Dừa Cạn

Dược liệu Cây Dừa Cạn

  1. Tên khoa học: Radix et Folium Catharanthi
  2. Tên gọi khác: bông dừa, hoa hải đằng, trường xuân hoa, nhật nhật tân
  3. Tính vị, quy kinh: Lá: Vi hàn, lương, có độc. Vào các kinh tâm, can.
    Rễ: Vị hơi đắng, tính mát, có độc. Vào các kinh can, tâm, thận.
  4. Bộ phận dùng: lá, rễ
  5. Đặc điểm sản phẩm: Lá nguyên hình bầu dục hẹp, màu lục xám hay lục nhạt, đầu hơi nhọn. Gân hình lông chim, lồi ở mặt dưới lá. Vị đắng, mùi hắc. Rễ cong queo hoặc thẳng. Mặt ngoài hơi nhẵn, có màu nâu vàng, đoạn thân màu xám có vết sẹo của cành con. Rễ cứng khó bẻ, mặt bẻ lởm chởm. Mặt cắt ngang có màu trắng ngà, không mùi, vị đắng.
  6. Phân bố vùng miền: Ở nước ta dừa cạn mọc hoang và trồng làm cảnh ở An Giang, đảo Phú Quốc và Côn Đảo, có nhiều ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam- Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên.
  7. Thời gian thu hoạch: Thu hái lá trước khi cây có hoa. Thu hoạch rễ quanh năm.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT- Dừa Cạn

Dừa Cạn
Dừa Cạn

1. Mô tả thực vật Dừa Cạn

Dừa cạn là cây thảo, sống nhiều năm, cao 40-80 cm, cành thẳng đứng. Lá mọc đối, thuôn dài, đầu hoa nhọn, phía cuống hẹp, nhọn, dài 3-8 cm, rộng 1-2.5 cm, không có nhựa mủ. Hoa trắng hoặc hồng mọc riêng lẻ ở kẽ lá, đài hợp thành ống ngắn, tràng hợp hình đinh, phiến có 5 thùy, 5 nhị đính trên tràng, 2 lá noãn hợp với nhau ở vòi. Quả gồm 2 đại dài 2,5-5 cm, rộng 2-3 cm,  mọc thẳng đứng hơi ngả sang hai bên, trong có 12- 20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng, trên mặt hạt có những mụn nổi thành hàng dọc. Mùa hoa, quả gần như quanh năm.

2. Phân bố

  • Thế giới: Dừa cạn có nguồn gốc ở đảo Madagasca, mọc hoang và được trồng ở nhiều nước nhiệt đới và ôn đới.
  • Việt Nam: Ở nước ta dừa cạn mọc hoang và trồng làm cảnh ở An Giang, đảo Phú Quốc và Côn Đảo, có nhiều ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam- Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên.

3. Bộ phận dùng

Lá, Rễ phơi hay sấy khô của cây Dừa cạn (Catharanthus roseus (L.) G. Don), họ Trúc đào (Apocynaceae)

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

  • Thu hái:
  • Chế biến: Thu lấy rễ, rửa sạch đất cát, phơi hoặc sấy ở 50 oC tới khô.
  • Bảo quản: Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc mọt.

5. Mô tả dược liệu Dừa Cạn

Rễ cong queo hoặc thẳng, dài 10 – 20 cm, đường kính 1 -2 cm, phía trên có đoạn gốc thân dài 3 – 5 cm, phía dưới có nhiều rễ con nhỏ. Mặt ngoài hơi nhẵn, có màu nâu vàng, đoạn thân màu xám có vết sẹo của cành con. Rễ cứng khó bẻ, mặt bẻ lởm chởm. Mặt cắt ngang có màu trắng ngà, không mùi, vị đắng.

Dừa Cạn
Dừa Cạn

6. Thành phần hóa học: Dừa Cạn

  • Hàm lượng alcaloid toàn phần trong lá: 0,37- 1,15%, thân: 0,46%, rễ chính: 0,7- 2,4%; rễ phụ: 0,9 – 3,7%; hoa: 0,14-0,84%; vỏ quả 1,14; hạt 0,18%.
  • Có tới trên 70 alcaloid căn cứ vào cấu tạo hóa học người ta chia làm 3 nhóm chính:
  1. Nhóm alcaloid có nhân indol: perivin, peviridin, perosin, catharantin, cavicin, ajmalicin…
  2. Nhóm alcaloid có nhân indolin: vindolin, ajmalin, lochnericin, lochneridin, lochrovin…
  3. Nhóm alcaloid có 2 vòng indol hoặc 1 vòng indol và 1 vòng indolin. Trong nhóm này cò những alcaloid có tác dụng chữa bệnh ung thư như vinblastin = vincaleucoblastin có hàm lượng rất thấp: 0,003- 0,005% trong lá, leurosin và leurosidin

7. Phân biệt thật giả:

..chưa có..

