Chỉ thực và chỉ xác là tên gọi của loại quả của nhiều cây khác nhau, hoặc cùng loại quả của nhiều thời kỳ khác nhau, cũng như tác dụng và công dụng cũng khác nhau tùy thuộc các thầy thuốc vùng miền mà cách điều trị khác nhau
Dược liệu: Chỉ Xác
- Tên khoa học: Fructus Aurantii.
- Tên gọi khác:
- Tính vị, quy kinh: Vị đắng, cay, tính lương. Quy vào kinh tỳ, vị.
- Bộ phận dùng: Quả chưa chín đã bổ đôi, phơi hay sấy khô của cây Cam Chua.
- Đặc điểm sản phẩm: Chỉ xác có hình bán cầu, đường kính 3- 5cm, vỏ ngoài màu nâu hoặc nâu thẫm, ở đỉnh có những điểm túi tinh dầu dạng hạt trũng xuống, thấy rõ có vết vòi nhụy còn lại hoặc vết sẹo của cuống quả. Mặt cắt lớp vỏ quả giữa màu trắng vàng, nhẵn, hơi nhô lên, dày 0.4- 1.3cm, có 1- 2 hàng túi tinh dầu ở phần ngoài vỏ quả ngoài. Chất cứng, rắn, khó bẻ gãy. Ruột quả có từ 7- 12 múi, một số ít quả có tới 15- 16 múi. Múi khô, nhăn nheo, có màu nâu đến nâu thẫm, trong có hạt. Mùi thơm, vị đắng, hơi chua.
- Phân bố vùng miền:
- Thời gian thu hoạch: Vào tháng 7 – 8.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT:
1. Mô tả thực vật:
Chỉ xác (Fructus Citri Aurantii) là quả bánh tẻ của cây cam (hái lúc gần chín), ngoài ra nguồn dược liệu còn được lấy từ cây thuộc chi Citrus họ cam Rutaceae. Còn chỉ thực là quả cam, quýt hái lúc còn non nhỏ hay bị rụng do gió mạnh. Cả hai có tên dược là Citrus SP. Chỉ xác quả được hái khi gần chín (quả bánh tẻ) quả to nên thường phải bổ đôi để phơi cho chóng khô. Chỉ là tên cây, xác tức còn cả vỏ và xơ vì do quả được bổ đôi phơi khô nên làm ruột quả bị quắt lại.
Phân biệt Chỉ Thực & Chỉ Xác
Chỉ thực và chỉ xác là tên gọi của loại quả của nhiều cây khác nhau, hoặc cùng loại quả của nhiều thời kỳ khác nhau, cũng như tác dụng và công dụng cũng khác nhau tùy thuộc các thầy thuốc vùng miền mà cách điều trị khác nhau
2. Phân bố:
- Thế giới:
- Việt Nam: Trồng khắp nơi.
3. Bộ phận dùng:
- Quả chưa chín đã bổ đôi, phơi hay sấy khô của cây Cam chua.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Thu hoạch vào tháng 7 – 8, lúc trời khô ráo, hái các quả xanh, bổ ngang làm đôi, phơi hoặc sấy nhẹ ở 40- 50oC cho tới khô.
- Chế biến: Chỉ xác phiến: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, nạo bỏ ruột, hột, thái lát ngang, phơi hoặc sấy khô. Lát thái hình dải hay hình cung không đều, dài 5cm rộng đến 1,3cm. Quan sát lát ngang bề ngoài màu nâu đến nâu thẫm, giữa có màu nâu hơi vàng hoặc trắng, có 1 – 2 lớp túi tinh dầu ở phía ngoài vỏ, đôi khi thấy tép màu nâu hay tía đỏ, sợi cứng, mùi thơm, vị đắng, hơi chua.
