Hồng Hoa

 Dược liệu: Hồng Hoa

  1. Tên khoa học: Carthamus tinctorus.
  2. Tên gọi khác: Rum, hồng lam hoa, thảo hồng hoa.
  3. Tính vị, quy kinh: Vị cay, tính ấm, quy vào 2 kinh: tâm, can.
  4. Bộ phận dùng: Hoa
  5. Đặc điểm sản phẩm: Hoa dài 1-2cm, mặt ngoài màu vàng đỏ hay đỏ, tràng hoa hình ống thon, phía trên xẻ làm 5 cánh hẹp. Chất mềm, mùi thơm nhẹ, vị đắng nhẹ.
  6. Phân bố vùng miền: Trung Quốc, Việt Nam: Hà Giang, Sa Pa, Đà Lạt.
  7. Thời gian thu hoạch: Sau khi trồng 6- 7 tháng thì cây ra hoa, thu hoạch.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật Hồng Hoa

Cây nhỏ, sống hàng năm, cao 0,6-1m, có thể đến 1,5m. Thân đứng, nhẵn, có vách dọc, phân cành ở ngọn.

Lá mọc so le, không cuống, hình bầu dục hoặc hình trứng thuôn, dài 4-9cm, rộng 1-3cm, gốc tròn ôm lấy thân, lá thuôn sắc, mép có răng cưa không đều, dạng gai nhọn sắc, hai mặt màu xanh lục xám, gân lồi lên ở mặt sau.

Cụm hoa mọc thành đầu ở ngọn thân, tổng bao gồm lá bắc ngoài có dạng lá, hình mác, mép có gai, những lá bắc trong nhỏ hơn hình trứng, mang 5-7 gai ở đầu và các vảy dạng sơn mỏng, trong suốt ở vòng trong cùng, hoa màu đỏ cam đính trên đế hoa dẹt, bao hoa hình ống dạng sợi, đỉnh có 5 thùy rất hẹp nhị 5, đính ở họng của bao hoa thành ống bao quanh nhụy, không có mào lông.

Quả bế, hình trứng, dài 5-8mm, rộng 4-5mm ở đỉnh có 4 cạnh lồi.

Hồng Hoa
Hồng Hoa

2. Phân bố:

  • Thế giới: Cây trồng khắp châu Á, châu Phi và vùng Địa Trung Hải của châu Âu: Ấn Độ, Ai Cập, Tây Ban Nha, vùng Capcase thuộc Liên Xô cũ. Gần đây du nhập sang Mỹ, Australia và một số nước châu Á.
  • Việt Nam: Ta đã nhập trồng thí nghiệm ở Sapa (Lào Cai), Văn Điển (Hà Nội),Hà Giang, Đà Lạt…

3. Bộ phận dùng:

  • Hoa phơi khô

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

  • Thu hái: Hái hoa vào mùa hạ.
  • Chế biến:Thu hoạch vào mùa hạ, hái lấy hoa đang nở và cánh hoa chuyển từ vàng sang đỏ, để nơi râm mát, thoáng gió hoặc phơi nắng nhẹ cho khô dần.
  • Bảo quản: Để nơi khô, mát, tránh ẩm và mốc mọt.

5. Mô tả dược liệu Hồng Hoa

Hoa dài 1-2cm, mặt ngoài màu vàng đỏ hay đỏ. Tràng hoa hình ống thon, phía trên xẻ làm 5 cánh hẹp, dài 0,5 – 0,8cm. 5 nhị. Bao phấn dính liền thành ống, màu vàng, núm nhụy hình trụ, hơi phân đôi, nhô ra khỏi cánh hoa. Chất mềm, mùi thơm nhẹ, vị đắng nhẹ.

