Cẩu Tích

Dược liệu: Cẩu Tích

  1. Tên khoa học: Cibotium barometz.
  2. Tên gọi khác: Rễ lông cu ly, kim mao cẩu tích, cẩu tồn mao, cây lông khỉ.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng ngọt, hơi cay, tính ấm. Quy vào 2 kinh can, thận.
  4. Bộ phận dùng: Thân rễ.
  5. Đặc điểm dược liệu: Đoạn thân rễ đã loại bỏ lớp lông màu vàng nâu, mặt ngoài gồ gề, khúc khuỷu, mầu nâu, rất cứng, khó cắt.
  6. Phân bố vùng miền: Việt Nam, Trung Quốc.
  7. Thời gian thu hoạch: Cuối thu sang đông.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT- Cẩu Tích

1. Mô tả thực vật Cẩu Tích

  • Thân rễ mọc đứng, thường ngắn, to phủ lông mềm màu vàng nâu. Khi cắt hết lá chỉ còn lại những gốc cuống thì thân rễ lúc này giống con culi. Lá kép dài 1-2m, chia nhiều lá chét xếp thành dạng lông chim, các lá chét này chia thành nhiều lá chét sít nhau, lá chét bậc hai có gốc bằng nhau, đầu thuôn mảnh, lạo chia thành nhiều đoạn thuôn hẹp, mặt trên màu xanh lục sẫm, mặt đuôi nhạt hơn, cuống lá kép rất to và cứng, màu nâu, cũng có lông mềm.
  • Cơ quan sinh sản là những túi bào tử có áo màu nâu, mọc ở mặt dưới lá, xếp đều đặn ở 2 bên gân giữa, trong đựng nhiều bào tử, bào tử hình tam giác hay hơi tròn, sần sùi, màu sáng hay đen nhạt, có cánh.
Cẩu Tích
Cẩu Tích

2. Phân bố:

  •  Thế giới: Phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới châu Mỹ và châu Á: Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Ấn Độ, Philippin, Indonesia…
  •  Việt Nam: Phân bố tập trung ở vùng miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Cao Băng, Lạng Sơ,… Ở miền Nam, cây chỉ thấy ở 1 số vùng núi cao như Ngọc Linh (Kon Tum, Quảng Nam), Langbiang (Lâm Đồng), Bi Đúp (Đắc Lắc).

3. Bộ phận dùng:

Thân rễ cẩu tích

4. Thu hái, chế biến và bảo quản cẩu tích

  •  Thu hái: Thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa thu- đông, cắt bỏ rễ con và cuống lá, cạo hết lông vàng để riêng. Rễ củ đã cạo hết lông, rửa sạch, thái phiến hay cắt từng đoạn dài 4-10mm, phơi hay sấy khô. Cần bảo quản nơi khô ráo. Khi dùng tẩm dược liệu với rượu để một đêm rồi sao vàng.
  • Chế biến: Rang cát nóng, cho dược liệu đã thái phiến vào, tiếp tục rang cho cháy hết lông còn sót lại. Lấy ra để nguội, rửa sạch, ngâm nước 12 giờ, đồ kỹ cho mềm, tẩm rượu 12 giờ rồi sao vàng. có thể chích muối ăn để tăng bổ thận.
  • Bảo quản: nơi khô ráo, thoáng mát, tránh móc mọt.

5. Mô tả dược liệu cẩu tích

  • Đoạn thân rễ đã loại bỏ lớp lông màu vàng nâu bên ngoài, mặt ngoài rất gồ ghề, khúc khuỷu, có những chỗ lồi lên thành mấu, màu nâu hoặc nâu hơi hồng, đường kính 2 – 5cm, dài 4 – 10cm, rất cứng, khó cắt, khó bẻ gãy; đôi khi còn sót lại ít lông màu vàng nâu. Dược liệu khi dùng thường đã thái thành phiến mỏng hình dạng thay đổi, mặt cắt ngang nhẵn, màu nâu hồng hay nâu nhạt, có vân.

