Cây Rau Má – giống rau tự nhiên rất phổ biến ở nước ta và Rau Má có rât nhiều lợi ích cho sức khỏe, có thể ăn hàng ngày như là một vị thuốc…
Dược liệu Cây Rau Má
- Tên khoa học: Herba Centellae asiaticae
- Tên gọi khác: tinh tuyết thảo
- Tính vị, quy kinh: Đắng, cay, lạnh. Vào các kinh can, tỳ, thận.
4. Bộ phận dùng: toàn cây
5. Đặc điểm sản phẩm:
Dược liệu khô thường cuộn lại thành khối. Rễ dài 2 – 4 cm, mặt ngoài màu nâu vàng nhạt hoặc màu vàng xám. Thân dài nhỏ, cong queo, màu vàng nâu, có vân nhăn dọc, trên mấu thường thấy rễ. Phiến lá có nhiều vết nhăn rách, màu lục xám, cạnh có răng thô. Cuống lá dài 3 – 6 cm, cong queo. Mùi nhẹ, vị nhạt.
6. Phân bố vùng miền:
– Thế giới: vùng nhiệt đới Nam và Đông Nam Á, Nam Trung Quốc gồm cả đảo Hải Nam.
– Việt Nam: khắp cả nước
7. Thời gian thu hoạch: quanh năm
I. THÔNG TIN CHI TIẾT
1. Mô tả thực vật
Cây thảo nhỏ, cao 7-10 cm. Thân mảnh, mọc bò, có lông khi còn non, bén rẽ ở các mấu. Lá mọc so le, nhưng thường tụ họp 2 – 5 cái ở một mấu, phiến lá nhẵn, hình thận hoặc gần tròn, mép khía tai bèo; cuống lá mảnh, dài 3 – 5 cm, có khi đến 7 – 8 cm.
Cụm hoa gồm những tán đơn mọc riêng lẻ hoặc 2 – 5 cái ở kẽ lá, mỗi tán mang 1 – 5 hoa (thường là 3) màu trắng hoặc phớt đỏ, hoa giữa không có cuống; tổng bao có 2 – 3 mảnh hình trái xoan, lõm, dạng màng; cánh hoa hình tam giác hoặc trái xoan; nhị có chỉ nhị ngắn, bao phấn hình mắt chim; bầu hình cầu.
- Quả màu nâu đen, đỉnh lõm, có 7 – 9 cạnh lồi, nhẵn hoặc có lông nhỏ, có vân mạng.
- Mùa hoa quả : tháng 4-6.
2. Phân bố
- Thế giới: vùng nhiệt đới Nam và Đông Nam Á, Nam Trung Quốc gồm cả đảo Hải Nam.
- Việt Nam: khắp cả nước
3. Bộ phận dùng
- Toàn cây tươi hoặc phơi khô của cây Rau má (Centella asiatica Urb.), họ Hoa tán (Apiaceae).
4. Thu hái, chế biến và bảo quản
- Thu hái: Hái toàn cây, rửa sạch, loại bỏ tạp chất, dùng dược liệu tươi hoặc phơi khô, khi dùng cắt đoạn.
- Chế biến: phơi hay sấy khô
- Bảo quản: Để nơi khô.
5. Mô tả dược liệu Rau má
Rau má là loại cỏ mọc bò, có rễ ở các mấu. Lá hình mắt chim, khía tai bèo, rộng 2 – 4 cm, cuống lá dài 2 – 4 cm ở những nhánh mang hoa và 8 – 12 cm ở những nhánh thường. Cụm hoa ngắn, hình tán đơn, mọc ở nách lá, quả rủ mọc đôi, dẹt, tròn, rộng 3-5mm, có cạnh dọc nhô lên và vân lưới nhỏ rõ rệt, cuống quả rất ngắn.
Dược liệu khô thường cuộn lại thành khối. Rễ dài 2 – 4 cm, đường kính 1 – 1,5 mm; mặt ngoài màu nâu vàng nhạt hoặc màu vàng xám. Thân dài nhỏ, cong queo, màu vàng nâu, có vân nhăn dọc, trên mấu thường thấy rễ. Phiến lá có nhiều vết nhăn rách, đường kính 1 – 4 cm, màu lục xám, cạnh có răng thô. Cuống lá dài 3 – 6 cm, cong queo. Mùi nhẹ, vị nhạt.
