Tục Đoạn

Dược liệu Tục Đoạn

  1. Tên khoa học: Dipsacus japonicus Miq
  2. Tên gọi khác: Sâm nam, đầu vù (Mèo), rễ kế (miền nam)
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng, tính hơi hàn; Quy kinh: can, thận
  4. Bộ phận dùng: Thân rễ
  5. Đặc điểm dược liệu: Rễ hình trụ, hơi cong queo, đầu trên to, đầu dưới thuôn nhỏ dần. Mặt ngoài màu nâu nhạt, nhiều nếp nhăn và rãnh dọc. Dễ bẻ gãy, mặt bẻ lởm chởm.
  6. Phân bố vùng miền: Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang
  7. Thời gian thu hoạch: Tháng 8 – 10

I. THÔNG TIN CHI TIẾT

Dược liệu Tục Đoạn

1. Mô tả thực vật

Cây thảo, cao 1,5 – 2 m. Rễ mập, không phân nhánh. Thân có 6 cạnh khía và trên cạnh có một hàng gai thưa ,càng lên trên càng mau dẫn , gai quặp trở xuống . Lá mọc đối, không cuống, có bẹ ôm thân hoặc cành , gân lá cách , trên đường gân của mặt dưới có một hàng gai nhỏ cứng , càng lên đầu lá càng mềm dẫn . Lá dài 4-20 cm, rộng 0,5 – 0,6 cm, mép có răng cưa, những lá phía dưới chia thùy không đều, thùy tận cùng rất to, những lá phía trên nguyên, hình mác, gân lá nổi rõ ở mặt dưới. Lá già có phiến lá xẻ sâu răng cưa mau hơn lá non , phiến lá xẻ cách từ 3 – 9 thùy , gân lá có gai nhỏ như lá non. Cũng có lá nguyên .Cụm hoa hình trức  hay hình cầu,  mọc trên một cán dài đầy lông thành đầu tròn;cành mang hoa dài 10 -20 cm , 6 cạnh có lông cứng , càng lên cao càng mau dần. lá bắc dài 1 – 2 cm ,  có lông mi ở mép phía dưới; hoa màu trắng; đài 4 răng nhỏ gần bằng nhau; tràng 4 cánh hàn liền thành phễu ở 2/3 phía dưới; nhị 4; chỉ nhị hình chỉ nhẵn.Quả bế, dài 4 – 5 mm, hơi hình 4 cạnh, nhẵn, gốc bằng (cụt) , màu xám trắng còn đài sót lại .Mùa hoa quả : tháng 8-10

Tục đoạn
Dược liệu Tục Đoạn

2. Phân bố:

  • Thế giới: Cây mọc hoang ở các savan cỏ có đất và sét , độ cao 1.400 – 1.700 m Phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm hoặc cận nhiệt đới thuộc châu Âu, châu Á và Bắc Phi , Đông Á , Trung Quốc , Nhật Bản
  • Việt Nam: chi này có 2 loài Dipsacus japonicus Miq. và D. asper Wallich ex Candolle, đều gọi chung là tục đoạn. ở mộí số vùng núi cao miền Bắc Việt Nam, thuộc các tỉnh Lào Cai (Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Than Uyên), Lai Châu (Sìn Hổ, Phong Thổ; Tủa Chùa) và Hà Giang (Đồng Văn, Mèo Vạc và Quản Bạ) , Lào Cai , Tuyên Quang . Độ cao phân bố từ 1350 đến 1600m

3. Bộ phận dùng

Rễ tục đoạn đã phơi hay sấy khô (Radix Dipsaci).

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

  • Thu hái: Tục đoạn trồng được một năm có thể cho thu hoạch. Nếu để 2 – 3 năm, củ cái sẽ bị thối, chỉ còn lại củ nhánh. Củ thu vào tháng 8 – 10 , đào lấy rễ , cắt bỏ mẩu thân và rễ con , rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô .Ở trung du và đồng bằng cũng trồng được tục đoạn vào vụ tháng 8-9, nhưng phải thu hoạch sớm vào tháng 6-7 năm sau, do đó năng suất không cao.
  • Chế biến: Thu hoạch vào mùa thu, đào lấy rễ già, rửa sạch, bỏ gốc thân và rễ tua, phơi hoặc sấy đến khô ở 50 – 60 oC. Đối với xuyên tục đoạn (D. asperoides C. Y cheng at TM. Ai). Cũng có nơi đào rễ , cắt bỏ đầu và rễ ,con như trên rồi dùng củi gỗ gun cho rễ mềm chất thành đống , đậy bao tải lên đợi cho rễ ẩm lại và chờ cho đến khi mặt vỏ ngoài có vàng hay hơi xám , giữa rễ có màu xanh thì đưa ra phơi hay sấy khô.
  • Bảo quản: Nơi khô mát, tránh mốc mọt.

