Kinh Giới

Dược liệu: Kinh Giới

  1. Tên khoa học: Herba Elsholiziae ciliatae.
  2. Tên gọi khác: Bán biên tô, Tiểu kinh giới, Bài hương thảo.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị cay, hơi đắng, tính ôn. Vào các kinh can, phế.
  4. Bộ phận dùng: Đoạn ngọn cành mang lá, hoa, đã phơi hay sấy khô của cây Kinh giới.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Đoạn thân hoặc cành, thân vuông, có lông mịn. Lá mọc đối hình trứng, mép có răng cưa, gốc lá dạng nêm, men xuống cuống lá thành cánh hẹp. Cụm hoa là một xim co ở đầu cành. Hoa nhỏ, không cuống, màu tím nhạt. Quả bế nhỏ, thuôn, nhẵn bóng. Dược liệu mùi thơm đặc biệt, vị cay.
  6. Phân bố vùng miền: Trung Quốc, Việt Nam: được trồng làm rau thơm và làm thuốc ở khắp nước ta.
  7. Thời gian thu hoạch: quanh năm

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật Kinh Giới

Dược liệu Kinh Giới thường gọi trong dân gian là cây rau kinh giới. Cây thảo cao 30-40cm hay hơn. Thân vuông, mọc đứng, có lông mịn. Lá mọc đối, phiến thuôn nhọn, dài 5-8cm, rộng 3cm, mép có răng cưa, cuống lá dài 2-3cm. Hoa nhỏ, không cuống, màu tím nhạt. Quả gồm 4 quả hạch nhỏ, nhẵn (quả bế tư). Cây ra hoa vào mùa hạ, mùa thu.

kinh giới
Cây Kinh Giới

2. Phân bố:

  • Thế giới: Trung Quốc.
  • Việt Nam: Kinh giới là một loại rau gia vị được trồng nhiều và phổ biến ở nước ta.

3. Bộ phận dùng:

Đoạn ngọn cành mang lá, hoa, đã phơi hay sấy khô của cây Kinh giới.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Lúc trời khô ráo, cắt lấy đoạn cành có nhiều lá và hoa, đem phơi hoặc sấy ở 40o-50oC đến khô.
  • Chế biến: Kinh giới rửa sạch, thái ngắn 2-3 cm để dùng sống, có thể sao qua hoặc sao cháy cho bớt thơm cay.
  • Bảo quản: Để nơi khô mát, trong bao bì kín.

5. Mô tả dược liệu Kinh Giới

Đoạn thân hoặc cành dài 30 – 40cm, thân vuông, có lông mịn. Lá mọc đối hình trứng, dài 3 – 9cm, rộng 2 – 5cm, mép có răng cưa, gốc lá dạng nêm, men xuống cuống lá thành cánh hẹp, cuống dài 2 – 3cm. Cụm hoa là một xim co ở đầu cành, dài 2 – 7cm, rộng 1,3cm. Hoa nhỏ, không cuống, màu tím nhạt. Quả bế nhỏ, thuôn, nhẵn bóng, dài 0,5cm, Dược liệu mùi thơm đặc biệt, vị cay.

6. Thành phần hóa học:

Tinh dầu. Thành phần chính là neral (19,5 – 27,3%), geranial (19,5 – 27,3%).

7. Phân biệt thật giả:

..chưa có..

8. Công dụng – Tác dụng:

  • Tác dụng: Giải biểu, khu phong, chỉ ngứa, tuyên độc thấu chẩn.
  • Công dụng: . Chủ trị: Cảm mạo, phong hàn, phong nhiệt, phong cấm khẩu, mụn nhọt, dị ứng, sởi mọc không tốt. Sao đen: Chỉ huyết. Chủ trị: rong huyết, băng huyết, thổ huyết, đại tiện ra máu.

9. Cách dùng và liều dùng Kinh Giới

Ngày dùng 10 – 16g dược liệu khô, hoặc 30g dược liệu tươi, dưới dạng thuốc sắc hoặc hãm. Dùng ngoài, lượng thích hợp, sao vàng chà sát da khi bị dị ứng ngứa.

10. Lưu ý, kiêng kị:

Biểu hư, tự ra mồ hôi nhiều, không có ngoại cảm, phong hàn không nên dùng.

Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Kinh Giới

  • Tán hàn giải cảm:

Trị chứng cảm mạo phong hàn đầu mình đau, sợ lạnh, không ra mồ hôi dùng: Kinh giới, Phòng phong, Tô diệp mỗi thứ 12g, sắc uống.
Trường hợp cảm mạo, cảm cúm, đau đầu, sốt, nhức mình dùng bài Kinh phòng bại độc tán (Nhiếp sinh chứng diệu phương) gồm Kinh giới, Phòng phong, Khương hoạt, Độc hoạt, Sài hồ, Tiền hồ, Chỉ xác, Phục linh, Cát cánh mỗi thứ 8g, Xuyên khung, Cam thảo mỗi thứ 4g sắc nước uống.

  • Trừ phong, chống co giật:

Chữa chứng kinh giật do ngoại cảm phong tà

Bột Hoa Đà trừ phong: kinh giới sao qua, tán nhỏ; mỗi lần uống 8g, uống với rượu mùi hay nước tiểu trẻ em. Trị băng huyết sau khi đẻ, cấm khẩu, chân tay co rút.

