Đan Sâm

Dược liệu Đan Sâm

  1. Tên khoa học: Salvia miltiorrhiza Bunge
  2. Tên gọi khác: Đơn sâm, huyết sâm, xích sâm.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng, tính vi hàn. Quy vào kinh tâm, can.
  4. Bộ phận dùng: Rễ
  5. Đặc điểm sản phẩm: Rễ ngắn, thô, hình trụ dài, hơi cong queo, mặt ngoài màu đỏ nâu. Mùi nhẹ, vị hơi đắng và se
  6. Phân bố vùng miền: Trung Quốc, Việt Nam: Sa Pa.
  7. Thời gian thu hoạch: thu hái vào mùa xuân hay mùa thu.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT

 Mô tả thực vật:

Đặc điểm thực vật: Cây thảo lâu năm, cao chừng 40-80cm; rễ nhỏ dài hình trụ, đường kính 0,5-1,5cm, màu đỏ nâu (nên còn có tên là Xích sâm, Huyết sâm, Hồng căn). Lá kép mọc đối, thường 3-7 lá chét; lá chét giữa thường lớn hơn, mép lá chét có răng cưa tù; mặt trên lá chét màu xanh tro, có lông. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, dài 10-15cm, với 6 vòng hoa; mỗi vòng 3-10 hoa, thông thường là 5 hoa, màu đỏ tím nhạt. Tràng hoa 2 môi, môi trên cong hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ ba thuỳ; 2 nhị ở môi dưới; bầu có vòi dài. Quả nhỏ, dài 3mm, rộng 1,5mm. Ra hoa tháng 4-6, kết quả tháng 7-9.

đan sâm
Đan Sâm

2. Phân bố:

  • Thế giới: phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ẩm và cận nhiệt đới.
  • Việt Nam: Cây giống từ Trung Quốc trồng ở vùng núi (như Tam Ðảo, Sapa) và đồng bằng (Hà Nội), sinh trưởng tốt.

3. Bộ phận dùng:

Rễ phơi hoặc sấy khô.

dan sam

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Ðào rễ vào mùa đông, mùa xuân , mùa thu.
  • Chế biến: Rễ sau thu hái đem rửa sạch, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô. Tẩm nước, ủ mềm một đêm, thái lát mỏng, phơi khô, dùng sống hoặc sao qua, hoặc tẩm rượu 1 giờ rồi mới sao.
  • Bảo quản: nơi kín, khô mát, tránh mốc, mọt.

5. Mô tả dược liệu:

  • Rễ ngắn, thô, đôi khi ở đầu rễ còn sót lại gốc của thân cây. Rễ hình trụ dài, hơi cong queo, có khi phân nhánh và có rễ con dạng tua nhỏ; dài 10-20 cm, đường kính 0,3 – 1 cm. Mặt ngoài màu đỏ nâu hoặc đỏ nâu tối, thô, có vân nhăn dọc. Vỏ rễ già bong ra, thường có màu nâu tía.
  • Chất cứng và giòn, mặt bẻ gẫy không chắc có vết nứt, hoặc hơi phẳng và đặc, phần vỏ màu đỏ nâu và phần gỗ màu vàng xám hoặc màu nâu tía với bó mạch màu trắng vàng, xếp theo hướng xuyên tâm. Mùi nhẹ, vị hơi đắng và se.
  • Dược liệu từ cây trồng tương đối mập chắc, đường kính 0.5-1.5 cm. Mặt ngoài màu nâu đỏ, có nếp nhăn dọc, phần vỏ bám chặt vào gỗ không dễ bóc ra. Chất chắc, mặt bẻ gẫy tương đối phẳng, hơi có dạng chất sừng.

6. Thành phần hóa học:

  •  Phenol và acid phenolic: danshensu, acid rosmarinic, acid rosmarinic methyl ester, các acid salvianolic A, B, C, G, acid lithospermic, acid lithospermuc, acid lithospermic dimethyl ester.
  • Các hợp chất diterpen: Miltiron, salviol, danshenspirocetal lacton, methyltanshinonat, cryptotanshinon, silvilenon…
  • Các thành phần khác: β-sitosterol, tanin, vitamin E…

7. Tác dụng – Công dụng Huyền Sâm

  • Hoạt huyết, trục huyết ứ: Hành kinh không đều, đau bụng kinh, bế kinh, huyết ứ đọng sau đẻ gây đau bụng; các trường hợp do chấn thương mà cơ gân sưng tấy đau đớn.
  •  Dưỡng tâm an thần: hồi hộp, mất ngủ, suy nhược thần kinh; phối hợp với đương quy, táo nhân để dùng trong bệnh co thắt động mạch vành tim.
  •  Bổ huyết: Thiếu máu, đặc biệt các bệnh mặt nhợt nhạt, xanh xao của phụ nữ chưa có chồng. Dùng với tác dụng này thì dùng đan sâm dạng không qua chế biến.
  • Bổ can tỳ: Gan và lách sưng to, bệnh huyết hấp trùng.
  •  Giải độc: Sang lở, mụn nhọt.
  •  Chữa phong thấp các khớp sưng đau.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Đan sâm khô, loại bỏ tạp chất và thân sót lại, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi khô để dùng.
  • Cửu đan sâm (Chế rượu): Lấy đan sâm đã thái phiến,  thêm rượu, trộn đều, đậy kín, để 1 giờ cho ngấm hết rượu, đem sao nhỏ lửa đến khô, lấy ra, để nguội. Cứ 10 kg đan sâm cần 1 lít rượu.
  • Liều dùng: 8-20g.
  • Ngày dùng từ 9g đến 15g, dạng thuốc sắc.
  • 6-12g dưới dạng thuốc sắc.