5. Mô tả dược liệu Tục Đoạn

Dược liệu Tục Đoạn
Dược liệu Tục Đoạn

Rễ hình trụ, hơi cong queo, đầu trên to, đầu dưới thuôn nhỏ dần, dài 8 – 20 cm, rộng 0,4 – 1 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt đến nâu xám, có nhiều nếp nhăn và rãnh dọc, có nhiều lỗ bì nằm ngang và những đoạn rễ con còn sót lại. Dễ bẻ gãy, mặt bẻ lởm chởm. Mặt cắt ngang có lớp bần mỏng, tầng sinh libe-gỗ màu nâu, bó libe-gỗ màu nâu nhạt, sắp xếp thành tia toả ra.

6. Thành phần hóa học chính.

  • Alcaloid là lamiin , ít tinh dầu và chất màu
  • Rễ củ Tục đoạn có chứa một số chất là sucrose, daucosterol, b-sitosterol, akebia saponin D…. (Zhang Y. W. và cs, 1991).
  • Theo Kouno Isao và cs (1990), rễ củ chứa 1 triterpen glycosid, 3 iridoid glycosid (swerosid, loganin, cantleyosid). Ngoài ra, còn chứa 2 saponin là japondipsaponin E1 và E2…

8. Tác dụng – Công dụng

  • Tác dụng: can thận, cường cân cốt, liền xương, an thai , lợi sữa .
  • Công dụng:
  1. Thắt lưng và đầu gối đau yếu, di tinh, động thai, rong kinh, băng huyêt, đới hạ, sang chấn, gãy xương, đứt gân.
  2. Tửu Tục đoạn thường dùng cho người phong thấp, sang chấn.
  3. Diêm Tục đoạn thường dùng cho người đau yếu thắt lưng và đầu gối.
  4. Thuốc bổ  toàn thân , gan thận, chữa đau mỏi gân cốt, đặc biệt ở người già:
  5. Chữa động thai, doạ sẩy khi có thai được 2-3 tháng
  6. Chữa sữa không xuống, sữa ít sau khi đẻ
  7. Chữa vết thương sưng tấy, gẫy xương
  8. Chữa đau lưng, chân tay đau mỏi , thuốc làm dịu đau chữa đau đớn do bị ngã , bị thương
  9. Chữa di tinh
  10. Thuốc bổ thận cố tinh, chữa tê thấp, di tinh
  11. Phòng ngừa sẩy thai trong trường hợp hay đẻ non
  12. Chữa kinh nguyệt quá nhiều, kinh màu nhạt
  13. Cầm máu

9. Cách dùng và liều dùng.

Ngày 9 – 18g, dưới dạng thuốc sắc hoặc chế thành hoàn tán. Ít khi dùng riêng, thường phối hợp với các vị thuốc khác có thể ngâm rượu

10. Lưu ý, kiêng kị

Không dùng cho người âm hư hoả vượng.

11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Tục Đoạn

  • Bài 1: Chữa động thai

Tục đoạn ( tẩm rượu ) 80g , đỗ trọng ( tẩm nước gừng rồi sao cho đứt tơ ) 80g , hai vị tán nhỏ trộn với thịt táo đỏ ( táo Trung Quốc ) viên bằng hạt ngô . Ngày uống 30g , chiêu thuốc bằng nước cơm

Chữa phụ nữ có thai 2 -3 tháng mà động thai

  • Bài 2: Bài tử mẫu bí lục cứu người , đẻ xong lúc nóng lúc rét , phiền muộn

Tục đoạn 40g , nước 600ml , sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày

  • Bài 3: Thuốc bổ gan thận , chữa đau mỏi gân cốt , đặc biệt ở người già

Tục đoạn 10g , ngưu tất 10g , đỗ trọng 10g , tang ký sinh 10g , câu kỷ tử 5g , đương quy 5g , hà thủ ô 5g . Tất cả thái nhỏ , phơi khô sắc với 400 ml nước còn 100 ml , chia làm 2 lần uống trong ngày . Có thể ngâm rượu sống.