6. Thành phần hóa học Hồng Hoa

Hai sắc tố chính của hồng hoa là carthamin và carthamon. Công thức của carthamin được sửa đổi nhiều lần. Theo Takahashi Y. và cộng sự (Tetrahedron Lett. 1982, 23, 5163) thì cấu trúc của carthamin là một dẫn chất bis-chalcon. Carthamin kết tinh màu đỏ trong pyridin, điểm chảy 228-230 oC. Carthamon (=glucodisoxy-6′-dihydroxy 4,4′-quino 2′,5-chalcon) cũng kết tinh màu đỏ.

Lá hồng hoa: chứa flavonoid khác: 7-glucosid của luteolin là chất hay gặp trong cây họ cúc.

Quả: chứa protein (15%) và lipid (30%). Dầu chứa hơn 90% acylglycerol của các acid chưa no: oleic (13-15%), linoleic (75-79%) và một lượng nhỏ các acyl glycerol của các acid no: palmitic và stearic. Ngoài ra trong quả còn chứa trachelosid và 1 glycosid steroid khi thuỷ phân cho phần đường là glucose, phần aglycon là dẫn chất 15a, 20b-dihydroxy D4-pregnen 3-on.

7. Tác dụng – Công dụng Hồng Hoa

Chữa bế kinh, đau kinh, ứ huyết sau đẻ, khí hư, viêm tử cung, viêm buồng trứng. Có khi dùng uống cho ra thai chết trong bụng. Ngoài ra còn có tác dụng giảm nhiệt, ra mồ hôi, và được dùng trong bệnh viêm phổi, viêm dạ dày.

Làm thuốc nhuộm màu vàng đỏ và để nhuộm thức ăn, không độc.

Theo y học Trung Quốc để điều trị mất kinh, khí hư, viêm tử cung mạn tính và viêm buồng trứng. Nó cũng dùng để điều trị viêm phổ, viêm dạ dày.

Ở Ấn Độ, hồng hoa coi là thuốc an thần và điều kinh. Nó được dùng để điều trị sởi, bệnh tinh hồng nhiệt và các bệnh ngoại ban khác. Hạt được dùng làm thuốc lợi tiểu và bổ. Dầu đun nóng dùng chữa đau nhức và thấp khớp.

8. Cách dùng và liều dùng:

Ngày dùng 4 – 12g, dạng thuốc sắc, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

9. Lưu ý, kiêng kị (nếu có):

Phụ nữ có thai không nên dùng.

10. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Hồng Hoa

  • Trục thai chết trong bụng ra:

Hồng hoa đun với rượu mà uống. Hồng hoa, rễ gấc, gỗ vang, cỏ nụ áo, vỏ cây vông đồng, lá đào, cỏ xước. Sắc rồi chế thêm đồng tiện vào mà uống.

  • Chữa huyết vận lên tim, khí muốn tuyệt:

Hồng hoa 40g, sắc với rượu và đồng tiện mà uống.

  • Chữa đại tiểu tiện không thông ở phụ nữ đẻ:

Hồng hoa, hạt hướng dương, hoạt thạch, hạt cau, đều bằng nhau, tán nhỏ, uống lúc đói với rượu.

  • Dưỡng huyết:

Hồng hoa 2g sắc uống.

  • Tan máu ứ, thông kinh bế:

Hồng hoa 6-8g, sắc hoặc ngậm rượu uống.

  • Chữa phụ nữ sau đẻ máu xấu không ra, đau bụng, ngất me man, hoặc phụ nữ kinh bế lâu ngày:

Hồng hoa, tô mộc, nghệ đen, đều 8g. sắc rồi chế thêm một chén rượu vào mà uống.

  • Phòng và chống ban sởi:

Hồng hoa 3-5 hạt. Nhai nuốt, chiêu với nước.

  • Chữa đơn sưng, chạy chỗ này sang chỗ kia:

Mầm cây hồng hoa, giã vắt lấy nước cốt uống, bã đắp.

