Thục Địa

Dược liệu: Thục Địa

  1.  Tên khoa học: Radix Rehmanniae glutinosae praeparata
  2. Tên gọi khác: địa hoàng
  3. Tính vị, quy kinh: Ngọt, ấm. Vào các kinh can, thận, tâm
  4. Bộ phận dùng: Rễ củ
  5. Đặc điểm sản phẩm: Phiến dày hoặc khối không đều. Mặt ngoài bóng. Chất mềm, dai, khó bẻ gẫy. Mặt cắt ngang đen nhánh, mịn bóng. Không mùi, vị ngọt.
  6. Phân bố vùng miền:
    – Thế giới: Trung Quốc,
    – Việt Nam: trung du và đồng bằng miền Bắc
  7. Thời gian thu hoạch: tháng 7 -8

Mô Tả Dược Liệu Thục Địa

sinh địaThục địa là do Sinh địa chế biến thành, được ghi đầu tiên trong sách Bị ấp thiên kim yếu phương, tập 27 với tên Thục can địa hoàng. Thục địa là phần rễ của cây Địa hoàng ( Rehmannia glutinóa Libosch, thuộc họ Hoa mõm chó ( Scrophulariaceae).

địa hoàng
Cây Địa hoàng
  • Tính vị qui kinh: Ngọt hơi ôn, qui kinh Can thận.
  • Thành phần chủ yếu: B-sitosterol, mannitol, stigmasterol, campesterol, rehmannin, catalpol, arginine, glucose.
  • Tác dụng dược lý: A.Theo Y học cổ truyền: Dưỡng huyết tư âm, bổ tinh ích tủy. Chủ trị các chứng huyết hư, phụ nữ kinh nguyệt không đều, băng lậu .can thận âm hư, chứng tiêu khát, tinh huyết hư.
thục địa
Thục Địa

Bài Thuốc Với Thục Địa

Trị chứng huyết hư kinh nguyệt không đều ở phụ nữ hoặc các chứng huyết hư khác như sắc da tái nhợt, váng đầu, hoa mắt, ù tai, thiếu máu: thường dùng bài Tứ vật thang (Cục phương) gia giảm.

  • Tứ vật thang: Thục địa 20g, Đương qui, Bạch thược mỗi thứ 12g, Xuyên khung 6 – 8g.
  • Gia giảm: Khí hư gia Đảng sâm, Hoàng kỳ để bổ khí sinh huyết, nếu ứ huyết nặng gia thêm Đào nhân, Hồng hoa ( tức bài Đào hồng Tứ vật) để tăng tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Trường hợp huyết hư kiêm hàn gia Nhục quế, Bào khương để ôn dưỡng huyết mạch. Nếu huyết hư sinh nội nhiệt gia thêm Liên kiều, Đơn bì, Thục địa thay bằng Sinh địa để lương huyết dưỡng huyết. Trường hợp huyết hư kèm chảy máu bỏ Xuyên khung gia A giao, Hoa hòe để bổ huyết chỉ huyết.

Trị chứng âm hư ( hư nhiệt sốt âm ỉ vào chiều tối nặng hơn, sôt kéo dài, ra mồ hôi trộm, môi khô, lưỡi thon đỏ, mạch tế, sác.) thường gặp trong các bệnh nhiễm thời kỳ hồi phục, bệnh ung thư suy kiệt, bệnh chất tạo keo, viêm đa khớp dạng thấp, bệnh suy giảm miễn dịch. Tùy tình hình bệnh lý có thể chọn dùng các bài sau:

  • Tả qui hoàn ( Cảnh nhạc toàn thư): Thục địa 20g, Sơn thù, Câu kỷ tử, Thỏ ty tử, Lộc giác giao, Qui bản mỗi thứ 12g, Sơn dược 16g, Ngưu tất 12g, tán bột mịn luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 8 – 12g, ngày 2 lần.
  • Lục vị Địa hoàng hoàn ( Tiểu nhi dược chứng trực quyết): Thục địa hoàng 32g, Sơn dược 16g, Sơn thù 16g, Bạch linh, Trạch tả, Đơn bì mỗi thứ 12g. Thục địa sắc lấy nước còn bã cùng các vị thuốc khác sấy khô tán bột mịn trộn với nước Thục địa cho thêm mật ong vừa đủ làm hoàn nhỏ. Mỗi lần uống 8 – 12g, ngày 2 – 3 lần với nước sôi nguội hòa nước nuối nhạt, chủ yếu là bổ thận âm.
  • Đại bổ âm hoàn ( Đơn khê tâm pháp): Thục địa (rượu chưng), Qui bản ( dấm chích) mỗi thứ 24g, Tri mẫu, Hoàng bá mỗi thứ 16g, Thục địa sắc lấy nước như trên, các vị thuốc tán bột mịn cùn tủy heo chưng chín luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 8 – 12g, ngày uống 2 lần sáng tối.

