Chi Tử – Dành Dành

Chi tử / Dành dành là cây mọc hoang hoặc được trồng làm cây cảnh. Quả Dành dành còn là dược liệu chữa bệnh

Dược liệu: Dành Dành

  1. Tên khoa học: Gardenia augusta (L.) Merr.
  2. Tên gọi khác: Chi tử, Dành Dành
  3. Tính vị, quy kinh: Vị đắng, tính hàn. Quy kinh tâm, phế, tam tiêu.
  4. Bộ phận dùng: Quả chín phơi hay sấy khô của cây Dành dành.
  5. Đặc điểm sản phẩm: Quả hình thoi hoặc hình trứng hẹp, dài 2 – 4,5cm, đường kính 1 – 2cm, màu vàng cam đến đỏ nâu, có khi nâu xám đến đỏ xám, hơi bóng, có 5 – 8 đường gờ chạy dọc quả, giữa 2 gờ là rãnh rõ rệt. Đỉnh quả lõm có 5 – 8 lá đài tồn tại, thường bị gãy cụt. Gốc quả hẹp, còn có vết cuống quả. Vỏ quả mỏng, giòn, hơi bóng. Vỏ quả giữa màu vàng đục, dày hơn. Vỏ quả trong màu vàng ngà, bóng, rất mỏng, có 2 – 3 vách ngăn giả. Hạt nhỏ, màu vàng cam, nâu đỏ hoặc nâu đen nhạt, mặt vỏ hạt có rất nhiều hạt mịn. Mùi nhẹ. Vị hơi chua và đắng.
  6. Phân bố vùng miền: Cây mọc hoang và được trồng làm cảnh.
  7. Thời gian thu hoạch: Tháng 9 – 11.

I. THÔNG TIN CHI TIẾT:

1. Mô tả thực vật:

Cây nhỏ cao hơn 1m, phân nhánh nhiều. Lá mọc đối hay mọc vòng 3 chiếc một, nhẵn bóng, có lá kèm rõ. Hoa màu trắng, thơm, quả hình thoi có 5 cạnh lồi, thịt quả màu vàng cam. Cây mọc hoang và được trồng làm cảnh. Trồng bằng cành hoặc bằng hạt.

Dành Dành
Dành Dành ra hoa

2. Phân bố:

  • Việt Nam: Cây mọc hoang và được trồng làm cảnh.

3. Bộ phận dùng:

  • Quả chín phơi hay sấy khô của cây Dành dành.

4. Thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Thu hái: Thu hoạch vào tháng 9 – 11, hái lấy quả chín chuyển màu vàng đỏ, ngắt bỏ cuống quả và loại tạp, đồ hoặc luộc đến khi hạt hơi phồng lên, lấy ra bỏ vỏ lấy hạt đem phơi hoặc sấy khô. Trước khi dùng tiến hành phức chế.
  • Chế biến: Chi tử sao vàng: lấy hạt sạch, sao lửa nhỏ đến màu nâu vàng, lấy ra để nguội. Chi tử sao xém (Tiêu chi tử): Lấy hạt sạch, dùng lửa vừa sao đến khi mặt ngoài dược liệu vàng xém, mặt bẻ màu thẫm là được, lấy ra để nguội. Khi sao xém dược liệu dễ cháy, có thể phun một ít nước, lấy ra phơi hoặc sấy khô.
  • Bảo quản: Để nơi khô ráo, thoáng, tránh mốc mọt.

5. Mô tả dược liệu Chi Tử

Quả hình thoi hoặc hình trứng hẹp, dài 2 – 4,5cm, đường kính 1 – 2cm, màu vàng cam đến đỏ nâu, có khi nâu xám đến đỏ xám, hơi bóng, có 5 – 8 đường gờ chạy dọc quả, giữa 2 gờ là rãnh rõ rệt. Đỉnh quả lõm có 5 – 8 lá đài tồn tại, thường bị gẫy cụt. Gốc quả hẹp, còn có vết cuống quả. Vỏ quả mỏng, giòn, hơi bóng.

quả dành dành khô

Vỏ quả giữa màu vàng đục, dày hơn. Vỏ quả trong màu vàng ngà, bóng, rất mỏng, có 2 – 3 vách ngăn giả. Hạt nhỏ, màu vàng cam, nâu đỏ hoặc nâu đen nhạt, mặt vỏ hạt có rất nhiều hạt mịn. Mùi nhẹ. Vị hơi chua và đắng.

chi tử
Mô tả dược liệu Chi Tử

6. Thành phần hóa học:

Các iridoid glycosid: gardosid, scanzhisid, scandozit methyl ester, desacetyl asperulosid acid methylester, gardenosid (công thức xem phần đại cương).

Ngoài các iridoid glycosid nói trên, trong quả dành dành còn có acid picrocinic cũng là một loại monoterpenoid glycosid khác.

Trong quả Dành dành và nhiều cây thuộc chi Gardenia người ta đã phân lập được sắc tố màu đỏ gạch: a-crocetin là một carotenoid carboxylic acid. Ở trong cây sắc tố này tồn tại dưới dạng pseudoglycosid: a-crocin (= a-crocetin digentibiosid), kết tinh hình kim màu đỏ nâu, có cực đại hấp thu ở 464 và 434nm, dễ  tan trong nước nóng, khó tan trong dung môi hữu cơ. Trong quả dành dành còn có monacosan, b-sitosterol, D-manitol. (trong loài Gardenia lucida có 5 chất flavonoid thuộc nhóm flavon đã được phân lập và xác định cấu trúc gồm: gardenin A, B, C, D, E ).