9. Lưu ý, kiêng kị (nếu có):

  • Không có chứng ứ huyết chớ có dùng.
  • Không dùng chung với lê lô.

10. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Huyền Sâm

  • Chữa suy nhược cơ thể, thiếu máu, phụ nữ sau đẻ mất máu: Bài thuốc Thiên vương bổ hoàng đan: đan sâm 8g, huyền sâm, địa hoàng mỗi vị 12g, thiên môn, mạch môn, mỗi vị 10g, phục linh, viễn chí, đương quy, bá tử nhân, mỗi vị 8g, ngũ vị tử, cát cánh mỗi vị 6g, chu sa 0,6g. Uống thuốc sắc ( chu sa gói riêng, uống cùng với thuốc sắc, ngày một thang. Hoặc tán bột làm viên, mỗi ngày uống 20g.
  • Bài thuốc bổ: Bài thuốc Tư can bổ thận: đan sâm 400g, đương quy 2000g, hoài sơn, ngọc trúc, hà thủ ô đỏ, mỗi vị 400g, đơn bì, bạch linh, mạch môn, trạch tả, mỗi vị 200g, thanh bì, chỉ thực, thù nhục, mỗi vị 200g. các vị thuốc tán nhỏ,dùng mật ong hoặc siro luyện thành viên hoàn nặng 5g, ngỳ uống 4-6 viên.
  • Chữa viêm khớp cấp: Đan sâm 12g, hy thiêm thảo, ké đầu ngựa, thổ phục linh, kim ngân, mỗi vị 20g, kê huyết đằng, tỳ giải, mỗi vị 16g, ý dĩ, cam thảo nam, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Chữa thần kinh suy nhược, nhức đầu, mất ngủ:
    Đan sâm, bạch thược, đại táo, hột muồng sao, mạch môn, ngưu tất, huyền sâm, mỗi vị 16g, dành dành, nhân hạt táo sao, mỗi vị 8g. Sắc uống.
    Đan sâm, liên tâm, táo nhân sao, quả trắc bả, mỗi vị  8g, viễn chí 4g. Sắc uống
  • Chữa kinh nguyệt không đều: Đan sâm, thục địa, hoài sơn, sài hồ, bạch thược, mỗi vị 12g, sơn thù, trạch tả, phục linh, đan bì, mỗi vị 8g. Sắc uống.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU

1. Ðặc điểm bột dược liệu:

  • Màu đỏ nâu, mùi thơm, vị hơi ngọt sau đắng, chát. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần có các tế bào màu đỏ nâu, hình nhiều cạnh, thành dày. Tế bào mô mềm hình gần tròn, thành mỏng, mảnh mạch điểm rộng 20 μm đến 50 μm. Sợi dài, thành dày.
đan sâm
Cây Đan Sâm

2. Ðịnh tính:

  • A: Dùng phản ứng hóa học: Lấy 3 g bột dược liệu, thêm 5 ml ethanol (TT) , đun sôi, lọc. Dịch lọc có màu đỏ vàng (dung dịch A).
  • Lấy 1 ml dung dịch A, thêm 1 giọt thuốc thử Nessler (TT) , cho tủa màu nâu đất.
  • Lấy 1 giọt dung dịch A, đặt trên phiến kính, bốc hơi ethanol cho khô, đem soi kính hiển vi có tinh thể màu đỏ da cam.
  • Lấy 1 giọt dung dịch A đặt trên phiến kính, thêm 1 giọt dung dịch natri bisulfit 3,3 %, lập tức xuất hiện tinh thể không màu.
  • B: Dùng PP quang học:Đun sôi 5 g bột dược liệu với 50 ml nước trong 15 phút đến 20 phút, để nguội, lọc. Cô dịch lọc trong cách thủy tới khô. Hòa tan chất chiết được trong 3 ml đến 5 ml ethanol (TT), lọc: Nhỏ vài giọt dịch lọc lên tờ giấy lọc, để khô và quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm, thấy ánh sáng huỳnh quang lục-xanh lơ
  • Lấy 0,5 ml dịch lọc trên, thêm 1 giọt đến 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT) , sẽ có màu lục bẩn.
  • C: PP sắc ký lớp mỏng: Bản mỏng: Silica gel G.
  • Dung môi khai triển: Benzen – ethyl acetat (19:1).
  • Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 5 ml  ether (TT) lắc, để yên 1 giờ, lọc. Bốc hơi dịch lọc trên cách thủy đến cắn, hòa tan cắn trong 1 ml ethyl acetat (TT) dùng làm dung dịch thử.
  • Dung dịch đối chiếu (1): Lấy 1 g bột Đan sâm (mẫu chuẩn), tiến hành chiết tương tự như đối với dung dịch thử và/hoặc
  • Dung dịch đối chiếu (2):Hòa tan một lượng tanshinon IIA chuẩn trong ethyl acetat (TT) để thu được dung dịch đối chiếu chứa 2 mg tanshinon IIA trong 1 ml.
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, quan sát ở ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với các vết đạt được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1); và/hoặc một vết màu đỏ sẫm trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có cùng giá trị Rf và màu sắc với vết đạt được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (2).

3. Ðịnh lượng:

  • Chất chiết được trong ethanol: Không ít hơn 15,0  % tính theo dược liệu khô kiệt
  • Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 95 % (TT) làm dung môi.
  • Chất chiết được trong nước: Không ít hơn 35,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
  • Tiến hành theo phương pháp ngâm lạnh, dùng nước làm dung môi.

4. Tiêu chuẩn đánh giá khác:

  • Độ ẩm: không duới 12%
  • Tạp chất: không dưới 1%
  • Tro toàn phần: không dưới 10%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1), Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.

Tham khảo một số loại Sâm khác:

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img