Dược liệu Đinh Lăng
- Tên khoa học: Polyscias fruticosa (L.) Harms.
- Tên gọi khác: Đinh lăng lá nhỏ, cây Gỏi cá, Nam dương lâm.
- Tính vị, quy kinh: vị ngọt, tính bình. Quy vào kinh phế, tỳ, thận.
- Bộ phận dùng: Rễ đã phơi hay sấy khô của cây Đinh lăng.
- Đặc điểm sản phẩm: Rễ cong queo, thường được thái thành các lát mỏng, mặt cắt ngang màu vàng nhạt. Mặt ngoài màu trắng xám có nhiều vết nhăn dọc, nhiều lỗ vỏ nằm ngang và vết tích của các rễ con.
- Phân bố vùng miền: Trung Quốc, Việt Nam: cây được trồng phổ biến làm cảnh ở khắp cả nước.
- Thời gian thu hoạch: Thu hoạch rễ vào mùa thu-đông sau khi cây trồng được 7 – 10 năm
I. THÔNG TIN CHI TIẾT:
1. Mô tả thực vật:
Cây Đinh Lăng thuộc loại cây nhỏ, cao 0,8-1,5m. Cây có lá kép, mọc so le, lá 3 lần xẻ lông chim, mép khía có răng cưa. Hoa nhỏ, màu trắng xám, tụ tập thành chùm tụ tán ở đầu cành. Quả dẹt, dài 3-4mm, dày khoảng 1mm. Lá đinh lăng phơi khô, nấu lên có mùi thơm đặc trưng, dân gian gọi nôm na là mùi “thuốc bắc”. Lá tươi không có mùi thơm này. Mùa hoa quả: tháng 4 – 7.
2. Phân bố:
- Thế giới: Trung Quốc.
- Việt Nam: Được trồng ở nhiều nơi làm cảnh, lá làm gia vị và rễ làm thuốc.
3. Bộ phận dùng:
Rễ đã phơi hay sấy khô của cây Đinh lăng.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Thu hoạch rễ vào mùa thu-đông sau khi cây trồng được 7 – 10 năm. Đào lấy rễ, rửa sạch, bóc lấy vỏ rễ, thái lát, phơi khô.
- Chế biến: Đinh lăng sống: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Đinh lăng chế rượu gừng và mật: Tẩm rượu gừng 5% vào Đinh lăng sống, trộn đều cho thấm rượu gừng, sao qua nhỏ lửa. Tẩm thêm 5% mật ong, trộn đều cho thấm mật rồi sao vàng cho thơm. Dùng 5 lít rượu gừng 5% và 5 kg mật cho 100 kg dược liệu.
- Bảo quản: Để nơi khô mát, tránh mốc mọt.
5. Mô tả cây dược liệu đinh lăng
Rễ cong queo, thường được thái thành các lát mỏng, mặt cắt ngang màu vàng nhạt. Mặt ngoài màu trắng xám có nhiều vết nhăn dọc, nhiều lỗ vỏ nằm ngang và vết tích của các rễ con.
Cây Đinh lăng được Hải Thượng Lãn Ông – ông tổ của ngành thuốc nam gọi tên là “nhân sâm cho người nghèo”. Có tên gọi như vậy vì lá Đinh lăng thường được nhân dân phơi khô đem lót gối hoặc trải gường cho trẻ nằm để đề phòng kinh giật; sắc cho phụ nữ sau sinh uống để cơ thể, khoẻ mạnh, có nhiều sữa; lá non có thể dùng làm rau ăn sống. Rễ Đinh lăng rửa sạch, tán nhỏ, ngâm rượu để bồi bổ cơ thể, khí huyết, tăng lực.
6. Thành phần hóa học:
Trong thân củ đã tìm thấy có các alcaloit, glucozit, saponin, flavonoit, tanin, vitamin B1 các axit amin trong đó có lyzin, xystei, và methionin
7. Công dụng – Tác dụng:
- Tác dụng: Bổ khí.
- Công dụng: Chủ trị: Suy nhược cơ thể và thần kinh, lợi sữa, giải độc, kém phát dục.
8. Cách dùng và liều dùng:
- Ngày dùng 1- 6g, dạng thuốc sắc hoặc 2g trở lên với thuốc tán bột.
Bài thuốc từ cây Dược liệu Đinh Lăng
Bồi bổ cơ thể, ngừa dị ứng: Lá đinh lăng tươi từ 150-200g, nấu sôi khoảng 200ml nước (có thể dùng nước sôi có sẵn ở “phích”). Cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5-7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên, đổ tiếp thêm khoảng 200ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai. Cách dùng lá tươi thuận tiện vì không phải dự trữ, không tốn thời gian nấu lâu, lượng nước ít, người bệnh dễ uống nhưng vẫn đảm bảo được lượng hoạt chất cần thiết.
Chữa tắc tia sữa: Rễ đinh lăng 40g, gừng tươi 3 lát, đổ 500ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng.
Chữa nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng: Lá đinh lăng khô 80g, đổ 500ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
Ho suyễn lâu năm: Rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, rễ cây dâu, nghệ vàng, rau tần dày lá tất cả đều 8g, củ xương bồ 6g; Gừng khô 4g, đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.
