằng hạt thầu dầu. Cây được trồng làm cảnh, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mĩ.
8. Tác dụng – Công dụng:
- Tác dụng: Bổ can thận, mạnh gân cốt, an thai, hạ áp.
- Công dụng:
Điều trị thận hư, đau lưng, chân gối yếu mỏi, phong thấp, sưng tê phù, tăng huyết áp, di tinh, liệt dương, có thao đau bụng, động thai ra huyết, hay đi đái đêm, bại liệt.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, vỏ thân đỗ trọng được dùng chữa các bệnh đau mỏi lưng và khớp gối, di tinh (phối hợp với ngưu tất, tang ký sinh), có thai đau rức ở vùng hông, động thai (phối hợp vói tục đoạn, táo nhục), tăng huyết áp (với hạ khô thảo, hoàng cầm).
Đỗ trọng còn dùng để điều trị phù và những bệnh về gan, thận và bệnh thống phong. Dùng ngoài, có tác dụng chữa bệnh ngoài da. Gutta percha, dịch dạng sữa đặc của cây có tính chất đàn hồi và có thể dùng trong lâm sàng khoa miệng. Dùng uống ở dạng thuốc sắc hoặc rượu thuốc, Dùng bôi ngoài, dạng thuốc mỡ.
Ở Nhật Bản, đỗ trọng cũng có công dụng bổ gan, thận, cường gân, xương khớp, an thai.
9. Cách dùng và liều dùng:
Ngày dùng 6 – 9g, dạng thuốc sắc hoặc tán.
10. Lưu ý, kiêng kị (nếu có):
Âm hư hỏa vượng không nên dùng.
11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Đỗ Trọng
- Chữa thận yếu, đau lưng, mỏi gối, liệt dương:
Đỗ trọng, ngưu tất, tục đoạn, đương quy, thục địa, ba kích, cẩu tích, cốt toái bổ, mạch môn, hoài sơn, mỗi vị 12g. sắc uống hoặc tán bột làm viên với mật ong. Mỗi ngày dùng 15-20g, chia 2 lần.
Đỗ trọng 16g, cẩu tích 12g, củ mài 12g, bổ cốt toái 16g, tỳ giải 16g, thỏ ty tử 12g, rễ cỏ xước 12g, rễ gối hạc 12g, dây đau xương 12g. Sắc uống.
- Chữa đau vùng thắt lưng (Hải Thượng Lãn Ông):
Đỗ trọng, hạt quýt, mỗi vị 80g. Sao tán nhỏ uống dần với thang nước muối và rượu.
Đỗ trọng, tỳ giải, rễ cây câu kỷ. Sắc cách thủy với rượu, uống hàng ngày.
- Chữa ra mồ hôi trộm (Hải Thượng Lãn Ông):
Đỗ trọng, mẫu lệ (vỏ hàu), lượng bằng nhau. Tán nhỏ, uống với rượu, mỗi lần 1 thìa.
- Chữa phụ nữ sẩy thai quen lệ (uống dự phòng khi thai được 2-3 tháng):
Đỗ trọng, cẩu tích, ba kích, thục địa, ví bò, củ gai bánh, đương quy, tục đoạn, ý dĩ sao, mỗi vị 10g. Sắc uống.
- Chữa động thai và các bệnh sau khi sinh đẻ:
Đỗ trọng, táo tàu, giã và làm thành viên bằng hạt đậu. Ngày y=uống 2 lần, mỗi lần 10 viên.
- Chữa các chứng trẻ em thuộc hư hàn và bẩm sinh ốm yếu, kinh giản, hen suyễn, lỵ mạn tính, mất tiếng, cam tích, bí chướng, còi xương, chậm nói, chậm đi:
Bài thuốc Tư bồi trĩ dưỡng phương ( Hải Thượng Lãn Ông): Đỗ trọng 4g, thục địa 8g, sơn dược 4g, sơn thù 4g, phục linh 4g, ngưu tất 4g, mẫu đơn 3g, trạch tả 3g, ngũ vị 2g, phụ tử chế 1,2g, nhục quế 0,8g. Sắc uống.