  • Chữa xuất huyết não do xơ cứng mạch máu não (kèm theo liệt nửa người và mất tiếng hoàn toàn hoặc không hoàn toàn):

Hồng hoa 3g, hoàng kỳ 15g, sinh địa 15g, long đởm thảo 10g, hạt mơ 10g, đương quy 6g, bạch thược 6g, cát cánh 3g, cam thảo 3g, phòng phong 3g. sắc và chia 3 lần uống trong ngày. Uống trong 2-3 tháng.

  • Chữa bệnh cứng bì:

Hồng hoa, đương quy, dây đau xương, hoàng tần cửu, đào nhân, bạch truật, đều 3g. sắc với 400ml nước trong 30 phút, chia 3 lần uống trong ngày.

  • Chữa lao phổi lâu ngày với sốt hoặc sốt nhẹ và ho ra máu:

Hồng hoa 3g, bạch cập 15g, vỏ rễ dâu 9g, tri mẫu 9g, sinh địa 9g, hạt mơ  9g, a giao 9g, bối mẫu 6g, cam thảo 3g, lòng trắng trứng gà 2 cái. Sắc với 800ml nước, còn 200 ml, uống làm một lần, Dùng trong 10 ngày, sau đó nghỉ 7 ngày, rồi lại uống tiếp đợt khác. Dùng 3-4 đợt như trên.

  • Chữa suy tim (Bát trân thang gia vị):

Hồng hoa 12g, đẳng sâm, bạch truật, mỗi vị 20g, thục địa, phục linh, đan sâm, ý dĩ, mỗi vị 16g, xuyên khung, đương quy, bạch thược, ngưu tất, mỗi vị 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

  • Chữa viêm gan mạn tính (Tứ vật đào hồng thang gia giảm):

Hồng hoa 8g, bạch thược, xuyên khung, đan sâm, mỗi vị 12g, đương quy, đào nhân, diên hồ sách, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa viêm khớp dạng thấp kéo dài có biến dạng teo cơ, dính cứng khớp:

Hồng hoa 8g, cương tàm 12g, nam tinh chế, bạch giới tử sao, xuyên sơn giáp, đào nhân mỗi vị 8g, Sắc uống ngày một thang. Phối hợp với các bài thuốc chữa thấp khớp khu phong, thanh nhiệt, trừ thấp và châm cứu.

  • Chữa sỏi đường tiết niệu (Tứ vật đào hồng thang gia giảm):

Hồng hoa 8g, sinh địa 16g, bạch thược, xuyên khung, đương quy, đại phúc bì, liên kiều, mỗi vị 12g, đào nhân, chỉ thực, uất kim, kê nội kim, mỗi vị 8g. sắc uống ngày 1 thang.

  • Chữa kinh nguyệt không đều huyết ứ (Tứ vật đào hồng thang):

Hồng hoa 6g, sinh địa, bạch thược, mỗi vị 12g, xuyên khung, đào nhân, mỗi vị 8g. Sắc ngày uống 1 thang.

  • Chữa đau bụng kinh do khí huyết ứ trệ (Huyết phụ trục ứ thang):

Hồng hoa 8g, ngưu tất 12g, xuyên khung, đương quy, xích thược, đào nhân, huyền hồ, hương phụ, thanh bì, chỉ xác, mỗi vị 8g, mọc hương 6g, cam thảo 4g. sắc uống ngày một thang.

  • Chữa đau bụng trước khi hành kinh, hoặc lức mới hành kinh (Sinh huyết thanh nhiệt thang):

Hồng hoa, đan bì, đào nhân, huyền hồ sách, hương phụ, thanh bì, chỉ xác, mỗi vị 8g, mộc hương 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

  • Chữa viêm mạn tính, u xơ tử cung, buồng trứng:

Hồng hoa 8g, hạt quất, hạt vải, thiên niên đằng, hương phụ, đan sâm, xích thược, xuyên luyện tử, huyền hồ, đào nhân, tam lang, nga truật, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