  • Bài 4: Chữa sữa không xuống , sữa ít sau khi đẻ

Tục đoạn 15g , đương quy , xuyên khung mỗi vị 5g , xuyên sơn giáp ( rang cháy ) , ma hoàng mỗi vị 6g , thiên hoa phấn 9g , sắc nước uống

  • Bài 5: Chữa vết thương sưng tấy , gẫy xương

Tục đoạn , cốt toái bổ , ngưu tất , nhũ hương , một dược , tam thất , đỗ trọng , đương quy , xuyên khung , mỗi vị 3 – 5 g . Sắc nước uống , ngày một thang

  • Bài 6: Chữa đau lưng , chân tay đau mỏi

Tục đoạn , hổ cốt , tỳ giải , hồi hương , cẩu tích , đương quy , sa nhân , lộc nhung , mỗi vị 30g , long cốt , xuyên sơn giáp , nhũ hương , mỗi vị 20g , một dược 10g , đỗ trọng 60g . thỏ ty tử 120g , tất cả nghiền thành bột , trộn với hồ chế thành hoàn . Mỗi lần uống 3g với nước muối nhạt

  • Bài 7: Thuốc bổ thận cố tinh , chữa tê thấp , di tinh

Có 10% tục đoạn phối hợp với ba kich , bạch truật , cẩu tích , hạt sen , hoài sơn , liên tu , kim anh , cam thảo dây , mẫu lệ

  • Bài 8: Phòng ngừa sẩy thai trong trường hợp hay đẻ non

Tục đoạn 4g , đảng sâm 4g , hoàng kỳ 4g , đương quy 4g , hoàng cầm 4g , xuyên khung 3g, bạch thược 3g , thục địa 3g , bạch truật 8g , sa nhân 2g , cam thảo ( chích 2g ) , gạo nếp 1 nắm . Thái nhỏ, nấu với nhiều lần nước để lấy nước đặc cho gạo nếp vào nấu thành cháo , ăn trong ngày dùng 3 -5 ngày

  • Bài 9: Chữa kinh nguyệt quá nhiều , kinh màu nhạt

Tục đoạn 10g , thục địa 12g , đương quy 10g , ngải diệp 3g , xuyên khung 3g . Sắc nước uống

  • Cải thiện chứng lãnh cảm ở phụ nữ:

Tục đoạn 20g, đuôi lợn 50g, đỗ trọng 20g, ba kích 20g, nhục thung dung 20g, đậu đen 30g. Tất cả hầm nhừ ăn ngày 1 lần.  Ăn liền 1 tuần.

  • Sưng đau do té ngã: 

Tục đoạn 10g, đương quy 12g, ngưu tất 10g, đỗ trọng 12g, địa hoàng 10g, quế bột một thìa cà phê, sắc uống nóng ngày 1 thang. Uống trong 3 ngày.

  • Giảm đau lưng, đau mỏi gân xương:

Tục đoạn 40g, đậu đen 80g, tang ký sinh 80g, rượu trắng 60ml. Các vị thuốc sao thơm rồi đem ngâm với rượu, sau 7 ngày là dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 15ml.

  • Hỗ trợ điều trị phong thấp ở người cao tuổi (với biểu hiện mỗi khi thời tiết thay đổi, các khớp đau nhức âm ỉ, người bệnh ít ngủ, trằn trọc, đi lại khó khăn): 

Tục đoạn 20g, xương bồ 12g, thổ phục linh 16g, tang chi 12g, rễ cỏ xước 12g, rễ bưởi bung 16g, quế 10g, cam thảo 12g. Đổ 1 lít  nước, sắc lọc bỏ bã lấy 350ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng 7 – 10 ngày là một liệu trình.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU

1. Đặc điểm bột dược liệu

Màu nâu nhạt, mùi thơm, vị đắng sau chát. Soi kính hiển vi thấy: Nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai, đường kính 38 – 50m, rải rác ở ngoài hay ở trong tế bào mô mềm hình chữ nhật có thành mỏng. Mảnh bần màu vàng nâu. Nhiều mảnh mạch mạng, mạch chấm, đường kính 3 – 40m. Mạch ngăn.