Chỉ xác sao cám: Cho cám vào chảo, đun đến khi bốc khói cho Chỉ xác phiến vào sao đến khi có màu vàng thẫm lấy ra, sàng bỏ cám, để nguội. Dùng 1kg cám cho 10kg Chỉ xác. Các phiến hình dải hay hình vòng cung không đều, hơi thẫm màu, đôi khi có vết cháy, mùi thơm nhẹ.
- Bảo quản: Để nơi khô, tránh mốc mọt
5. Mô tả dược liệu Chỉ Xác
Chỉ Xác có hình bán cầu, đường kính 3- 5cm, vỏ ngoài màu nâu hoặc nâu thẫm, ở đỉnh có những điểm túi tinh dầu dạng hạt trũng xuống, thấy rõ có vết vòi nhụy còn lại hoặc vết sẹo của cuống quả. Mặt cắt lớp vỏ quả giữa màu trắng vàng, nhẵn, hơi nhô lên, dày 0.4- 1.3cm, có 1- 2 hàng túi tinh dầu ở phần ngoài vỏ quả ngoài. Chất cứng, rắn, khó bẻ gãy. Ruột quả có từ 7- 12 múi, một số ít quả có tới 15- 16 múi. Múi khô, nhăn nheo, có màu nâu đến nâu thẫm, trong có hạt. Mùi thơm, vị đắng, hơi chua.
6. Thành phần hóa học:
Tinh dầu (α-Pinene, Limonene, Camphene, Terpinene, p-Cymene, Caryophyllene, flavonoid (Hesperidin, Neohesperidin, Naringin), pectin, saponin, alcaloid, acid hữu cơ.
7. Công dụng – Tác dụng Chỉ Xác
- Tác dụng: Phá khí đờm tiêu tích (Hòa hoãn hơn Chỉ thực).
- Công dụng: Chữa ngực trướng đau do khí trệ, khó tiêu do đờm trệ.
8. Cách dùng và liều dùng Chỉ Xác
- Ngày dùng 3- 9g, dạng thuốc sắc. Phối hợp trong các bài thuốc.
10. Lưu ý, kiêng kị :
- Tỳ vị hư hàn không có tích trệ, phụ nữ có thai không nên dùng.
Chữa bệnh với dược liệu Chỉ Xác
Chỉ xác & chỉ thực đều là những vị thuốc thông dụng trong Đông y có vị đắng, chua, tính hơi hàn, đi vào các kinh tỳ và vị. Theo tài liệu cổ, chỉ xác và chỉ thực có tác dụng phá khí, tiêu tích, hóa đàm, trừ bỉ, lợi cách, khoan hung. Chỉ xác cùng chỉ thực tuy có tác dụng giống nhau, nhưng thuốc chỉ xác yếu hơn. Mặc dù trong các quả loại này lúc tươi đều có chứa tinh dầu, nhưng người ta ít chú ý sử dụng tinh dầu bởi khi để càng lâu thì tác dụng dược lý của chúng sẽ tốt hơn.
- Trị trẻ nhỏ lỵ lâu ngày, tiêu ra cơm nước không đều: chỉ xác, tán bột, mỗi lần uống 4 – 8g.
- Trị răng đau nhức: chỉ xác ngâm rượu súc miệng.
- Cầm lỵ, thuận khí: chỉ xác sao 96g, cam thảo 24g, tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước sôi
- Trị trẻ nhỏ đi tiêu khó: nướng chỉ xác, bỏ múi, cam thảo mỗi thứ 4g, sắc uống.
- Trị lở đau sưng: chỉ xác nướng nóng, chườm vào đó 7 trái.
- Trị lở đau sưng: dùng bột chỉ xác, bỏ vào trong bình nấu sôi thật lâu, trước xông sau rửa.
- Trị nấc cụt do thương hàn: chỉ xác 20g, mộc hương 4g tán bột, mỗi lần uống 4g, với nước sôi, chưa bớt thì uống tiếp.