Phong thấp, thấp khớp: Rễ đinh lăng 12g; Cối xay, hà thủ ô, huyết rồng, cỏ rễ xước, thiên niên kiện tất cả 08g; Vỏ quít, quế chi 04g (Riêng vị quế chi bỏ vào sau cùng khi sắp nhắc ấm thuốc xuống). Đổ 600ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng.
Ho khan lâu ngày do phế nhiệt : củ đinh lăng 20g, rau má 20g, mạch môn 16g, cát cánh 12g, tía tô 16g, xa tiền thảo 20g, lá xương xông 20g, trần bì 12g, cam thảo 16g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Người cao tuổi bị đau mỏi các khớp, có biểu hiện xơ cứng, vận động khó khăn: củ đinh lăng (sao thơm) 20g, ngưu tất 16g, thổ linh 20g, nam tục đoạn 20g, xuyên khung 12g, đương quy 12g, đỗ trọng 10g, khởi tử 12g, cam thảo 12g, đại táo 12g, trần bì 12g. Đổ 800ml nước sắc lấy 250ml, chia 2 – 3 lần uống trong ngày, 12 – 15 ngày là một liệu trình.
Đau thắt ngực do bị co thắt mạch vành: lá đinh lăng một nắm to, sắc lấy nước uống 2 – 3 lần trong ngày. Hoặc lá đinh lăng 40g, đan sâm 15g, ích mẫu 20g, sắc nước uống trong ngày. Công dụng: hoạt huyết thông mạch, khắc phục tình trạng mạch vành bị nghẽn, cơ tim thiếu dinh dưỡng.
Mất ngủ kéo dài, tư tưởng thiếu tập trung: lá đinh lăng 24g, tang diệp 20g, lá vông 20g, tâm sen 12g, liên nhục 16g. Đổ nước 400ml sắc lấy 150ml. Chia 2 lần uống trong ngày. Công dụng: bổ tâm an thần, giảm hưng phấn tạo được giấc ngủ êm.
Đái buốt đái rắt, nước tiểu đỏ: lá đinh lăng, xa tiền thảo, kim tiền thảo, liên tiền thảo, mỗi vị một nắm to. Sắc uống trong ngày. Có thể gia thêm chè búp 10 – 12g. Phương thuốc này còn có tác dụng tống sỏi (bài thạch).
Cơn đau quặn thận, bí tiểu tiện: lá đinh lăng 40g, xấu hổ tía 40g, rau ngổ 30g, râu bắp 24g, xa tiền thảo 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:
1. Vi phẫu:
Mặt cắt ngang hình tròn, quan sát dưới kính hiển vi từ ngoài vào trong thấy: Lớp bần gồm nhiều hàng tế bào xếp đều đặn thành vòng đồng tâm và dãy xuyên tâm. Mô mềm vỏ, các tế bào thành mỏng, những lớp tế bào phía ngoài thường bị ép bẹp, trong mô mềm rải rác có tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Libe tạo thành vòng, bị tia tủy chia thành các bó hình nón, Tầng phát sinh libe-gỗ. Gỗ chiếm phần lớn diện tích vi phẫu, rễ càng già phần gỗ càng nhiều.
2. Bột:
Bột màu vàng nhạt, thơm nhẹ, vị hơi ngọt. Soi dưới kính hiển vi thấy nhiều hạt tinh bột hình chuông, hình đa giác.đường kính 10-20mcm đứng riêng lẻ, kép 2,3,4 hay tụ tập thành khối. Mảnh bần, các mảnh mạch mạng, mạch vạch, Tinh thể calci oxalat hình cầu gai đường kính 45-70mcm. Mảnh mô mềm thường chứa tinh bột.
3. Định tính:
- A. Lấy khoảng 1g bột dược liệu, thêm 5ml nước cất, lắc mạnh trong 1 phút, sẽ thấy bọt bền trong 10 phút.
- B. Lấy 5g bột dược liệu, thêm 10ml ethanol 90% (TT), ngâm trong 3 giờ, lắc, lọc. Lấy dịch lọc làm các phản ứng sau: Lấy 1ml dịch lọc vào ống nghiệm nhỏ, thêm 0,5ml anhydrid acetic (TT), thêm từ từ 0,5ml acid sulfuric (TT), tại lớp phân cách giữa hai dung dịch xuất hiện vòng màu đỏ. Lấy 1ml dịch lọc, thêm 1 ml thuốc thử Fehling (TT), đun sôi, xuất hiện tủa đỏ gạch.
- C. Lấy một ít bột dược liệu đặt trên khay sứ, nhỏ thêm 1 giọt dung dịch Lugol (TT), bột chuyển sang màu xanh đen.
4. Các chỉ tiêu đánh giá khác:
- Độ ẩm: Không quá 13% (Phụ lục 9.6).
- Tro toàn phần: Không quá 8% (Phụ lục 9.8).
- Tạp chất: Tạp chất khác: Không quá 1% (Phụ lục 12.11).
- Chất chiết được trong dược liệu: Không được ít hơn 5,0%, tính theo dược liệu khô kiệt. Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng ethanol 90% làm dung môi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006.
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010.
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006.