Dược liệu: Câu Kỷ Tử
- Tên khoa học: Fructus Lycii.
- Tên gọi khác: Kỷ tử, Câu khởi, Khởi tử, Địa cốt tử, Khủ khởi.
- Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, tính bình. Quy vào các kinh phế, can, thận.
- Bộ phận dùng: Quả chín phơi khô.
- Đặc điểm sản phẩm: Quả chín có màu đỏ sẫm hoặc vàng đỏ, trong có nhiều hạt, hình thân dẹt.
- Phân bố vùng miền: Trung Quốc
- Thời gian thu hoạch: Mùa Hạ và mùa Thu khi quả đã chuyển màu đỏ vàng.
I. THÔNG TIN CHI TIẾT:
1. Mô tả thực vật:
Câu kỷ tử danh pháp khoa học Fructus Lycii, có nguồn gốc từ châu Á. Đây là dạng cây bụi, mọc đứng, phân cành nhiều, cao 50-150 cm khi trồng chậu, tuổi thọ kéo dài 10-15 năm
Kỷ tử là loại thảo dược bổ huyết hàng đầu, được người xưa coi là linh đan diệu dược. Từ nghìn năm trước, loại cây này đã được các thiền sư tây tạng sử dụng như một thảo dược chữa bách bệnh và là loại thực phẩm quý giá. Chính vì thế câu kỷ tử còn được mệnh danh là sâm tây tạng.
Hoa câu kỷ tử có màu tím rất đẹp, nở rộ từ tháng 6 đến tháng 9 và kết trái từ tháng 7 đến tháng 10. Khi chín, quả câu kỷ tử đỏ mọng, có vị hơi chua. Ngoài việc được phơi khô làm thuốc, quả câu kỷ tử còn có thể dùng tươi, pha trà,…
2. Phân bố:
- Cây này có trồng ở nước ta, vị thuốc phải nhập từ Trung Quốc.
3. Bộ phận dùng:
- Quả chín phơi khô.
4. Thu hái, chế biến và bảo quản:
- Thu hái: Vào mùa Hạ và mùa Thu khi quả đã chuyển màu đỏ vàng.
- Chế biến: Quả thường dùng sống, hoặc tẩm rượu sao, đem sắc ngay hoặc sấy nhẹ (dưới 50 oC) đến khô giòn, tán bột hoặc phun rượu cho quả trở nên đỏ tươi, khi dùng giã nát.
- Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát.
5. Mô tả dược liệu kỷ tử
- Quả hình trứng dài hay trái xoan, hai đầu hơi lõm, dài 6 – 20mm, đường kính 3 – 10mm. Mặt ngoài màu đỏ cam, mềm, bóng, thường nhăn nheo.
- Gốc quả có vết cuống quả màu trắng còn sót lại, đỉnh quả có điểm nhỏ hơi nhô lên. Quả có nhiều hạt nhò hình thận dẹt, hai mặt hơi cong phồng hoặc có một mặt lõm.
- Hạt màu vàng nâu có nội nhũ, rốn hạt là một điểm lõm nhỏ ở mép hạt.
- Chất mềm, vị ngọt hơi chua.
6. Thành phần hóa học:
- Quả chứa betain, 8 – 10% acid amin trong đó chừng một nửa ở dạng tự do, acid ascorbic (vitamin C), caroten, thiamin, riboflavin, acid nicotinic, tinh dầu và các nguyên tố vi lượng như phospho, canxi, sắt.
- Vỏ rễ chứa một alcaloid gọi là kukoamin và một dipeptid gọi lyciumamid (N-benzoyl- L- phenylalanyl – L – phenylalaninol acetat).
7. Công dụng – Tác dụng:
- Tác dụng: Dưỡng can, minh mục, bổ thận, ích tinh, nhuận phế.
- Công dụng: Thuốc bổ, chữa ho lao, đau lưng mỏi gối, di tinh, mắt ra nhiều nước, mắt mờ, tiểu đường.
8.Cách dùng và liều dùng:
- Ngày dùng 4 – 10g, dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
9. Lưu ý, kiêng kị:
- Tỳ vị hư yếu, đại tiện sống phân hoặc phân lỏng không nên dùng.
Một số bài thuốc từ cây Dược liệu Câu Kỷ Tử
- Trị mắt đỏ, mắt sinh mộc thịt: Câu kỷ giã nát lấy nước, điểm 3-4 lần vào khóe mắt, rất hiệu nghiệm (Trửu Hậu Phương).
- Trị mặt nám, da mặt sần sùi: Câu kỷ 10 cân, Sinh địa 3 cân, tán bột, uống 1 muỗng với rượu nóng, ngày uống 3 lần, uống lâu da đẹp như con nít (Thánh Huệ Phương).
- Trị chảy nước mắt do Can hư: Câu kỷ tử 960g bọc trong túi lụa ngâm trong rượu, đậy thật kín, 21 ngày sau uống (Long Mộc Luận).