6. Thành phần hóa học trong cẩu tích

  • Thân rễ cẩu tích chứa 30% tinh bột và nhiều hợp chất và nhân dạng β-sitosterol, daucosterol, acid protocatechuric, acid cafeic. Lông culi chứa tannin và sắc tố.

7. Cách phân biệt thật giả (nếu có):

Dễ nhầm lẫn với:

  • Cây áo cốc: Cây có thân rễ mọc bò, dài và nhỏ, lông mềm màu vàng nâu rất giống câu tích. Lá kép dài 30-50cm. Bào tử hình 4 mặt, màu vàng nhạt. Cây mọc trong rừng thưa ở vùng cao thuộc tỉnh Lào Cai, Tây Nguyên.
  • Cây lá lược cùng họ Áo cốc. Thân rễ mọc bò, có lông mềm hoặc cứng, dài, màu vàng nhạt. Lá kép dài 1-2m. Áo túi bào tử màu trắng nhạt, bào tử hình 4 mặt, lõm màu vàng nhạt. Cây mọc hoang ở miền Bắc, miền Nam.
  • Cây vảy lợp họ Vảy lợp: Thân rễ dày, mọc bò, có lông dạng vảy mỏng, màu hung. Lá kép dài đến 40cm. Bào tử hình trứng hay hình thận, không màu. Cây mọc hoang gặp ở miền Bắc, miền Nam.

8. Tác dụng – Công dụng:

  •  Tác dụng: Chống viêm, ức chế chủ yếu giai đoạn viêm cấp tính,  gây động dục kiểu oestrogen trên động vật thực nghiệm.
  •  Công dụng:  Thân rễ: trị thấp khớp, tay chân nhức mỏi, đau lưng, đau dây thần kinh, người già đi tiểu nhiều lần, phụ nữ khí hư bạch đới. Ngoài ra, còn chữa đau dây thần kinh hông, chứng đi đái rắt, đi đái són không cầm được, phụ nữ đau khắp lưng người, làm thuốc bổ, thuốc giun.  Lông culi: dùng để đắp vết hương, vết đứt tay chân để cầm máu.

9. Cách dùng và liều dùng cẩu tích  

Ngày dùng 10-20g dạng thuốc sắc.

10. Lưu ý, kiêng kị (nếu có):

  • Người bị bệnh thận hư nhiệt, nước tiểu vàng không nên dùng.

11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu cẩu tích

Dưới đây là mốt số bài thuốc hay với dược liệu cẩu tích

Cẩu tích – Chữa đau lưng, gân mạch khớp chân khó cử động:
  • Cẩu tích, đỗ trọng, khương hoạt, nhục quế mỗi thứ 30g;tỳ giải, chế phụ tử, ngưu tất mỗi thứ 50g; tang ký sinh 40g. Rượu trắng 1500ml ngâm một tuần, lọc phần trong để uống. Hoặc ngâm 3 lần nhập lại để uống thì kinh tế hơn.
  • Cẩu tích, khương hoạt, đỗ trọng, quế tâm, tang ký sinh, phụ tử chế mỗi thứ 30g, tỳ giải, ngưu tất mỗi thứ 45g. Rượu trắng 2500ml ngâm như trên (hai bài trên cùng công dụng, cùng thành phần, khác liều lượng).
Cẩu tích – Chữa can thận hư suy, phong thấp lưng chân đau: 

Cẩu tích, đan sâm, hoàng kỳ mỗi thứ 30g, đương quy 25g, phòng phong 15g; rượu trắng 1000ml.

Cẩu tích – Chữa lưng đau, gối mỏi thuộc thận âm hư:

Cẩu tích, thỏ ty tử, đương quy, phục linh, lượng bằng nhau. Nghiền thành bột, luyện mật ong thành viên 9g. Ngày uống 3 lần. Mỗi lần 1-2 viên uống với nước sôi.