2. Định tính

A. Dưới ánh sáng tử ngoại, bột Tục đoạn có màu nâu đen.

B. Cho khoảng 2 g bột dược liệu vào một bình nón nút mài dung tích 100 ml, thêm 4 ml amoniac đậm đặc (TT), lắc đều, đậy kín và để yên trong 1 giờ. Thêm 30 ml cloroform (TT), lắc siêu âm trong 30 phút. Lọc lấy dịch chiết cloroform, làm khan bằng natri sulfat khan (TT), lọc và bốc hơi trên cách thủy tới khô. Hòa tan cắn trong 5ml dung dịch acid sulfuric 10% (TT).

Dùng dịch chiết này để làm các phản ứng sau:

Lấy 1 ml dịch chiết, thêm 2 giọt thuốc thử Mayer (TT) sẽ xuất hiện tủa trắng.

Lấy 1 ml dịch chiết, thêm 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT) sẽ xuất hiện tủa nâu.

Lấy 1 ml dịch chiết, thêm 2 giọt thuốc thử Dragendorff (TT) sẽ xuất hiện tủa đỏ cam.

C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel G.

Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethylacetat – aceton (7 : 3 : 0,5).

Dung dịch thử: 1,0 g dược liệu đã thái nhỏ, thêm 20 ml hỗp hợp ethanol – cloroform (1: 2), đun sôi trên cách thuỷ khoảng 2 phút, để nguội, lọc. Bốc hơi dịch lọc đến còn lại 2 ml.

Dung dịch đối chiếu: Lấy khoảng 1,0 g Tục đoạn (mẫu  chuẩn) đã thái nhỏ, chiết như dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 l mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai xong, để khô bản mỏng ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch vanilin 1% (TT)trong hỗn hợp đồng thể tích  acid sulfuric (TT) và ethanol (TT), sấy bản mỏng ở 120 0C cho đến khi các vết hiện rõ. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu sắc và giá trị Rfvới các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

3. Định lượng

Tiến hành bằng phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3)

Pha động: Acetonitril – nước (30 : 70), điều chỉnh tỷ lệ nếu cần thiết.

Dung dịch thử: Cân chính xác khoảng 0,5 g bột dược liệu vào bình nón nút mài, thêm chính xác 25 ml methanol (TT), đậy nút bình và cân xác định khối lượng bình. Lắc siêu âm bình trong 30 phút, để nguội và cân lại khối lượng bình, bổ sung lượng dung môi methanol (TT) thiếu hụt, lắc đều và lọc. Hút chính xác 5 ml dịch lọc vào bình định mức 50 ml, thêm pha động vừa đủ đến vạch, lắc đều.

Dung dịch đối chiếu: Cân chính xác một lượng asperosaponin VI chuẩn, hòa tan trong methanol (TT) để được dung dịch có nồng độ khoảng 1,5 mg/ml. Hút chính xác 1 ml dung dịch trên cho vào bình định mức 10 ml, thêm pha động vừa đủ đến vạch, lắc đều.

Điều kiện sắc ký:

Cột thép không gỉ (25 cm x 4,6 mm), được nhồi pha tĩnh C dùng cho sắc ký (5 m).

Detector quang phổ hấp thụ tử ngoại khả kiến ở bước sóng 212 nm.

Tốc độ dòng: 1,0 – 2,0 ml/phút.

Thể tích tiêm: 20 l.

Cách tiến hành:

Tiêm dung dịch chuẩn, tính toán số đĩa lý thuyết của cột. Số đĩa lý thuyết của cột tính trên pic chuẩn asperosaponin VI phải không được dưới 3000.

Tiêm lần lượt dung dịch đối chiếu và dung dịch thử. Căn cứ vào diện tích pic thu được từ dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C47H46O18 của asperosaponin VI chuẩn, tính hàm lượng asperosaponin VI (C47H46O18) trong dược liệu.

Dược liệu phải chứa không dưới 2,0% asperosaponin VI (C47H46O18) tính theo dược liệu khô kiệt

4. Tiêu chuẩn đánh giá khác nhau

  • Độ ẩm: Không quá 10% . Dùng 10 g dược liệu cắt nhỏ.
  • Tạp chất: Dược liệu còn sót gốc thân: Không quá 5%
  • Tro toàn phần: Không quá 10% (Phụ lục 9.8).
  • Chất chiết được trong dược liệu: Dược liệu phải chứa không ít hơn 45,0%  tính theo dược liệu khô kiệt.Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng  nước làm dung môi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Dược điển Việt Nam IV
  • Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam tập 1 , 2
  • Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam –Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi

 

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img