- Trị Can Thận âm hư, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, mắt mờ, hoa mắt, hoặc đau rít sáp trong mắt: Câu kỷ tử, Cúc hoa mỗi thứ 12g, Thục địa 16g, Sơn dược mỗi thứ 8g, Phục linh, Đơn bì, Trạch tả mỗi thứ 6g. Tán bột trộn làm viên. Mỗi lần uống 12g ngày 2 lần, với nước muối nhạt (Kỷ Cúc Địa Hoàng Hoàn – Cảnh Nhạc Toàn Thư).
- Trị suy nhược vào mùa hè, không chịu nổi với thời tiết: Câu kỷ tử, Ngũ vị tử, tán bột pha nước sôi uống thay trà (Nhiếp Sinh Chúng Diệu Phương).
- Trị suy nhược, thận hư, hoa mắt, mắt mộng thịt: Cam câu kỷ tử 1 cân, ngâm cho thấm với rượu ngon rồi chia làm 4 phần, 1 phần sao với 40g Thục tiêu, 1 phần sao với 40g Tiểu hồi hương, 1 phần sao với 40g Chi ma (mè), 1 phần sao với Câu kỷ không thôi. Thêm Thục địa, Bạch truật, Bạch phục linh mỗi thứ 40g, tán bột, luyện mật làm viên uống hằng ngày (Tứ Thần Hoàn – Thụy Trúc Đường Kinh Nghiệm Phương).
- Trị gan viêm mạn tính, gan xơ do âm hư: Bắc sa sâm 12g, Mạch môn 12g, Đương quy 12g, Kỷ tử 12-24g, Sinh địa 24-40g, Xuyên luyện tử 6g, sắc nước uống (Nhất Quán Tiễn – Liễu Châu Y Thoại)
- Trị suy nhược, thận hư, lưng đau, gối mỏi, di tinh, huyết trắng nhiều: Thục địa 320g, Sơn dược (sao) 160g, Câu kỷ tử 160g, Sơn thù nhục 160g, Ngưu tất 120g, Thỏ ty tử 160g, Lộc giao (sao) 160g, Quy bản (sao) 160g, tán bột, trộn mật làm hoàn. Mỗi lần uống 12-16g, ngày 2-3 lần (Tả Quy Hoàn – Cảnh Nhạc Toàn Thư).
- Trị hoa mắt, thị lực giảm sút, cườm mắt tuổi gìa, thủy tinh thể dục: Thục địa 320g, Sơn thù 1690, Sơn dược 160g, Đơn bì 80g, Trạch tả 80g, Phục linh 80g, Cúc hoa 120g, Câu kỷ tử 120g. Tán bột, trộn với mật làm hoàn, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10-12g (Kỷ Cúc Địa Hoàng Hoàn – Y Cấp) .
- Câu kỷ tử, Thục địa, Ngũ vị tử, Mạch môn đông, Địa cốt bì, Thanh hoa, Miết giáp, Ngưu tất trị âm hư lao nhiệt nóng bức rứt âm ỉ trong xương, hoặc muốn dùng làm thuốc chính để trị phát sốt, lạnh thì thêm Thiên môn đông, Bách bộ, Tỳ bà diệp, có thể trị được cả chứng ho do âm hư, phế nhiệt (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Câu kỷ tử, hái những quả chín đỏ hằng ngày, tẩm giấm, rượu,rồi lấy giấy sáp phong niêm kín lại đừng làm cho bay hơi đủ hai tháng đổ vào chậu khuấy nhừ nát lọc lấy nước rồi ngâm với rượu. Sau đó cho vào nồi bạc nấu lửa liu riu nhỏ, đồng thời quấy luôn để khỏi dính và đều cho tới khi thành cao như Mạch nha, cuối cùng bỏ vào bình sạch đậy kỹ, mỗi buổi sáng uống mỗi lần 2 muỗng canh lớn, trước khi đi ngủ, liên tục trong 100 ngày mới thấy mạnh khỏe (Kim Tủy Tiễn – Kinh Nghiệm Phương).
- Trị hoa mắt, thị lực giảm sút, cườm mắt tuổi gìa, thủy tinh thể dục: Cúc hoa 8g, Kỷ tử 20g, Nhục thung dung 12g, Ba kích thiên 8g, sắc nước uống (Cúc Thanh Thang – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Trị nam giới sinh dục suy yếu (vô sinh): Mỗi tối nhai 15g Câu kỷ tử, liên tục 1 tháng, thường sau khi tinh dịch trở lại bình thường, uống thêm 1 tháng. Trong thời gian uống thuốc, kiêng phòng dục. Đã trị 42 ca, sau 1 liệu trình: hồi phục bình thường 23 ca, sau 2 tháng bình thường 10 ca, có 6 ca không có kết quả vì không có tinh trùng, 3 ca không kết quả, theo dõi sau 2 năm, tinh dịch trở lại bình thường, 3 ca đã có con (Đông Đức Vệ và cộng sự, ‘Kỷ Tử Trị Vô Sinh Nam Giới’, Tân Trung Tạp Chí 1987, 2: 92).
