Dược liệu Thỏ Ty Tử
- Tên khoa học: Semen Cuscutae
- Tên gọi khác: cây tơ hồng, miễn tử, đậu ký sinh,
- Tính vị, quy kinh: ngọt, cay. Vào các kinh can, thận, tỳ.
- Bộ phận dùng: hạt trong quả
- Đặc điểm sản phẩm: Hạt gần hình cầu. Mặt ngoài có màu nâu xám hoặc nâu vàng, có rất nhiều những điểm nhỏ nhô lên. Một đầu có rãnh hình dải hẹp, hơi trũng xuống. Chất rắn chắc, khó bóp vỡ. Mùi thơm nhẹ. Vị nhạt.
- Phân bố vùng miền
– Thế giới: Trung Quốc.
– Việt Nam: cả nước - Thời gian thu hoạch: mùa thu
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật
Cây có thân hình sợi màu vàng hay nâu nhạt, không có lá, lá biến thành vảy, có rễ mút để hút thức ăn từ cây chủ, dân gian thường gọi là dây tơ hồng. Hoa hình cầu, màu trắng nhạt, không có cuống, quả hình trứng, có kẽ nứt, trong chứa 2-4 hạt, hình trứng, đỉnh dẹt, dài 2mm.
2. Phân bố
- Thế giới: Trung Quốc
- Việt Nam: Mọc hoang khắp nơi, hay gặp trên cây Cúc tần (Pluchea indica) loại họ Cúc (Asteraceae).
3. Bộ phận dùng
Hạt lấy ở quả chín đã phơi hay sấy khô của dây Tơ hồng (Cuscuta chinensis Lam.), họ Tơ hồng (Cuscutaceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: Thu hoạch vào mùa thu, khi quả chín, thu lấy dây mang hạt, phơi khô, đập lấy hạt rồi loại bỏ tạp chất.
- Chế biến: Thỏ ty tử: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi khô.
Thỏ ty tử chế muối: Phun nước muối lên dược liệu sạch, trộn đều cho hạt ngấm nước, sao nhỏ lửa đến khi hạt hơi phồng lên, lấy ra để nguội. Cứ 100 kg dược liệu cần 2 kg muối. Dược liệu sau khi chế mặt ngoài màu vàng nâu, nứt nẻ và có mùi thơm nhẹ. Ngâm vào nước sôi sẽ xuất hiện một lớp màng nhày trên mặt. Sau khi sắc có thể lộ ra phôi cuộn màu vàng đến màu nâu thẫm.
- Bảo quản: Để nơi khô, thoáng.
5. Mô tả dược liệu Thỏ Ty Tử
Hạt gần hình cầu, đường kính 0,10 – 0,15 cm. Mặt ngoài có màu nâu xám hoặc nâu vàng, có rất nhiều những điểm nhỏ nhô lên. Một đầu có rãnh hình dải hẹp, hơi trũng xuống. Chất rắn chắc, khó bóp vỡ. Mùi thơm nhẹ. Vị nhạt.
6. Thành phần hóa học
- Quercetin, Astragalin, Hyperin, Quercetin -3-O-b-D-Galactoside-7-O-b-Glucoside (Kim Hiểu, Trung Quốc Trung Dược Tạp Chí 1992, 17 (5) : 292).
- Lecithin, Cephalin (Hứa Ích Dân, Trung Thảo Dược 1989, 20 (7) : 303).
- (-Carotene, (- Carotene, (-Carotene-5-6-Eposide, Lutein, Taraxathin (Baccarini A và cộng sự, Phytochemistry 1965, 4 (2) : 349).
- Vitamin A, Glycoside (Chinese Herbal Medicine).
7. Phân biệt thật giả
..chưa có..
8. Công dụng – Tác dụng Thỏ Ty Tử
- Tác dụng: Bổ thận ích tinh, dưỡng can minh mục, kiện tỳ chỉ tả.
- Công dụng: Chủ trị: liệt dương, di tinh, đái không cầm được; mắt mờ mắt hoa, ỉa lỏng.
9. Cách dùng và liều dùng Thỏ Ty Tử
- Ngày dùng 6 – 12 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
- Dùng ngoài: Lượng thích hợp.
10. Lưu ý, kiêng kị
..
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Thỏ Ty Tử
Trị mặt mọc mụn, nhức đau:
- Thỏ ty tử, giã nát, ép lấy nước bôi (Trửu Hậu Phương).
Trị tự nhiên bị sưng phù, thân thể và mặt sưng to:
- Thỏ ty tử 1 thăng, Rượu 5 thăng, ngâm 2-3 ngày. Mỗi lần uống 1 thăng, ngày 3 lần ‘Trửu Hậu Phương).
Trị trĩ sưng, ngứa, trong hậu môn đau :
- Thỏ ty tử, chưng cho hơi vàng đen, tán nhuyễn, hòa với trứng gà bôi (Trưử Hậu Phương).
Bổ Thận khí, tráng dương đạo,trợ tinh thần, khinh (làm nhẹ) lưng, chân:
- Thỏ ty tử (chưng rượu, sấy khô) 1 cân, Phụ tử (chế) 160g. tán bột. Trộn với rượu hồ làm viên, to băng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 50 viên với rượu (Thỏ Ty Tử Hoàn – Biển Thước Tâm Thư).