- Chữa chảy máu não và các di chứng ở bệnh nhân tăng huyết áp (Bài thuốc Trung Quốc):
Đỗ trọng 12,5g, lá sen 15,5g, sinh địa 10g, mạch môn 10g, tang ký sinh 10g, bạch thược 16g, cam thảo 15,5g. Sắc và chia uống trong ngày. Ba ngày sau khi bắt đầu điều trị, huyết áp hạ đáng kể. Sau 5-6 ngày bệnh nhân nói tốt hơn và cử động được.
- Chữa tăng huyết áp ( Bài thuốc Trung Quốc):
Đỗ trọng 33g, hoàng bá 10g, sa nhân 6,6g, cam thảo 6,6g. Trong trường hợp bị suy tim, gia thêm quế 6,6g. Cho thêm 800ml nước, đun sôi trong 15-20 phút, chia uống làm 3 lần trong ngày.
- Chữa bệnh Trichomonas ( Bài thuốc Trung Quốc):
Đỗ trọng 10g, đương quy 10g, bạch thược 6g, xích thược 6g, sinh địa 10g, vỏ quít 3g, hoạt thạch 12g, bối mẫu 12g, xuyên khung 6g. Ngâm trong 500ml rượu 40 độ trong 7 ngày. Mỗi lần uống 20ml, mỗi ngày 2 lần.
- Chữa âm tinh suy kiệt, đau lưng, mỏi gối, di tinh, hay sốt chiều, đổ mồ hôi trộm ( Cao đại bổ).
Đỗ trọng, ngưu tất, câu kỷ tử, mỗi vị 60g, rau thai nhi (rau con so, vô bệnh) 1 bộ, hoàng bá, trần bì nướng, mỗi vị 40g, gừng khô 15g. Rau thai cắt bỏ gân màng, lấy múi đỏ tươi, ngâm rượu một đêm rồi nấu nhừ vắt lấy nước. Câu kỷ, đỗ trọng, ngưu tất, hoàng bá nấu nước đặc, trộn với nước rau thai, trần bì, gừng khô tán bột cho vào, bắc lên chảo cô cách cát cho thành cao, pha thêm 25% rượu, đựng vào chai đậy nút kỹ. Ngày 3 lần.
- Chữa thận âm hư, uy nhược thần kinh, tăng huyết áp (HÀ sa đại tạo hoàn gia long cốt, mẫu lệ):
Đỗ trọng 12g, rau thai nhi 1 cái, đảng sâm, thục địa, ngưu tất, long cốt, mẫu lệ, mỗi vị 16g, thiên môn, mạch môn, phục linh, mỗi vị 12g, hoàng bá 8g, tạo giác 4g. tán bột, làm viên, mỗi ngày uống 6-20g.
- Chữa hen phế quản khi hết cơn hen (hà sa đại tạo hoàn):
Đỗ trọng 60g, thục địa 80g, hoàng bá, quy bản, mỗi vị 60g, rau thai nhi khô, mạch môn, thiên môn,ngưu tất, mỗi vị 40g. Tán nhỏ làm viên, mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần.
- Chữa tăng huyết áp thể âm hư dương xung, hay gặp thể tăng huyết áp người trẻ, hay rối loạn tiền mạn kinh (Thiên ma câu đằng ẩm):
Đỗ trọng 14g, thạch quyết minh 20g, tang ký sinh, ích mẫu, dạ giao đằng, mỗi vị 16g, câu đằng, phục linh, ngưu tất, hoàng cầm, mỗi vị 12g, chi tử 8g, thiên ma 6g. Nếu nhức đầu, thêm cức hoa 12g, Mạn kinh tử 12g, nế ngủ út thêm toan táo nhân 8g, bá tử nhân 8g. Sắc uống, ngày một thang.
- Chữa đau dây thần kinh hông do thoái hóa cột sống gây chè ép (độc hoạt ký sinh thang gia giảm):
Đỗ trọng 8g, độc hoạt, tang ký sinh, ngưu tất, đảng sâm, phục linh, bạch thược, đương quy, thục địa, đại táo, mỗi vị 12g, phòng phong, cam thảo, mỗi vị 8g, tế tân, quế chi, mỗi vị 6g. Sắc uống, ngày 1 thang.