- Trị đau bụng khi có thai: chỉ xác 120g, sao với cám. Hoàng cầm 40g. tán bột. Mỗi lần uống 20g với 1 chén rưỡi nước, nếu có phù bụng căng thêm bạch truật 40g.
- Trị ruột sệ xuống sau khi đẻ: chỉ xác, sắc lấy nước ngâm, đợi ít lâu thì rút vào.
- Trị trẻ nhỏ nôn mửa, động kinh, nghẹn đàm, co giật: chỉ xác bỏ múi sao với cám, đạm đậu khấu, 2 vị bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 1/2 muỗng cà phê, nặng thì 1 muỗng. Nếu cấp kinh phong dùng bạc hà giã vắt lấy nước uống với thuốc. Nếu mạn kinh phong dùng kinh giới nấu uống với 3 – 5 giọt rượu, ngày 3 lần.
- Trị trẻ nhỏ bị chứng nhuyễn tiết (mụn nhọt mềm có nước): chỉ xác 1 trái lớn (không lấy loại trắng), mài cho bằng miệng rồi lấy hồ miến bôi quanh miệng, úp lên trên đầu miệng mụn thì có thể tự ra hết máu mủ và không có sẹo.
- Lợi khí sáng mắt: chỉ xác 40g, sao, tán bột, uống với nước.
- Trị thương hàn âm chứng, do uống thuốc lầm hạ quá sớm sinh đầy tức ngực nhưng không đau, đè vào thấy mềm: chỉ xác, binh lang 2 vị bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 12g với nước sắc hoàng liên.
- Trị tiêu ra máu: chỉ xác 240g sao với cám, hoàng kỳ 240g, tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước cơm, hoặc trộn với hồ làm viên uống.
Trị bụng đầy, người lớn cũng như trẻ nhỏ, khí huyết ngưng trệ: dùng những vị có tác dụng thông ruột, thuận khí gọi là “Tứ Diệu Hoàn” gồm chỉ xác đầy mà lưng còn xanh, bỏ múi đi, lấy 160g chia làm 4 phần, 40g sao với thương truật, 40g sao với la bặc tử, 40g sao với hồi hương, 40g sao với can tất, xong bỏ các vị ấy đi, lấy chỉ xác, tán bột dùng. Lấy 4 vị trước sắc lấy nước trộn bột gạo làm thuốc viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 50 viên với nước cơm, sau khi ăn.
- Trị vùng xương sườn đau nhức vì sợ quá mà tổn thương tới khí: dùng chỉ xác (sao) 40g, đào chi (sống) 20g, tán bột. Mỗi lần uống 4g với nước sắc gừng và táo.
- Trị uất khí ở thượng tiêu làm đầy trướng vì hàn: chỉ xác, tô tử, quất bì, cát cánh, mộc hương, bạch đậu khấu, hương phụ.
- Trị tiêu ra máu giai đoạn đầu: chỉ xác, hoàng liên, hòe hoa, can cát, phòng phong, kinh giới, thược dược, hoàng cầm, đương quy, sinh địa, địa dư, trắc bá diệp.
- Trị ngứa do phong chẩn: chỉ xác, kinh giới, khổ sâm, phòng phong, thương nhĩ thảo, bại bồ, nấu nước tắm gội.
- Trị lỵ, mót rặn: chỉ xác, binh lang, thược dược, hoàng liên, thăng ma, cát căn, cam thảo, hồng khúc, hoạt thạch.
- Trị khí hư, đại tiện khó: chỉ xác, nhân sâm, mạch môn đông.
- Trị đau ở hông sườn phải: dùng chỉ xác, nhục quế.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:
1. Bột:
Bột màu trắng hoặc vàng nâu, tế bào vỏ quả giữa hơi tròn hoặc không đều màu, đa số thành tế bào dày, không đều và có dạng chuỗi hạt. Nhìn trên bề mặt tế bào biểu bì vỏ quả ngoài hình đa giác, hình hơi vuông hoặc hình chữ nhật. Lỗ khí hơi tròn, đường kính 16 – 34µm, có 5 – 9 tế bào kèm.Mô múi màu cam vàng nhạt hoặc không màu dạng mảnh.Tế bào vỏ quả và tế bào múi chưa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Thường thấy các tế bào sát với tế bào biểu bì có hình thoi, hình đa diện hoặc hình hai nón, đường kính 3 – 30µm. Mạch mạng hoặc mạch xoắn.