8. Công dụng – Tác dụng: Dừa Cạn

  • Cao lỏng dừa cạn có tác dụng hạ huyết áp, an thần, gây ngủ và có độc tính nhẹ.
  • Vinblastin và Vincristin có tác dụng chống ung thư trên mô hình thực nghiệm, đặc biệt tác dụng chống bệnh bạch cầu. Hai alcaloid này tuy độc tính và tác dụng có khác nhau chút ít nhưng đều được dùng để điều trị bệnh Hodgkin, ung thư biểu mô, đặc biệt đối với bệnh lympho hạt, bệnh bạch cầu. Vinblastin sulfat,  lọ bột đông khô pha tiêm tĩnh mạch 5 mg, 10mg kèm ống dung môi NaCl 0,9%, 5 ml, 10 ml. Vincristin sulfat, lọ bột đông khô để pha tiêm tĩnh mạch 0.5 mg, 1 mg kèm 1ml dung dịch NaCl 0,9%.
  • Ngoài ra, dược liệu được dùng chữa bệnh bế kinh, huyết áp cao, chữa tiêu hóa kém và lỵ. Ngày dùng 8 – 12  g dạng thuốc sắc. Vinca (3 mg alcaloid toàn phần/1 viên), uống 2-3 viên x2 lần trong ngày chữa bệnh cao huyết áp.
  • Rễ dừa cạn được dùng làm nguyên liệu chiết xuất ajmalicin.

9. Cách dùng và liều dùng: Dừa Cạn

  • Ngày dùng 8 – 12 g. Dạng thuốc sắc hoặc hãm.

10. Lưu ý, kiêng kị : 

  • Có thai không dùng.

Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Dừa Cạn

Trị bệnh bạch cầu lymphô cấp: Dùng 15g dừa cạn sắc nước uống.

Hiện đã chiết được vinblastin từ lá Dừa cạn và dưới dạng thuốc tiêm vinblastin sulfat để chữa bệnh này.

 Trị huyết áp cao:

  1. Dùng Dừa cạn 12g, Hy thiêm 9g, Thảo quyết minh 6g và Bạch cúc 6g, sắc uống.
  2. Dừa cạn 160g, lá đinh lăng 180g, hoa hòe 150g, cỏ xước 160g, đỗ trọng 120g, chi tử 100g, cam thảo đất 140g. Các vị sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong hộp kín tránh ẩm. Ngày dùng 40g cho vào ấm, đổ nước sôi hãm, sau 10 phút là được. Uống thay trà trong ngày. Công dụng: an thần hạ áp, làm bền thành mạch, êm dịu thần kinh.
  3. Dừa cạn (phơi khô) 16g, nga truật 12g, hồng hoa 10g, tô mộc 20g, chỉ xác 8g, trạch lan 16g, huyết đằng 16g, hương phụ 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Trị lỵ trực khuẩn:

  • Người bệnh đi ngoài nhiều lần, bụng đau từng cơn, phân có chất nhầy, có máu mũi, sút cân nhanh. Bài thuốc: dừa cạn (sao vàng hạ thổ) 20g, cỏ sữa 20g, cỏ mực 20g, chi tử 10g, lá khổ sâm 20g, hoàng liên 10g, rau má 20g, đinh lăng 20g. Các vị cho vào ấm, đổ 3 bát nước sắc lấy 1,5 bát, chia 3 lần uống trong ngày.

Trị bệnh trĩ:

  • Hoa, lá dừa cạn và lá thầu dầu tía, hai thứ giã nhỏ đắp tại chỗ băng lại. Đồng thời uống bài thuốc sau: dừa cạn (sao vàng) 20g, cỏ mực 20g, phòng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, bạch truật 16g, thăng ma 10g, sài hồ 10g, trần bì 10g, cam thảo 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Uống liền 10 ngày, nghỉ 3 – 4 ngày, sau đó tiếp đợt hai.

Trị chứng tiêu khát:

  • dừa cạn 16g, cát căn 20g, thạch hộc 12g, hoài sơn 16g, sơn thù 12g, đan bì 10g, khiếm thực 12g, khởi tử 12g, ngũ vị 10g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Trị u xơ tiền liệt tuyến:

Trị khí hư bạch đới:

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU:

1. Vi phẫu:

  • Mặt cắt ngang có hình tròn. Ngoài cùng là lớp bần rất dày, cấu tạo bởi nhiều hàng tế bào hình chữ nhật. Mô mềm vỏ gồm các tế bào thành mỏng, xếp đồng tâm, các tế bào thường bị dồn ép lại. Libe gồm các bó xếp liền nhau tạo thành vòng bao quanh gỗ. Tầng phát sinh libe-gỗ gồm một lớp tế bào. Phần gỗ có nhiều mạch gỗ xếp thành hàng sát nhau.