  • Chữa chàm (Thuốc mỡ bôi):

Hồng hoa, xuyên hoàng liên, hồng đơn, chu sa, mỗi vị 4g. tán bột hòa với mỡ trăn bôi vào chỗ chàm.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Đặc điểm bột dược liệu

Màu vàng cam, thường thấy mảnh cánh hoa, chỉ nhị, núm nhụy, những tế bào tiết hình ống dài, kèm theo các mạch, đường kính tới 66mm, chứa chất tiết, màu từ vàng nâu đến đỏ nâu. Màng ngoài tế bào biểu bì của đầu cánh hoa nhô lên như những lông tơ. Tế bào biểu bì trên của núm nhụy và vòi nhụy biệt hóa thành những lông đơn bào hình nón nhỏ hay hơi tù ở đỉnh. Hạt phấn hình cầu, đường kính 60 -70mm, có 3 lỗ nảy mầm, vỏ ngoài hạt phấn có gai. Tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Mảnh mô mềm gồm những tế bào hình chữ nhật. Mảnh đầu cánh hoa gồm nhiều tế bào kết hợp lên nhau như lợp ngói. Tế bào chỉ nhị màng mỏng, hình chữ nhật. Mảnh mạch vạch, mạch mạng.

2. Định tính:

A. Ngâm 1g dược liệu trong 10ml ethanol 50% (TT). Gạn dịch ngâm (phần trên) vào một cốc có mỏ, treo một băng giấy lọc và ngâm vào dịch này. Sau 5 phút lấy băng giấy lọc ra, ngâm vào nước rồi nhấc ra ngay. Phần trên băng giấy lọc có màu vàng nhạt, phần dưới băng giấy lọc có màu đỏ nhạt.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng:

Bản mỏng: Silicagel H có chứa natri carboxymethylcellulose (dung dịch 0,5%).

Dung môi khai triển: Ethylacetat – acid formic – nước – methanol (7:2:3:0,4).

Dung dịch thử: Ngâm 0,5g bột dược liệu trong 5ml aceton 80% (TT), lắc đều trong 15 phút, lọc. Dịch lọc được dùng làm dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,5g bột Hồng hoa (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5ml mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu sắc và cùng Rvới các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

C. Độ hấp thụ:

Sắc tố màu vàng: Làm khô dược liệu trong 24 giờ với silicagel trong bình hút ẩm, sau đó nghiền thành bột mịn. Cân chính xác 0,1g bột dược liệu, ngâm và lắc trong 150ml nước khoảng 1 giờ, lọc dung dịch vào 1 bình định mức dung tích 500ml bằng phễu lọc xốp thủy tinh số 3. Rửa giấy lọc và cắn bằng nước tới khi nước rửa không còn màu, thêm nước tới vạch và lắc kỹ. Đo độ hấp thụ của dung dịch ở bước sóng 401nm. Độ hấp thụ không được dưới 0,40.

Sắc tố màu hồng: Cân chính xác khoảng 0,25g bột mịn dược liệu, ngâm ấm với 50ml aceton 80% (TT) ở 500C trên cách thủy trong 90 phút, để nguội, lọc qua phễu lọc xốp thủy tinh số 3 vào bình định mức dung tích 100ml. Rửa cắn với 25ml aceton 80% (TT) bằng cách chia thành nhiều lần. Chuyển nước rửa vào bình định mức, thêm  aceton 80% (TT) tới vạch, lắc kỹ. Đo độ hấp thụ của dung dịch ở bước sóng 518nm. Độ hấp thụ không dưới 0,20.

3. Tiêu chuẩn đánh giá:

  • Độ ẩm: Không quá 13%
  • Tạp chất: Tỷ lệ hoa biến màu nâu đen: Không quá 0,5%. Tạp chất khác : Không quá 2%.
  • Tro toàn phần: Không quá 15%.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006.
  • Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1), Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_imgspot_img