2. Định tính:
- A. Lấy 1g bột dược liệu, thêm 25ml methanol (TT) ), đun hồi lưu cách thủy trong 10 phút, lọc lấy dịch chiết ( A) và làm các phản ứng sau:
Lấy 5ml dịch chiết A, thêm vào một ít bột magnesi và o.5ml acid hydroclorid, sẽ thấy xuất hiện màu đỏ đến đỏ tía.
Lấy 3ml dịch chiết A, thêm vào vài giọt sắt III clorid 5% sẽ thấy xuất hiện màu nâu
Lấy 3ml dịch chiết A, thêm vài giọt dung dịch natri hydroxyd 1%, thấy xuất hiện màu vàng đến màu vàng cam, đôi khi có 1 ít tủa.
- B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4):
Bản mỏng: Silicagel G 60 F254
Dung môi khai triển: Toluen – methanol (10 : 1 : 3).
Dung dịch thử: Dịch chiết (A) lấy ở phần định tính.
Dung dịch đối chiếu: Dung dịch hesperidin trong methanol (TT )để được dung dịch có nồng độ 1mgml, hòa tan bằng phương pháp đun hồi lưu. Nếu không có hesperidin, lấy 1g Chỉ xác (mẫu chuẩn) chiết giống như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai xong, lấy bản mỏng ra để khô ngoài không khí. Soi bản mỏng dưới ánh sáng tử ngoại tại bước sáng 254nm hoặc phun lên bản mỏng dung dịch sắt (III) clorid 5% trong ethanol (TT). Trên sắc ký đồ, dung dịch mẫu thử phải có các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf so với các vết của dung dịch đối chiếu.
3. Định lượng
Cân chính xác khoảng 0,5 g bột dược liệu (qua rây 1,25mm), cho vào bình Soxhlet, thêm 100ml ether dầu hỏa (30 – 60oC) (TT), đun hồi lưu cách thủy trong 1 giờ và loại bỏ dịch ether. Sau đó chuyển dược liệu sang bình nón dung tích 250 ml và chiết tiếp bằng cách đun hồi lưu trên cách thủy với methanol (TT) trong 30 phút (50ml /3 lần). Gộp các dịch chiết và loại dung môi cho đến cắn. Thêm vào cắn 5ml nước, khuấy và để yên 10 phút, lọc qua phễu lọc xốp, tiếp tục rửa bằng nước (5ml/4 lần) và loại bỏ nước rửa. Hòa tan cắn trên phễu bằng những lượng nhỏ dung dịch natri hydroxyd 0,2% trong ethanol 70% (TT) cho đến khi dịch lọc không còn màu vàng. Gộp các dịch lọc và chỉnh đến thể tích 100ml trong bình định mức (dung dịch A). Lắc kỹ, lấy chính xác 2ml dung dịch A, pha loãng thành 25ml bằng dung dịch natri hydroxyd 0,2% trong ethanol 70% (TT), đo độ hấp thu ở bước sóng 361 ± 1nm. Tính hàm lượng hesperidin (C28H35O15.H2O), lấy 160 là giá trị độ hấp thu của hesperidin (1%, 1cm).
Hàm lượng hesperidin trong vỏ quả không được thấp hơn 4,0% tính theo dược liệu khô kiệt.
4. Các chỉ tiêu đánh giá khác:
- Độ ẩm: Không quá 12% .
- Tạp chất: Không quá 1% .
- Tro toàn phần: Không quá 7% .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006