2. Bột:

  • Bột có màu vàng nhạt, không mùi, vị đắng.
  • Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần, sợi đứng riêng lẻ hay xếp thành bó, mảnh mô mềm có chứa tinh bột, mảnh mạnh điểm. Các hạt tinh bột đơn hoặc kép đôi, kép ba, đường kính 0,01 – 0,015 mm.

3. Định tính:

  • A. Lấy 5 g bột dược liệu cho vào bình nón nút mài, làm ẩm bột dược liệu bằng dung dịch amoniac đặc(TT) trong 30 phút, thêm 25 ml cloroform (TT), lắc kỹ trong 30 phút, lọc vào bình gạn, chiết 3 lần bằng dung dịch acid hydrocloric 2% (TT), mỗi lần 5 ml. Lấy dịch chiết  acid (dung dịch A) để làm phản ứng sau:

Lấy 4 ml dung dịch A cho vào 4 ống nghiệm, mỗi ống 1 ml.

Ống 1: Thêm 2 giọt thuốc thử Mayer (TT), xuất hiện tủa vàng nhạt.

Ống 2: Thêm 2 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa đỏ cam.

Ống 3: Thêm 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu nhạt.

Ống 4: Thêm 2 giọt dung dịch acid picric(TT), xuất hiện tủa vàng.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng

Bản mỏng: Silica gel GF254

Dung môi khai triển: Hỗn hợp dung môi  cloroform : methanol (19 : 1).

Dung dịch thử: Chuyển dung dịch A còn lại ở trên vào bình gạn, kiềm hoá bằng amoniac (TT) tới pH 9 – 10, lắc với cloroform (TT) 2 lần, mỗi lần 5 ml. Gộp các dịch chiết cloroform, cô trên cách thuỷ tới còn khoảng 5 ml dùng làm dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Pha ajmalicin chuẩn trong hỗn hợp dung môi cloroform – methanol (1:1) để được dung dịch có nồng độ 0,5%. Nếu không có chất chuẩn thì dùng 5 g rễ Dừa cạn (mẫu chuẩn), chiết như đối với dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, phun thuốc thử Dragendorff (TT). Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với vết ajmalicin trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (nếu dùng chất chuẩn) hoặc dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

4. Định lượng:

  • Cân chính xác khoảng 5 g bột dược liệu (qua rây số 1000) cho vào bình Shoxhlet, thêm 300 ml methanol (TT) vào chiết liên tục 5 – 6 giờ ở nhiệt độ 70 – 80 oC cho kiệt alcaloid, cất thu hồi methanol dưới áp xuất giảm tới cắn, hoà cắn với dung dịch acid sulfuric 2% (TT) 6 lần, lần đầu 50 ml, 5 lần sau mỗi lần 20 ml. Gộp các dịch chiết acid, lắc với cloroform (TT) 3 lần, mỗi lần 30 ml. Bỏ dịch cloroform. Kiềm hoá phần dịch chiết acid bằng dung dịch amoniac đặc (TT) tới pH 10, chiết lấy alcaloid toàn phần bằng cách lắc với cloroform (TT) 6 lần, mỗi 30 ml. Gộp các dịch chiết cloroform và lọc qua phễu lọc có natri sulfat khan (TT), rửa natri sulfat bằng 5 ml cloroform (TT) lấy dịch lọc và cất thu hồi cloroform tới cắn, sấy cắn ở 105 oC trong 1 giờ. Hoà tan cắn trong hỗn hợp dung môi gồm 10 ml cloroform khan (TT) và 10 ml acid acetic khan (TT). Thêm 1 – 2 giọt dung dịch tím tinh thể (CT). Chuẩn độ bằng dung dịch acid percloric 0,01 N (CĐ) đến khi dung dịch có màu xanh lam hết ánh tím.

1 ml dung dịch acid percloric 0,01 N (CĐ) tương ứng với 3,5242 mg alcaloid toàn phần tính theo ajmalicin.

Hàm lượng alcaloid toàn phần trong rễ dừa cạn được tính theo công thức:

V x 3,5342 x k x 10

X(%) = —————————

a(100 – b)

Trong đó:

V: Thể tích dung dịch acid percloric 0,01 N (CĐ) (ml)

k : Hệ số điều chỉnh của dung dịch chuẩn độ

a: Lượng bột dược liệu đem định lượng (g)

b: Độ ẩm của dượcliệu

Dược liệu phải chứa ít nhất 0,7 % alcaloid toàn phần tính theo dược liệu khô kiệt.

5. Các chỉ tiêu đánh giá khác:

  • Độ ẩm: Không quá 12% (Phụ lục 9.6, 2 g, 100 – 105 oC, sấy tới khối lượng không đổi)
  • Tro toàn phần: Không quá 9,0%.
  • Tạp chất: Không quá 1,0% .

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img