7. Công dụng – Tác dụng:

  •  Tác dụng: Thanh nhiệt, tả hỏa, lợi tiếu tiện, cầm máu.
  • Công dụng: Trị tâm phiền rạo rực, hoàng đản, bệnh về bộ máy tiết niệu, thổ huyết, chảy máu cam, lỵ ra máu, hư phiền không ngủ.

8. Cách dùng và liều dùng:

  • Ngày dùng 6 – 9g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài Sinh chi tử lượng thích hợp, bôi, đắp.

9. Lưu ý, kiêng kị:

  • Người suy nhược, tỳ vị hư hàn, tiêu hóa kém , ỉa chảy không nên dùng.

Một số bài thuốc từ Cây Dược liệu Chi Tử / Dành Dành

Trị chứng thấp nhiệt hoàng đản (bệnh viêm gan virus cấp): sách Y học cổ truyền qua các triều đại đều có ghi vị Chi tử chữa chứng Hoàng đản là chủ dược. Thường phối hợp với Nhân trần, Mật gấu tác dụng chữa Hoàng đản càng nhanh. Bài thuốc thường dùng: Nhân trần cao thang ( Nhân trần cao 18 – 24g, Chi tử 8 -16g, Đại hoàng 4 – 8g), sắc nước uống, thường gia giảm tùy tình hình bệnh lý.

chi tử
Dành Dành ra quả

Trị các chứng viêm nhiễm khác như: Hội chứng cam nhiệt ( mắt đỏ sưng đau, chảy nước mắt, mồm khô đắng, ngủ không yên, bứt rứt). Ví dụ chữa viêm màng tiếp hợp cấp lưu hành dùng bài: Chi tử 12g, Cúc hoa 12g, Cam thảo 4g, sắc nước uống. Chữa viêm bể thận, viêm đường tiểu dùng Chi tử 12g, Cam thảo tiêu 12g, sắc nước uống lợi tiểu.

Trị các chứng huyết nhiệt sinh chảy máu: như ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, huyết lâm ( tiểu ra máu), đại tiện có máu : dùng Chi tử kết hợp với các loại thuốc lương huyết chỉ huyết như dùng bài Lương huyết thang gồm Chi tử 16g, Hoàng cầm 12g, Bạch mao căn 20g, Tri mẫu 12g, Cát cánh 8g, Cam thảo 4g, Trắc bá diệp 12g, Xích thược 12g,sắc nước uống. Chữa ho ra máu dùng bài Khái huyết phương (Đan khê tâm pháp) gồm Hắc chi tử 12g, bột Thanh đại 4g ( hòa thuốc uống), Qua lâu nhân 16g, Hải phù thạch 12g, Kha tử 3g, sắc uống.

Trị bỏng nhiễm trùng, sốt bứt rứt, khát nước ..: dùng Chi tử kết hợp Hoàng bá, Sinh địa, Liên kiều để thanh nhiệt giải độc như bài Gia vị tứ thuận thanh lương ẩm gồm Sinh Chi tử 12g, Liên kiều 20g, Phòng phong 12g, Đương quy 24g, Xích thược 12g, Khương hoạt 8g, Sinh Cam thảo 12g, Sinh Hoàng kỳ 40 – 60g, Sinh địa 20g, Hoàng bá 12g sắc uống.

Trị chấn thương bong gân: dùng Chi tử sống tán bột trộn với bột mì, lòng trắng trứng gà trộn đều đắp vùng bị thương. Hoặc trong bệnh trĩ nóng đau dùng bột Chi tử đốt cháy đen trộn vaselin bôi vào có tác dụng giảm đau.

Trị chảy máu cam: có thể dùng Chi tử đốt thành than thổi vào mũi.

quả dành dành
Qủa dành dành chữa bệnh
  • Trị viêm gan, vàng da, vàng mắt: Nhân trần 24g, chi tử 12g, nước 600ml, sắc còn 100ml, thêm đường vừa đủ, chia 3 lần uống trong ngày.
  • Chữa bỏng do nước: Chi tử đốt thành than, hòa với lòng trắng trứng gà bôi lên nơi bỏng.
  • Chữa trẻ con sốt nóng, bỏ ăn: Chi tử 7 quả, đậu sị 20g, thêm 400ml nước sắc còn 200ml, chia 3-4 lần uống trong ngày
  • Đổ máu cam: Chi tử đốt ra than, bôi vào mũi.
  • Dành dành còn dùng giã nát đắp lên mắt đỏ, đau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  • Bộ y tế, Giáo trình Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản y học, 2006
  • Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam IV, 2010
  • Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, 2006
  • Viện Dược Liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật, 2006

Tham khảo thêm

cây ba kích

Ba Kích

Ba kích tính hơi ôn, vị cay, ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công hiệu ấm thận dương, khỏe gân cốt, chống viêm,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
12
minutes
Hòe Hoa

Hòe Hoa

Hoa Hòe nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn. Hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hòe hoa thanh nhiệt,...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
14
minutes
mang tang

Màng Tang

Dược liệu Màng Tang Tên khoa học: Litsea cubeba Tên gọi khác: Tính vị, quy kinh: vị cay, đắng, tính ấm Bộ phận dùng:...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
8
minutes
sam vu diep

Sâm Vũ Điệp

Sâm vũ điệp hay còn gọi tam thất xẻ lá là giống sâm hoang tự nhiên, có tác dụng tốt cho sức khỏe; nâng...
Từ Điển Dược Liệu & Cây Thuốc
4
minutes
spot_img