Tử Uyển

Dược liệu Tử Uyển

  1. Tên khoa học: Radix Asteris
  2. Tên gọi khác: thanh uyển, ngưu bàng
  3. Tính vị, quy kinh: vị đắng, cay, tính ôn, quy kinh phế và tâm
  4. Bộ phận dùng: rễ và thân rễ
  5. Đặc điểm sản phẩm: Dược liệu là thân rễ và rễ; thân rễ là những khối lờn, đỉnh có vết tích của thân và lá. Chất hơi cứng. Các thân rễ mang nhiều rễ chùm nhỏ, thường tết lại thành bím. Mặt ngoài màu đỏ hơi tía hoặc màu đỏ hơi xám, có vân nhăn dọc. Chất rễ tương đối dai, mềm. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt, hơi đắng
  6. Phân bố vùng miền: Thế giới: vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới châu Á và châu Mỹ. Việt Nam: tập trung ở các tỉnh phía bắc như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn
  7. Thời gian thu hoạch: mùa xuân hoặc mùa thu

I. THÔNG TIN CHI TIẾT

1. Mô tả thực vật

Là loại cây sống lâu năm, cao 1-1,5m, thân và rễ ngắn, mang nhiều rễ con. Thân mọc thẳng đứng, trên có nhiều cành, thân và cành có nhiều lông ngắn, phía gốc có lá mọc vòng. Khi cây ra hoa thì những lá này héo đi. Lá hình mác dài 20-40cm, rộng 6-12cm, đầu tù, phía cuống hẹp lại, cuống dài có dìa, mép có răng cưa, 2 mặt lá đều như không cuống, dài 18-35cm, rộng 2,5-3,5cm có cuống dài. Hoa thìa lìa mọc xung quanh có màu tía tím nhạt, hoa ống ở giữa có màu vàng. Quả khô, hơi dẹp có lông trắng

tu uyen 901

Tử uyển ở Việt Nam là một loại cỏ cao 0,3-1,6m, mọc thẳng đứng, trên ngọn phân nhánh, thân có lông ngắn, lá hình bầu dục thuôn dài, hẹp lại ở phía cuống, mép có răng cưa. Lá dài 3-7cm, rộng 5-25mm. Hoa hình đầu, tím nhạt ở xung quanh, vàng ở giữa, mọc đơn độc hoặc tụ từng 3-5 hoa thành ngù ở đầu cành. Quả bé, dài 2,5mm, có lông, mép có dìa màu vàng nhạt.

Dược liệu Tử Uyển
Dược liệu Tử Uyển

2. Phân bố

  • Thế giới: vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới châu Á và châu Mỹ.
  • Việt Nam: tập trung ở các tỉnh phía bắc như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn

3. Bộ phận dùng

Rễ và thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Tử uyển (Aster tatarinus L.f.), họ Cúc (Asteraceae).

4. Thu hái, chế biến và bảo quản

  • Thu hái: Thu hoạch vào mùa xuân và mùa thu, đào lấy rễ và thân rễ, loại thân rễ có mấu và đất cát, tết bó lại, phơi nắng đến khô.
  • Chế biến: Tử uyển sống: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm nhanh, thái phiến và phơi khô. Mật Tử uyển (chế mật): Mật ong hoà loãng bằng nước sôi, trộn đều Mật ong với Tử uyển phiến, ủ đến khi mật ong thấm đều, cho vào chảo, sao nhỏ lửa đến khi không dính tay, lấy ra và để nguội. Dùng 2,5 kg mật ong cho 10 kg Tử uyển.
  • Bảo quản: Nơi khô, mát, tránh nấm mốc.

5. Mô tả dược liệu Tử Uyển

Dược liệu là thân rễ và rễ; thân rễ là những khối lờn, nhỏ không đều, đỉnh có vết tích của thân và lá. Chất hơi cứng. Các thân rễ mang nhiều rễ chùm nhỏ, dài 3 – 15cm, đường kính 0,1 – 0,3cm, thường tết lại thành bím. Mặt ngoài màu đỏ hơi tía hoặc màu đỏ hơi xám, có vân nhăn dọc. Chất rễ tương đối dai, mềm. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt, hơi đắng.

6. Thành phần hóa học

Tử uyển chủ yếu có chứa Astersaponin, quercetin, epifriedelinol, friedelin. vv…

7. Phân biệt thật giả

…cập nhật…

8. Công dụng – Tác dụng Tử Uyển

  • Tác dụng: Tuyên phế, hoá đàm, chỉ khái.
  • Công dụng: Chủ trị: ho và suyễn mới hoặc lâu ngày kèm nhiều đàm, hư hao.

9. Cách dùng và liều dùng

  • Ngày 5 – 9 g, phối ngũ trong các bài thuốc.
  • Chú ý: Không nên dùng nhiều và độc vị, thường phối hợp với Khoản đông hoa, Bách bộ.

10. Lưu ý, kiêng kị 

  • Người có thực nhiệt không được dùng.

11. Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Tử Uyển

  • Trị trẻ nhỏ ho: Xuyên bối mẫu 20g, Khoản đông hoa 10g, Tử uyển 40g. Tán bột mỗi lần dùng 4-6g/ 3 lần (Tử Uyển Tán I4- Thái Bình Thánh Huệ Phương)
  • Trị ho khan do ngoại cảm phong nhiệt (viêm đường hô hấp trên): Tử uyển 12g, Bách bộ 12g, Bạch tiền 12g, Cát cánh 8g, Kinh giới 8g, Trần bì 6g, Cam thảo 3g. Sắc uống. (Chỉ thấu tán -Y học tâm ngộ)
  • Trị ho đàm, ho có máu (do Phế âm hư): Tử uyển, Tri mẫu, Đảng sâm, Phục linh, đều 10g, Xuyên bối mẫu, Cát cánh, đều 6g, Trần bì 5g, Cam thảo 3g, A giao. Sắc uống. (Tử Uyển Thang Gia Vị).
  • Trị ho khan không có đàm (Phế âm hư): Tử uyển 80g, Thục địa 400g, Ý dĩ 240g, Ngưu tất 120g, Địa cốt bì 80g, Khoản đông hoa 80g, Sinh địa 200g, Đan sâm 120g, Mạch môn 160g, Thán khương 24g, Mật ong 240g. Các vị thuốc sắc 2 nước lọc bỏ bã cô thành cao cho thêm bột mịn Phục linh 80g, bột Xuyên Bối mẫu 80g trộn với mật ong luyện thành cao. Mỗi lần uống 1 đến 2 muỗng Canh (10 – 20ml). (Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh).
  • Chữa Phế hư hỏa, ho suyễn, hoặc đờm có lẫn máu: A giao 60g, Tử uyển 12g, Mã đậu linh 20g, Ngưu bàng tử 10g, Chích thảo 6g, Hạnh nhân 7 hạt, Gạo nếp sao 40g. Tán bột mịn, mỗi lần uống 8g, hoặc sắc nước uống. Tác dụng: Dưỡng âm bổ Phế, chỉ khái huyết.

II. KIỂM NGHIỆM DƯỢC LIỆU

1. Vi phẫu

Mặt cắt ngang của rễ: tế bào biểu bì thường bị khô và đôi khi tróc ra, có chứa sắc tố đỏ hơi tía. Tế bào hạ bì xếp thành một hàng, kéo dài theo hướng tiếp tuyến, một số có chứa sắc tố đỏ hơi tía, thành tế bào bên và bên trong hơi dày lên. Vỏ rỗng, có những khoảng gian bào; trong vỏ có 4 – 6 ống tiết. Nội bì thấy rõ. Trung trụ nhỏ, gỗ hình đa giác, xếp xen kẽ các bó libe. Ở trung tâm thường là ruột.

Thân rễ: biểu bì mang lông tiết, rải rác trong vỏ có tế bào đá và tế bào mô cứng.

Các tế bào mô mềm của rễ và thân rễ có chứa inulin, đôi khi có chứa cụm calci oxalat.

2. Định tính

A. Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 20 ml nước, đun trong cách thủy ở 60 oC trong 10 phút, lọc nóng, để nguội. Lấy 2 ml dịch lọc vào ống nghiệm có nút mài, lắc mạnh trong 1 phút, sẽ xuất hiện bọt bền trong 10 phút.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)

Bản mỏng: Silica gel G 60 F254 dày 0,25 mm.

Dung môi khai triển: n-Hexan – ethylacetat (9 : 1)

Dung dịch thử: Lấy khoảng 2 g bột dược liệu, thêm 20 ml ether dầu hỏa (60 – 900) (TT), đun hồi lưu trên cách thủy trong 30 phút, lọc, để bay hơi dịch lọc còn khoảng 2 ml làm dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Lấy khoảng 2 g bột Tử uyển (mẫu chuẩn), chiết như dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai   triển xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng. Phun dung dịch vanilin 1% trong acid sulfuric (TT). Sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

3. Các chỉ tiêu đánh giá khác

  • Độ ẩm

Không quá 12%.( Phụ lục 9.6)

  • Tạp chất

Không quá 3% ( Phụ lục12.11)

  • Tro toàn phần

Không quá 15%.(Phụ lục 9.8)

  • Tro không tan trong acid

Không quá 8%. (Phụ lục 9.7)

  • Chất chiết được trong dược liệu

Không được ít hơn 15% tính theo dược liệu khô kiệt.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng 4,0 g dược liệu, chiết bằng ethanol 96% (TT), gộp các dịch chiết, cô trong cách thủy đến cắn. Sấy cắn ở 100 oC trong 1 giờ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

Quả Trám

Quả Trám kho cá, thịt rát ngon & là món quê của miền núi phía Bắc. Ngoài ra Trám còn là vị thuốc quý... Trám...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
5
minutes
cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
spot_img