- Chữa viêm tắc động mạch chi (Bài bổ huyết trừ phong-thông u cao phối hợp):
Đỗ trọng 16g, đan sâm, hoàng bá, mỗi vị 20g, phụ tử chế, quy bản, ý dĩ, hoàng kỳ, đảng sâm, bạch thược, ngưu tất, miết giáp, hổ cốt, sinh địa, mỗi vị 16g, tùng tiệt, uy linh tiên, hồng hoa, đào nhân, mộc qua, xuyên khung, phòng kỷ, tần giao, độc hoạt, phục linh, hoàng cầm, đương quy, mỗi vị 12g, trần bì, tế tân, binh lang, quế chi, mỗi vị 8g, cam thảo 4g. Nấu thành cao.
- Chữa đau kinh:
Đỗ trọng 8g, đảng sâm 16g, bạch truật, hoài sơn,hoàng kỳ, thục địa, phá cố chỉ, mỗi vị 12g, đương quy, xuyên khung, a giao, ngải cứu, mỗi vị 8g (Tam tài đại bổ hoàn).
Đỗ trọng 8g, thục địa, bạch truật, đảng sâm, tục đoạn, mỗi vị 12g, đương quy, xuyên khung, bạch thược, phục linh, hương phụ, mỗi vị 8g, cam thảo 4g (Bát trân thang thêm hương phụ, đỗ trọng, tục đoạn).
- Chữa động thai, có ra máu do khí huyết hư (Thai nguyên ẩm):
Đỗ trọng 12g, đảng sâm 16g, bạch thược, thục địa, mỗi vị 12g, đương quy 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.
- Chữa động thai do chấn thương, ngã vấp, mang nặng gây đau lưng, ra máu:
Đỗ trọng 8g, tang ký sinh 16g, bạch tược, tục đoạn,mỗi vị 12g, rễ cây gai 10g, đương quy, a giao, mỗi vị 8g.
An thai ẩm: Đỗ trọng 8g, đảng sâm 16g, thục địa, bạch thược, bạch truật, tục đoạn, mẫu lệ, hoàng kỳ, mỗi vị 12g, đương quy, hoàng cầm, ngải diệp, địa du, hương phụ, mỗi vị 8g, xuyên khung 6g, cam thảo 4g.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:
1. Đặc điểm bột dược liệu
Bột màu nâu xám không mùi, vị hơi đắng. Soi dưới kính hiển vi thấy: Mảnh bần gồm các tế bào hình đa giác. Mảnh mô mềm có các tế bào thành mỏng. Nhiều sợi nhựa dài, mảnh, ngoằn ngoèo, chụm thành từng đám màu trắng đục hoặc kéo dài như sợi dây. Mảnh mô cứng gồm những tế bào màu vàng, dài hoặc hình trái xoan, có khoang hẹp, có ống trao đổi rõ. Sợi libe có khoang hẹp.
2. Định tính:
A. Lấy 1g bột dược liệu, thêm 10ml cloroform (TT), ngâm 2 giờ. Lọc lấy dịch lọc, hong khô, thêm 1ml ethanol 96% (TT), để yên khoảng 5 phút sẽ thấy xuất hiện màng có tính đàn hồi.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng
Bản mỏng: Silicagel GF254
Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat (9 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 0,5g bột dược liệu, thêm 10ml methanol (TT), lắc kỹ trong 30 phút. Lọc, cô dịch lọc tới con 1 ml dùng làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,5g bột Đỗ trọng (mẫu chuẩn), tiến hành chiết tương tự như đối với dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, phun dung dịch vanilin 1% trong acid sulfuric (TT), để khô, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với vết đạt được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
3. Định lượng:
4. Tiêu chuẩn đánh giá:
- Độ ẩm: Không quá 10%.
- Tạp chất: Không quá 1%.
- Chất chiết được trong dược liệu: Không được ít hơn 11,0% tính theo dược liệu khô kiệt. Tiến hành theo phương pháp chiết nóng. Dùng ethanol 75% (TT) làm dung môi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1), Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.