Dược liệu: Thạch Hộc
- Tên khoa học: Herba Dendrobii
- Tên gọi khác: kẹp thảo, hoàng thảo cẳng gà, hoàng thảo dẹt, kim thạch hộc, phi diệp kép, co vàng sào
- Tính vị, quy kinh: vị hơi ngọt, mặn, tính hơi lạnh, quy kinh phế, vị, thận.
- Bộ phận dùng: Thân, cành.
- Phân bố vùng miền: Thế giới: châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Mianma,
- Thời gian thu hoạch: Tháng 6 – 10
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật Thạch Hộc
Là một cây thảo phụ sinh, mọc bám trên cành cây to hoặc ở vách đá ẩm. Thân dẹt có rãnh dọc chia nhiều đốt, phía cuống thuôn hẹp, phía ngọn dày hơn, màu vàng nhạt. Lá ngắn có bẹ. Hoa màu hồng hoặc trắng pha hồng, mọc thành chùm ngắn ở kẽ những lá đã rụng. Quả dài hình thoi.
2. Phân bố
- Châu Á: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Mianma,
3. Bộ phận dùng
Thân tươi hay khô của cây Thạch hộc: Hoàn thảo thạch hộc, Thạch hộc hoa gừng (Dendrobium loddigesii Rolfe), Mã tiên thạch hộc (Dendrobium fimbriatum Hook. f.), Hoàng thảo thạch hộc (Dendrobium chrysanthum Wall. ex Lindl.), Thiết bì thạch hộc (Dendrobium candidum Wall. ex Lindl.) hoặc Kim thoa thạch hộc (Dendrobium nobile Lindl), họ Lan (Orchidaceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản Dược liệu Thạch Hộc
- Thu hái: Quanh năm đều có thể thu hái.
Nếu dùng tươi, sau khi thu hái, loại bỏ tạp chất.
Nếu dùng khô, sau khi thu hái, loại bỏ tạp chất, luộc qua hoặc sấy mềm, vừa đảo vừa sấy cho đến khi bao lá khô. Lấy Thiết bì thạch hộc cắt bỏ rễ con, vừa sao vừa vặn cho đến khi có hình soắn ốc hoặc lò so, sấy khô quen gọi là Nhĩ hoàn thạch hộc (thạch hộc vòng tai).
- Chế biến: Lấy dược liệu khô, loại bỏ tạp chất còn sót lại, rửa sạch, cắt đoạn, phơi hay sấy khô.
- Bảo quản: Dược liệu khô: Để nơi khô. Dược liệu tươi: Để nơi mát, ẩm.
5. Mô tả dược liệu Thạch Hộc
- Hoàn thảo thạch hộc: Hình trụ, mảnh khảnh, thường uốn cong hoặc cuộn thành một khối, dài 15 – 35 cm, đường kính 0,1 – 0,3 cm, đốt dài 1 – 2 cm. Mặt ngoài màu vàng kim sáng bóng, có vân dọc nhỏ. Chất mềm, dai, chắc. Mặt bẻ gẫy tương đối bằng phẳng. Không có mùi, vị nhạt.
- Mã tiên thạch hộc: Hình nón dài, dài 40 – 120 cm, đường kính 0,5 – 0,8 cm, đốt dài 3 – 4,5 cm. Mặt ngoài màu vàng đến vàng tối. Có rãnh dọc sâu. Chất xốp, mặt bẻ gẫy có xơ dạng sợi. Vị hơi đắng.
- Hoàng thảo thạch hộc: Dài 30 – 80 cm, đường kính 0,3 – 0,5 cm, đốt dài 2 – 3,5 cm. Mặt ngoài màu vàng kim đến màu nâu vàng nhạt. Có rãnh dọc. Nhẹ và chắc, dễ bẻ gẫy, mặt bẻ gẫy hơi có xơ. Nhai có cảm giác dính.