Kinh giới 12g, bạc hà 12g, ngưu bàng tử 16g, kim ngân hoa 40g, thiên trúc hoàng 20g, câu đằng 20g, mẫu đơn bì 20g, thuyền thoái 20g, toàn yết 8g, lục nhất tán 40g. Tất cả nghiền mịn, hoàn bằng hồ, mỗi viên 2g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 đến 2 viên. Trị trẻ em sốt cao giật mình, răng nghiến chặt, chân tay co quắp.

Kinh giới (cả cuộng lá bánh tẻ) 1 nắm, gạo lứt 100g, bạc hà (bằng nửa số lượng kinh giới, đậu hạt 80g. Đem bạc hà kinh giới nấu lấy nước, đem nấu với gạo với đậu thành cháo, chín cháo, đổ nước thuốc vào, thêm chút dấm muối cho ăn khi đói. Dùng cho người cao tuổi tê bại tay chân hoặc di chứng bại liệt nửa người.

  • Trừ ứ, cầm máu:

Kinh giới đốt tồn tính, nghiền nhỏ. Ngày 2 đến 3 lần, mỗi lần 8g, uống với nước. Trị các chứng thổ huyết, chảy máu cam, đái máu.

Hoa kinh giới sao đen 15g. Sắc với 200ml nước, còn 100ml. Chia uống 2 lần trong ngày. Trị chảy máu cam, băng huyết.

Kinh giới, sa nhân, liều lượng bằng nhau, sao khô tán bột. Mỗi lần uống 9g, uống với nước hồ nếp, ngày 3 lần. Dùng cho các trường hợp tiểu tiện xuất huyết.

Kinh giới sao khô tán bột mịn, mỗi lần uống 6g với nước cháo nếp. Dùng cho các trường hợp đại tiện ra huyết.

  • Thúc sởi tống độc:

Dùng cho bệnh sởi và mụn nhọt mới phát.

Kinh giới 8g, Kim ngân hoa 16g, Liên kiều 16g, lá Thanh đại 20g, Bản lam căn 20g, Bạc hà 4g. Sắc uống. Trị sởi, phong chẩn, ngoài ra còn trị cảm mạo do phong nhiệt.

Kinh giới 6g, Tang diệp 6g, Bạc hà 4g, Kim ngân 4g, Sài đất 4g. Sắc uống, ngày 1 thang. Trị ban chẩn.

Kinh giới 15g, Kim ngân 15g. Sắc uống, ngày 1 thang. Chữa trẻ lên sởi và chứng lở ngứa.

  • Chữa trĩ:

Hoa kinh giới 12g, hoàng bá 12g, ngũ bội tử 12g, phèn phi 4g. Sắc lấy 300 – 400 ml nước. Ngâm hậu môn hàng ngày.

Kinh giới 16g, Hòe hoa 16g, Hạn liên thảo 16g, Trắc bách diệp 16g, Sinh địa 12g, Huyền sâm 12g. Kinh giới, hòe hoa, Hạn liên thảo và Trắc bách sao đen. Cho tất cả vào sắc. Ngày uống 1 thang. Chữa trĩ ra máu.

  • Chữa bệnh ngoài da:

Kinh giới 16g, Kê huyết đằng 12g, Đỗ đen sao 12g, cây Cứt lợn 12g, Cam thảo nam 12g, Sa sâm 12g, Kỷ tử 12g, Cương tằm 8g, Thuyền thoái 4g. Sắc uống. Ngày 1 thang. Chữa viêm da thần kinh thể mạn.

  • Trị viêm họng, Viêm amidan cấp: Thường phối hợp Kinh giới với Cát cánh, Cam thảo tăng thêm tác dụng tiêu viêm.
  • Trị chứng ban chẩn, phong ngứa:

Có tác dụng tiêu độc, chống dị ứng, giảm ngứa, thường kết hợp với Phòng phong, Bạc hà uống trong hoặc ngâm rửa ngoài da. Trị sởi, mề đay có thể dùng bài sau đây có kết quả tốt: Kinh giới tuệ 8g, Kim ngân hoa, Liên kiều, mỗi thứ 16g, Cát căn 12g, Bạc hà 4g, Cam thảo 3g, Thuyền thoái 2g: sắc nước uống.

kinh giới

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU

1. Vi phẫu:

Thân: Biểu bì gồm một hàng tế bào hình chữ nhật, có lông che chở đa bào gồm 5 – 7 tế bào và lông tiết chân đơn bào đầu đa bào. Mô dày sát biểu bì, ở những chỗ lồi của thân lớp mô dày thường dày hơn. Mô mềm vỏ. Libe cấp 2. Tầng sinh libe- gỗ. Gỗ cấp 2 tạo thành một vòng liên tục. Mô mềm ruột.

2. Bột:

Bột màu nâu đen, mùi thơm, vị cay. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì lá có nhiều lỗ khí và lông tiết, tế bào bạn của lỗ khí giống tế bào biểu bì, thành tế bào ngoằn ngèo. Mảnh thân tế bào hình đa giác. Hạt phấn hoa màu vàng. Mảnh mạch mạng, mạch vạch.

3. Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 12% (Phụ lục 12.13).
  • Tro toàn phần: Không quá   10% (Phụ lục 9.8).
  • Tạp chất (Phụ lục 12.11): Đoạn ngọn cành dài quá 40 cm: Không quá 4%. Tạp chất khác: Không quá 1%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img