Trị tinh khí bất túc, thận thủy bị táo, họng khô, khát, tai ù, đầu váng, mắt mờ, da mặt sạm đen, lưng đau, gối đau:
- Thỏ ty tử (chưng rượu) 80g, Ngũ vị tử 40g. Tán bột. Trộn mật làm hoàn, to bằng hạt Ngô đồng. Mỗi lần uống 70 viên lúc đói với nước muối hoặc rượu (Song Bổ Hoàn – Tế Sinh Phương).
Trị Tâm Thận bất túc, tinh thiếu, huyết khô, phiền nhiệt, khát muốn uống, tinh hư, huyết ít:
- Thỏ ty tử (chưng rượu) 80g, Mạch môn (bỏ lõi) 80g. Tán bột. Trộn mật làm hoàn, to bằng hạt Ngô đồng. Mỗi lần uống 70 viên lúc đói với nước muối hoặc với nước sôi, trước bữa ăn (Tâm Thâïn Hoàn – Tế Sinh Tục phương).
Trị Tâm khí bất túc, suy tư quá độ, Thận kinh hư tổn, chân dương không vững, tiểu đục, hay mơ, tiết tinh:
- Thỏ ty tử 200g, Bạch phục linh 120g, Thạch liên tử (bỏ vỏ) 80g. Tán bột. Trộn với rượu làm hoàn, to bằng hạt Ngô đồng. Mỗi lần uống 30 viên với nước muối, lúc đói (Phục Thỏ Hoàn – Cục phương).
Trị dễ sẩy thai:
- Thỏ ty tử (sao), 160g, Tang ký sinh, Tục đoạn, A giao đều 80g. Thuốc tán bột còn A giao nấu với nước cho chảy ra, hòa với thuốc bột làm thành viên 0,4g. Mỗi lần uống 20 viên, ngày hai lần (Thọ Thai Hoàn – Y Học Trung Trung Tham Tây Lục).
Trị thận hư, liệt dương, di tinh, lưng đau, tiểu nhiều:
- Thỏ ty tử, Ngũ vị tử, Tế tân, Trạch tả đều 40g, Sung úy tử, Thục địa đều 80g, Hoài sơn 60g. tán bột, trộn mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g (Thỏ Ty Tử Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị di tinh, bạch trọc:
- Thỏ ty tử 12g, Ngũ vị tử 6g, Phục linh, Hạt sen đều 12g. dùng Sơn dược hồ, làm hoàn. Mỗi lần uống 8g với nước muối nhạt hoặc sắc uống (Phục Thỏ Đơn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị tiêu chảy lâu ngày do Thận hư:
- Thỏ ty tử, Câu kỷ, Đảng sâm, Phục linh đều 12g, Sơn dược 16g, Hạt sen 12g. Tán bột. Dùng gạo hồ, làm hoàn. Ngày uống 2-3lần, mỗi lần 12g (Thỏ Ty Tử Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị mắt mờ do Can huyết suy:
- Thỏ ty tử, Sơn thù, Cúc hoa, Địa hoàng. Lượng băng nhau, tán bột, luyện với mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g với rượu (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị mắt mờ do Can Thận suy:
- Thỏ ty tử, Thục địa, Xa tiền tử đều 12g. tán bột. Trộn mật làm hoàn Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g với rượu (Trú Cảnh Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị tiêu khát:
- Thỏ ty tử sắc uống hoặc tán thành bột, làm hoàn uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị Tỳ Thận đều hư, tiêu lỏng:
- Thỏ ty tử, Thạch liên tử đều 9g, Phục linh 12g, Hoài sơn 15g. Sắc uống (An Huy Trung Thảo Dược).
Trị khớp viêm:
- Thỏ ty tử 6g, Vỏ trứng gà 9g, Bột xương trâu 15g, Tán bột, trộn đều. mỗi lần uống 6g, ngày 3 lần (Liễu Ninh Thường DụngTrung Thảo Dược Thủ Sách).
Trị bạch điến phong:
- Thỏ ty tử cả thân và hạt 25g, ngâm vào 100ml cồn 95%, sau 48 giờ, đem xát vào vùng bệnh, ngày 2 – 3 lần. Trị 10 ca, có kết quả 8 ca (Khoa Da Liễu Viện Y Học Tây An – Tây An Y Học Học Báo 1959, 6 : 88).
II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU
1. Bột
Màu nâu vàng hoặc nâu sẫm. Tế bào biểu bì của áo hạt hình gần vuông hoặc gần hình chữ nhật, thành tương đối dày khi nhìn từ mặt bên; có hình đa giác gần tròn, thành tế bào ở các góc dày lên khi nhìn trên bề mặt. Tế bào vỏ quả đều đặn xếp song song với nhau, có hai hàng tế bào khi nhìn từ mặt bên; các tế bào hình đa giác bị co lại khi nhìn trên bề mặt. Tế bào ngoại nhũ hình đa giác hoặc gần tròn, có chứa các hạt aleuron trong khoang rộng. Tế bào lá mầm chứa đầy hạt aleuron và những hạt dầu béo.
2. Định tính
Lấy một lượng nhỏ dược liệu, ngâm vào nước sôi, trên mặt nước xuất hiện một lớp chất nhày dính, đun sôi thêm đến khi vỏ hạt nứt ra sẽ để lộ phôi cuộn tròn màu vàng nhạt.
3. Các chỉ tiêu đánh giá khác
Độ ẩm
Không quá 12,0% (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 0C, 4 giờ).
Tro toàn phần
Không quá 10,0% (Phụ lục 9.8).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006