Cẩu tích – Bổ thận cường yêu (yêu = cột sống):

Can thận bất túc, đau mỏi thắt lưng tiểu tiện luôn, phụ nữ đới hạ. Cẩu tích 16g, ngưu tất, thỏ ty tử, sơn thù du, lộc giao (chưng), đỗ trọng mỗi thứ 12g, thục địa 16g. Sắc uống.

Cẩu tích – Chữa lưng gối mỏi do thận can hư: 

Cẩu tích10 g, sa uyển tử 12-15 g, đỗ trọng 10-12 g. Sắc uống ngày một thang.

Cẩu tích – Chữa viêm cột sống tăng sinh có gai do can thận bất túc:

Cẩu tích, bạch thược, thục địa, nhục thung dung, ngưu tất, cốt toái bổ mỗi thứ 15g; sơn thù du, câu kỷ tử, nữ trinh tử, đương quy mỗi thứ 10g; kê huyết đằng 30g; mộc hương 6g. Sắc uống ngày một thang.

Cẩu tích – Đau nhức tất cả các khớp to nhỏ:

(riêng từng khớp hoặc cùng lúc nhiều khớp vào buổi sáng ngủ dậy hoặc về chiều tối nhiều hơn): Cẩu tích 30g; cốt toái, huyết giác, độc hoạt, ngưu tất mỗi thứ 20g; sinh địa, mạch môn, mộc qua, đan bì, cốt khí củ mỗi thứ 15g.

Nếu đau lưng, nhức mỏi, gia thêm ba kích, tục đoạn, hà thủ ô mỗi thứ 12g. Chân tê bì hay hơi nề, gia mộc thông, tỳ giải, thiên niên kiện mỗi thứ 12g. Sưng khớp có sốt, gia hoàng đằng 12g, bạch chỉ 6g.

Đau đầu, khó ngủ, táo bón, huyết áp cao thêm quyết minh tử (hạt muồng sao) 24g.

Cẩu tích – Các khớp tê buốt, sưng phát cước, sợ nước, sợ lạnh ăn kém tiêu, đại tiện lỏng:

Cẩu tích, bạch chỉ, cốt toái, thiên niên kiện, độc hoạt, thương truật đều 15g; bạch truật 20g; xuyên khung, tô mộc, tùng hương hay nhũ hương, quế chi đều 10g; phụ tử chế, cam thảo đều 8g. Sắc uống hai ngày một thang

 II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Đặc điểm bột dược liệu:

  • Mảnh biểu bì màu vàng, đôi khi có ít sợi lông màu nâu còn sót lại. Mảnh mô mềm gồm các tế bào hình nhiều cạnh hơi dài, rải rác có chứa các hạt tinh bột. Mạch gỗ hình thang. Các hạt tinh bột hình đĩa, hình trứng, đôi khi thấy rốn hạt hình vạch.

2. Định tính:

  • Lấy 2g bột dược liệu, thêm 20ml ethanol 90% (TT), đun trên cách thủy 15 phút, lọc. Lấy dịch lọc làm các phản ứng sau:

Nhỏ một giọt dịch lọc lên giấy lọc, để khô dung môi và quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365nm. Phần bên trong của vết có huỳnh quang màu vàng nhạt, rìa ngoài của vết có huỳnh quang màu lơ sáng.

Lấy 2ml dịch lọc, thêm 3 – 4 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT),xuất hiện màu đỏ gạch. Thêm tiếp  3 – 4 giọt  dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), dung dịch chuyển sang màu nâu đỏ, trong suốt.

Lấy 2ml dịch lọc, thêm 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT), dung dịch có màu xanh rêu.

Lấy 2ml dịch lọc, cô trên cách thủy tới cắn sền sệt. Thêm vào cắn 20ml nước nóng, khuấy kĩ để nguội, lọc vào ống nghiệm. Lắc mạnh sẽ có bọt bền.

3. Tiêu chuẩn đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 12%.
  • Tro toàn phần: Không quá 3,5% .
  • Tạp chất:Tỷ lệ lông còn sót lại: Không quá 0,5%.
  • Các tạp chất khác: Không quá 1%
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1), Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img