6. Thành phần hóa học
Rau má chứa những hợp chất thuộc nhiều nhóm hóa học khác nhau
- Triterpen : Saponin triterpenic; asiaticosid (madecassol), madecassosid, irahmosid, brahminosid.
Ngoài ra, còn có thankunisid và isothankunisid. Khi thủy phân, thankunisid cho acid thankunic, glucose và rhamnose.
- Isothankunisid đem thủy phân sẽ cho acid isothankunic, glucose và rhamnose.
- Các acid triterpenic trong rau má là acid asiatic, acid brahmic, acid isobrahmic. (Trung thảo dược học II. 1976).
Rau má không được chứa dưới 2% triterpen ester glucosid (asiaticosid và madecassosid (WHO monographs on selected medicinal plants, vol. 1, 1999).
- Tinh dầu : Phần trên mặt đất của cây rau má mọc ở Malaysia có 41 thành phần, trong dó 80% là các sesquiterpen (thành phần chính) và 10% germacren – D (thành phần có nhiều).
Cây rau má mọc ở Srilanca chứa tinh dầu; trong đó có α – copaen 14%, β-caryophylen 12%, trans- β- famesen 53% và α -humulen 9%. (Prosea 12 (1), 1991).
- Các hợp chất polyacetylen: Rau má có 14 chất polyacetylen, trong dó 5 chất đã được nhận dạng là pentadeca -2,9- dien – 4,6 – diyn – 1 -ol acetat; 3, 8 – diacetoxypentadeca – 1,9 – dien – 4, 6 – diyn ; 3 – hydroxy – 8 – acetoxy – pentadeca – 1,9 – dien – 4,6 – diyn ; 3 – hydroxy – 10 – acetoxy – pentadeca – 1,8 – dien – 4,6 – diyn và pentadeca -1,8 – dien – 4,6 – diyn – 3,10 – diol (W. Tang và cs, 1992).
- Flavonoid: Các Flavonoid gồm kaempferol, quercetin, 3 – glucosyl quercetin, 3 – glucosyl – kaempferol (Trung dược từ hải I, 1993 ; vv. Tang và cs, 1992).
- Steroid: Các hợp chất steroid gồm β-sitosterol, stigmasterol và campestrol.
- Dầu béo: Các glycerid của các acid oleic, linoleic, lignoceric, palmitic, stearic, linolenic, elaidic.
- Acid amin: Acid glutamic, serin, alanin.
- Các nhóm thành phần khác: Tanin, carotenoid, vitamin c, alcaloid (hydro cotylin), oligosaccharid (centelose).
7. Công dụng – Tác dụng
- Tác dụng: Thanh nhiệt trừ thấp, giải độc, tiêu sưng.
- Công dụng: Chủ trị: Hoàng đản thấp nhiệt, tiêu chảy, thổ huyết, chảy máu cam, nhọt độc sưng.
9. Cách dùng và liều dùng
- Ngày dùng 30 – 40 g Rau má tươi, vò nát, lấy nước hoặc sắc uống. Dùng dược liệu khô, ngày 15 – 30 g. Dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài: Dùng dược liệu tươi, giã nát, đắp chữa vết thương do ngã, gãy xương, bong gân và làm tan ung nhọt, lượng thích hợp.
10. Lưu ý, kiêng kị
….
Một số bài thuốc từ cây Rau Má
Chè giải nhiệt:
- Rau má 15,3%, vỏ đậu xanh 15,3%, bạch biển đậu 15,3%, mạch môn đông 15,3%, sinh địa 9,18%, sa sâm 7,65%, lá tre 7,65%, cát căn 7,65%, cam thảo 4,6%, bạch chỉ 2,29%. Hãm uống trong ngày.
Chữa bệnh ngoài da thể phong nhiệt: chàm khô, tổ đỉa khô, á sừng, viêm da thần kinh, viêm nang lông và vảy nến thể khô:
- Rau má 16g; chi tử, huyền sâm, thiên môn, đậu đen, ngưu tất, thạch cao, mỗi vị 20g; hoài sơn, lá dâu, mỗi vị 16g; hoàng liên 8g; thiền thoái 6g. sắc uống ngày một thang.