- Trị dạ dày, viêm teo mạn tính: Dùng Kỷ tử rửa sạch, sao khô, giã nát, đóng gói. Mỗi ngày uống 20g, chia làm 2 lần lúc bụng đói và nhai uống, 2 tháng là một liệu trình. Trong thời gian uống thuốc, ngưng tất cả các loại thuốc khác. Đã trị 20 ca, theo dõi 2- 4 tháng, có kết quả tốt 15 ca, có kết quả 5 ca (Trần Thiệu Dung và cộng sự, ‘Báo Cáo 20 Ca dạ Dày Viêm Teo Mạn Tính Điều Trị Bằng Câu Kỷ Tử,’ Trung Y Tạp Chí 1987, 2: 92).
- Trị thận hư, tinh thiếu, lưng đau, vùng thắt lưng đau mỏi: Câu kỷ tử, Hoàng tinh, 2 vị bằng nhau, tán bột, luyện mật làm viên, mỗi lần 12g, ngày uống 2 lần với nước nóng (Câu Kỷ Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)..
- Trị Can hư sinh ra bệnh ở mắt, ra gió chảy nước mắt: Câu kỷ tử, dùng rượu ngâm sau 3-7 ngày, mỗi lần uống 1-2 muỗng canh, ngày 2 lần (Câu Kỷ Tửu – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
- Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
- Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006
Huyền thoại về Câu Kỷ Tử
Chuyện kể rằng: vào đời Đường (Trung Quốc), tể tướng Phương Huyền Linh do giúp Đường Thái Tông Lý Thế Dân cai quản triều chính nên phải suy nghĩ căng thẳng, khiến cả tinh thần lẫn thể chất suy kiệt. Tể tướng được quan Thái y cho dùng món canh kỷ tử nấu với ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) thường xuyên nên sức khỏe dần phục hồi, tinh thần tráng kiện.
Câu kỷ tử còn được gọi là “Minh mục tử” do có tác dụng làm sáng mắt. Chuyện xưa kể rằng: ở Ninh An, tỉnh Ninh Hạ, Trung Quốc, có người vợ khóc chồng nên mù cả hai mắt. Để chữa bệnh cho mẹ, con gái tên là Câu Hồng Quả đã ngày đêm leo đèo, lội suối để tìm thuốc. Cảm tấm lòng hiếu thảo của cô gái, tiên ông Bạch Hổ Tử đã chỉ cô hái thuốc câu kỷ tử cho mẹ cô uống.Sau thời gian uống thuốc, mắt của mẹ cô gái sáng trở lại một cách thần kỳ.
Huyền thoại về cây thuốc thường được dựa trên công dụng thực chữa bệnh của nó. Thực tế, câu kỷ tử vị ngọt, tính bình, vào ba kinh Can, Thận và Phế; có công dụng tư bổ Can, Thận, dưỡng huyết minh mục và nhuận phế; thường dùng để chữa can thận âm suy, lưng gối yếu mỏi, đầu choáng mắt hoa, mắt nhìn không rõ, di tinh, vô sinh…
Can có chức năng tàng huyết, chủ về cân, khai khiếu ở mắt; Thận tàng tinh, chủ về xương, khai khiếu ở tai. Hai cơ quan này đều nằm ở phần dưới của cơ thể (hạ tiêu), có chức năng tương hỗ lẫn nhau, “Ất quý đồng nguyên, Can Thận đồng trị”, tinh huyết hỗ sinh.
Nếu Can Thận âm hư, tinh và huyết đều thiếu nên không thể nuôi dưỡng mắt đầy đủ được mà phát sinh chứng trạng hoa mắt, mắt mờ, thị lực giảm sút… Kỷ tử là vị thuốc vào được cả kinh Can và Thận, một mặt bổ ích Thận tinh, một mặt bổ dưỡng Can huyết nên có thể chữa được các chứng bệnh như đầu choáng mắt hoa, nhìn mờ, tai ù, điếc, lưng đau gối mỏi… và đặc biệt là chữa được di tinh, liệt dương dùng trong hiếm muộn, vô sinh.
Trên thực tế, từ lâu, câu kỷ tử đã được dùng chữa thị lực suy giảm. Một số nghiên cứu cho thấy, câu kỷ tử có khả năng rút ngắn thời gian thích nghi của mắt với bóng tối, nó cũng cải thiện thị lực trong ánh sáng mờ. Những dấu đốm làm mù mắt bị giảm khi dùng câu kỷ tử.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, câu kỷ tử là một trong những vị thuốc có tác dụng dược lý rất phong phú:
Câu kỷ tử có tác dụng tăng cường miễn dịch, xúc tiến quá trình tạo máu, giảm mỡ máu, chống tích đọng mỡ ở tế bào gan, chống oxy hóa và kiềm chế quá trình lão suy.
Câu kỷ tử bảo vệ tế bào gan, ức chế sự lắng đọng chất mỡ trong gan, thúc đẩy quá trình tái sinh của tế bào gan; điều chỉnh rối loạn lipid máu, làm hạ và làm chậm sự hình thành các mảng vữa xơ trong huyết quản. Câu kỷ tử có một chất độc đáo là cerebroside để bảo vệ tế bào gan chống lại độc tố, ngay cả loại độc tố mạnh như chlorinated hydrocarbons. Câu kỷ tử là một chất sinh sản và tái tạo ra máu…