Đối với những bệnh viêm thận mạn, huyết áp cao, tiểu đường, suy nhược thần kinh thể âm hư, dùng bài Lục vị gia giảm có kết quả tốt, có thể cải thiện chức năng thận ( Nghiên cứu dược lý bài Phức phương Lục vị địa hoàng hoàn, Tác dụng của thuốc đối với huyết áp và chức năng thận đối với mô hình viêm thận của chuột trắng to – Tạp chí Nội khoa Trung hoa 12:23-25,1964.

Trị hư suyễn: Kinh nghiệm cổ nhân có nói: ” Thục địa là thuốc trị hư đờm”. Bệnh nhân hư suyễn có thể dùng Thục địa uống thay trà phối hợp với Ngưu tất càng tốt. Có thể dùng các bài:

  • Đô khí hoàn ( Lục vị địa hoàng gia Ngũ vị tử) mỗi lần 8 -12g, ngày 2 lần, tùy tình hình bệnh có thể gia vị sắc uống.
  • Kim thủy lục quân tiễn ( Cảnh nhạc toàn thư): Đương qui 12g, Thục địa 16g, Trần bì 6g, Bán hạ chế gừng 8g, Bạch linh 12g, Chích thảo 4g, sắc uống.

Trị táo bón do âm hư: thường trở thành tập quán dùng Thục địa 80g sắc với thịt nạc heo uống.

Trị tiểu đường: Sinh tân chỉ khát thang ( kinh ngiệm): Đại Thục địa 12g, Thái tử sâm 16g, Sơn dược 20g, Ngũ vị tử 8g, sắc uống.

Trị huyết áp: mỗi ngày dùng Thục địa 20 – 30g liên tục trong 2 tuần. Trị 62 ca kết quả tốt, huyết áp và cholesterol đều hạ, triglycerid giảm, não huyết lưu đồ và điện tâm đồ đều được cải thiện.

Trị viêm thoái hóa cột sống:

Dùng Thục địa 30 cân, Nhục thung dung 20 cân, đều sấy khô, tán bột mịn, Cốt toái bổ, Dâm dương hoắc, Kê huyết đằng, mỗi thứ 20 cân, La bạc tử 10 cân, sắc thành cao còn 22 cân, gia mật 3 cân, trộn đều luyện thành hoàn nặng 2,5g/hoàn, mỗi lần uống 2 hoàn, ngày uống 2 – 3 lần, liệu trình một tháng. Đã trị trên 3 vạn ca, theo 1000 ca được thống kê: kết quả tốt 803 ca, tiến bộ 141 ca, không kết quả 56 ca, phần lớn trong 1 – 2 liệu trình có kết quả ( Lưu bá Linh, Phân tích lâm sàng 1.000 ca viêm thoái hóa cột sống, Tạp chí Trung y Liêu ninh 1982,3:40).

Trị tế bào thượng bì thực quản tăng sinh:

Dùng Lục vị địa hoàng gồm: Thục địa, Sơn thù, sơn dược, trạch tả, Phục linh, Đơn bì theo tỷ lệ 8:4:4:3:3:3, tán mịn, luyện mật làm hoàn. Mật, thuốc tỷ lệ mỗi thứ 1/2, mỗi hoàn 10g, mỗi lần uống 1 -2 hoàn, ngày uống 1 – 3 lần liên tục trong 12 năm. Đã trị 46 ca nghi ung thư thực quản và tế bào thực quản tăng sinh, kết quả ung thư hóa 1 ca, ổn định 4 ca, tiến bộ tốt 41 ca. Đối với tế bào thượng bì thực quản tăng sinh, tỷ lệ tiến bộ tốt 89,1% ( Bệnh viện Ung thư tỉnh Hà bắc: Nhận xét bước đầu về kết quả điều trị tế bào thượng bì thực quản tăng sinh bằng Lục vị Địa hoàng hoàn, Tạp chí Tân y dược học 1977,7:15).

Liều lượng thường dùng và chú ý lúc dùng: Liều: 10 – 30g, thuốc sắc, nấu cao, hoàn tán.

Chú ý:

  • Thục địa tính nê trệ cùng dùng với Trần bì, Sa nhân để dễ tiêu hóa hấp thu.
  • Theo kinh nghiệm cổ truyền: Thục địa sao thành than để cầm máu.
  • Thục địa ngâm rượu vừa có tác dụng bổ huyết vừa hoạt huyết.
  • Trường hợp tỳ vị hư hàn, tiêu chảy, ăn kém hay đầy bụng, lúc cần nên phối hợp thuốc kiện tỳ hành khí.

 

 

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img