- Thuốc xông, ngâm, bôi, chườm : Rau má 16g; khổ sâm nam, quyết minh tử, hoàng đằng, mỗi vị 20g; hà thủ ô, cỏ mực, mỗi vị 16g; kinh giới, phèn chua, mỗi vị 12g.
Chữa tiêu chảy cấp tính:
- Rau má sao vàng 10g; biển đậu 12g; hoắc hương, hương phụ, hạt mã đề, mỗi vị 8g; sa nhân 3g; gừng 2g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa viêm loét dạ dày tá tràng:
- Rau má 12g; đảng sâm 16g; hoài sơn, ý dĩ, hà thủ ô, huyết dụ, kê huyết đằng, cam thảo dây, đỗ đen sao, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa viêm bàng quang cấp tính:
- Rau má 12g; bồ công anh 20g; mã đề 16g; thài lài tía, chi tử, râu ngô, cam thảo dây, mộc thông, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa vàng da:
- Rau má 100g; nhân trần hoặc bồ bồ, chi tử, mỗi vị 30g; vàng đắng 3g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa thiếu máu:
- Rau má, đảng sâm, ngải cứu, củ mài, mạch nha, cỏ nhọ nồi, huyết dụ, hoàng tinh, mỗi vị 20g; gừng 4g. sắc uống ngày một thang, hoặc làm viên uống mỗi ngày 20g.
Chữa đau bụng, tiêu chảy, lỵ, tiểu tiện đục, sỏi thận, sỏi bàng quang:
- Rau má (cả dây và lá) rửa sạch, giã nhỏ, lọc lấy nước hòa thêm ít đường mà uống. Có thể nhai sống rau với ít muối hoặc luộc ăn như rau. Ngày 30 – 40g.
Chữa đau bụng kinh, đau lưng:
- Rau má hái lúc ra hoa, phơi khô tán nhỏ. Ngày uống một lần, 2 thìa cà phê vào buổi sáng.
- Rau má khô (200g), nhân hạt đào (200 hạt, bỏ vỏ và đầu nhọn), đều tán nhỏ, viên với mật như hạt ngô. Mỗi sáng uống 30 viên với rượu. Ngày uống 2 lần, kiêng xoa bóp.
Chữa rôm sảy, mẩn ngứa:
- Hàng ngày ăn rau má trộn dầu giấm, hoặc rau má giã nát vắt lấy nước thêm đường để uống.
Chữa cảm sốt, khát nước, nhức đầu, đái đỏ; trẻ em gầy khô, da nóng, không chịu ăn, hoặc nổi mẩn ngứa, đơn sưng; phụ nữ có thai kém ăn, đau bụng, táo bón:
- Rau má, rau sam, mỗi thứ 50g, giã nhỏ, thêm một chén nước nguội, chắt lấy nước cốt uống.
- Rau má, rau sam, sắn dây, mỗi vị 30g, sắc uống.
Chữa liệt nửa người và câm sau khi bị sốt ở trẻ em:
- Rau má 10g, đảng sâm 8g, thổ phục linh 8g, bạch giới tử 8g, bạch truật 6g, bạch biển đậu 6g, đương quy 6g, bạch thược 6g, cam thảo 4g, sa nhân 4g, trần bì 4g, thạch xương bồ 4g. sắc uống.
Bài thuốc chống lão suy:
- Rau má 500g; lá dâu non, mật ong, mỗi vị 250g; vừng đen (rang thơm), rễ ngưu tất, rễ ba kích, mỗi vị 150g; rễ hà thủ ô trắng 100g; đường 100g. Các dược liệu phơi khô, tán nhỏ cùng với vừng đen, rây bột mịn, trộn với đường và mật ong, làm thành 100 viên. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 1 – 2 viên.
Rau má ngoài là dược liệu tốt chữa được nhiều bệnh hàng ngày. Rau má còn là một thực phẩm, một loại rau mát lành có thể dùng làm rau sống, nấu canh ngon mát ngày hè