- Nhĩ hoàn thạch hộc (Thiết bì thạch hộc sau khi cắt bỏ rễ phơi hoặc sấy khô): Hình xoáy ốc hoặc hình lò so, thường có 2 – 4 vòng xoáy. Sau khi kéo thẳng ra dài 3,5 – 8 cm, đường kính 2,2 – 0,3 cm. Mặt ngoài màu lục vàng có vân nhăn dọc nhỏ. Chất rắn chắc, dễ bẻ gẫy, mặt bẻ gẫy phẳng. Nhai có cảm giác dính.
- Kim thoa thạch hộc: Hình trụ tròn dẹt, dài 20 – 40 cm, đường kính 0,4 – 0,6 cm, có rãnh dọc sâu. Chất cứng, giòn. Mặt bẻ tương đối phẳng. Vị đắng.
6. Thành phần hóa học Dược liệu Thạch Hộc
Herba Dendrobii – dendrobine, dendranine, nobilonine, dendroxine, dendrin, 6-hydroxy-dendroxine.
7. Phân biệt thật giả
…
8. Công dụng – Tác dụng Dược liệu Thạch Hộc
- Tác dụng: Tư âm thanh nhiệt, ích vị sinh tân.
- Công dụng: Chủ trị: âm hư nội nhiệt, tân dịch hao tổn: nóng sốt nhẹ, bứt rứt, háo khát. Vị âm hư, vị nhiệt: ăn kém, nôn khan, môi miệng khô, lở loét miệng. Tiêu khát.
9. Cách dùng và liều dùng Dược liệu Thạch Hộc
Ngày dùng 6 – 12 g dược liệu khô, 15 – 30 g dược liệu tươi, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các loại thuốc khác.
10. Lưu ý, kiêng kị
Ho do đàm thấp (ho có nhiều đàm) không dùng.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Thạch Hộc
- Dùng chữa bệnh nhiễm thời kỳ hồi phục, thuốc có tác dụng dưỡng vị giải nhiệt: phối hợp với Sinh địa, Huyền sâm, Sa sâm . dùng bài:
Thạch hộc thang ( Chứng trị chuẩn thằng): Thạch hộc thang, Mạch môn ( bỏ lõi), Sinh địa, Viễn chí, Phục linh, Huyền sâm, mỗi thứ 40g, Chích Cam thảo 20g, tán bột, mỗi lần 16g, thêm Gừng tươi 5 lát, sắc uống.
Trường hợp sốt khát nước, mồm khô, có thể dùng Thạch hộc 8 – 16g, sắc uống giải khát, nếu sốt cao kết hợp với Thạch cao, Tri mẫu, dùng tốt.
- Trị chứng vị nhiệt ( thường có lở lóet mồm), kèm ăn vào dễ nôn, nôn khan.( trường hợp viêm dạ dày mạn): dùng bài: Thanh vị dưỡng âm thang: Thạch hộc 12g, Bắc Sa sâm 16g, Mạch môn, Hoa phấn, Bạch biển đậu, Trúc nhự tươi mỗi thứ 12g, Giá đậu tươi ( mầm đậu sống) 16g, sắc uống.
- Trị khát phương: Thạch hộc 12g, Thiên hoa phấn 24g, Tri mẫu 16g, Mạch môn 12g, Bắc sa sâm 20g, Sinh địa 20g, Xuyên liên 4g, sắc uống.
- Một số bài thuốc kinh nghiệm có Thạch hộc: Thuốc trị ho đầy hơi: Thạch hộc 6g, Mạch môn đông 4g, Trắc bá diệp 4g, Trần bì 4g, nước 300ml, sắc còn 200ml, uống trong ngày.
- Thuốc trị chứng hư lao gầy mòn: Thạch hộc 6g, Mạch môn 4g, Ngũ vị tử, Đảng sâm, Chích Cam thảo, Câu kỷ tử, Ngưu tất, Đỗ trọng mỗi thứ 4g, nước 300ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006